Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

PCI và cú “húc” của chiếc sừng tê giác Nam Phi


Nữ thợ săn Việt bên tê giác. Ảnh: Traffic
Nữ thợ săn Việt bên tê giác. Ảnh: Traffic
TPO đưa tin Đại gia Việt ‘hết cửa’ săn tê giác Nam Phi, Bản ghi nhớ trong lĩnh vực bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học do đại diện Chính phủ Việt Nam và Nam Phi vừa ký ngày 10-12, nhằm siết các hoạt động săn bắn, buôn bán sừng tê giác.
Bộ NN&PTNT cũng vừa trình Thủ tướng dự thảo quyết định cấm nhập khẩu mẫu vật tê giác. Như vậy, đại gia Việt “hết cửa” đi săn tê giác tại Nam Phi, vì có đi săn cũng không mang được hàng về.

Chợt nhớ ra bài viết 4 năm về trước (11-2008), bây giờ kiểu hối lộ PCI trầm trọng hơn và chiếc sừng tê giác gắn với hình ảnh nước Việt càng thảm hại hơn.  Xin đăng lại bài này vì thông điệp vẫn còn nguyên giá trị. 

Vụ PCI bên Nhật bản và sừng tê giác Nam Phi không liên quan đến nhau. Nhưng nghi án 2,6 triệu USD với vết “nứt” trên Đại lộ Đông Tây và cú “húc” của sừng tê giác làm “rạn vỡ” hình ảnh Sứ quán ta tại Nam Phi có hiệu ứng giống nhau. Đến lúc cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc để xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Vụ PCI và nghi án 2,6 triệu USD
Cuối cùng, sau năm tháng chờ đợi, đã có chỉ đạo về xử lý vụ các quan chức công ty PCI của Nhật hối lộ 2,6 triệu USD cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông Tây. Ngày 19-11-2008, ông Sỹ đã bị đình chỉ chức vụ để cơ quan điều tra làm việc.
Vụ hối lộ của PCI do báo chí Nhật Bản khui ra từ nửa năm trước. Ngày 11/11, các cựu lãnh đạo của Cty tư vấn Nhật Bản PCI thừa nhận trước Tòa án Tokyo đã hối lộ 820.000 USD cho một quan chức Việt Nam. Theo tờ Yomiuri Shimbun, các công tố viên Nhật Bản khẳng định PCI đã cam kết đưa cho ông Sỹ tổng cộng 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng để PCI được nhận các hợp đồng tư vấn liên quan đến các dự án trên.
Nhà báo Huy Đức đã viết trên SGTT “Vấn đề là tại sao các cơ quan chống tham nhũng đã phải chờ “chỉ đạo của trên” trong khi hoàn toàn có thể tiến hành tố tụng theo pháp luật”.
Nếu vị quan chức có hành vi nhận hối lộ với số tiền khổng lồ như thế mà vẫn đàng hoàng đương chức, đương quyền, thì hỏi rằng, với thời gian 5 tháng, ông ta có đủ thời gian để hô “biến” 2,6 triệu đô kia không?
Tuy nhiên, chúng ta cũng mong cơ quan điều tra sẽ làm cho ra nhẽ vụ này và công khai cho cả nước biết về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ. Thủ tướng đã hứa “làm rõ tới đâu, xử lý tới đó”.  Nhân dân đặt hy vọng vào tái khẳng định quyết tâm chống tham nhũng gần đây của Chính phủ. Có thực sự “không bị chùng xuống” như đã hứa.
Vài tháng trước, Bộ Ngoại giao ta đã phản ứng với phía Nhật bằng lời phủ nhận của chính Ban Quản lý dự án “không có hành vi tiêu cực như báo chí đã đưa”. Phía Việt nam còn nói “chúng ta đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra chưa có kết luận cuối cùng, các cơ quan truyền thông của Nhật Bản cũng như của Việt Nam đều không nên đưa tin”.
Vấn đề này đúng sai xin nhường cho các nhà bình luận chính trị hay chuyên nghiệp về báo chí bàn thêm. Việc trì hoãn điều tra vụ PCI từ phía Việt nam có thể làm vụ việc thêm phức tạp.
Và chiếc sừng tê giác Nam Phi
Nỗi lo PCI chưa xong thì một vụ khác nhỏ hơn, liên quan đến chiếc sừng tê giác vài chục nghìn đô la. Số tiền không lớn, nhưng sức mạnh cú “húc” của chiếc sừng tê giác Nam Phi vào nền ngoại giao Việt nam khó mà tính được độ thiệt hại.
Te giac NP
Tê giác Nam Phi
Bản tin tóm tắt của chương trình mang tên 50/50, kênh truyền hình Nam Phi SABC đã cho phát sóng đoạn băng video ghi lại được cảnh nhân viên sứ quán Việt Nam tại thủ đô Pretoria đang giao dịch sừng tê giác với một tay buôn lậu ngay trước cửa tòa sứ quán.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Trần Duy Thi xác nhận người của sứ quán xuất hiện trong đoạn băng chính là bà Bí thư thứ nhất Vũ Mộc Anh. Ông cho biết nữ cán bộ này đã thừa nhận mình là người trong đoạn băng, nhưng kiên quyết khẳng định không tham gia buôn sừng tê giác.
Chương trình 50/50 cho biết thêm, tháng 7/2007, hai công dân Việt Nam từng bị bắt tại sân bay Nam Phi do mang theo 4 chiếc sừng tê giác. Hồi đầu năm nay, 18 kg sừng tê giác cũng bị thu giữ khi được vận chuyển từ Nam Phi về Hà Nội.
Ông Đại sứ Thi nói, việc làm trên đã làm mất uy tín Việt nam vì xảy ra ngay trước cửa cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam. Đoạn phim còn chiếu lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới và những lời bình khó lọt tai về tệ nạn buôn sừng tê giác của người Việt.
Theo đồn đại, sừng tê giác có nhiều khả năng, trong đó có thể giúp các bậc nam nhi không mệt mỏi trong chuyện chăn gối. Có lẽ vì thế mà tại thị trường Việt nam, một mẩu sừng tê giác bé tý có giá tới 150 triệu đồng mà chưa biết thật hay giả.
Đó cũng là lý do tại sao, có người bất chấp luật pháp quốc tế, lấy cả sự nghiệp chính trị và danh tiếng đất nước để đổi lấy cái sừng tê giác như bà Bí thư thứ nhất Vũ Mộc Anh.
Thời cơ để cải thiện hình ảnh đất nước
Kêu gọi đầu tư, nhưng nếu nhà thầu phải lại quả 10% giá trị hợp đồng như PCI, khó làm yên lòng nhân dân hay các nhà tài trợ quốc tế.
Dư luận đã nhắc nhở, trong vụ PCI, nếu các nhà tư vấn Nhật vu oan cho cán bộ Việt Nam ăn tiền hối lộ, chúng ta cũng phải làm cho ra nhẽ. Không thể để báo chí, tòa án nước ngoài tùy tiện phán xét làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ Việt Nam. Trong quan hệ ngoại giao, đó là điều không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu Ban Giám đốc của Dự án đại lộ Đông Tây có “vấn đề” với 2.6 triệu đô la thì cũng là cơ hội Việt nam thể hiện quyết tâm chống tham nhũng như đã hứa. Cả thế giới đang nhìn vào, 85 triệu nhân dân đang quan sát động thái của cơ quan pháp luật Việt Nam thực thi nhiệm vụ đến đâu và độ “cao” đến mức nào.
Vụ chiếc sừng tê giác Nam Phi gần như đã rõ ràng trước những chứng cứ khó có thể chối cãi do truyền thông nước ngoài cung cấp. Có cần đợi chỉ đạo tiếp để cơ quan điều tra vào cuộc?
Tổ quốc mất bao nhiêu xương máu, mồ hôi để xây dựng hình đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Những vị đi sứ mang theo ngọn cờ đỏ sao vàng để đại diện cho đất nước. Vì thế, buôn lậu và các hành vi làm tổn hại đến uy tín quốc gia là điều tối kỵ của cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp.
Một nhà báo đã viết, nghi án PCI và Dự án Đại lộ Đông tây hé mở tại sao có nhiều vết nứt các đốt hầm dìm Thủ Thiêm. Có thể những vết nứt này chỉ là vết rạn chân chim trên bề mặt bêtông và không đáng sợ. Nhưng việc ai đó nhận 2.6 triệu đô la của PCI một cách bất hợp pháp, nếu có thật, thì vết “nứt” này mới đáng thật sự lo ngại.
Vụ PCI và sừng tê giác không liên quan đến nhau. Nhưng nghi án PCI với vết “nứt” trên Đại lộ Đông Tây và cú “húc” của tê giác Nam Phi làm “rạn” hình ảnh đất nước lại có hiệu ứng giống nhau. Đến lúc cần nhìn nhận lại một cách căn bản những gì chúng ta đã, đang và sẽ hành động để xây dựng hình ảnh đất nước.
Tin tức trên truyền thông nước ta có thể phải qua một bộ lọc trước khi đến với nhân dân để đảm bảo ổn định chính trị. Tuy nhiên, báo chí nước ngoài không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm duyệt. Nhà báo quốc tế đã ra tay trước sự gian dối, khó ai chạy trốn trước sự thật. Và lời bình của họ phát đi cho toàn thế giới khi đó khá tàn nhẫn.
Chờ đợi người cầm bút bên Nhật tìm dấu vết hàng triệu USD trong vụ PCI hay camera của truyền hình Nam Phi soi ra chiếc sừng tê giác trong va li ngoại giao, đôi khi thời gian không ủng hộ chúng ta.

HM. 11-2008
Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét