Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Tôi phê bình Bộ chính trị: Chủ tịch Trương Tấn Sang


Hình
 

Vì không ai được biết Bộ chính trị phê bình những cái gì, tự phê bình như thế nào nên tôi tiếp tục loạt bài viết “tôi phê bình Bộ chính trị”. Hôm nay tôi phê bình Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang.
 
truongtansang_png.png
 

Vào Đảng năm 1970, ông Trương Tấn Sang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1991, 1992 làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1996 được bầu vào Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là thời kỳ đổi mới.


Thời kỳ này Sài gòn phát triển mạnh về kinh tế, một phần nhờ vào sự năng động của người dân có nề nếp từ chế độ tự do nay được dịp nới lỏng bung ra kiếm sống, ngoại quốc đầu tư vào Sài gòn vì Hà nội lúc đó còn dị ứng do ảnh hưởng của hơn 40 năm giáo điều, và cũng nhờ ông Trương Tấn Sang có một bộ sậu miền nam vốn được xem là cởi mở, sẳn sàng phá rào về kinh tế, lại được sự hậu thuẫn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thành quả có được cũng nhờ ông Trương Tấn Sang cởi mở về kinh tế mặc dù ông rất kinh điển về chính trị.


Sự thành công về kinh tế của ông Trương Tấn Sang cũng có kẻ ganh tỵ, cùng với việc Mafia Năm Cam lộng hành bị tử hình đã làm cho ông bị “đá lên” năm 2000 với chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương để (điệu hổ ly sơn, theo lời đồn đại thời đó) điệu ông về Hà nội, sát nách Trung ương và để ông không còn nắm trực tiếp kinh tế ở Thành phố.

Năm 2003, tại Hội nghị Trung Ương 7 khóa IX, ông Trương Tấn Sang bị kỉ luật khiển trách ” vì chưa làm tròn trách nhiệm chỉ đạo điều tra ngăn chặn hoạt động của Năm Cam và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ.”
Kỉ luật khiển trách không ảnh hưởng đến con đường thăng tiến của ông. Năm 2006, ông lên chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Với một quá trình 20 năm (từ năm 1991) là thành viên Ban chấp hành trung ương, 15 năm (từ năm 1996) trong Bộ chính trị, đáng lẽ ông Trương Tấn Sang phải là Tổng bí thư, hoặc Thủ tướng chính phủ, tuy nhiên ông chỉ được chức Chủ tịch nước là nơi ít quyền, ít tiền nhất. Nếu không có sự xáo trộn ở Đại hội giữa nhiệm kỳ thì cuộc đời chính trị của ông theo lệ, sẽ chấm dứt với chức vụ này và hạ cánh.

Chủ tịch Trương Tấn Sang có nhiều tuyên bố về tham nhũng dùng những hình ảnh dân dã như “con sâu”, “bầy sâu” nhưng chưa bao giờ thấy ông chỉ mặt “con sâu”.

Ông cũng nhiều lần tuyên bố giữ vững chủ quyền biển đảo nhưng chưa bao giờ dám chỉ đích danh Trung Quốc lấn biển, chiếm Hoàng Sa, đang lấn gặm Trường Sa, chưa bao giờ bảo vệ những người biểu tình yêu nước, chứng kiến công an đạp vào mặt người biểu tình yêu nước mà không xốn xang như đạp vào mặt chính mình để lên tiếng.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 20 tại Vladivostok hôm nay (7/9), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có cuộc gặp song phương với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Chủ tịch khẳng định “Không để Biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt-Trung”. Người ta đặt câu hỏi kẻ cướp và người bị cướp làm sao không giận hờn nhau? Trừ khi người bị cướp xem của bị cướp không đáng vào đâu, ngư dân bị cướp trên biển đảo cha ông không phải là ruột thịt của mình nên không biết đau, biết giận. Trừ khi những liệt sĩ đã ngã khụy trên biển để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 hay đảo Gạc Ma năm 1988 không phải là một phần máu thịt của mình, không tạo được giận hờn chua xót nên không ảnh hưởng đến bất cứ cái gì.

Phát biểu với các sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM nhân dịp Quốc khánh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại dùng ngữ thuật rất kêu “chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc”.

Người ta lại tự hỏi “yếu kém, khuyết điểm” phải trầm trọng đến như thế nào để biến sự hổ thẹn thành văn hóa từ chức, hoặc ít nhất ngừng nói những lời kiêu ngạo: “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Đảng luôn luôn sáng suốt, Nhân dân một lòng theo Đảng…”.

“Nhân dân một lòng theo Đảng” với những “yếu kém, khuyết điểm” chết người “đã cản trở bước đi lên của dân tộc” như thế thì “nhân dân” là những con cừu hay sao? “hổ thẹn” ở đâu để có những khẳng định kiêu căng đến thế!
Tôi phê bình Chủ tịch Trương Tấn Sang:về tham nhũng, nói nhiều nhưng không làm gì.

“Tôi nghe khá nhiều dư luận về một số trường hợp cán bộ có thu nhập bất thường, sang tận Singapore mua hết biệt thự này đến biệt thự kia, nhưng cũng chưa có điều kiện để kiểm tra, kết luận thực hư như thế nào” (Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG)

* Chủ tịch gọi tham nhũng là một bầy sâu nhưng từ đó đến nay Chủ tịch né tránh, chưa thấy Chủ tịch chỉ mặt một con sâu nào cả, huống gì bắt sâu.
Chủ tịch thừa biết rằng Nghị quyết TƯ4 “chỉ kêu gọi bầy sâu tự phê bình, sửa chữa lỗi lầm để thành “thịt ngon cá ngọt” thì rất khó.” (trích Nguyên đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết) nhưng với cương vị Chủ tịch, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch có khả năng chỉ mặt điểm tên, cái bè lũ “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền” cho nhân dân cùng biết. Nhưng Chủ tịch né tránh.
* Một số người thân cận tiết lộ rằng Chủ tịch thận trọng vì vấn đề tham nhũng rất “nhạy cảm”, “phức tạp”.

TS Mai Liêm Trực cho rằng “Cái chữ “nhạy cảm” là né tránh những vấn đề đáng lý phải giải quyết nhưng lại đẩy nó sang một bên hay làm chậm lại việc giải quyết. Cái chữ “phức tạp” bản chất là do anh không có giải pháp nên anh dùng từ đó để né tránh giải pháp…Lạm dụng những từ nhạy cảm, phối hợp, phức tạp để tránh phải đối diện với những vấn đề bức xúc cần giải quyết là không thể chấp nhận được.”

* Chủ tịch đã biết nhận định “Hằng ngày lật giở các trang báo, gặp gỡ các cán bộ, đảng viên và nhân dân, ai cũng có một điều gì đó, một bức xúc hoặc không đồng tình nào đó động chạm đến bản thân hoặc do chính sách, do tổ chức thực hiện. Thậm chí nhiều khi ta bắt gặp sự phản ứng đến mức phẫn nộ. Đã có những chính sách được về mặt chính trị, an ninh thì lại chưa ổn về mặt xã hội, dẫn đến những tranh luận nhiều khi gay gắt, thậm chí xung đột. Giá cả các mặt hàng leo thang kéo theo nhiều hệ luỵ; chuẩn mực giá trị bị đảo lộn và xem thường dẫn đến pháp luật kỷ cương, đạo đức xã hội bị xói mòn nghiêm trọng.” Nhưng với quá trình 20 năm làm Ủy viên Ban chấp hành trung ương và 15 năm Bộ chính trị nếu Chủ tịch biết “hổ thẹn với tiền nhân” thật sự như Chủ tịch tuyên bố thì trách nhiệm của Chủ tịch ở đâu và Chủ tịch đã làm gì để giải quyết tình trạng nói trên?

Tôi phê bình Chủ tịch Trương Tấn Sang: lãnh cảm.

truongtansang1.jpg

* Chủ tịch muốn tạo hình ảnh gần dân những thực tế Chủ tịch kín cổng cao tường. Chủ tịch không trả lời những thỉnh nguyện thư của trí thức và thỉnh nguyện thư yêu cầu xử lý vụ tham nhũng tiền tỷ ở Cục điện ảnh của những nghệ sĩ gửi đến cho Chủ tịch. Thậm chí ông Lê Hiếu Đằng là bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch thời kì nước sôi lửa bỏng ở Sài Gòn ký tên trong thỉnh nguyện thư, Chủ tịch cũng làm ngơ, không một lời hỏi han.

* Chủ tịch biết nói: “Mới đây thôi, những vấn đề đặt ra từ Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, Vụ Bản- Nam Định… đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại các cơ sở pháp lý về đất đai.” nhưng trong thời kỳ Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản người dân đau khổ bị đàn áp bằng vũ trang không ai nghe Chủ tịch lên tiếng bảo vệ. Tiếng nói Chủ tịch có trọng lượng chứ. Sao Chủ tịch lãnh cảm thế?

vuonlucluong.jpg

 

Đã 9 tháng nay, gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng vẫn còn ở tù chưa được xét xử, xin Chủ tịch lên tiếng để cứu hộ gia đình can đảm này, vì nhờ có họ mà tham nhũng đất đai được cả nước biết đến và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu tâm.

Sự lãnh cảm của Chủ tịch làm cho người ta nghĩ rằng những tuyên bố của Chủ tịch có nhiều hơi hướng mị dân.


Tôi phê bình Chủ tịch Trương Tấn Sang: tư duy bóp nghẹt thông tin

Khi được bầu vào Bộ Chính Trị khóa XI, Chủ tịch gặp một số lão thành tên tuổi có tiếng nói phần nào chỉ trích (như Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên), tưởng rằng Chủ tịch chia sẻ với họ, nhưng không, Chủ tịch chỉ khuyến cáo họ đừng đưa những bài viết lên mạng. Chủ tịch sợ không dám thông tin cho mọi người biết thì làm sao Chủ tịch có thể nói “Chúng ta cần lắng nghe các ý kiến khác nhau”

vangiang5.jpg
 

*Tại Hội nghị báo chí toàn quốc đánh giá công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 vào ngày 5.5 tuy biết rõ nguyên nhân đã biến các cán bộ thành “một bầy sâu”, nhưng trong diễn văn chỉ đạo Chủ tịch lại vẫn chỉ thị “chỉ đạo, định hướng thông tin cho báo chí, nhất là đối với các sự kiện lớn, phức tạp, nhạy cảm, có lúc, có việc chưa kịp thời”. Chủ tịch muốn định hướng báo chí khi nói đến những sự kiện “phức tạp, nhạy cảm” thì còn gì là sự thật. Làm sao chống được tham nhũng nếu báo chí bị định hướng không được nói sự thật, không được điểm mặt chỉ tên bọn tham nhũng. Kết quả việc định hướng báo chí của Chủ tịch là “bầy sâu” cứ tăng trưởng.

Chủ tịch xem Đảng trọng hơn đất nước nên tìm cách bảo vệ Đảng và mặc nhiên bảo vệ tham nhũng.


Tôi phê bình Chủ tịch Trương Tấn Sang: thấy tham nhũng thì ít, thấy kẻ địch thì nhiều.

Tổng cục II lúc dưới quyền của Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã báo cáo nhận định Trương tấn Sang, và nhiều lãnh đạo khác là “có yếu tố địch” . Có cần nhắc lại với Chủ tịch không?

*Chủ tịch đánh đồng người dân, người biểu tình yêu nước với địch. Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đòi đem Luật Biểu tình ra Quốc hội, Chủ tịch có “câu giờ” không khi tuyên bố:” Chúng ta cần lắng nghe các ý kiến khác nhau về Luật biểu tình. Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng để thể chế hóa thành một đạo luật một mặt đảm bảo được quyền cơ bản của công dân, mặt khác phù hợp với điều kiện của đất nước thì phải có lộ trình và thực hiện hết sức thận trọng.”

Có hai ý kiến khác nhau trong Đảng về Luật biểu tình: Không cho phép biểu tình vì sợ “kẻ địch lợi dụng” và Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình thì phải ra Luật biểu tình. Rõ như ban ngày thế mà Chủ tịch chỉ nói “hết sức thận trọng”. Chủ tịch câu giờ.


dapmatbieutinh.jpg

 

Chủ tịch lại cứ “nhạy cảm”, “phức tạp” nên người ta cũng hiểu rằng Chủ tịch không mặn mà gì với Luật Biểu tình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chính vì “hết sức thận trọng” mà từ năm 1946 đến nay là 67 năm, người dân vẫn không có quyền biểu tình. Thậm chí bị “cấm tụ tập đông người”. Vì nhìn đâu cũng thấy “kẻ địch, phần tử xấu”, không tin tưởng nơi dân, nên Chủ tịch ém quyền tự do mà Tạo hóa ban cho con người được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thành giấy trắng mực đen trong Hiến pháp 46.


Vì nhìn đâu cũng thấy địch nên Chủ tịch mới có câu phát biểu: “Xuất hiện những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để “chọc gậy bánh xe”, thậm chí để “cõng rắn cắn gà nhà”…”

 
Một thời, trong Nam có tin đồn đại xách mé rằng Thủ tướng Võ Văn Kiệt “thọc gậy bánh xe” khi ông này, sau khi hết quyền, đã đi các nơi truyền bá ý kiến đổi mới của mình. Xin hỏi Chủ tịch, có phải Chủ tịch muốn ám chỉ Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt không?


Dù sao “chống đối”, “chọc gậy bánh xe” cũng chưa nặng lắm, nhưng “cõng rắn cắn gà nhà” là một tội quá nặng làm sao Chủ tịch không dám chỉ đích danh cho công an bắt. Người ta có quyền nghi ngờ rằng Chủ tịch nể nang bọn “cõng rắn cắn gà nhà” nên không điểm mặt chỉ tên và như vậy chúng nó có mặt bên cạnh Chủ tịch, trong Bộ chính trị?

****
Sau 20 năm ở vào những vị trí quyết định của Đảng, với tình trạng đất nước, xã hội như hiện nay, Chủ tịch là người chịu trách nhiệm rất lớn.
Nếu ưu tư của Chủ tịch là bảo vệ Đảng, xem Đảng là trên hết, trên cả đất nước nên nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, quả báo, thì Chủ tịch cứ im lặng chấm dứt 4 năm còn lại để hạ cánh an toàn như người tiền nhiệm Nguyễn Minh Triết.
Còn nếu Chủ tịch cảm nhận được món nợ 20 năm của mình trên đất nước này thì Chủ tịch hãy thay đổi tư duy: “Tổ quốc trên hết”.


Tư duy mới sẽ là một cống hiến thật sự cho dân tộc trong 4 năm còn lại của Chủ tịch. Tư duy mới này là tư duy đổi đời của người cộng sản. Nếu Chủ tịch can đảm xem “Tổ quốc trên hết” thì người đời sẽ nhớ mãi 4 năm cuối cùng này và Chủ tịch sẽ “thảnh thơi thơ túi rượu bầu” trong những ngày còn lại của cuộc đời.

4 điều không ai có thể phủ nhận được:

1- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta.
2- Ngày 2-9 đã trở thành mốc lịch sử trọng đại của đất nước.
3- Thắng lợi quân sự (Diện Biên Phủ 1954) trước thực dân Pháp.
4- Tiêu diệt toàn bộ chính quyền Miền Nam, đuổi Mỹ và thống nhất đất nước.
8 điều cũng không ai có thể phủ nhận được:

1- Sau 1954 kéo dài đến năm 1986, Đảng đã cào bằng đất nước với cơ chế quan liêu bao cấp, bình quân chủ nghĩa làm triệt tiêu mọi động lực phát triển, chia và duy trì nghèo đói cho mọi người. Làm đất nước tụt hậu đến ngày hôm nay vẫn không gượng lên nổi.

2- Sai lầm chết người trong cải cách ruộng đất, sai lầm chết người trong đàn áp trí thức, nhà văn, nhà báo.

3- Sau 75, đất nước hòa bình, đáng lẽ phải đoàn kết toàn dân, trí tuệ dân tộc để xây dựng đất nước, giải tỏa hận thù thì Đảng đã chia rẽ và gây thêm hận thù giữa dân tộc bằng cách giam hàng triệu con người trong các trại “cải tạo” và làm cho hơn 3 triệu con người phải bỏ nước, mồ mả tổ tiên ra đi.

4- Đảng tước hết quyền con người do” Tạo hóa ban cho” dân tộc Việt Nam.
5- Mọi tham nhũng đều bắt nguồn từ Đảng, được Đảng dung túng bao che.
6- Đảng áp đặt chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Cộng sản lên đất nước, bây giờ mới thấy chúng là cái họa cho dân tộc (Giáo sư Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương góp ý văn kiện Đại Hội 11: “Nên bỏ cụm từ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta vì nó đã khốn khổ”).

7- Về Giáo dục, Đảng dạy cho người ta làm gì trong 67 năm để bây giờ phải ra Nghị quyết ” dạy chúng ta làm người”. Phung phí bao nhiêu thế hệ chỉ vì sự kiêu căng của những người chỉ biết đánh đấm là giỏi.

8- Về biên giới, Đảng làm cho đất nước phải lùi lại 500m sau Ải Nam Quan. Công hàm Phạm Văn Đồng công nhận tuyên bố ngày 4 tháng 9 1958 về hải phận của Trung Quốc làm cho Trung Quốc “chiếm lại” Hoàng Sa và đang lấn chiếm Trường Sa.
Nguyễn Trung Chính
13/09/2012
*****
Nguồn: http://www.tudoimoi.org/Aff_mot_bai.php?param=572

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét