(tiếp theo bài "Cuộc cách mạng giáo dục đang diễn ra")
Con số 23.000 người hoàn tất khóa học trên mạng đầu tiên của
Sebastian Thrun so với tối đa 200 sinh viên mà ông có thể dạy ở trường đại học
Stanford là một thành tích vĩ đại. Nhưng nếu so với 160.000 người ghi danh theo
học từ đầu, thì tỷ lệ “tốt nghiệp” chưa tới 15%. Điều này xảy ra cho hầu hết
các khóa học mở đại trà miễn phí (thường gọi tắt là MOOC: Massive open online
courses), năm bảy chục ngàn người ghi danh, sau năm bảy tuần học chỉ còn chừng
năm bảy ngàn người hoàn tất chương trình. Tức là “mười người đi học chín người
thôi.”
Chín người thôi ấy có mọi lý do để nói là dạy học “từ xa”
không hiệu quả, hoặc hiệu quả không thể bằng dạy học trong lớp chánh qui với
phương pháp chánh thống. Vả lại đại học không chỉ là sự truyền thụ tri thức. Đại
học còn là nghiên cứu, thực nghiệm, tranh luận, giao tế, hội đoàn, vui chơi vân
vân, chứ không chỉ ngồi trước cái máy tính. Hơn nữa, hầu hết người vào đại học
đều muốn có bằng cấp. Bằng cấp các trường đại học trên mạng đã có trước đây thường
không đủ “uy tín” đối với những người / tổ chức tuyển dụng lao động. Cái học chỉ
để “biết” chơi chứ không kiếm được việc làm thì chẳng là lãng phí sao? Quả thực
có ít nhứt hai quan điểm khác biệt nhau về dạy học trên mạng và tương lai giáo
dục. Nhưng ai cố thủ trong bốn bức tường gạch thì cứ ở đó, ai muốn thay đổi thì
bước ra làm cách mạng.
Những bất cập của giáo dục trên mạng thực ra là những vấn đề
mà người ta còn chưa biết, chứ những vấn đề đã lộ ra hoặc được những người phê
bình / chỉ trích đưa ra thì hầu như đã được giải quyết. Thực tế chứng minh rằng
thầy giỏi, dạy hay, và trò giỏi thì kết quả học trên mạng tốt như thầy giỏi trò
giỏi dạy học theo hình thức truyền thống. Thầy dỏm, bài dạy kém chất lượng, và
trò dở thì học kiểu nào cũng vậy thôi. Giữa hai cực đó là đám làng nhàng có thể
dạt vô đám dở hoặc vươn lên đám giỏi, tùy thuộc vào nỗ lực cá nhân trong hoàn cảnh
riêng của từng người. Có người cần cầm
tay chỉ việc, hoặc roi thúc sau đít, có người chỉ có thể tiến tới hay vươn lên
nếu được thả tự do.
Vấn đề bằng cấp hiện có những hướng giải quyết: học viên đạt
yêu cầu khóa học nào thì giáo sư khóa ấy cấp chứng chỉ. Udacity hay Coursera
không cấp bằng như cử nhân hay thạc sĩ, nhưng chứng chỉ một số khóa học của họ được
một một số trường đại học các nơi trên thế giới (ngày càng nhiều) chấp nhận
tương đương với các tín chỉ ở trường họ. edX là trường mở rộng trên mạng của
MIT và Harvard thì có cấp bằng sau các cuộc khảo sát khắt khe, người học không
đóng học phí nhưng muốn có bằng cấp phải
đóng lệ phí thi cử và lệ phí cấp bằng. Trong lãnh vực chuyên môn, chứng chỉ của
người thầy có uy tín có khi có giá trị hơn bằng cấp của một trường lèng èng. Chẳng
hạn Sebastian Thrun luôn nhận được “đơn
đặt hàng” của những công ty săn đầu trong lãnh vực AI.
Các trường đại học ưu tú ở Mỹ lâu nay có ưu thế là tuyển được những giáo sư
xuất sắc, nhưng họ hạn chế số lượng tuyển sinh và học phí rất cao. Kết quả
là một thiểu số “ưu tú” được đào tạo với
chất lượng cao và được mở ra những cơ hội lớn để có thể lên chung thuyền với 1%
dân số ở thượng tầng xã hội và phục vụ chủ yếu cho quyền lợi của những người
thuộc đẳng cấp này. Những trường như Harvard , Yale, Stanford tự hào với mục
tiêu đào tạo lãnh tụ / lãnh đạo trong chính trị, kinh tế, khoa học… cho thế giới,
và thu hút một “đầu vào” đầy tính cạnh tranh.
Các nhà giáo dục nói chung đều muốn đào tạo nhân tài xuất
chúng, để những người này mở đường hay dẫn đường cho cộng đồng nhân loại phát
triển. Nhưng cũng có những nhà giáo dục muốn có sự công bằng trong san sẻ tri
thức để cho mọi người, hoặc đa số, được bình đẳng về cơ hội phát triển. Họ tin
rằng dân chủ hóa giáo dục là cách tốt nhất để có dân chủ trong những lãnh vực
khác. Lý tưởng ấy cộng với kỷ thuật giáo dục (educational technology) hiện đại và
internet đã mở ra con đường lớn để những người thầy “ưu tú” vươn tới những học
trò đang bị thiệt thòi ở tận những xó xỉnh khắp trái đất, chỉ cần một điều kiện
để học là có kết nối internet. Chất lượng cao và MIỄN PHÍ là nền giáo dục mà họ
muốn đem đến cho nhân loại.
Sau khi đại học Harvard, viện kỷ thuật
Massachusetts (MIT) và đại học California ở Berkeley lập ra edX, (X là
extension: nới ra, mở rộng) đưa các lớp học lên mạng, miễn phí vào tháng
9/2012; thì vào ngày 15/11/2012 mười trường
đại học ưu tú khác ( đại học North Carolina ở Chapel Hill, Washington ở St.
Louis, Duke, Brandeis, Wake Forest,
Emory, Notre Dame, Rochester, Vanderbilt, Northwestern) lập ra một tập đoàn
(consortium) giáo dục trên mạng. Tuy nhiên, tập đoàn này không cung cấp những
khóa học mở miễn phí cho bất cứ ai, mà chỉ nhằm tạo thuận tiện cho sinh viên
chính khóa của trường. Chẳng hạn sinh viên đang theo một học kỳ ở nước ngoài vẫn
có thể học các lớp khác ở trường mình qua mạng, hay sinh viên trường Emory (ở
bang Georgia) có thể theo học các lớp của trường Duke ở bang North Carolina
trong khi vẫn ở trường mình, không cần lái xe mấy trăm dặm đến lớp. Tận dụng tiện
ích của kỷ thuật giáo dục trên mạng, tập đoàn này cung cấp cho sinh viên những lựa chọn phong phú về nội dung (tất cả lớp của
10 trường) và cách thức học phù hợp với từng người.
Mô hình này có lẽ là sự chuyển tiếp đến mô hình trường đại học
thượng đẳng toàn cầu trong tương lai mà Minerva Project đang nhắm tới. Người khởi
xướng và đang toàn tâm toàn sức thực hiện dự án này là Ben Nelson, 36 tuổi,
nguyên là CEO Thung lũng Silicon. Với 25 triệu đô đầu tư ban đầu, Minerva sẽ mời
những giáo sư xuất sắc nhứt trên hành tinh này thực hiện những khóa học trên mạng.
Minerva sẽ tuyển những sinh viên xuất sắc nhứt trên khắp thế giới. Những sinh
viên này dành học kỳ đầu tiên học tại xứ sở mình, và chọn một trong những thành
phố / đất nước trên năm châu để đến sống và học trong mỗi học kỳ sau, tức là 7
thành phố khác nhau cho 4 năm đại học. Cho dù ở châu Phi hay Nam Mỹ, trải nghiệm
thực tế xã hội địa phương thế nào, các sinh viên vẫn được hưởng một nền giáo dục
chất lượng cao nhứt trong các lớp học qua mạng internet của Minerva. Bằng cách
này, số lượng sinh viên không giới hạn, và học phí không quá cao (dự kiến chừng
20.000 USD / niên học.)
Nhiều trường / học viện khác đang trong quá trình chuẩn bị
những mô hình dạy học trên mạng. Khi những mô hình khác nhau ra đời và qua một
thời gian hoạt động, chúng ta sẽ có sự so sánh. Hiện giờ không ai biết chắc cuộc
cách mạng giáo dục mới bắt đầu này sẽ diễn biến ra sao. Có thể tương lai giáo dục
đại học là ở trên mạng như nhiều người cả quyết. Điều chắc chắn là những gì đang diễn ra sẽ
thay đổi sâu sắc việc đào tạo con người trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét