Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Trần Vinh Dự - Lập lại trật tự trên thị trường tài chính




Nguyên nhân


Không chỉ hệ thống tài chính, mà toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua hoạt động theo một trạng thái khá bát nháo do bị quản lý quá lỏng lẻo, một phần vì hệ thống luật và các quy định luôn phải chạy theo thực tế vốn phát triển nhanh hơn, một phần vì năng lực quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng cũng không đáp ứng được thực tế cần phải giám sát, một phần vì câu chuyện các quan hệ “thân hữu” giữa nhà quản lý và doanh nghiệp khiến nhiều sai phạm bị bỏ lơ. Nhìn nhận một cách công bằng, hiện trạng này cần phải được xử lý, nếu không kinh tế Việt Nam sẽ không thể bứt phá khỏi tình trạng cân bằng thấp như hiện nay. Vì vậy, nếu các vụ bắt giữ này là nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, tính minh bạch, tinh thần thượng tôn pháp luật, và hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính thì đó là việc cần phải làm.


Tuy nhiên, cách làm cho tới nay là có vấn đề. Các vụ bắt giữ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tính đến thời điểm này ở Việt Nam đều theo một khuôn mẫu truyền thống, nghĩa là rất bí mật tới phút chót để đảm bảo việc bắt giữ được thành công. Khuôn mẫu này trong các vụ việc lớn liên quan đến tài chính có thể không thích hợp vì công chúng không được “chuẩn bị” để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Do đó, tâm lý hoảng loạn rất dễ xảy ra. Điều này được minh chứng trong vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên. Vụ bắt giữ hết sức đột ngột này đã tạo ra một cơn hoảng loạn chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam khiến nhiều nhà phân tích cho rằng riêng vụ bắt giữ này đã làm thị trường mất tới gần 5 tỷ USD, tương đương với toàn bộ khoản nợ xấu của Vinashin.

Vì thế, thông thường ở Mỹ hay Âu Châu phải qua quá trình giải shock, thí dụ, bắt điều trần trước các ủy ban của hạ viện/thượng viện, thông tin được dần dần thẩm thấu để công chúng hiểu rõ vụ việc trước khi việc bắt giữ diễn ra. Ngay cả việc tống giam nhiều khi cũng không cần thiết. Các cá nhân này có thể tại ngoại hầu tòa hoặc quản thúc tại gia để chờ hầu tòa thay vì bị giam giữ bằng cách nộp tiền bảo lãnh.


Truyền thông liên quan đến việc chấn chỉnh thị trường tài chính đang bị lệch lạc. Rất ít thông tin chính thức từ cơ quan chức năng liên quan đến các vụ bắt giữ được công bố cho công chúng. Trong khi đó, báo chí trong nước đã viết rất nhiều bài mang tính suy đoán về lý do của các vụ bắt giữ, trong đó có nhiều lý do không hợp lý. Thí dụ, đầu tư tài chính bị coi là phạm luật, trong khi đó thì tất cả các công ty đều phải có trách nhiệm quản lý nguồn tiền của mình, trong đó bao gồm cả việc gửi tiền ở ngân hàng và đầu tư ngắn/dài hạn.


Câu chuyện dùng cổ phiếu thế chấp vay vốn, phát hành trái phiếu…bị coi là quay vòng vốn bất hợp pháp trong khi bản chất nghiệp vụ này là bình thường. Nếu trái phiếu thiếu chất lượng mà vẫn bán được thì lỗi nằm ở phía người mua chứ không phải ở phía người bán. Và vì thế, việc bắt lỗi và xử lý (nếu có) phải nằm ở chỗ xử lý các vi phạm liên quan đến việc cố ý đầu tư vào các tài sản chất lượng thấp gây thiệt hại cho các cổ đông.

Trong khi báo chí trong nước không có nhiều thông tin và chỉ đưa ra những lý do thiếu cơ sở, thì việc này lại tạo cơ hội cho các trang mạng đưa ra hàng loạt thuyết âm mưu khác nhau. Các thuyết âm mưu này trong nhiều thời điểm lại có vai trò dẫn dắt dư luận, tạo ra sự suy đoán nhiều khi là tùy tiện và gây hoang mang cho thị trường.

Để lập lại trật tự trên thị trường tài chính


Việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, tính minh bạch, tinh thần thượng tôn pháp luật, và hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính  nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung là việc cần phải làm, và có tầm quan trọng đặc biệt cho triển vọng phát triển dài hạn của Việt Nam. Để việc này có tác dụng tích cực, và được thị trường nhìn nhận một cách tích cực, nhà nước cần có một lộ trình rõ ràng, công khai, minh bạch cho công chúng và các nhà đầu tư nắm được. Thí dụ, các vấn đề sẽ tập trung chấn chỉnh, giải quyết là vấn đề gì, nguyên tắc giải quyết các vi phạm trong quá khứ là gì, các hoạt động kinh doanh từ giai đoạn này trở đi sẽ phải tuân theo khuôn khổ như thế nào, cơ chế giám sát mới là gì và các nguyên tắc của cơ chế giám sát mới như thế nào.


Nhà nước cũng cần làm rõ để mọi người hiểu việc chấn chỉnh này là một phần không thể thiếu trong nỗ lực của nhà nước về việc đổi mới và nâng cao tính hiệu quả - minh bạch của nền kinh tế chứ không phải là việc làm mang tính tình huống, ngắn hạn. Và mục tiêu của nó là nhằm giúp hệ thống kinh tế tư nhân vững mạnh hơn.


Song song với việc chấn chỉnh hệ thống kinh tế tư nhân, cần có nỗ lực tương xứng liên quan đến cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Đây là một sứ mệnh đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa làm được bao nhiêu. Điều này là thiết yếu vì nó cho thấy nhà nước có một kế hoạch hoàn chỉnh – đồng bộ, và triển khai nó cũng theo một cách hoàn chỉnh – đồng bộ chứ không phải cái gì dễ làm thì làm còn cái gì khó thì bỏ qua một bên.


Một điểm đặc biệt quan trọng mà nhà nước không thể bỏ qua hoặc thờ ơ là lòng tin của các nhà đầu tư và các chuyên gia, các nhà quản lý cao cấp của nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam. Họ là những người tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bằng vốn, công nghệ, trình độ quản trị, và kinh nghiệm quốc tế. Khi một nhà đầu tư nước ngoài ra đi, việc lôi kéo họ quay lại là việc khó khăn và có thể mất hàng thập kỷ. Khi một chuyên gia nước ngoài dứt áo ra đi vì sự nghiệp của anh ta ở Việt Nam lỡ dở, có lẽ cả đời anh ta sẽ không bao giờ quay lại.


http://www.diendantheky.net/2012/10/tran-vinh-du-lap-lai-trat-tu-tren-thi_15.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét