Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

MIẾNG ĂN LÀ MIẾNG NHỤC



Ngày còn bé, món ăn mà Lúa thèm nhất là bánh bông lan, một loại bánh nướng gồm trứng, đường, bột mì, bột nở và vani, tất cả hỗn hợp được đánh bồng lên sau đó sẽ dùng khuôn đồng nướng hai mặt trên bếp than. Mùi thơm của bánh thật là hấp dẫn. Cái bà bán bánh lại ngồi ngay trên đường Lúa đi học về nên ngày nào Lúa cũng đứng xem, rồi ao ước sau này có tiền, Lúa sẽ mua một cái khuôn đồng như thế để làm bánh (trị giá bằng 1 chỉ vàng 24K). Sau này, cắt lá chuối, rau muống bán cho bạn hàng, Lúa cũng có một khuôn bánh bông lan, dù nhiều lần dời đổi nhà cửa, di chuyển từ quê lên thành phố, Lúa vẫn giữ cái khuôn đó như một kỷ niệm “nhớ đời”.


Một lần tình cờ đứng xem bà bán bánh (lúc đó Lúa học lớp hai) mẹ Lúa đi làm về trông thấy. Hôm đó mẹ nói với Lúa “con xem làm gì, mình không mua đứng xem người ta ghét”, Lúa bảo “nhưng con thích, con thèm cái bánh đó”. Mẹ im lặng một lúc rồi bảo “thèm mà không có tiền mua để ăn thì con phải biết nhắm mắt bước qua, nuốt qua cổ họng thì cái bánh đó là đã là c… rồi, miếng ăn là miếng nhục”.
Một lần khác, Lúa đi chợ với mẹ. Một ông già ăn xin gần xỉu bên lề đường, mẹ dừng lại và mua cho ông ấy một gói xôi, ông ấy đưa tay run run và ăn vội vã. Sau đó, Lúa hỏi mẹ “mẹ bảo miếng ăn là miếng nhục, vậy mẹ lại cho cái nhục cho ông già à?” Mẹ nhìn Lúa không nói gì. Một lúc mẹ bảo “Nhưng không ăn thì ông ấy chết đói” “Vậy thì để không chết, người ta sẵn sàng nuốt cái nhục hả mẹ?” Mẹ khẽ trả lời “ừ…. Ai mà vì cái ăn cũng nhục hết”.

Lớn một chút nữa, đi ăn đám xá, cưới cheo, thỉnh thoảng nghe các bà các cô trong xóm nói “cái thằng A/con B ấy, đi ăn đám mà cúi đầu ăn miết à, ăn hết của người khác, hổng biết nhục” Hóa ra, miếng ăn đúng là miếng nhục thật.
Năm Lúa 15 tuổi, bà chị gái thứ hai tốt nghiệp ĐH Sư Phạm Tóan, ra trường làm lương không đủ ăn, chị học thêm nghề may áo dài, thuê thùa. Do khéo tay và cẩn thận nên chị rất đắt hàng, tiền làm thêm bằng 3-4 lần lương của chị. Có những dịp tết hay đầu năm học, chị làm tới 2 giờ sáng. Lúa bảo “làm chi cho dữ, bệnh cũng hết tiền” chị Hai nói “ừ, không làm thì lương của chị không đủ cho chị ăn”. Vậy hóa ra lương của nhà nước trả cho giáo viên chưa mua đủ “cái nhục” để sống và tồn tại.

Một anh Việt Kiều lớn hơn Lúa tầm 10 tuổi, con của sĩ quan chế độ VNCH. Gia đình anh đi qua Mỹ diện HO, sau mấy năm về nước, anh hoàn toàn khác hẳn. Từ một người lông bông học hành chẳng đâu vào đâu, nghề nghiệp không có, qua Mỹ anh làm công nhân một hãng cơ khí, lương tháng 1,5 nghìn dollars, ăn tiêu rồi anh vẫn còn dư từ 700-800 dollars. Anh tự tin tán gái và lúc đó, anh đắt như tôm tươi. Lúa nghĩ, cái anh này, có gì đâu mà hay, mang tiếng đi Mỹ nhưng cũng là dân cu li, lao động chân tay, so với xã hội Mỹ có gì mà ngon lành. Theo anh kể, tiền mua thực phẩm ăn uống chỉ khoảng 15-20% thu nhập, vậy tức là anh chỉ mua “miếng nhục” là 20% số tiền anh kiếm được mà thôi. Ngoài ra còn những chi phí khác như tiền thuê nhà, tiền giao tế, tiền du lịch,…So với chị gái của Lúa thì, toàn bộ tiền lương chưa đủ mua “nhục” dù biết rằng không có “miếng nhục” người ta sẽ chết, không thể tồn tại.

Một câu chuyện được truyền tai nhau mà mức độ tin cậy không biết có được kiểm chứng hay không. Vào 25/06/2008 Tổng Thống George Bush đến thăm và làm việc tại Việt Nam, trong buổi làm việc có một cuộc hội thoại được như vầy
T Thống Bush: Ở Mỹ, công nhân lãnh 1500 USD một tháng nhưng chỉ cần 800 USD là đảm bảo được đời sống

Thủ Tướng NTD: Vậy họ làm gì với số tiền còn lại?
T. Thống Bush: Đó là chuyện riêng của họ, chúng tôi không quan tâm, không có trách nhiệm. Thế còn công nhân ở Việt Nam thì sao?
Thủ Tướng NTD: Ở Việt Nam, lương công nhân khoảng 800 nghìn mỗi tháng, chi phí tối thiểu một tháng là khoảng 2 triệu VNĐ cho một người là đủ
T Thống Bush: Trời….Vậy họ kiếm đâu ra phần còn lại?
Thủ Tướng NTD: Đó là việc riêng của họ, nhà nước rất tôn trọng đời tư của họ nên chúng tôi không thắc mắc, không tò mò, khôg quan tâm và cũng như các ngài, không có trách nhiệm về việc này.

Chẳng biết thực hư thế nào nhưng…rõ ràng chẳng ai chối cãi vào thời điểm đó, lương công nhân chỉ tầm 700-800 nghìn/tháng/người, nhiều khi còn thất nghiệp. Thế nhưng người ta vẫn phải sống và như thế thì họ phải làm việc. Bây giờ nhiều gia đình công nhân, nông dân, thậm chí như Lúa đây là công chức nhà nước, chi phí mua “miếng nhục” này chiếm gần hết thu nhập của họ với khoản chi tiêu gói ghém, thậm chí còn không đủ để mua. Chỉ bao giờ, tiền mua cái “nhục” này giảm xuống so với thu nhập của người dân thì lúc đó may ra dân mình mới hết khổ.

Nghĩ ra quá là vô lý. Thu nhập chỉ đủ tái tạo sức lao động một cách dè xẻn, vậy thì làm sao họ còn đầu óc nào mà “sáng tạo”, phát huy sáng kiến được chứ? Lỡ ốm đau bệnh hoạn, với chế độ bảo hiểm y tế như hiện nay, liệu họ có an tâm nói rằng sức khỏe của họ đã được bảo đảm mọi chi phí trong quá trình điều trị? Vậy hóa ra “thu không đủ chi”. Nghe nói, Việt Nam còn nghèo, nghèo gì mà bao nhiêu tập đoàn nhà nước lổ hàng tỉ dollars mà chẳng thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm, điều tra thì cứ điều tra; nghèo gì mà chi phí làm đường đắt gấp 3,5 lần Mỹ, nghèo gì mà nhà đất Hà Nội luôn nằm trong hàng đắt nhất thế giới, nghèo gì mà Việt Nam có đại gia sở hữu máy bay riêng, trong khi nhiều nước tư bản như Nhật chẳng hạn, chưa có đại gia nào có máy bay thì phải.

Chưa một quốc gia nào có câu ngạn ngữ như Việt Nam “miếng ăn là miếng nhục”, kể ra ông bà mình cũng uyên thâm quá chứ nhỉ? Hèn gì, Việt Nam cứ “nhục” hoài.

http://hailuablog.wordpress.com/2012/09/12/mieng-an-la-mieng-nhuc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét