Mười
(?), hai mươi năm nữa lịch sử sẽ tổng kết đầy đủ hơn; nhưng chắc chắn
ngay từ bây giờ, có thể khẳng định Hội nghị 6 quả đã lập nhiều kỷ lục
như Tổng bí thư đã nói. Nhiều bậc thức giả đã phân tích dưới các góc
nhìn khác nhau, như đến thời điểm này (12:22 AM, 16.10.2012) là khá đa
dạng, như: “Bộ phim 3D đầu tiên của VN” (Phạm Viết Đào), “thế lực dơi”
(Nguyễn Trọng Tạo); “TBT nghẹn ngào” (BBC), “nhiều tì vết” (Blogger
Osin), “Entry nôn mửa” (Mai Xuân Dũng), “đàn dê lại qua cầu” (J.B.
Nguyễn Hữu Vinh), “Bức tranh ảm đạm” (Cầu Nhật Tân), “Mất nước” (Đông
A), “thừa nhận thất bại chống tham nhũng” (VOA), “sợi giây thòng lọng
đang siết dần” (ABS)... Tôi xin sơ kết bằng cách học theo TDN: Có thể là
không mới nhưng riêng dưới góc độ lịch sử - Bài học đắng cay...
Trước hết, có thể đoan chắc rằng đây là Hội nghị lãng phí
chưa từng có. Kỷ lục họp dài ngày thì chưa thể bằng phiên họp lịch sử
của Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng cuối tháng 12.1974 đến đầu tháng Giêng
1975 với 22 ngày (khai mạc sau khi chiến dịch Phước Long bắt đầu và bế
mạc sau khi chiến dịch kết thúc). Tuy nhiên, đó là phiên họp thành công
và hiệu quả. Còn lần này, là kỷ lục của lãng phí về mọi mặt. Nếu đóng
cửa kín đến như thế mà mèo vẫn hoàn mèo thì họp để làm gì? Bởi nguyên
tắc một khi đã có “những sai lầm nghiêm trọng” phải nhận trước toàn
đảng, toàn dân thì không thể có kiểm điểm sâu sắc sơ sơ! Nghiêm trọng về
hậu quả phải đi đôi với kỷ luật nặng chứ không thể dung túng theo cách
bật thêm đèn xanh cho tham nhũng, tắc trách rộng đường.
Sự lãng phí do Hội nghị 6 gây ra không thể lượng định nổi về mặt hậu quả:
Ai dám chắc sự bất an của các dạng phiếu véto hay vote sẽ không đưa đến
sự chồng chất thêm mâu thuẫn? Nếu đúng thế, sẽ lại tiếp tục lãng phí
cho tương lai, bắt đầu kể từ khi HN6 kết thúc. Một khi rút gươm ra rồi
lại buông xuống, không có gì thay đổi, mắc chi phải tốn đến 15 ngày? 90
triệu người dân đợi chờ sự thay đổi, rốt cục chỉ là sự lãng phí thô bạo
về niềm tin bị lừa hóa theo cả hai nghĩa bị lừa và tiếp tục mang kiếp
lừa chở nặng cực nhọc, ê chề.
Có thể nói không
ngoa rằng 15 ngày đã qua của tháng Mười là 15 ngày của những tin đồn
không ngủ. Nếu tin đồn không đúng thì tại sao không cải chính, không
công khai cho dân biết mà cứ im lặng mãi hoài? Cả một dân tộc (bao gồm
cả 5 triệu đồng bào đang sống ở nước ngoài) sống bằng tin đồn
tức là coi thường sự thật thì làm sao không nuôi dưỡng sự giả dối. Nói
như thế cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận sống trong một thời đại mà
con người lãng phí sự thật đến mức tột cùng và, đừng có than van nữa về
sự suy đồi văn hóa, sự băng hoại về đạo đức. Thử nghĩ xem, ai tin ai và
tin vào cái gì khi cái gọi là “sự thật” cứ ngả nghiêng, chuyệnh choạng,
khó lường?
James Madison – một trong những cha
đẻ của Hiến pháp Mỹ từng nói rằng: Đảng phái là cội nguồn của chủ nghĩa
bè phái và, đến lượt nó, chủ nghĩa bè phái là cội nguồn làm vẩn đục hiến
pháp. Soi và ngẫm sẽ thấy rằng hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền dân của nước
đổ vào túi ai đó chỉ đáng “tội” nhận lỗi mà thôi. Cả một nền kinh tế bị
đảo lộn đến mức trầm kha (9 tháng đầu năm có 40.000 doanh nghiệp phá
sản, nợ xấu, tham những nhiều trăm ngàn tỷ đồng...) mà không hề có kẻ
nào phải đưa ra xét xử thì quả là trò khôi hài của thế kỷ. Tại sao khi
nào cũng chăm chăm vào “thế lực thù địch” mà không chịu nghĩ rằng hàng
ngàn cái gọi là thế lực đó mất ăn, mất ngủ vì yêu nước, thương nòi? Thế
lực thù địch chính là những kẻ đang vơ vét bằng lòng tham tận cùng “dưới
đáy” bất kể sự ngắc ngoải, đau đớn của giống nòi... Chưa hề thấy thế
lực nào phá hoại kinh tế, ổn định trừ hai thế lực: Bá quyền Đại Hán và
cả một bầy sâu tham nhũng.
Cái lãng phí không kém phần nghiêm trọng là lãng phí sức mạnh quốc gia.
Alan Phan nói rất đúng rằng một khi cả dân tộc mỏi mệt thì tất cả đều
sẽ ngưng trệ. Sẽ ra sao khi không ai muốn cố gắng nữa bởi nỗ lực để làm
gì nếu mọi sự dấn thân vì đời, vì ngày mai ấy lại chỉ là để tiếp thêm
nguồn nước cho dòng lũ tham lam, vơ vét hung dữ và càn rỡ hơn? Và, hàng
triệu người, kể cả những cái đầu tỉnh táo nhất, không muốn là kên kên
cũng phải buộc lao vào vòng xoáy, nếu không thế, họ sẽ chẳng còn gì. Các
quân cờ domino của trò chơi đạo đức thi nhau ngã rạp; sự yếu hèn, khiếp
sợ ngoại bang sẽ trở thành một thuộc tính của thời đại suy đồi. Ôi
chao, không dám hình dung ra cái thảm trạng đen tối ấy. Đành phải mượn ý
của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, lời thơ của Chế Lan Viên để viết rằng: Mà dối trá là loài dơi cuồng loạn/ Đêm tàn bay dày đặc dưới chân người (nguyên văn: Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng/ Đêm tàn bay chập choạng dưới chân người)...
15
ngày qua có nhiều sự kiện đáng nhớ như con người có thể rơi tự do nhanh
hơn tốc độ âm thanh, tàu vũ trụ Endeavor từng bay với tốc độ 28.000
km/h, bây giờ về hưu bằng tốc độ 1 km/h... Nhưng, sự kiện đáng nhớ nhất
là việc chính quyền, người dân Mông Cổ giật đổ tượng Lê Nin và cá sấu
sổng chuồng ở... Cà Mau. Mông Cổ tuy là nước lạc hậu nhất trong toàn bộ
các quốc gia thuộc bán cầu Bắc nhưng họ lại tin rằng tôn sùng Lê Nin là
thảm họa. Còn cá sấu Cà Mau, được nuôi nấng, chăm bẵm, ăn uống, tàn sát
các loài cá nhỏ cá còi chán chê, chưa thỏa, phá chuồng để ra, để tung
hoành hơn nữa. Người ta bắt nó lại, làm đau nó chút chút, rồi hình như
nó đã... khóc vì hối hận (?). Nếu nhìn kỹ sẽ thấy rõ lấp lánh từ những
giọt nước mắt âm u ấy là một ánh cười mỉa mai, tàn nhẫn vì nó lại được
trở lại cái lồng kiên cố hơn, ăn và cướp bóc an toàn hơn...
Quảng Trị, 16.10.2012
H.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Ông này coi chừng mắc bệnh tâm thần. Đi BV khám coi.
Trả lờiXóa