Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Một phát hiện động trời trong văn học hay là “bịa hay hơn thật”?

Bằng những thông tin có vẻ khá tin cậy, còm sĩ Hocmon trên trang Hiệu Minh vừa đưa ra một giả thuyết rằng cái món “canh gà Thọ Xương” có khi lại đúng là món… lẩu gà thật.
Chủ trang Hiệu Minh đã đăng ngay ý kiến này thành một entry (*) và đưa ra lời bình:  “Phát hiện này mà đúng thì đó là sự kiện động trời trong văn học.”
Chưa rõ thông tin của còm sĩ Hocmon trên trang Hiệu Minh Blog  chính xác đến đâu.  Nhưng ngay cả nếu như bác Hocmon cũng chỉ tung hỏa mù để … đùa cho vui thì cái sự “đùa” này lại dẫn dắt chúng ta đến một chuyện thật sự nghiêm chỉnh, không phải là chuyện để đùa rằng việc một tác phẩm văn học tạo ra những cảm thụ khác biệt cho người đọc, thậm chí có thể khác xa với chính cảm thụ của tác giả khi làm ra nó là một thực tế cần và phải được chấp nhận trong văn học và chưa chắc những cảm thụ khác biệt ấy đều là phi văn học cả (nghĩa là ít nhất cũng phải “nghe được”).

Và mình tin nếu tác giả bài thơ “Canh Gà Thọ Xương” mà sống lại thì  chắc cũng rất thú vị  khi biết người đời sau đang thưởng thức “món canh gà” của mình với những cảm thụ thật khác biệt như thế!
Nói rộng ra thì từ chuyện này, tôi nghĩ một tác phẩm văn học hấp dẫn nhất phải làm cho người đọc quên mất là mình đang đọc mà mình lại trở thành nhân vật lúc nào không biết, và trong quá trình hòa nhập đó người ta có thể tham gia vào cả công việc “sáng tác” một cách hết sức tự nhiên. Chắc các nhà văn không ai là không mơ ước tác phẩm của mình đạt đến tầm cảm xúc như thế. Mình có lần đọc được câu chuyện nhà thơ Bùi Giáng trong khi phân tích một tác phẩm văn học (hình như Truyện Kiều thì phải) đã “sáng tác” thêm một cách xuất thần như bị nhập đồng đến mức làm cho người đọc cũng “lên đồng” theo mà không thể phân biệt đâu là câu chữ của tác giả, đâu là ngôn ngữ của Bùi Giáng…
Tất nhiên, ở một chiều khác thì không phải là không có những phân tích gò ép, khiên cưỡng, những cách hiểu thô thiển về một tác phẩm văn học nào đó và nguy hiểm nhất là nó lại trở thành “đáp án” xơ cứng trong nhà trường. Tôi còn nhớ Báo Văn Nghệ có lần cũng đã dẫn ý kiến phát biểu của Nhà văn Nguyên Ngọc đại ý rằng ông thật sự ngạc nhiên khi đọc trong sách giáo khoa văn học phổ thông bài bình giảng về tác phẩm “Rừng Xà Nu” của ông mà ở đó người ta giảng cho học sinh rằng câu này, câu kia mà tác giả viết ra là xuất phát từ những cảm xúc gì đó của ông trong khi ông bảo ông hoàn toàn không có những cảm xúc như vậy khi viết ra những câu văn ấy. Và tôi nghĩ nếu Nhà văn Nguyên Ngọc đi thi mà vớ phải đề thi yêu cầu phân tích tác phẩm ấy của mình thì rất có thể ông là người trượt đầu tiên! :)
Trở lại giả thuyết mà còm sĩ Hocmon nêu ra dưới đây – nếu giả thuyết này đúng thì mình nghĩ chắc lại có nhiều nhà “nghiên cứu văn học” đua nhau làm các luận án tiến sĩ, thạc sĩ để phân tích cái sự thú vị khi xì sụp nhậu món lẩu gà nóng hôi hổi bốc khói lan tỏa vào màn sương mịt mù trong khung cảnh Hồ Tây se se lạnh và “mờ mờ nhân ảnh” do đã ngà ngà hơi men… -  không những vừa có tình lại mà lại còn… có lý hơn hẳn ngồi buồn ôm gối đói bụng nghe tiếng gà gáy suông trong đêm… He he. Nếu đúng câu thơ ấy là như thế thì từ trước đến nay ta đã hiểu sai ý của tiền nhân rồi. Nhưng nếu giả sử như vậy là đúng thì cũng chẳng cần thiết phải xoay 180 độ để từ nay chỉ suy tôn món thịt gà mà quên đi tiếng canh gà đặc trưng của thôn quê Việt Nam.
Hahien’s Blog
___________________________________________________________
Mời đọc ý kiến của còm sĩ Hocmon:

Canh gà Thọ Xương đúng là…canh gà?


Canh gà Thọ Xương đơn giản là món súp? Ảnh minh họa.
Bài viết của tác giả Hocmon
Thưa bạn đọc.
Một quí độc giả có nick là hocmon vừa post một comment trên entry “Nền giáo dục hóc…xương gà” về tích canh gà Thọ Xương như sau
“Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê”
Nguyên văn viết: 裊裊搖風竹,蒼蒼鎮武鐘,壽昌多故舊,同買燉雞湯。煙鎖西湖水,杵驚安泰鄉,河城斯美景,最耐客思量
“Niểu niểu dao phong trúc, thương thương Trấn Vũ chung, Thọ Xương đa cố cựu, đồng mãi đốn kê thang. Yên tỏa Tây Hồ thủy, chử kinh Yên Thái hương, Hà thành tư mỹ cảnh, tối nại khách tư lương.”
Dịch nghĩa nôm na: Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, đều đến mua canh gà hầm. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.
Phía dưới có một dòng chữ nhỏ, chú rằng “sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà Thọ chủ quán Thọ Xương mắng tiếng, đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa.
Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Dịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.”
Thế là đã rõ nhé. Nếu tích trên có thật thì canh gà Thọ Xương đúng mà món canh gà, chẳng phải tiếng gà gáy sang canh như các nhà văn, nhà thơ đã tưởng.
Phát hiện này mà đúng thì đó là sự kiện động trời trong văn học.
Bác Hocmon có nhờ các anh chị nào có điều kiện ở Hà Nội, xin xác minh lại bài văn này với viện Hán Nôm dùm, có thật như vậy hay không ?
Tác giả: Hocmon
Theo:  Hiệu Minh Blog
(Bên nhà Hiệu Minh, còm sĩ Tễu (nhà Hán- Nôm học Nguyễn Xuân Diện?) cho rằng “Toàn bộ thông tin trong bài chính văn của entry này (tức là bài của Hocmon) chỉ là câu chuyện bịa, trêu cợt cho vui thôi!”
Bác Hiệu Minh trả lời: “Thật ra, mấy chuyện chính chị, chính em chán quá rồi. Nên bàn về hóc xương cho vui. Tay nào bịa ra được cả sách, thơ, số trang của cuốn sách Dương Khuê Thượng Thư trong thư viện Hán Nôm thì quả là đại tài.”
Mình thì chio rằng nếu đúng đây là “chuyện bịa” thật thì câu chuyện bịa này cũng đậm tính văn học. Cứ hay là được. Mình đồng ý với Hiệu Minh. Người bịa được như thế thì xứng đáng là nhà “bịa học” đại tài!
Vả lại chức năng của văn học là gì nếu không phải là BỊA THẬT HAY và thậm chí còn phải BỊA HAY HƠN THẬT?)    :)
_________________________________________________________
Mời đọc thêm bài rất thú vị nữa trên Blog của 5xu :

Thọ Xương là Thọ Xương nào?

(Ngõ Thọ Xương là di sản còn sót lại của huyện Thọ Xương thuộc tỉnh Hà Nội. Nếu con gà ở đây gáy mà ngoài hồ Tây nghe thấy, hẳn con gà ấy phải to hơn con bò.)    :)
Đi trên phố Phủ Doãn, nếu để ý sẽ thấy một ngõ khá to nằm giữa Ấu Triệu, Ngõ Huyện và xa hơn một chút là phố Chân Cầm.
Nói Chân Cầm chắc nhiều người sẽ nhớ đến sẽ nhớ hàng miến lươn và đặc biệt là bia Sửu, nay đã chuyển địa điểm. Ngõ Huyện thì hồi trước là karaoke, nay là cà phê, đầu ngõ phía Lý Quốc Sư là hàng cháo sườn buổi chiều rất là đông khách.
Còn Ấu Triệu thì quá nổi tiếng nhờ …Nhà Thờ và các quán cà phê như La Palace.
Nhưng cái ngõ kia thì ít người để ý hơn, vì nó chẳng có gì đặc biệt, ngoài cái tên: “Ngõ Thọ Xương”.
Ngõ Thọ Xương là di sản còn sót lại của huyện Thọ Xương thuộc tỉnh Hà Nội.
Nếu con gà ở đây gáy mà ngoài hồ Tây nghe thấy, hẳn con gà ấy phải to hơn con bò.
Không biết ai đó trong chính quyền Hà Nội sau năm 1954 còn nhớ đến huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội mà đặt tên Thọ Xương cho cái ngõ này, vốn trước đó có tên Pháp là “ruelle Père Dronet”.
Thọ Xương là một địa danh hơi hơi lâu đời, trước là Vĩnh Xương, sau đến nhà Mạc đổi thành Thọ Xương và tồn tại mãi đến nhà Nguyễn. Thời Gia Long thì Thọ Xương thuộc phủ Hoài Đức. Đến thời Minh Mạng làm vua, cải cách hành chính đất nước, ông lập tỉnh Hà Nội, có bốn phủ (1831). Trong bốn phủ có phủ Hoài Đức, trong phủ Hoài Đức có huyện Thọ Xương, trong huyện Thọ Xương có phường Báo Thiên tức là khu Hồ Gươm Nhà Thờ bây giờ.
Cuộc cải cách hành chính sâu rộng của Minh Mạng đã gây ra sự bất mãn của đám quan lại và quý tộc địa phương, dẫn tới các cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, Phan Bá Vành và Nông Văn Vân, đã có tác động không nhỏ đến sự suy tàn và sụp đổ hẳn của Thăng Long.
Chỉ hơn 40 năm sau khi tỉnh Hà Nội được thành lập thì triều đình Huế ký hiệp ước Philastre với Pháp (năm 1874, sau cái chết của Garnier). Từ Hiệp ước này, người Pháp được mua đất và mở các cơ sở kinh doanh ở Hà Nội. Khu vực người Pháp mua chính là khu đất từ phía Hồ Gươm bên này (bên kia là khu phố thương mại hay còn được biết đến với tên Kẻ Chợ) kéo qua khu đầm lầy đến Đồn Thủy. Khu đất này chính là phần đất của huyện Thọ Xương (tương ứng với một phần Hoàn Kiếm và hầu hết phần Hai Bà Trưng + một phần Đống Đa ngày nay).
Một năm sau khi Riviere bị quân Cờ Đen bắn chết, tức là năm 1884, quân Pháp đánh quân nhà Thanh bật ra khỏi miền bắc, sau đó ký hiệp ước với triều đình Huế và chính thức biến Hà Nội thành vùng đất do chính phủ Pháp bảo hộ. Thọ Xương đương nhiên trở thành địa danh chết.
Câu chuyện Pháp mua đất làm khu Nhượng Địa, rồi sau đó tái thiết Hà Nội, có thể xem thêm ở đây.
***
Dương Khuê (1839-1902) đã sống và làm quan nhà Nguyễn đúng vào thời kỳ này. Nhưng là ông quan chán đời, chán chính quyền và có tư tưởng chống Pháp. Sau 1884 thì ông từ quan để hưởng thú ăn chơi đặc biệt là món ca trù. Có lẽ ông vẫn nhớ đến huyện Thọ Xương và sự biến mất khi trở thành khu nhượng địa của người Pháp.

Rất có thể trong lúc đi ăn đi chơi, từ lúc làm quan đến lúc làm dân, từ miền trung ra miền bắc, ông đã vô tình biết hai câu thơ (hò?) Huế mà sau này năm 1918 ông Phạm Quỳnh đi chơi như là điền dã Huế đã chép lại và đăng trên Nam Phong. Dương Khuê đã giữ lại một câu, phóng tác câu đầu và viết thêm hai câu đuôi. Thế là ngày nay chúng ta có Hà nội tức cảnh hay còn gọi là Trăng nước hồ Tây.
Sở dĩ nói hai câu kia có gốc Huế bởi Thiên Mụ và Thọ Xương là hai địa danh cụ thể ở hai bên sông Hương, nghe chuông bên này nghe gà bên kia được. Khác với Trấn Vũ và huyện Thọ Xương không chỉ xa nhau mà Thọ Xương là một cái huyện to tướng không cân đối gì với một cái đền (Trấn Vũ) hay một cái chùa (Thiên Mụ).
Còn Thọ Xương ở Huế, có lẽ là một cái gò cao, hình như trên đó có nhà để nuôi các hoàng tử. Tên gọi “Thọ Khương Thượng Khố”. Khi Gia Long lên ngôi thì đổi tên thành Thọ Xương vì kỵ húy Hiếu Khương Hoàng Đế (1802). Khi Minh Mạng làm vua, ông lại đổi tên thành Long Thọ Cương (1824). Còn còn cái tên Thọ Xương thì Minh Mạng chỉ sử dụng cho huyện Thọ Xương ở tỉnh Hà Nội.
Bên này là chuông đêm của tháp chùa bảy tầng, bên kia sông, sau bờ (ngàn) sương khói, là tiếng gà lúc gần sáng của ngôi nhà quý tộc trên gò cao. Thế vừa là có lý vừa phảng phất không khí Phong kiều dạ bạc. Để rồi mấy chục năm sau câu hò ấy lạc bước ra Thăng Long để xuống Hồ Tây còn Phạm Quỳnh thì nhầm tưởng Thọ Xương là làng (thực ra có cái làng chài thật thì phải, tên là Thọ Khương nằm sát bên làng Nguyệt Biều).
Thế là từ Huế một câu thơ lạc bước ra Hà Nội. Một nhà gò sông Hương chuyển về tận hồ Tây. Chứ không phải là Phạm Quỳnh nhầm, đi chơi Huế mà nhặt hai câu lục bát Dương Khuê rồi bảo cứ bảo là của người Huế.
Hay nói cách khác, câu thơ gốc phải là của người Huế, và nguyên bản như sau: “Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ xương”.
***
Phạm Quỳnh viết (tháng 4 -1918 trên Nam Phong):
Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca.
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương

Dương Khuê sáng tác:
Trăng nước Hồ Tây
Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

Mịt mùng khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây hồ

Bản dân gian sau này sưu tầm được ở Huế
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.

Thuyền về xuôi mái dòng Hương,

Biết mô tâm sự đôi đường đắng cay? (hoặc Có nghe/biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay)

Nôm na kết luận thế này. Một là Thọ Xương ở Huế có trước. Thọ Xương Hà nội có sau. Khi Dương Khuê sáng tác Hà nội tức cảnh thì cả hai địa danh này đều đã chết. Ở Huế chết trước, ở Hà nội chết sau. Hai là câu thơ Phạm Quỳnh chép lại, không phải do ông ấy bịa ra, mà ông ấy chép lại từ (câu hò?) của người dân kinh thành Huế. Tức là ở đây có thể có hai giả thuyết.
Giả thuyết 1: Dương Khuê đi chơi Huế, hoặc tình cờ sao đó, biết được hai câu hò Huế. Sau đó ông đã sử dụng một câu làm chất liệu để sáng tác bài thơ Hà Nội Tức Cảnh. Việc dùng material của văn hóa dân gian để đưa vào sáng tác mới là việc hết sức bình thường. Một ví dụ điển hình là Ngẫu hứng ngựa ô của Trần tiến.
Giả thuyết 2: Sáng tác gốc là của Dương Khuê, bị folklore hóa, rồi trở thành hò Huế. Việc một sáng tác bị folklore và trở thành tác phẩm dân gian khuyết danh là hết sức bình thường (Tát nước bên đàng, Anh đi anh nhớ quê nhà … là các tác phẩm như vậy). Nhưng folklore một bài thơ tả cảnh tỉnh lẻ Hà Nội mà đi vào kinh đô Huế để trở thành hò (dân ca) địa phương thì hơi khó.
Theo:  Blog của 5xu

Post by Hahien's blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét