Ảnh: “Cá gỗ – Bánh vẽ – Thịt rất tươi” Lê Kinh Tài bày tại Huế
Tôi nhớ không lầm, đây có lẽ không phải là lần thứ đầu tiên Bộ GD-ĐT rình rang dự thảo về vấn đề này. Thế nhưng nhìn lại, kết quả chẳng đâu vào với đâu. Tháng 1/2007, trong một buổi làm việc, bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố “Trong 10 năm tới, chúng ta cố gắng thu hút vài trăm, thậm chí 1.000 nhà khoa học Việt kiều về làm việc tại các cơ sở giáo dục VN”. Sau đó là hàng loạt những vấn đề được đem ra mổ xẻ như: cởi trói về thủ tục và trả thù lao tương xứng cho nhà khoa học Việt Kiều, rồi “thu hút trí thức Việt Kiều: giải pháp nào?”,…. Thử làm một điều tra xem các trường đại học hàng đầu trong cả nước như ĐHQG TPHCM, ĐHQG HN, số lượng nhà khoa học Việt Kiều làm việc thường xuyên là bao nhiêu? Như năm 2007, cả ĐHQG TPHCM chỉ khoảng hơn 10 nhà khoa học Việt Kiều làm việc toàn thời gian, mà đa số, họ đều ở tuổi đã nghỉ hưu, tình nguyện về làm việc mà không so đo tới chuyện lương bổng. Một số trường ĐH vùng như ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ,….có những trường hoàn toàn không có một nhà khoa học Việt Kiều làm việc tòan thời gian. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần hết 6 năm rồi, vậy mà bây giờ lại mới bắt đầu “dự thảo những quy định đãi ngộ….”. Có lẽ tôi không quá lời khi sử dụng cụm từ để so sánh với dự thảo này, đó chính là một chiếc bánh vẽ, dù nhiều màu sắc nhưng rất kém hấp dẫn.
Đọc toàn bộ bản tin, tôi tìm thấy 15 chữ “được”, tức là quyền lợi mà nhà khoa học được ưu tiên. Tuy nhiên mọi thứ khá lờ mờ, thậm chí là buồn cười mặc dù tôi biết những vị soạn thảo và ra quyết định cho dự thảo này chắc chắc phải thuộc hàng “cây đa cây đề”, có tầm nhìn vĩ mô về chính sách và quản lý nhân sự. Xin đưa ra vài ví dụ
- Được thỏa thuận với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam về ký hợp đồng lao động theo quy định của luật pháp Việt Nam, trong đó quy định rõ định mức thù lao, mức lương, các chế độ được hưởng, các chi phí liên quan đến công bố và đăng ký kết quả nghiên cứu trong nước và nước ngoài
Điều này không thể gọi là “ưu tiên”. Tất cả các hợp đồng lao động, ngay cả công dân Việt Nam làm việc tại VN cũng phải ghi rõ về quy định giờ giấc làm việc, thù lao được hưởng, số ngày lễ được nghỉ trong năm….. Đồng thời, những chi phí cho việc xuất bản công bố báo chí, thậm chí ngay cả những chi phí tài liệu học thuật, mẫu vật hóa chất thì cơ sở chủ quản phải trả cũng là lẽ thường. Đây có được xem là “được” hay là quy định/thủ tục hành chính đương nhiên?
- Được chủ trì và tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, các chương trình đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sỹ.
Đây không phải là một đặc ân về quyền lợi mà đây chính là nhiệm vụ, trách nhiệm của những nhà khoa học. Dự thảo không cần ghi điều này thì các nhà khoa học cũng phải hiểu họ phải làm gì.
- Được mua, thuê nhà với giá ưu đãi và làm thủ tục thuận lợi nhất; Được ưu đãi trong việc thuê hoặc mua trả góp trong nhiều năm…
Điều này ghi thật chung chung, mua hay thuê hoàn toàn khác nhau, mua thì ưu đãi bao nhiêu? 1% cũng là ưu đãi mà 50% cũng là ưu đãi. Rồi nếu họ làm việc trong vòng 2 năm thì họ phải trả tiền nhà trong 2 năm chứ không thể là 5 năm hay sao khi mà số lương chưa đủ để hoàn thành tiền mua nhà?
- Được cấp thị thực xuất nhập cảnh (kể các các thành viên gia đình) có giá trị sử dụng nhiều lần phù hợp với thời gian làm việc.
Tôi cũng cảm thấy rất buồn cười khi mà điều này lại được xem là một đặc ân. Xin thưa với các vị soạn dự thảo này, rất nhiều nước mà gần đây nhất là Nhật Bản đã bỏ hẳn việc xin Re-entry (tái nhập cảnh) nếu visa của người nước ngoài đó vẫn còn hạn sử dụng, điều đó có nghĩa, họ có visa trong hai năm thì trong trong hai năm đó, họ xuất cảnh và nhập cảnh bao nhiêu lần đều được, họ không phải làm bất cứ một thứ thủ tục nào khác nữa. Đối với cá nhân tôi, cái “được” này đâu có đáng gì mà lại liệt kê ra đây.
- Được đảm nhiệm giữ các chức vụ quản lý cấp trường, cấp khoa, cấp bộ môn.
Cái mục này thì lại càng buồn cười, các nhà khoa học họ về làm việc trong chuyên môn và thông thường họ không có xu hướng kiêm nhiệm công tác quản lý về chính quyền vì sẽ rất mất thời gian. Hơn nữa, nếu được phân công vào việc này, không những là một ”điểm cộng” mà phải là “điểm trừ”. Họ chưa quen chính sách, nhân sự, môi trường của VN và họ không có xu hướng “thích làm quan” đeo mang rất nhiều chức vụ như các “quan trí thức” ở VN đâu.
Còn nhiều cái “được” buồn cười khác nữa.
Đối với cá nhân tôi, việc đầu tiên mà VN cần làm đó là sự minh bạch trong tất cả mọi đề tài/dự án nghiên cứu. Một dự án nghiên cứu bao giờ cũng có một khoản để trả lương cho chuyên gia, thông thường khoảng 30% số tài chính của đề tài. Bắt đầu từ những đề tài lớn/trọng điểm, chúng ta công bố lên các trang web lớn như Nature Job, mời chuyên gia cho đề án. Các ứng viên sẽ nộp hồ sơ và chúng ta chọn họ dựa vào công trình khoa học mà họ công bố. Với mức lương khoảng 2-3 nghìn dollars /tháng cũng không hẳn là quá tệ, nhất là đó lại là nhà khoa học gốc Việt, hoặc giả là nhà khoa học đó muốn trải nghiệm cuộc sống mới. Vậy với một đề án trong hai năm, chúng ta sẽ trả lương cho một chuyên gia khoảng 30-36 nghìn dollars, họ sẽ là người lên kế hoạch, thiết kế chương trình, viết báo công bố công trình và quan trọng nhất là chuyển giao lề lối, tác phong làm việc một môi trường khoa học chuyên nghiệp cho các nhà khoa học trẻ VN tại các Viện/Trường đại học thì quá xứng đáng để đầu tư. Thay vì những “hao hụt” /lãng phí tài chính không đáng có, thậm chí là làm không ra kết quả thì sự đầu tư trên là một cái giá an toàn và chấp nhận được cho mong muốn vực dậy một môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp.
Mỗi năm, nhà nước và chính phủ luôn dùng 2% GDP cho nghiên cứu khoa học, trong đó chắc chắn sự lãng phí là rất lớn (vì tôi không tìm được nguồn). Thế nhưng, những kết quả nghiên cứu như thứ cây nhà lá vườn, không được/thể chấp nhận trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế. Chính vì là cây nhà lá vườn nên họ cẩu thả thậm chí gian lận trong trình bày kết quả mà không có sự phản biện một cách nghiêm túc khoa học của giới chuyên môn. Hoạt động này không khác một hành động “thay máu” cho nền khoa học nước nhà, dần dần nó sẽ nâng cấp tư duy, lề lối làm việc ì ạch của các nhà khoa học VN.
Tất cả các nước như Singapore/Hàn Quốc/Thái Lan,….đều phải trải qua bước đi này. Mọi thứ đều được lựa chọn, không có kiểu chỉ định GSTS A làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước X, GSTS B làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước Y,….như từ trước tới giờ VN vẫn tiến hành.
Tôi xin mạn phép đưa ra một khẳng định, với cơ chế như hiện nay khi mọi thứ không được minh bạch rõ ràng và công khai thì dự thảo hôm nay của Bộ GD-ĐT, dù có cố vẽ cho to, sơn phết thêm nhiều màu sắc đi nữa cũng sẽ chỉ là chiếc bánh vẽ.
Và chúng ta hãy chờ xem.
Mời xem thêm: Sẽ có hàng loạt chế độ đãi ngộ để thu hút nhà khoa học (Dân Trí)http://hailuablog.wordpress.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét