Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Chờ chết




Hôm qua tôi đi thăm một người quen đang ở phòng chăm sóc đặc biệt giai đoạn cuối đời người, tiếng Anh gọi là “hospice care”. Những người được hưởng sự chăm sóc này là những người bệnh không thể chữa trị nữa và không hy vọng sống quá 6 tháng. Người ta ngừng các biện pháp “trị bệnh”, chỉ dùng các biện pháp giúp người bệnh thoải mái thể chất và thanh thản tâm hồn để khép lại cái vòng sinh-lão-bệnh-tử một cách nhẹ nhàng.

Người bạn tôi năm nay 93 tuổi, cách đây vài tháng vẫn tự đi đứng và tự chăm sóc bản thân mình, thậm chí còn chăm sóc cả một vườn hoa nho nhỏ. Tôi chưa hề nghe bà than phiền về sức khỏe hay vấn đề cá nhân gì khác ngoài chuyện mắt hình như ngày càng kém vì không đọc được, hay đọc mà không hiểu được email của mấy đứa cháu và chắt. Chữ gì mà trông giống như dấu gạch xóa với những hình tròn nhe răng.

Cho đến hôm nọ nghe tin bà bị đưa đi cấp cứu, được chẩn bệnh lymphoma, dự định dùng hóa trị, nhưng cuối cùng chuyển qua “hospice care”. Tôi lật đật đi thăm bà với ý thức đây có thể là lần cuối cùng gặp gỡ người bạn vong niên.

Ngồi cạnh bà trên giường bệnh nhìn ra cửa sổ một ngày đầu thu, lá cây phong đang đổi màu vàng đỏ rực rỡ. Cứ cách 2 tiếng đồng cửa phòng mở ra và một nhân viên của viện điều dưỡng bước vào với một lý do gì đó. 10 giờ sáng cho uống thuốc, 12 giờ đem đến bữa ăn trưa, 2 giờ chiều cho uống thuốc , 4 giờ dọn dẹp, 6 giờ đem đến bữa ăn chiều, 8 giờ tối cho uống thuốc.

 
Tôi ở xa đến thăm nên nghỉ đêm cùng bà. Sau  khi uống cữ thuốc tối bà ngủ thiếp đi. Tôi loay hoay làm vài việc cá nhân rồi chuẩn bị ngủ, nhưng lúc đó khoảng 10 giờ, cửa phòng lại mở ra, nhân viên điều dưỡng vào để xem bà có ngủ yên không. Tôi nằm trằn trọc nghĩ ngợi lan man, rồi dậy đi tiểu và giúp bạn tôi đi tiểu. Nửa đêm mới thiu thiu ngủ thì cửa phòng lại mở, thấy mọi việc tốt đẹp cô nhân viên trực bèn đi ra đóng cửa lại. Cửa phòng được thiết kế sao đó mà khi mở ra hay đóng vào đều kêu leng keng khe khẻ, không biết nhằm mục đích gì.

Tôi lại thao thức. Bạn tôi nhờ thuốc nên ngủ rồi (hay nằm im nhắm mắt, tôi không dám chắc). Hàng triệu ý nghĩ như hàng triệu con kiến bò lung tung trong đầu. Tôi xoay trở trong cái giường xếp, biết là mình sẽ có một đêm trắng nữa trong đời, không phải đêm thứ nhứt, thứ nhì hay cuối cùng. (Có thể đếm tới số trăm, nhưng so với mười mấy ngàn ngày đã sống thì kể làm gì.) 2 giờ khuya, cửa lại mở, 4 giờ sáng cửa lại mở. Giữa những thời điểm đó là đi tiểu và giúp bạn đi tiểu, xức thuốc chống ngứa. (Bệnh gì kỳ, khiến mình mẩy ngứa không chịu nổi. May mà có thứ thuốc xức ngoài da, xức tới đâu đã ngứa tới đó. Nên cứ ngứa thì xức!)

6 giờ sáng, nhân viên trực đến giúp bà làm vệ sinh, cho uống thuốc, đo nhiệt độ, hay huyết áp hay gì đó. Tôi giúp bà thay quần áo. Một bên ngực của bà chỉ là một vết thẹo dài nơi vú trái bị ung thư và đã bị cắt bỏ hồi bà bốn mươi mấy tuổi. Vú phải vẫn còn, trông như một miếng da thừa nhăn nheo lòng thòng. Hồi bảy mươi mấy bà bị giải phẫu thay cổ xương đùi hay xương chậu, nên bên hông gần háng còn một vết thẹo dài. Phía bụng dưới lùng nhùng cũng có một vết thẹo do sanh mổ đứa con đầu lòng. Tôi không rõ còn vết thẹo chỗ nào khác trên cơ thể chỗ nào cũng nhăn nheo nhằng nhịt. Sau  khi giúp bà mặc quần áo tử tế để ngắm mùa thu đổi màu thêm một ngày nữa, tôi chỉ dám nhìn ra cửa sổ chứ không dám nhìn lên tường, nơi vẫn còn treo bức ảnh ngày cưới của bà. Cô dâu trong ảnh từng là một hoa khôi.

Bác sĩ đến, tôi đi ra ngoài dạo một vòng quanh nhà điều dưỡng. Khi trở lại tôi thấy bạn  tôi nằm trên giường nhìn ra cửa sổ (như hôm qua tôi đến vào giờ này). Tôi hỏi bạn bác sĩ nói gì? Bạn nói bác sĩ bảo bà không cần phải  chịu đựng sự đau đớn ngứa ngáy buồn nôn, thuốc men sẽ giúp bà qua những triệu chứng đó, giúp bà ngủ ngon. Bà sẽ ngủ càng lúc càng nhiều (do tăng liều morphin khi cơn đau gia tăng). Cuối cùng bà sẽ ngủ một giấc dài êm ái. Bạn mĩm cười bảo “Đừng cố đánh thức tôi khi tôi không thức dậy nữa.”

Tôi đợi bạn ngủ rồi mới ra đi. Trước khi quay gót tôi nhìn gương mặt bạn một lúc. Một gương mặt mà tôi  không hề nhìn thấy trước đây. Không đeo kiếng, không điểm trang, trắng bệch và hốc hác nhăn nheo.  Trước khi đóng cửa, tôi thu hết can đảm để nhìn lên bức ảnh trên tường, một lần cuối.

Bạn tôi thường nói bà biết ơn trời đất đã cho bà sống thọ trong an nhàn sau một cuộc đời chìm nổi lênh đênh. Bà thật may mắn là vẫn đủ tiền nong trang trải những rủi ro tuổi già. Ai cũng chào đời bằng tiếng khóc, nhưng không phải ai cũng biết  lìa đời với nụ cười trên môi.  Bà đã cầm tay tôi và bảo “Giữ gìn tâm hồn, mày còn phải sống bốn chục năm nữa đấy.”   Tôi rùng mình như ớn lạnh. Nếu được thọ như bà, tôi làm gì cho hết 40 năm còn lại? Viết ư? Đã viết hơn 30 năm rồi, chẳng lẽ viết thêm 40 năm nữa? Ôi trời. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét