Trong
quý thứ ba năm 2012, tổng số lợi nhuận do bốn ngân hàng thương mại lớn
nhất ở Trung Quốc lên tới 190 tỷ đồng nguyên, tương đương 30 tỷ đô la
Mỹ. Số tiền lời này cao gấp ba số lợi nhuận của bốn ngân hàng lớn nhất
bên Mỹ cộng lại. Tại sao các vị chủ ngân hàng ở Trung Quốc kiếm tiền
giỏi hơn các đồng nghiệp trong một quốc gia tư bản lâu đời như vậy? Lý
do quan trọng nhất là họ chiếm địa vị độc quyền; trong khi các ngân hàng
Mỹ phải cạnh tranh với nhau, kể cả với các ngân hàng ngoại quốc. Họ
cạnh tranh bằng cách trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền (trương
chủ); hoặc lấy lãi suất thấp hơn khi cho các doanh nghiệp đến vay tiền.
Tại Trung Quốc, các ngân hàng lớn do nhà nước làm chủ không phải vất vả
như vậy.
Chính sách của chính quyền Bắc Kinh bảo
đảm các ngân hàng phải có lời. Nhà nước ấn định mức lãi suất cho tiền
gửi vào ngân hàng, cũng như lãi suất mà các ngân hàng đòi người đến vay.
Như trong tháng Bảy vừa qua, họ hạ thấp lãi suất để kích thích kinh tế
trước kỳ đại hội đảng, lãi suất trả cho các người gửi tiền là 3% một
năm; còn lãi suất khi cho vay là 6%. Các ngân hàng Trung Quốc chỉ việc
ngồi thu tiền của dân chúng, rồi đem tiền đó cho các doanh nghiệp nhà
nước vay. Dù họ đòi các xí nghiệp trả lãi rất thấp so với lãi suất trên
thị trường tự do nhưng họ vẫn được bảo đảm sinh lời nhờ lãi suất chênh
lệch 3%. Các ngân hàng nhà nước còn kiếm thêm tiền lời khi chuyển tiền
qua các quỹ đầu tư mà các cán bộ quản lý lập ra, các quỹ này đem tiền
cho các xí nghiệp tư vay với lãi suất cao hơn, lên tới 9%, 10% hay cao
hơn nữa. Nhìn đâu cũng có cơ hội kiếm tiền.
Kinh tế không cân bằng
Tình
trạng các ngân hàng là tiêu biểu cho chính sách kinh tế của Đảng Cộng
sản Trung Quốc, mới họp xong kỳ đại hội thứ 18. Những người dân bình
thường chịu hy sinh khi gửi tiền vào ngân hàng; cũng giống như các công
nhân làm việc với mức lương thấp để các doanh nghiệp đem bán hàng ra
nước ngoài với giá rẻ. Hậu quả là người dân thường không đủ tiền tiêu
thụ trong khi các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước hưởng lợi nhuận
cao.
Trong bài diễn văn khai mạc đại hội vừa qua, ông Hồ Cẩm Đào nhắc lại rằng nền kinh tế Trung Quốc “mất cân bằng, không điều hợp và không thể kéo dài”.
Từ năm ngoái, ông Ôn Gia Bảo cũng nhận xét về các nhược điểm đó, và đã
lặp lại nhiều lần. Hai người lãnh đạo đều nhấn mạnh tới các nhược điểm
trong khi họ cũng có thể khoe khoang về các thành tích đáng kể. Nông dân
cũng được xóa bỏ nhiều thứ thuế và lệ phí. Mười năm trước, chỉ có 20%
dân ở nông thôn được bảo hiểm y tế, tỷ số này đã nâng lên thành 97%. Năm
2000, chỉ có 15% dân cả nước được bào hiểm y tế, tỷ số này đã tăng lên
thành 95%. Trong sáu năm nữa tất cả trẻ em từ 6 đến 15 tuổi trên nguyên
tắc sẽ được đi học miễn phí. Chương trình gia cư tốn đến 800 tỷ đô la sẽ
xây thêm 36 triệu căn hộ cho dân thành phố trước năm 2016. Có đến 70%
dân Trung Hoa nghĩ rằng đời sống của họ đã khá giả hơn so với năm năm
trước. Trong mười năm qua, kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần; năm
2002 Trung Quốc đứng hàng thứ năm về hàng xuất khẩu, năm nay họ đứng đầu
thế giới. Nhưng chính con đường phát triển dựa trên xuất khẩu và đặt
trọng tâm vào tỷ lệ tăng GDP thật cao cũng là lý do khiến kinh tế Trung
Quốc mất cân bằng và gây ra những vấn đề xã hội trầm trọng.
Hai
nhà lãnh đạo mới, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ phải lo làm sao cho
kinh tế cân bình hơn, tức là bớt lệ thuộc vào xuất khẩu, bớt xây cất cao
ốc và không làm thêm xa lộ, phi trường quá phí phạm; trong khi người
dân tiêu thụ phải thắt lưng buộc bụng. Tình trạng bất cân này dã bắt đầu
từ thời Giang Trạch Dân, khi họ đổ tiền của, tài nguyên quốc gia cho
dân thành thị hưởng và bỏ rơi giới tư doanh nhỏ tại nông thôn. Hơn nữa,
họ đã củng cố các doanh nghiệp nhà nước lớn trong lúc bỏ rơi giới các xí
nghiệp tư nhân, nhất là các xí nghiệp nhỏ ở nông thôn. Mà nông thôn
chính là động cơ thúc đẩy chương trình đổi mới kinh tế ngay từ lúc đầu,
đưa tới các thành quả đột xuất. Đến thập niên 1990, kinh tế nông thôn
bắt đầu bị khựng lại. Cảnh chênh lệch nông thôn, thành thị đi đôi với
cảnh chênh lệch giàu nghèo; đưa tới các vấn đề xã hội khác. Người dân
tiêu thụ bị bỏ rơi trong khi các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi cho
tiền đầu tư mặc dù việc quản lý có hiệu năng rất thấp.
Tỷ
lệ phát triển của tổng sản lượng nội địa (GDP) đã tăng lên, kể từ thời
Đặng Tiểu Bình sang thời Hồ Cẩm Đào, từ hơn 9% lên trên 10%. Nhưng khi
cái bánh kinh tế lớn hơn thì phần chia cho người dân tiêu thụ đã giảm;
vì kế hoạch nhà nước chỉ chú trọng việc đầu tư. Trong thời còn ông Đặng
Tiểu Bình, số tiền dân tiêu thụ chiếm một nửa lợi tức cả quốc gia. Qua
13 năm dưới quyền Giang Trạch Dân, tỷ lệ đó giảm xuống chỉ còn hơn 45%.
Mười năm ông Hồ Cẩm Đào trị vì, tỷ lệ lại giảm thêm, xuống 37%. Ở Mỹ,
người tiêu thụ hưởng hai phần ba cái bánh tổng sản lượng nội địa. Tại
Nhật Bản, một nước làm giàu nhờ xuất cảng và người dân nổi tiếng tiết
kiệm nhưng tỷ số tiêu thụ vẫn chiếm 60% GDP. Chính sách bỏ rơi người
tiêu thụ này khiến kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào việc bán hàng xuất
khẩu, khi kinh tế các nước tiêu thụ, nhất là ở Mỹ và Châu Âu trì trệ thì
các xí nghiệp Trung Quốc cũng gặp nạn. Từ năm 2011 nhiều xí nghiệp ở Ôn
Châu đã phá sản, chủ nhân phải bỏ trốn sau khi quịt tiền lương của công
nhân.
Trong năm 2012 tốc độ phát triển kinh tế
Trung Quốc bắt đầu giảm bớt. Sau hàng chục năm tăng 10% mỗi năm, năm
ngoái vẫn còn tăng hơn 9%; tổng sản lượng nội địa (GDP) trong quý thứ ba
năm 2012 chỉ tăng 7.4%, tỷ lệ thấp nhất trong 13 năm.
Những
con số thống kê cũng không quan trọng lắm. Chính ông Lý Khắc Cường từng
nói với mấy viên chức sứ quán Mỹ rằng rằng các con số về GDP của Trung
Quốc đều là “nhân tạo”, không phản ánh sự thật. Muốn biết tình trạng
kinh tế thật, Lý Khắc Cường nói, hãy xem mấy chỉ số khác đang lên hay
đang xuống. Các chỉ số đó gồm có: Số lượng điện tiêu thụ, số hàng chuyên
chở trên đường sắt, và số tiền các ngân hàng đem cho vay. Những ý kiến
của Lý Khắc Cường được Tòa đại sứ Mỹ báo cáo về Bộ Ngoại giao, rồi bị
mạng Wikileaks lấy trộm và công bố.
Dựa trên ý
kiến của ông Lý Khắc Cường người ta thấy trong quý thứ ba năm 2012 cả ba
tiêu chí trên đều giảm. Hàng hóa chở trên đường xe lửa vào đầu năm tăng
lên với tỷ số thấp hơn tốc độ năm ngoái; đến tháng Sáu bắt đầu giảm và
cứ thế tiếp tục, đến hết tháng Chín vẫn giảm. Trong tháng Tám, số hàng
chuyên chở trên xe lửa giảm bớt 9,2% so với cùng thời kỳ năm trước. Với
tỷ lệ giảm hơn 9% của số hàng chuyên chở, không thể tin được là GDP lại
tăng trên 7%.
Thứ đến điện lực. Tại Trung Quốc
các xí nghiệp sử dụng 70% số điện do cả nước dùng. Số điện tiêu thụ
trong tháng Chín chỉ tăng thêm 2,9 phần trăm so với tháng Tám. Trong
cùng tháng Tám, vào năm 2011 thì tỷ số điện dùng đã gia tăng 12%. Đây
cũng là điều khó hiểu, khi GDP được kể là đã tăng hơn 7% mà số điện dùng
lại tăng ít như vậy.
Nói tới số tiền các ngân
hàng đem cho vay thì trong 9 tháng đầu năm nay tổng số cho vay đã tăng
thêm 18%. Tuy nhiên, nếu so sánh với thành tích mười năm qua, tỷ lệ số
tiền cho vay gia tăng mỗi năm 30%, thì tỷ số 18% quá thấp. Tất cả các
con số trên đây cho thấy kể từ giữa năm 2012 hoạt động kinh tế trên toàn
quốc đã khựng lại, mặc dù giới lãnh đạo đã đổ thêm tiền để kích thích
bằng cách hạ lãi suất các ngân hàng và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Kinh tế, xã hội đều bất ổn
Chính
tỷ lệ tăng trưởng 10% trong 10 năm qua là nguyên nhân gây ra cảnh kinh
tế mất cân bình. Vì để đạt tỷ lệ cao như thế, Bắc Kinh đã dồn tài nguyên
quốc gia vào các xí nghiệp quốc doanh, để cho họ xây dựng rất nhiều nhà
máy và hạ tầng cơ sở, không cần tính toán đến lợi suất kinh tế mà các
món tiền đầu tư đó sẽ đem lại hay không. Mất thăng bằng, khi dân thành
thị được lái xe trên những đường cao tốc tốt hơn, vào phi trường tối tân
hơn, nhiều khu cao ốc mọc lên không có ai ở, còn dân ở nông thôn vẫn
được hưởng bảo hiểm y tế rất ít, hễ bệnh nặng là có thể sạt nghiệp; các
trường học hơi bị động đất là sập đổ; nhiều người tiền hưu liễm không đủ
dùng, và tiền để dành gửi vào ngân hàng của nhà nước thì chỉ được trả
lãi suất thấp.
Có hai cách giản dị để bóc lột
dân. Thứ nhất là nhà nước chiếm độc quyền trong nhiều lãnh vực công
nghiệp, họ làm ra cái gì, bán với giá nào dân tiêu thụ cũng đành phải
chịu vì không có ai cạnh tranh. Thứ hai là nhà nước chiếm độc quyền về
ngân hàng, tự ý ấn định lãi suất trả người gửi tiền rất thấp và ấn định
lãi suất cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp nhà nước, còn mặc cho giới
kinh doanh tư phải đi vay chợ đen lãi nặng. Các ngân hàng bóc lột đa số
dân gửi tiền, cho một thiểu số hưởng.
Một công
ty nghiên cứu tài chánh quốc tế đã tính rằng riêng việc trả lãi suất
thấp cho trương chủ, thay vì trả lãi suất theo cung cầu của thị trường,
đã làm thiệt hại cho dân chúng cả nước 1,160 tỷ đồng nguyên (gần 200 tỷ
mỹ kim một năm). Tình trạng độc quyền trong ngành viễn thông, tha hồ
tính giá cao, cũng cướp lấy của dân mất mỗi năm 442 tỷ nguyên (hơn 70 tỷ
đô la) mà nếu có thị trường cạnh tranh tính giá thấp hơn thì dân tiêu
thụ không phải trả.
Nếu các xí nghiệp quốc doanh
không trả nợ được, thì ngân hàng cũng đành chịu. Số “nợ xấu” đã tăng
thêm 20% trong năm qua (các món nợ coi là xấu nếu sau 30 đến 60 ngày vẫn
chậm trễ chưa trả được lãi hoặc vốn). Trong ba quý đầu năm 2012, bốn
ngân hàng lớn nhất nước đã tăng số dự trù nợ xấu liên tiếp, từ 20% đến
48%. Họ che lấp các món nợ xấu bằng cách cho vay nợ mới để con nợ trả số
tiền vay từ trước; nhưng tình trạng này càng kéo dài càng gia tăng số
nợ xấu, mối nguy hiểm được che đậy, trì hoãn, nhưng không thể kéo dài
mãi mãi. Sẽ đến lúc nhà nước phải bỏ tiền ra, hàng ngàn tỷ đô la, để cứu
các ngân hàng do nhà nước làm chủ. Tất nhiên, những món tiền “cứu cấp”
đó lấy từ công quỹ, là tiền của dân.
Một cách
cho vay nguy hiểm là ngân hàng đưa tiền cho các công ty và chính quyền
địa phương xây cất nhà, đúng nhu cầu của các đại gia có tiền mà không
biết làm gì ngoài việc mua nhà. Khi trái bong bóng thị trường địa ốc bị
nổ, giá nhà cửa rớt, thì ngân hàng sẽ nguy. Cơn khủng hoảng địa ốc đã
được trì hoãn từ mấy năm nay, chờ ngày bùng nổ. Trong 10 năm qua giá mua
nhà ở các thành phố đã tăng gấp đôi. Năm nay giá vẫn tăng vì các ông Hồ
Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo tiếp tục thả lỏng tiền tệ để tránh phải thấy trái
bong bóng địa ốc nổ trước khi họ mãn nhiệm.
Trong
năm 2011, chính phủ Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh cáo về nạn lạm phát lên
cao, thị trường địa ốc quá nóng, phải kìm hãm lại. Nhưng trong năm nay
họ đã giảm bớt lãi suất hai lần và giảm tỷ lệ dựa trữ của các ngân hàng
ba lần. Đó toàn những hành động thúc cho lạm phát tăng thêm và giá nhà
cửa tăng theo; khi các ngân hàng được thả lỏng đã bơm thêm một số tiền
khổng lồ vào nền kinh tế, tương đương với 1,400 tỷ đô la Mỹ. Đó là chưa
kể 157 tỷ mỹ kim khác được tung ra để kích thích nhu cầu trong tháng
Chín, trước ngày đại hội đảng. Tỷ lệ giá địa ốc trên GDP của Trung Quốc
hiện nay lên cao bằng tỷ lệ ở Nhật Bản trong thập niên 1980. Đầu thập
niên 1990, thị trường địa ốc ở Nhật vỡ, gây nên khủng hoảng tín dụng,
ngân hàng, và kéo theo một cuộc khủng hoảng kinh tế, cho đến 20 năm sau
nay vẫn chưa hồi phục được. Đây là một mối đe dọa trước mắt các ông Tập
Cận Bình và Lý Khắc Cường. Những biện pháp nới lỏng tiền tệ và kích cầu
trên đây giúp cho sản xuất công nghiệp lên cao trong tháng qua, nhưng
chỉ trì hoãn các vấn đề nan giải, trì hoãn cả ý định lập lại cân bằng
trong cơ cấu kinh tế.
Từ năm 2009 Chính phủ
Trung Quốc quyết định đã đổ ra 570 tỷ mỹ kim để kích thích kinh tế,
nhưng đến nay số tiền đó sắp cạn. Điều đáng lo ngại là những món tiền
kích thích đó đã không được dùng đúng chỗ. Tiền không nhắm kích thích
dân chúng tiêu thụ (để kinh tế được cân bằng) mà phần lớn lại đưa cho
các ngân hàng và chính quyền địa phương; mà họ không biết làm gì hơn nên
phần lớn lại bơm thêm tiền vào thị trường địa ốc! Tức là làm giàu cho
dân thành thị nhiều hơn là nâng đỡ nông thôn. Trong năm 2011, một nửa
tổng sản lượng nội địa Trung Quốc là các món đầu tư, trong lúc giới tiêu
thụ chi tiêu chỉ chiếm hơn một phần ba. Từ mùa hè vừa qua, kinh tế bắt
đầu giảm tốc chậm hơn trước trong lúc hàng xuất khẩu cũng trì trệ, vì
kinh tế Nhật Bản cùng nhiều nước Châu Âu và Mỹ suy yếu; đó là những nước
mua hàng quan trọng nhất của Trung Quốc. Tiền kích thích kinh tế 570 tỷ
cuối cùng chỉ biến thành những món nợ không đòi được, tạo thêm tai họa
cho các ngân hàng sau này. Cơn khủng hoảng tài chánh còn một ngòi nổ
chậm khác là số tiền được chuyển từ nước ngoài, phần lớn từ các Hoa kiều
hải ngoại, Hồng Kông và Đài Loan. Họ đổ tiền vào Trung Quốc để tìm số
lời cao hơn, và hy vọng khi đồng nhân dân tệ lên giá vì áp lực quốc tế
thì bỗng dưng họ sẽ có lời khi đổi lại thành mỹ kim. Khi nào kinh tế
Trung Quốc bắt đầu yếu, nhất là khi trái bong bóng địa ốc nổ, thì chính
chủ nhân các món tiền “nóng” đó sẽ rút tiền đi; cơn khủng hoảng càng dễ
xảy ra.
Ông Hồ Cẩm Đào, trong bài diễn văn khai
mạc đại hội kéo dài 100 phút, đã nhắc đến nạn tham nhũng “đang đe dọa
làm sụp đổ đảng và nhà nước”. Hai chữ “tham nhũng” có thể dùng để tóm
tắt đầu mối gây ra các tai họa như bất công xã hội, lạm dụng quyền bính,
cướp đất của nông dân để trao cho các nhà tư bản đỏ biến thành tiền;
rồi đến nạn ô nhiễm môi trường, thiếu thốn trường học và săn sóc y tế ở
nông thôn; các tệ nạn xã hội có thể quy về một nguyên nhân là nạn tham
nhũng.
Nguyên nhân gây tham nhũng chính là cơ
chế cai trị của một đảng độc quyền. Chính những người lợi tức cao nhất
cũng không tin rằng chế độ sẽ tồn tại mãi. Vì vậy, nhiều người đã lo tẩu
tán tài sản ra những nước mà họ thấy tiền bạc của họ được bảo đảm vì
chế độ kinh tế tự do hơn. Ngân hàng Standard Chartered đã tính trong quý
thứ ba năm nay Trung Quốc thâu vào 108 tỷ đô la qua các việc xuất cảng
nhiều hơn nhập cảng hoặc thêm đầu tư từ ngoài vào. Nhưng trên bảng kế
toán thì chỉ thấy quỹ ngoại tệ tăng lên 28 tỷ. Điều này có nghĩa là
trong cùng thời gian ba tháng đó 80 tỷ mỹ kim đã được chuyển từ trong
nước ra ngoài. Làm cách nào người giàu có thể chuyển tiền đi? Không kể
những vụ làm ăn lẻ, trên mặt xuất nhập khẩu đã có những kẽ hở lớn để
chuyển tiền. Chỉ cần xuất cảng 100 đô la trong khi hóa đơn ghi chỉ có 80
đô la, người ta đã “để dành” được 20 đô la cất giữ trong ngân hàng
ngoại quốc. Ngược lại, nhập cảng 100 đô la mà hóa đơn ghi 120 đô la,
cũng làm tăng tài sản được 20 đô la ở nước ngoài. Viện nghiên cứu Global
Financial Integrity đã tính ra trong năm 2011, các số tiền khai chênh
lệch kiểu trên đã giúp các đại gia giữ lại được khoảng 430 tỷ mỹ kim để
gửi trong các ngân hàng ngoại quốc. Công ty nghiên cứu Hurun tại Trung
Quốc thấy rằng trong số những người Trung Hoa với tài sản đầu tư từ 10
triệu nguyên trở lên thì họ giữ gần một phần năm (19%) tài sản ở nước
ngoài; 85% đã gửi con ra ngoại quốc; và 44% đã thành di dân ở nước khác
hoặc đang làm thủ tục di cư. Không phải chỉ có những nhà giàu tìm đường
ra nước ngoài, ngay cả giới công nhân cũng tìm cách đi dù chỉ để bán sức
lao động trong các nước tự do dân chủ vì họ biết cuộc sống sẽ được bảo
đảm hơn.
Người dân Trung Quốc ý thức về các tai
họa trong xã hội họ đang sống. Theo cuộc nghiên cứu của Dự án Pew
Global Attitudes, bốn năm trước chỉ có 39% người dân Trung Hoa nghĩ tham
nhũng là tai họa lớn, năm nay tỷ số này đã tăng lên thành 50%. Tương
tự, trước đây chỉ có 12% dân Trung Hoa thấy nạn thực phẩm độc hại là một
vấn đề, nay đã có 41% dân rất lo lắng về tai họa chung đó. Đặt câu hỏi
họ nghĩ gì về ý kiến nói “người giàu càng giàu hơn và người nghèo nghèo
hơn” trong năm người có bốn người đồng ý (tỷ lệ 81%).
Giáo
sư Tôn Lập Bình (Sun Liping, 孙立平), người hướng dẫn cho ông Tập Cận Bình
khi là sinh viên làm luận án tại Đại học Thanh Hoa (清华大学) cho biết
trong năm năm, từ 2006 đến 2010, số các “biến cố quần chúng” đã tăng gấp
đôi, lên tới 180 vụ dân chúng biểu tình, khiếu nại, vân vân, trong một
năm.
Nhu cầu cải tổ
Kinh
tế Trung Quốc chứa đựng những hiểm họa lâu dài, điều này đã được nhiều
người báo động, như một bài của Giáo sư Bùi Mẫn Hân đã được dịch đăng
trên Bauxite Việt Nam. Chính ông Hồ Cẩm Đào kêu gọi những người
lãnh đạo mới phải “cải tổ sâu hơn trên các lãnh vực quan yếu”, phải thay
đổi mô hình phát triển, không còn dựa trên xuất khẩu và đầu tư nữa mà
cần chú trọng đến tiêu thụ. Ông cũng nhấn mạnh phải cho thị trường đóng
vai trò quan trọng hơn, thay vì lệ thuộc quá vào nhà nước; phải tạo ra
một sân chơi bằng phẳng giữa tư doanh và doanh nghiệp nhà nước đồng thời
cho lãi suất tự do hơn theo cung cầu của thị trường. Tất cả các phương
thuốc đó đều nằm trong toa thuốc của những nhà nghiên cứu như các Giáo
sư Bùi Mẫn Hân, Hoàng Á Thành; cả hai đều xuất phát từ Hoa Lục. Người ta
phải tự hỏi tại sao trong mười năm lãnh đạo ông Hồ Cẩm Đào chưa đem các
toa thuốc đó ra chữa bệnh? Thế hệ lãnh đạo mới sau đại hội kỳ thứ 18 sẽ
phải đối phó với những căn bệnh hiểm nghèo mà các ông Giang Trạch Dân,
Chu Dung Cơ, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo để lại trong cơ cấu kinh tế. Họ cần
phải làm càng sớm càng tốt; vì chính họ sẽ phải đương đầu với những vấn
đề xã hội mà nền kinh tế bất quân bình gây ra.
Vào
giữa tháng Chín vừa qua, Ủy ban phụ trách cải tổ trong chính quyền Bắc
Kinh mời 70 nhà trí thức đến họp kín ở một khu nghỉ mát ngoại ô Thượng
Hải. Theo lời thuật lại của một chuyên viên kinh tế làm việc cho ngân
hàng Merrill Lynch tham dự cuộc họp, viết trên Trang mạng Tài tân
(Caixin.com, Tài tân võng, 财新网), thì nhiều nhà học giả trong lục
địa mô tả Trung Quốc đang sống trong cảnh “dân chúng ở dưới cùng thì bất
ổn, giới trung lưu thì bất mãn, và tầng lớp trên cùng thì bất trị,
không thể kiểm soát được họ nữa”.
Tình trạng
nông dân khắp nơi biểu tình chống tham nhũng, lạm quyền đã lan tràn và
tin tức được phổ biến không thể chối cãi; và ở nhiều nơi chính quyền đã
phải nhượng bộ các đòi hỏi của họ, có nơi còn cho dân bỏ phiếu tự do
chọn người cai trị. Dân các thành phố cũng biểu tình phản đối hệ thống
ống cống hôi thối, cho tới chống lại những nhà máy gây ô nhiễm, nhiều
nơi chính quyền phải đóng cửa hoặc bãi bỏ các dự án sắp kiến thiết.
Các
ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường ít nhất cũng thuộc thế hệ mới. Vì
những người tiền nhiệm của họ trong 20 năm qua, cả Giang Trạch Dân và Hồ
Cẩm Đào đều do “Thái thượng hoàng” Đặng Tiểu Bình đích thân chỉ định
khi họ Đặng còn sống. Hai người lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phải đối
phó với nhiều vấn đề mới mà các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào có thể
né tránh không giải quyết. Cũng chính vì hai thế hệ lãnh đạo cố lẩn
tránh không giải quyết cho nên các vấn đề ngày càng trầm trọng hơn, để
hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường phải lo.
Mới đây trang mạng Bác tấn (Boxun, 博讯) đăng nội dung bản báo cáo của nhà kinh tế Lý Tả Quân, viết: “Năm
2013 Trung Quốc sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế”. Bản báo cáo này chỉ
được trình bày trong một cuộc họp nội bộ vào năm ngoái, nay được các
công dân mạng truyền đi rộng rãi.
Lý Tả Quân báo
động: “Khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc đang thai nghén, có khả năng
xảy ra vào tháng 7, tháng 8 năm 2013. Khủng hoảng sẽ biểu hiện khi một
bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, một bộ phận ngân hàng phá sản,
một bộ phận chính quyền địa phương phá sản”. Hiện nay chính quyền các
địa phương dựa vào nguồn thu lớn là truất hữu đất đai của nông dân rồi
đem bán lại cho các nhà xây dựng. Mấy năm qua họ được chính quyền trung
ương trợ cấp với tiền kích thích, tiền chuyển qua các ngân hàng của nhà
nước, đến địa phương thường được lệnh đưa cho các công ty xây dựng vay
với lãi suất nhẹ, và các cán bộ sẽ căn cứ vào con số các công trình xây
cất đó mà báo cáo thành tích. Tình trạng này không thể kéo dài mãi. Sẽ
tới lúc quả bong bóng địa ốc vỡ nổ, kéo theo nhiều công ty và chính
quyền địa phương. Ông Đổng Phiên Lực, Giáo sư quản lý tại Đại học sư
phạm Bắc Kinh đồng ý với Lý Tả Quân, và nói rằng thực ra cơn khủng hoảng
đã bắt đầu rồi nhưng nhà cầm quyền sẵn còn tiền trong tay đã dùng các
thủ thuật để che đậy mà thôi. Nhưng càng cải tổ chậm trễ thì càng nguy
hiểm.
Trong tháng Chín, Giáo sư Đặng Duật Văn (Deng Yuwen , 邓聿文) , Tổng biên tập tạp chí Học tập thời báo (学习时报), viết về “10 vấn đề nghiêm trọng” trên mạng Tài kinh (Caijing, 财经)
báo động cơn khủng hoảng quyền bính trong xã hội Trung Quốc. Theo ông,
mười năm cai trị của Hồ Cẩm Đào gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết
được các vấn đề. Một nguyên nhân, theo ông là tình trạng chênh lệch giàu
nghèo quá nặng, trong khi dân chúng đang đòi hỏi Đảng Cộng sản phải trả
lại quyền quyết định cho dân mà đảng thì không thể thỏa mãn họ. Cụm
từ “Quyền lực của nhân dân”được ông Tập Cận Bình đưa ra sau Đại
hội 17 đã không xuất hiện trong báo cáo chính trị đại hội thứ
18. Theo ông, giải pháp then chốt là “phải giới hạn quyền lực của chính
phủ”.
Trước ngày đại hội đảng thứ 18 khai mạc, một bài báo đã xuất hiện trên tạp chí Nhân dân luận đàn (人民论坛), một phụ bản của nhật báo Nhân dân. Trong bài đó, Giáo sư Viên Cương (Yuan Gang 袁刚)
thuộc Đại học Bắc Kinh đã nói thẳng: “Một xã hội kiểm soát quá chặt
chẽ, người dân chỉ phục tùng và chỉ được nói và làm theo lệnh trên, ai
cũng sợ hãi và không ai được tự do hành động, thì sẽ bị chấm dứt nhanh
chóng”.
Không hy vọng thay đổi
Nhưng
nhìn vào bảy người ngồi trong Thường vụ Bộ Chính trị thì có thể đoán
trong năm năm tới nước Trung Hoa sẽ không thay đổi bao nhiêu. Ảnh hưởng
của Giang Trạch Dân, 86 tuổi, vẫn muốn bắt chước Đặng Tiểu Bình đóng vai
Thái thượng hoàng. Ngoài Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, năm người còn
lại đều do Giang Trạch Dân cất nhắc. Chính Giang đã chọn Tập Cận Bình
trong lúc Hồ Cẩm Đào muốn Lý Khắc Cường lên làm Chủ tịch; vì cả hai Hồ
và Lý cùng thuộc cánh “đoàn phái,” xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng
sản. Tập Cận Bình, con Tập Trọng Huân, được chọn vì thuộc cánh “vương
tôn” đối lập với Đoàn phái, gồm con cháu những công thần của Mao Trạch
Đông. Con gái Tập Cận Bình đang học Đại học Havard, dưới một tên giả.
Trong bảy người cầm đầu Trung Quốc bây giờ, có bốn người thuộc cánh
vương tôn; còn cánh đoàn phái chỉ có hai: Lý Khắc Cường và Lưu Vân Sơn
(Liu Yunshan, 刘云山).
Lý Khắc Cường trong vai thủ
tướng sẽ có trách nhiệm về kinh tế quốc gia, nhưng sẽ bị kèm bởi hai
người của Giang Trạch Dân là Vương Kỳ San (Wang Qishan, 王岐山) và Trương
Cao Lệ (Zhang Gaoli, 张高丽). Họ Vương đã nắm giữ quyền kinh tế trong bốn
năm trước, nay được nâng lên đứng đầu ủy ban bài trừ tham nhũng; chức vụ
đó có khả năng vượt qua quyền của Thủ tướng. Còn họ Trương trước đứng
đầu thành phố Thiên Tân sẽ điều khiển kinh tế thay chỗ họ Vương.
Người
sẽ đóng vai Chủ tịch Quốc hội là Trương Đức Giang (Zhang Dejiang, 张德江),
từng là tiền nhiệm của Tập Cận Bình đứng đầu tỉnh Triết Giang. Trương
Đức Giang đã tạo ra một tiền lệ mà sau đó Tập Cận Bình vẫn theo, là chú ý
theo dõi những vùng xa và sâu trong tỉnh, để thúc đẩy việc phát triển
kinh tế. Chủ trương này tạo ra những biến thái bất thường, vì nơi nào
ông Bí thư tỉnh để mắt tới thì tự nhiên được các quan chức chú ý rất
nhiều. Một làng vùng chân núi là Hạ Tương (Xia jiang下蒋 ) đã được Tập Cận
Bình đến thăm bốn lần khi ông làm chủ tỉnh, 2002 đến 2007 và sau khi
được nâng lên vào Thường vụ Bộ Chính trị. Hậu quả là cuộc sống ở làng
này đã vượt lên so với các làng khác; họ dựng một căn nhà kỷ niệm cho
Tập Cận Bình, đặt tên là Tư nguyên đình, treo một tấm bảng đồng khắc cả
lá thư do ông ta viết, nhắc nhở dân làng hãy “thi hành triệt để tư tưởng
phát triển theo khoa học”. Phát triển khoa học cũng là một khẩu hiệu
được nêu lên như đường lối quốc gia trong kỳ đại hội vừa qua.
Nhưng
ông Tập Cận Bình khó nắm đủ quyền quyết định để cải tổ kinh tế và chính
trị ở Trung Quốc. Vì có những phe cánh thành hình trong nội bộ Đảng
Cộng sản Trung Quốc trong 20 năm qua, tìm cách gây ảnh hưởng trên chính
sách quốc gia. Phe mạnh nhất là các lãnh tụ cố cựu còn muốn gây ảnh
hưởng. Giang Trạch Dân đã phải chiều theo ý các “cố lão;” rồi sau khi về
hưu chính Giang đã đóng vai một cố lão có ảnh hưởng mạnh nhất. Bên cạnh
họ còn hai phe đảng rất mạnh. Một là những người nắm các doanh nghiệp
và ngân hàng nhà nước, họ muốn tiếp tục chính sách kinh tế cũ để bảo vệ
vai trò độc quyền kiếm lời của họ. Do đó, họ cản trở việc cải tổ hệ
thống ngân hàng; chống việc mở rộng lãnh vực kinh tế tư doanh; mà đó là
hai điều thiết yếu cần phải cải tổ gấp để nước Trung Hoa thoát một cơn
khủng hoảng kinh tế luôn luôn đe dọa. Phe cánh thứ hai là các tướng
lãnh, họ không những muốn được dành cho thật nhiều tiền để trang bị vũ
khí tối tân mà còn muốn lái chính sách ngoại giao của Trung Quốc theo
hướng hiếu chiến, đặc biệt là trong việc bành trướng ảnh hưởng trong
miền Đông Nam Á. Cả ba phe cánh kể trên đều có khuynh hướng chống thúc
đẩy cải tổ nhanh hơn, họ lấn át tiếng nói của những người có khuynh
hướng muốn thay đổi, về kinh tế hay chính trị. Tập Cận Bình chắc chắn sẽ
phải chờ năm năm nữa. Đến kỳ đại hội thứ 19, năm người trong Thường vụ
Bộ Chính trị sẽ đến tuổi phải nghỉ hưu, lúc đó Tập Cận Bình và Lý Khắc
Cường mới có cơ hội đưa thêm người cùng ý kiến với mình vào; nếu họ được
tự do chuẩn bị trong năm năm tới.
Phe quân sự
sẽ có ảnh hưởng trên chính sách ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt là
trong vùng Đông và Đông Nam Á. Những hành động lấn áp của Trung Quốc
trong vùng Biển Đông nước ta, hoặc biển Tây Philippines đều do giới
tướng lãnh diều hâu thúc đẩy. Chính quyền Bắc Kinh thường bày tỏ thái độ
và chính sách ngang ngược trong vùng này là để mua chuộc các tướng
lãnh; cũng như khi họ tăng ngân sách quốc phòng để các người chỉ huy
quân sự có cơ hội rút ruột nhiều hơn. Điều đáng lo ngại là trong thời
gian tới là khi kinh tế trì trệ hơn và nguy cơ khủng hoảng lên cao, giới
lãnh đạo Bắc Kinh sẽ cố ý tạo ra những biến cố gây căng thẳng nhằm
hướng dư luận dân chúng ra ngoài, ngõ hầu dân sẽ quên những bất công xã
hội và kinh tế suy yếu. Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã nhận xét: “ ...
qua phương châm “quán triệt… sự chỉ đạo của chiến lược tăng cường quân
sự tiến cùng thời đại, quan tâm chú trọng cao độ tới an toàn biển...”,
chúng ta có thể dự báo rằng biển đảo, mà trước hết là Biển Đông và biển
Hoa Đông sẽ là nơi Trung Quốc tiếp tục dòm ngó và rất có thể là nơi họ
“kiếm cớ lấn chiếm” với quy mô lớn”.
Ông Hồ Tinh Đẩu (Hu Tingdou, 胡星斗) Giáo sư Học viện Kỹ thuật Công nghiệp (北京理工
大学)
cho biết hiện nay nhiều nhà trí thức Trung Hoa đang bàn với nhau về giả
thuyết cho rằng một đảng độc quyền cai trị thường chỉ kéo dài được 70
năm. Họ dựa trên kinh nghiệm ở Liên xô, Đảng Cộng sản lên năm 1917 và
sụp đổ năm 1991; song song với kinh nghiệm ở Mexico, nơi Đảng Cách mạng
Định chế cũng chỉ nắm quyền được bấy nhiêu năm thì dân chúng bầu cho
đảng đối lập. Nếu lý thuyết này đúng, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc chắc
sẽ phải rời khỏi chính quyền vào năm 2019, tức là bảy năm sau khi ông
Tập Cận Bình nhậm chức!
N.N.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởibauxitevn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét