Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Mấy lời giải bày với "anh binh bét"! - MINH DIỆN


Mái tóc đốm bạc, gương mặt lạnh, suy tư, ánh mắt nhìn sâu, mỗi lời nói như đều cân nhắc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng, có tác phong một người lính thận trọng kín đáo, và ông nói rất tự hào với quân hàm “binh bét”.

Nhưng, suy cho cùng, ai vào quân đội mà không từ “binh bét” đi lên? Chỉ có công an mới có mấy vị chưa qua “binh bét” mà đùng một phát lên đại tướng!
Nhắc tới Nguyễn Chí Vịnh, người ta thường nhớ đến thân phụ ông, cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một người văn võ song toàn, từng làm nổi “Gió Đại Phong” dậy “Sóng Duyên Hải” và phất cao “Cờ Ba Nhất”, người có câu nói vừa khích lệ tinh thần chiến đấu,vừa vạch ra một chiến thuật trong thời kỳ chống Mỹ ở chiến trường miền Nam “ Bám thắt lưng giặc mà đánh!”.
Trước đây không lâu, đọc một số bài báo và nghe trả lời phỏng vấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh, thấy ông phân tích sắc sảo các mối quan hệt quốc tế và khu vực, và bày tỏ ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của một người lính: “Phải làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước ta! Lợi ích quốc gia, dân tộc là thước đo hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại nói chung và nói riêng. Bất kỳ lúc nào cũng phải lấy lợi ích quốc gia làm tiêu chí cơ bản!” (Trích bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XI, và bài viết của Nguyễn Chí Vinh đăng trên VnEpress, nhân Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 5, tại Jakarta, Indonesia)
Nhưng, gần đây, qua các cuộc tiếp xúc với những nhân vật đồng nghiệp Trung Quốc, những phát biểu của Nguyễn Chí Vịnh giảm hẳn độ căng và độ nóng trước sự ngang ngược, khinh mạn của “bạn vàng”, trước những sự kiện đang căng hơn, nóng hơn mỗi ngày, đang là nỗi bức xúc của nhân dân, tập trung sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, đó là sự kiện Biển Đông.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, ngày 29-8-2011, Nguyễn Chí Vịnh nói với Mã Hiếu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc: “Nếu Việt Nam cần sự đồng cảm, hợp tác phát triển, thì còn ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng!”, và “Không có lòng tin chính trị thì không thể hợp tác phát triển, cũng không thể giải quyết bất đồng!”.
Lòng tin chính trị ở đây được hiểu là chủ nghĩa xã hội, là lý tưởng cộng sản, là tình đồng chi! Không hiểu các đồng chí Trung Quốc còn theo chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản không, và giành cho Việt Nam bao nhiêu “lòng tin” mà Nguyễn Chí Vịnh đặt hết lòng tin vào họ, để rồi hứa với họ: “Kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam, với tinh thần không để sự việc tái diễn!”.
Cái gọi là tụ tập đông người, chính là những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vây cướp tàu cá, đánh đập ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, là phản đối Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 2, là quấy rối các dàn khoan thăm dò dầu khí của Việt Nam, là mời thầu 9 lô mỏ dầu,…Những người yêu nước “tụ tập đông người” đòi Trung Quốc trả Hoàng Sa, mảnh đất cha ông ta khai phá, anh em đồng đội ta đã đổ máu trước họng súng của Trung Quốc. Những người mà Nguyễn Chí Vịnh hứa với Trung Quốc kiên quyết xử lý, không ai khác, chính là nhân dân Việt Nam, những người yêu nước, đã và sẵn sàng xả thân cứu nước, mà với tư cách một người lính, Nguyễn Chí Vịnh phải bảo vệ, phải tận hiếu như đối với cha mẹ mình.
Tại sao khi người đồng cấp Trung Quốc đối diện đàm phán, chưa hề hứa không cắt cáp, không săn bắt thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, và sẽ trả lại Hoàng Sa và những hòn đảo chiếm của Việt Nam, mà Nguyễn Chí Vịnh đã mau mắn hứa với họ như vậy? Ông coi Nhân dân Việt Nam hơn, hay cái gọi là lòng tin vào “hai con số 16+4” hơn?
Nguyễn Chí Vịnh có một quan điểm rất lạ về chủ quyền và lợi ích lãnh thổ: “Chia chủ quyền lãnh thổ thì không được, nhưng chia lợi ích có thể thành con đường để giải quyết những khác biệt tranh chấp!”. Ông nói như vậy là nghiễm nhiên dễ dàng chấp nhận bài gian kế “gửi chân” của sói hay sao? Tức là chấp nhận chiến lược ba bước của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông (Chưa có tranh chấp thì gây tranh chấp - Gác tranh chấp cùng khai thác -bước thứ 3 là chiếm luôn toàn bộ!”)...
Ô hay, chủ quyền và lợi ích là hai mệnh đề gắn chặt với nhau trong một phạm trù mang tính đặc thù, sao lại bóc tách mập mờ như vậy? Chủ quyền không thể tách khỏi lợi ích. Vì lợi ích người ta mới cần chủ quyền! Có chủ quyền mà không có lợi ích khác gì một cái bánh vẽ? Thử hỏi, căn mình đứng chủ quyền, người khác đến chia lợi ích thì thế nào?
Trung Quốc đưa ra chiêu bài “hợp tác cùng khai thác Biển Đông” mà quan điểm của Nguyễn Chí Vịnh như vậy, khác nào bắt tay “hảo hảo”, rồi “cho sói gửi chân”?
Không hiểu cái lợi ích đó đã chia chưa, chia như thế nào, ai được hưởng? Phải chăng ông Vịnh muốn áp dụng phương thức cho thuê rừng đầu nguồn hoặc khai thác Bauxit ở Tây nguyên vào Biển Đông?
Cần nói thẳng, với ý chí của người lính, Hoàng Sa, Trường Sa, vùng lãnh thổ, lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam, không thể chia chác lợi ích với kẻ khác.
Biển Đông trở thành một điểm nóng, không phải do Mỹ, Anh, Pháp hay bất kỳ một thế lực thù địch nào gây nên, mà do Trung Quốc. Từ đời nhà Thanh, Trung Quốc đã tham vọng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Năm 1974, lợi dụng cuộc kháng chiến chống Mỹ trong giai đoạn cuối của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Giờ với nền kinh tế thứ 2 thế giới, với số dân 1 tỷ 350 triệu người, Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng bành trướng ra Biển Đông, không chỉ chiếm biển đảo Việt Nam mà với các nước khác. Những tàu sân bay, tàu khu trục, và một lúc tuôn ra Biển Đông hàng chục ngàn tàu đánh cá giả dạng, Trung Quốc đang lấy thịt đè người, dùng sức mạnh thôn tính Biển Đông một sớm một chiều.
Trước tham vọng và sức mạnh của Trung Quốc, không có sự đồng tâm hơp lực của các nước trong khối ASEA, không có sự đồng thuận phản kháng của thế giới, thì không một nước nào cản được. Sự liên kết chặt chẽ của khối ASEAN, và sự tương tác cùa các nước trong khu vực, đặc biệt là Mỹ, là vật cản không cho phép mũi tàu tham vọng của Trung Quốc càn lướt Biển Đông.
Lẽ ra phải nắm bắt lợi thế đó, nhưng hình như Nguyễn Chí Vịnh không mặn mà lắm.
Nguyễn Chí Vịnh nói: “Trong các mối quan hệ an ninh của thế giới không có mối quan hệ nào đơn thuần giữa hai nước với nhau. Một vấn đề nào đó giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn gắn bó với bàn cờ chung của thế giới, nhưng trong những vấn đề cùa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, là hai người chơi chủ yếu, sao cho không để bên khác chen vào trục lợi” (Tuổi trẻ online 20-1-2012).
Quan điểm này của Nguyễn Chí Vịnh đồng nhất với quan điểm “đàm phám song phương, không đàm phán đa phương” của Trung Quốc. Cái cách chia để trị từ thời Tần Thủy Hoàng đang được Trung Nam Hải áp dụng triệt để!
Tôi nghĩ Nguyễn Chí Vịnh không lạ gì cái mẹo vặt cùa anh bạn láng giềng, nhưng không hiều sao, đã xác định đứng trong một bàn cờ chung, lại tách ra chơi riêng với anh ta? Như vậy phải chăng, đã bỏ chỗ quang minh chính đại theo cách ăn mảnh của tiểu nhân?
Với cách chia để trị, Trung Quốc đã làm Hội nghị ASEAN tại Pnompenh thất bại cay đắng, một người lạc quan như ông Tổng thư ký Suren Pitsuwan phải thốt lên “Một sự đổ vỡ chưa từng có!”.
Trong khi tỏ ra thân thiết, nhún nhường với Trung Quốc, Nguyễn Chí Vịnh lại tỏ ra cao đạo, lạnh nhạt với Mỹ. Những cuộc viếng thăm qua lại của quan chức Bộ quốc phòng , và những hoạt động giao lưu của quân đội hai nước Nguyễn Chí Vịnh mô tả: “Chúng ta chấp nhận lời mời của phía Hoa Kỳ vì mong muốn thể hiện sự thiện chí trong quan hệ giữa hai nươc, đồng thời khằng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của luật pháp quốc tê!”. Và “Hoạt động giao lưu đó do chính quyền địa phương chủ trì, các bộ ngành có liên quan và đơn vị quân đội địa phương tham gia!”.
Nước Mỹ không cắt cáp thăm dò địa chấn, không nhiễu rối các dàn khoan, không cướp tàu đánh cá, không chiếm Hoàng Sa, không gọi thầu những lô dầu ở vùng đặc quyến kinh tế Việt Nam, chính Trung Quốc đang làm việc đó.
Sao Nguyễn Chí Vinh không khằng định điều đó với Trung Quốc, lại chuyển giọng thân thiện: “Phát triển quan hệ hải quân với Trung Quốc là một hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại quốc phòng của Viêt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Có thể nói được phát triển theo đúng đối tác chiến lược toàn diện mà hai đảng, hai nhà nước đã cam kết!? (Tuổi Trẻ online 20-1-2012).
Từ trước tới nay chưa thấy ai phát triển quan hệ hợp tác với kẻ cướp nhà mình!
Trung Quốc ngày càng bộc lộ tham vọng thôn tính Biển Đông bằng mọi giá. Khi Mã Hiếu Thiên đang ở thăm Viêt Nam, tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục cắt cáp dàn khoan thăm dò dầu khí Việt Nam. Trước đó Trung Quốc đưa hạm đội bao vây bãi Sakborough của Philipines. Thái độ hung hăng như vậy mà ưu tiên hợp tác chiến lược thật khó hiểu!?
Trung Quốc thể hiện tham vọng của minh bằng cái gọi là “Đường lưỡi bò chín khúc” trên Biển Đông. Đó là ý đồ sâu xa, vì lợi ích lâu dài, được tính toán rất chi ly của Trung Nam Hải, nhưng Nguyễn Chí Vịnh nhận xét một cách rất xuê xoa. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ online ngày 20-1- 2012, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: “Tôi nghĩ rằng (việc Trung Quốc tuyên bố đường lưỡi bò) không lợi cho Việt Nam mà cũng không lợi cho Trung Quốc, mà đã làm dấy lên dư luận quốc tế không tốt cho Trung Quốc, có lợi cho thế lực khác!”.
Không hiểu thế lực khác ở đây là thế lực nào? Chả lẽ đế quốc Mỹ nhảy vào đường lưỡi bò cắt cáp thăm dò địa chấn trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam?
Bây giờ cái đường lưỡi bò ấy, đã bò lên mặt 6 triệu quyển hộ chiếu của Trung Quốc, nếu không được phóng viên nước ngoài lên tiếng, có khi người ta lờ đi vì “Trung Quốc cũng chẳng lợi gì”. Không có lợi màTrung Quốc bỏ tiền bỏ công ra làm cái việc tầy ấy, hóa ngu sao? Đặng Tiểu Bính nói: “Người Trung Quốc nhìn trước, nhìn sau một ngàn năm, không thế không phải người Trung Quốc!”. Lỗ Tấn nói: “Người Trung Quốc nhìn qua cái trôn kim đề thấy quả núi lớn!”. Nhắc lại, để thấy người Trung Quốc không làm bất kỳ việc gì không có lợi cho họ, con cháu họ, chứ không ăn độ ở thì như chúng ta. Cái đường lưỡi bò chín đoạn Trung Quốc vạch trên Passport, nếu không bị phát hiện, phản đối, mà đồng cảm, cho rằng Trung Quốc chẳng có lợi gì, thì có ngày Trung Quốc sẽ rống lên “lãnh hải Trung Quốc đã công khai từ lâu rồi!”.
Dù cho tướng Nguyễn Chí Vịnh nói theo ngôn ngữ ngoại giao, cũng không nên quá “môi mép mặn mà mềm mỏng” đến mức cố làm vừa lòng “bạn vàng” như vậy!
Cũng như Vương Đình Huệ, Đinh La Thăng,...Nguyễn Chí Vịnh ngày càng làm cho mọi người cảm thấy thất vọng. Có người nói, phải chăng, chúng ta đang sống trong một không gian lệch tâm, nên mọi góc nhìn đều không chuẩn? Có người nói theo sách vở, rằng tư tưởng luôn vận động biến đổi theo thực tế khách quan! Lại có người bảo, bản chất như vậy, chúng ta đã, đang và sẽ còn bị lừa!
Sự thật thế nào, thời gian sẽ là trọng tài công bằng và nghiêm khắc. Nhưng tôi muốn tướng Nguyễn Chí Vịnh đừng quên “Niềm tự hào anh binh bét” mà ông đã nói. Anh binh bét bao giờ cũng có cái nhìn thẳng như đường đạn và sẵn sàng xả thân vì Tổ Quốc! Chẳng lẽ ông tự coi mình chỉ đơn thuần như anh “lính trơn”, mọi sự có chỉ huy, chỉ đạo và ông chỉ có việc làm theo mệnh lệnh?

M.D


http://bvbong.blogspot.de/2012/12/may-loi-giai-bay-voi-anh-binh-bet.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét