Từ năm 1987 khi luật Đất đai đầu tiên ra đời, người dân, không có tiếng nói trong luật, chẳng có quyền gì ngoài việc vác đơn đi kiện mỗi độ bị hất ra đường
Giữa
những trùng điệp những quan chức, các chuyên gia, các tiến sĩ, các ông
Tây trong một hội thảo về luật Đất đai tổ chức trong một khán phòng lớn ở
Thủ đô Hà Nội, hôm qua, lạc lõng một người phụ nữ nông dân đến từ Lộc
Hà, Hà Tĩnh. Đến, để nói về ước vọng của người dân, đối với luật Đất
đai, với những ước vọng rất đỗi giản dị, được nói ra với sự rụt rè, rụt
rè thậm chí đến cả một nụ cười.
“Người dân chỉ mong được Nhà nước giao
đất lâu dài. Và chẳng may có bị thu hồi thì cũng được đền bù theo giá
thỏa thuận ngoài thị trường”. Rất giản dị. Và cũng chẳng có gì sai luật
khi việc “giao đất lâu dài” thực ra đã được ghi trong Hiến pháp 1992. Và
đó thực chất là lẽ công bằng, là mong ước từ cả ngàn đời nay của những
người dân.
Phó Chủ
nhiệm UBKT của QH Nguyễn Văn Phúc, người tự giới thiệu đã tham gia vào
Luật Đất đai đầu tiên năm 1987 tỏ ra bất ngờ với sự kiện, theo ông, là
“lần đầu tiên” khi người dân được mời đến dự một cuộc hội thảo bàn về
một bộ luật quyết định đến sinh kế của 70% dân số là nông dân. Dường như
dù đã 3 lần được ban hành mới, 4 lần sửa đổi, mà lần ban hành nào cũng
được tự coi là cách mạng, sửa đổi nào cũng là “cơ bản”, Luật Đất đai vẫn
chưa chứa đựng tiếng nói của người dân trong đó. Và cơ quan soạn thảo,
hóa ra vẫn chỉ chú mục đến việc làm sao có lợi cho việc quản lý, hoặc
một nhóm lợi ích nào đó, như lời nguyên cố vấn của Thủ tướng Chính phủ,
ông Vũ Quốc Tuấn, chứ chưa thực sự vì lợi ích của người dân. Và thế là
từ năm 1987 đến nay, người dân, không có tiếng nói trong luật, chẳng có
quyền gì ngoài việc vác đơn đi kiện mỗi độ bị hất ra đường, đang là quá
bóng trong chân “ông chủ quản lý đất”. Một “ông chủ” vừa là chủ sở hữu,
vừa là người quản lý, vừa có thể ra quyết định thu hồi, với một mức giá
do chính “ông chủ” đó định ra, và khi người dân khiếu kiện, ông chủ đó
cũng là người giải quyết. Không cần nói cũng biết ông chủ đó là Nhà
nước, dù mang danh nghĩa là “vì dân”.
Hôm qua, những mơ ước giản dị đã được nói
ra: Đó là ước mơ được “giao đất lâu dài” để có sự yên tâm rằng sẽ không
bao giờ chịu cảnh “bãi bể nương dâu” Đó là ước mơ “Xóa hạn điền”, để
chiếc máy cày có thể thay thế con trâu. Đó là mong muốn được “Trưng mua”
để có quyền bán, để không còn những kỷ lục bất công về sự chênh lệch
giá. Đó là mong ước về một lẽ công bằng “Cân đối lợi ích 3 bên”, để
người dân thoát cảnh là nạn nhân của nhóm lợi ích. Và, một cách nghiêm
túc, là yêu cầu, cũng là nguyện vọng: Nhà nước xử lý cán bộ vi phạm để
người dân tin tưởng vào hai chữ “vì dân” được ghi trong hiến pháp về bản
chất nhà nước. Tất thảy những mong ước đó là hoàn toàn chính đáng và
không thể phủ nhận với bất cứ lý do gì, xin gửi tới Ba Đình, nơi các vị
Đại biểu QH sẽ họp sau đây vài ngày. Bởi những mong ước đó, cũng là
chính những khúc mắc lớn nhất mà Luật đất đai cần thay đổi. Để chí ít,
người dân không phải sống trong nỗi thấp thỏm bao giờ thì nhà nước thu
hồi đất, thu hồi rồi thì sống ở đâu và sống bằng gì. Ước mơ lớn nhất, vì
thế, là việc người dân không bị ám ảnh bởi những câu hỏi, không thể tìm
thấy câu trả lời trong 3 bộ luật đất đai và 500-600 văn bản quy phạm
dưới luật đã được ban hành.
Theo Đào Tuấn blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét