Posted on 11.12.2012 by nguyentrongtao
TRẦN ĐĂNG KHOA
Trong một lần hầu chuyện bạn đọc, tôi có
nói vui rằng, khi nghĩ về hai thành phố lớn của đất nước, tôi cứ hình
dung Thủ đô Hà Nội như một cụ già khăn xếp, áo the đủng đỉnh tập dưỡng
sinh, còn Thành phố Hồ Chí Minh là một cô gái mặc quần sooc, đang chạy
việt dã. Một cơ thể trẻ trung, năng động và rừng rực sức sống. Nếu đất
nước có những phát kiến gì mới thì chắc chắn sẽ bắt đầu từ Thành phố Hồ
Chí Minh và các tỉnh khu vực Miền Trung. Bởi vậy, tôi không ngạc
nhiên khi Thành phố Hồ Chí Minh vừa có cuộc “đồng khởi” chống nạn trộm
cắp, cướp giật. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã có văn bản yêu cầu
giám đốc Công an TP phối hợp với công an các quận, huyện, các lực lượng
chức năng tăng cường tuần tra, rà soát, quản lý địa bàn. Theo đó, cần
chủ động đấu tranh, phòng chống tội phạm, phối hợp với các địa phương có
địa bàn giáp ranh mở đợt cao điểm tấn công truy quét, trấn áp các băng
nhóm chuyên trộm cắp, cướp giật tài sản. Đồng thời, phối hợp với các cơ
quan bảo vệ pháp luật sớm đưa ra xét xử các vụ án nghiêm trọng để răn đe
và phòng ngừa loại tội phạm này.
.
.
Cùng “ra quân” với Thành phố Hồ Chí Minh, ở các tỉnh khu vực Miền Trung, tại một hội nghị của TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng có một quyết định hay: Lực lượng CSGT tại 4 trạm thuộc TP này khi làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường, ngoài tiền lương, thưởng theo chế độ còn được UBND TP hỗ trợ thêm 5 triệu đồng một tháng cho một người. Đổi lại, nếu phát hiện bất kỳ CSGT nào nhận mãi lộ, dù chỉ một trăm nghìn đồng thì lập tức bị tước quân tịch và đuổi khỏi ngành.
Quả là những sáng kiến rất hay trong chiến dịch chống trộm cắp. Cần phải coi lũ trộm cắp này là loại tội phạm nguy hiểm nhất. Mặc dù, xét cho cùng, những kẻ móc túi, những bọn trấn lột, cướp giật trên đường phố cũng chỉ là bọn ăn cắp vặt. Nguy hiểm hơn là bọn kẻ cắp trong bộ máy công quyền nhà nước. Tôi nói chúng là tội phạm nguy hiểm hơn, bởi ngoài việc làm thất thoát một lượng tài sản lớn đến hàng ngàn ngàn tỷ đồng, chúng còn làm mất niềm tin nghiêm trọng trong đại đa số nhân dân, dẫn đến lung lay cả một thể chế. Điều ấy không thể coi là một chuyện bình thường
Việc làm của Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng quả là rất kịp thời. Ước gì, những sáng kiến hay ấy được nhân rộng ra toàn quốc. Chúng ta cũng có thể học Đà Nẵng, hỗ trợ một khoản tiền, có thể nhiều gấp đôi, gấp ba số tiền Đà Nẵng hỗ trợ CSGT – để giành cho các quan chức nhà nước, gọi là tiền “khuyến liêm”, đổi lại, các quan chức nhà nước cũng phải giữ mình trong sạch. Nếu chỉ nhận một đồng hối lộ cũng bị cách chức và đuổi về vườn. Nếu cả nước đều đồng khởi chống giặc nội xâm như thế thì bọn tham nhũng, trộm cắp sẽ không còn chốn nương náu.
Trong lần hầu chuyện bạn đọc tuần trước, tôi có kể về anh bạn thân của tôi. Một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử. Cứ theo lời anh, thì mọi tệ nạn đều từ tham nhũng mà ra. Tham nhũng là nói một cách văn hoa. Nói trắng phớ là ăn cắp. Lớn ăn cắp lớn. Bé ăn cắp bé. Quan lớn đã không nghiêm thì quan bé làm sao tử tế được. Cứ theo lời anh, chống tham nhũng xem ra chả khó. Chỉ có điều mình có muốn làm thật hay không? Nếu muốn làm thật thì giao cho dân. Dân sẽ làm được ngay.
Trong thực tế đời sống, đã từng có một bà nông dân, bà Phùng Thị Tùng ở thôn Đình Tổ, huyện Quốc Oai, Hà Nội viết đơn đề nghị mượn ghế Chủ tịch UBND huyện trong vòng 2 tháng để giải quyết những đơn thư khiếu nại của người dân đang còn tồn đọng và không cần nhận bất cứ một đồng lương nào. Sau khi xong việc, bà sẽ trả lại ngay ghế “quan”, rồi về nhà tiếp tục cày ruộng, cấy lúa. Bà bảo “Tôi chỉ quen làm ruộng, chẳng có tài cán gì để mà mong có danh nọ phận kia. Đơn giản tôi chỉ nghĩ, Đảng và Nhà nước đã ban hành đủ các loại luật rồi. Cứ mang luật mà chiếu rọi vào các sự việc tiêu cực thì sẽ thấy ngay những sai phạm của những người có chức có quyền mà tự tư tự lợi”. Bà tin bà làm được những việc mà các quan chức khác không thể làm được, vì bà không dính vào các “dây dợ”. Còn đã dính vào cái đống bùng nhùng ấy thì sẽ chẳng bao giờ có thể thoát ra được chứ đừng nói là lại còn có thể chống được tham nhũng.
Khi tôi nói, hãy trao việc chống tham nhũng cho dân, bác Trần Đồng, một bạn đọc của VOV có bức thư ngỏ phản biện khá thú vị. Bác bảo: “Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, (nhất là những người lao động đang đổ mồ hôi sôi nước mắt mưu sinh cho gia đình mình và góp phần đóng thuế cho ngân sách) tán thành hầu hết những ý kiến rất thực tế của nhà thơ TĐK. Nhưng tôi có một ý kiến phản biện. Đó là việc “giao cho dân chống tham nhũng…” là không thể làm được, hoặc nếu có làm thì cũng chẳng mang lại kết quả gì nếu không muốn nói là ngược lại. Ai cũng biết hàng chục triệu người dân Việt căm thù bọn tham nhũng và Nhóm Lợi Ích, nhưng hàng ngày họ phải nai lưng kiếm sống. Anh chị công nhân các khu công nghiệp thì làm tăng ca ngày 12 giờ mong kiếm thêm từng đồng bạc còm mong bù lại giá tăng. Giáo viên, nhân viên hành chính sự nghiệp thì lương ba cọc ba đồng, ai cũng phải bon chen với cuộc sống, làm thêm đủ mọi việc để kiếm thêm đồng dưa đồng mắm. Nông dân thì ruộng đất đâu còn bao nhiêu cho mỗi khẩu (vì các dự án đã lấy mất), cả năm đương đầu với mọi khó khăn thiên tai, lại còn nhân tai, phần lớn trong họ đổ vào thành thị bán sức lao động, rồi nhặt ve chai, bán hàng rong, hay làm osin. Các bác cưu chiến binh thì đã cống hiến hết cả sức khỏe và tuổi trẻ, đổ cả xương máu cho đất nước, sức lực đâu còn lại bao nhiêu. Nhân viên trong doanh nghiệp thì thấp cổ bé họng, nặng gánh gia đình, ai dám hó hé, “mà đấu tranh thì tránh đâu”. Ai trong số họ có quyền, có khả năng kiểm tra được các dự toán, các công trình kỹ thuật vốn rất lằng nhằng, để phát hiện chúng “đểu” (gian dối) như thế nào. Ai vào được công trình để giám sát thi công, vì giám sát thi công, phải có chứng chỉ do Bộ xây dựng cấp, phải giám sát 24/24, vì rất nhiều công trình bị rút ruột khi vắng mặt giám sát. Mặt khác, giả sử chấp nhận để nhân dân giám sát thì cũng không thể cho bất kỳ ai trong nhân dân cũng làm giám sát, lại phải BẦU ra Ban giám sát nhân dân. Vậy thì đến khi bầu, AI ĐÓ lại chỉ đạo bầu ông này, bà kia, nhân dân làm sao biết được. Khi được bầu, có thể họ là người tốt, nhưng khi làm việc, ai dám bảo đảm họ không bị nhóm lợi ích MUA, và biến thành BÙA cho nhóm lợi ích…vân vân và vân vân. Tóm lại, việc “giao cho dân chống tham nhũng…” là phải có CƠ CHẾ, QUY CHẾ, QUY TRÌNH. Vậy thì AI ban hành những thứ này? Kẻ tham những thường là người có quyền chức, địa vị, thế lực; cái mà họ “ăn” được là của công, của nhân dân, đất nước; Ekip (hay Nhóm Lợi Ích) muốn “ăn” được lâu dài mà không ai làm gì được thì họ phải bao che nhau để vô hiệu hóa các biện pháp chống tham nhũng; cái tham nhũng khủng khiếp nhất là dựa vào thế lực để ra các chính sách, quy định quản lý kinh doanh, điều hành….đem lại lợi ích cho Nhóm Lợi Ích. Vậy thì giao cho nhân dân, nhân dân liệu có đảm trách được không?”.
Tất nhiên là không thể đảm trách được. Bác nói quá đúng. Tôi bảo trao quyền chống tham nhũng cho dân cũng là nói trên tinh thần chiến lược, chứ không phải trao cho những con người cụ thể như bác đã cảnh báo. Trao quyền chống tham nhũng cho Dân là trao cho những người đại diện cho Dân. Đại loại như Ủy ban Phòng chống tham nhũng chẳng hạn. Ủy ban này trực thuộc Quốc hội, chịu sự giám sát của Quốc hội, nhưng lại hoạt động hoàn toàn độc lập theo Pháp luật. Có hai cơ quan đặc biệt, cần tồn tại độc lập, hoạt động độc lập theo pháp luật, chịu sự giám sát của Quốc hội: là Tòa án và Ủy ban phòng chống tham nhũng. Nếu chúng ta muốn chống tham nhũng thật để bảo vệ thể chế của chúng ta thì phải “tái cơ cấu” hai cơ quan ấy và tạo ra những quy chế, cơ chế hoạt động như vậy. Và cũng chỉ có làm thế, chúng ta mới hy vọng đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, còn nếu không, chúng ta chỉ “chống tham nhũng” ở trên diễn đàn, hay trên sân khấu với những miếng trò, diễn đã hết thiêng trước con mắt của nhân dân vốn vẫn rất tỉnh táo, hay nói như các cụ, là “ném bùn sang ao”, chẳng cái gì thành được cái gì!
Nguồn: Blog Lão Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét