Nguyễn Nguyên Bình
Không biết có còn độc giả nào khác đã gọi cho trang Ba Sàm để “méc” việc bỏ hai chữ “rác rưởi” khi báo Thanh niên trích dẫn lời một người dân Trung Quốc phản ứng “hộ chiếu lưỡi bò” không? Nếu không có ai nữa thì xem ra chính tôi là thủ phạm đã gây ra việc bút chiến trên mạng vừa rồi. Vì thấy mình là người trong cuộc nên tôi cũng muốn nhân việc đó mà phân bua ít nhời.Số là hôm đó, khi thấy trên báo Thanh Niên (ngày 28-11-2012) có hàng tít rất đậm trên trang nhất: “Dân Trung Quốc phản ứng ‘đường lưỡi bò’ trên hộ chiếu”, tôi vội mở ra xem ngay nội dung bài đăng ở trang 4.
Vì có võ vẽ biết ít tiếng Tàu nên tôi chú ý đến những dòng chữ trong ảnh chụp trang mạng của TQ. Rồi tôi phát hiện có 2 chữ “rác rưởi” trong cả câu là “Có sửa thế nào cũng không thể sửa được bộ mặt vốn có của cái hộ chiếu rác rưởi này …”. Ban đầu tôi còn ngạc nhiên, nghĩ mình đọc nhầm, tôi phải vác từ điển ra tra lại.
Sau khi xác minh cẩn thận rồi tôi mới gọi điện cho tòa soạn báo TN ở Hà Nội. Lúc đó tôi định 2 việc: thứ nhất là biểu dương báo TN vì đã nhanh chóng đưa ra bài đó; thứ hai là ‘phát hiện’cho quý báo biết có hai chữ đắt như vậy, nó thể hiện mạnh hơn thái độ phản ứng của chính người dân TQ. (Tôi nghĩ có thể người dịch văn bản này bỏ sót chăng?). Tôi chưa có ý định phê phán việc dùng hay không dùng từ ‘rác rưởi’, nhưng tôi nghĩ không dùng thì cũng tiếc.
Nhưng tôi gọi nhiều lần vào cả 2 số máy tòa soạn Hà Nội in trên báo mà chẳng thể nào liên lạc được. Đến nỗi tôi phải nhắn 1 tin vào số máy (04) 38570981, rằng: “Tôi là một độc giả thường xuyên của báo TN, hôm nay đọc bài Dân TQ phản ứng hộ chiếu đường lưỡi bò của báo nhà, tôi thấy tốt và có vài điều muốn trao đổi thêm với tác giả bài báo. Đáng tiếc, tôi gọi mấy lần mà không thể nói được câu nào ngoài tiếng Alo của quý bạn. Tại sao vậy?”.
Tin đã gửi mà không thấy ai trả lời (tin nhắn này vẫn còn lưu trong ĐT của tôi). Sau đó tôi lại gọi vào số máy của quý báo ở Sài Gòn (08)38394046, lần này thì có người bắt máy và tôi có thể nói được với họ.
Nhưng tôi vừa nói: “Tôi phát hiện có 2 chữ ‘rác rưởi’đấy”… thì đầu giây bên kia đã ra giọng thanh minh rằng, phải biên tập chứ, phải cắt từ đó đi vì nó gay gắt quá… Tôi nói tôi không định chê trách hay tranh luận gì việc đó, tôi chỉ muốn phát hiện giúp tòa báo. Tòa soạn đã biết mà không muốn dùng thì thôi, không phải thanh minh thanh nga gì đâu. Sau đó tôi gọi cho trang Ba Sàm, tôi muốn trang Ba Sàm đăng lại nguyên văn câu nói của người dân TQ. (Sau đó sự việc diễn biến như mọi người đã biết).
Đến hôm nay tôi thấy không có gì phải bàn thêm về ‘rác rưởi’ hay không ‘rác rưởi’ nữa, vì ý kiến mọi người trao đi đổi lại với nhau thế cũng tạm đủ rồi. Nhân đây, tôi xin nói vài ý kiến chung về báo quốc doanh (cả báo giấy, báo nói, báo hình).
Riêng về báo TN (giấy): gần đây, dù đồng lương hưu ít ỏi, ngoài việc chi dụng cho bản thân, giúp đỡ con cháu, nuôi điện thoại, nuôi internet … tôi vẫn cố gắng đặt mua một tờ báo giấy. Tôi chọn báo TN vì tôi thấy báo này hay đưa tin bài vạch những góc khuất, những cái dởm giả của ‘ông bạn vàng’ và những người những việc tham nhũng tiêu cực hại Dân hại Nước. (Ví dụ gần đây báo TN có loạt bài “Thủy điện VN đi ngược chiều thế giới”, tôi thấy rất hay, rất cần thiết).
Bên cạnh cái hay, báo cũng có những điều cần góp ý, tất nhiên vì tôi mua và đọc báo TN thường xuyên nên mới phát hiện những bất cập của báo này, chứ không phải báo TN nhiều khiếm khuyết hơn báo khác. Tôi cũng từng gọi cho mấy nhà báo, nhà đài định đóng góp ý kiến đấy, nhưng gọi mà chẳng ai nghe (giống như vừa rồi gọi báo TN ấy), hoặc có bắt máy thì chỉ trỏ sang bộ phận này bộ phận kia rất lôi thôi, như vậy khiến tôi phát nản. Mà gửi bài đóng góp ý kiến thì ai đăng? Ý kiến khen may ra người ta tiếp nhận, ý kiến chê thì ai chịu nhận. Có cố tình gửi sang báo bạn thì cũng chẳng được việc gì. Tôi được biết, nhiều năm nay, giữa các báo như đã có ‘thỏa thuận bất thành văn’ là không ‘đá’ lẫn nhau. (Tôi biết có người phóng viên tòa báo nọ đã suýt chết uất vì không thể nào tố ra được những tiêu cực ở chính tòa báo mình. Báo nhà không đăng đã đành, báo bạn cũng ngại va chạm, chẳng dây vào).
Phải chăng cái sự coi nhẹ ý kiến bạn đọc của quý báo quý đài đã trở thành chuyện bình thường? Không tôn trọng ý kiến độc giả, mà cũng không tôn trọng cả… túi tiền của độc giả nữa cơ. Báo cứ in ra, ai mua thì mua, chẳng cần khuyến khích người mua dài hạn. Mua lẻ một số thì “X” đồng, mua cả tháng, cả quý, cả nửa năm (có đặt tiền trước) cũng vậy: X đồng nhân với Y số báo. Bao nhiêu số cũng vậy, không bớt xu nào (bán buôn cũng như bán lẻ, thế mới lạ).
Tôi ước gì các đường dây nóng của các báo đài nó không bị nguội, để độc giả vui lòng đóng góp xây dựng báo, để báo phục vụ xã hội được tốt hơn.
Nói đi thì cũng phải nói lại, dù báo TN chưa vui vẻ tiếp thu ý kiến, dù mua cả quý vẫn không giảm giá, sắp tới tôi vẫn sẽ đặt tiếp báo TN, một khi quý báo vẫn cố gắng vạch mặt bọn cướp nước, bọn hại nước, hại dân!
N.N.B.
http://giangnamlangtu.wordpress.com/2012/12/07/toi-co-vai-nhoi-voi-bao-thanh-nien-va/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét