“Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút… Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông”. Đó là lời của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn.
Bùi Hoàng Tám
Trong báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ tại phiên họp UBTV QH vừa qua có đoạn: “Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được “ưu tiên” giải quyết công việc”.
Đọc đến đoạn này, không thể không thốt lên câu hỏi: Sao đến mức này, thưa Quốc hội!?
Báo cáo viết như vậy chả lẽ để dẫn đến tình trạng tiêu cực, tham nhũng tràn lan và trầm trọng hiện nay là do bởi một bộ phận không nhỏ (cũng có thể hiểu là lớn – NV)… người dân không những không “hành động quyết liệt” mà còn “đồng tình, tiếp tay”?
Không và một ngàn lần không, thưa Quốc hội!
Nếu có câu hỏi ai căm ghét tham nhũng, hối lộ nhất thì câu trả lời không ai khác, chính là người dân. Bởi tham nhũng, hội lộ đã hành hạ người dân nhiều năm qua và trở thành mối bức xúc lớn nhất, là tích tụ sự phẫn nộ của nhân dân.
Người xưa có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Không ai muốn “rút ruột” mình vô cớ đưa cho người khác bởi nó đau đớn lắm, xót xa lắm. Đồng tiền được trả bằng mồ hôi, nước mắt, đôi khi cả máu và sự cay đắng.
Không và ngàn lần không có người dân nào tự dưng đem tiền đưa đút lót, hối lộ.
Việc Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã phải bật ngay sau khi bản báo cáo vừa dứt rằng “Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút” và “Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông” đã nói hộ nhân dân điều đó.
Cách đây ít lâu, tại cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu lập pháp về sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đề xuất: “Bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo” vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lần này.
Còn cách đây khoảng 4 năm, Nhà báo Hữu Thọ trong một bài viết về tệ hối lộ đã chỉ ra rằng luật pháp trừng trị cả người nhận và người đưa hối lộ. Tuy nhiên, có những người vì hoàn cảnh nào đó mà bắt buộc phải đưa một ít quà thì dư luận cũng nên xem xét mà xử cho đúng.
Thưa Quốc hội!
Người dân yêu quý đồng tiền của họ làm ra lắm. Một doanh nhân đã từng nói: “Tôi đã từng phải bán máu để lấy tiền nhưng chưa bao giờ bỏ tiền ra mua máu”.
Vâng, người dân luôn coi tiền như máu của mình, họ khôngbao giờ “đồng tình, tiếp tay” cho kẻ khác móc túi mình đâu. Chẳng qua họ bị “bóp hầu, bóp cổ” mà ngậm bồ hòn “tự nguyện” đó thôi.
Thưa Quốc hội!
Công cuộc chống tham nhũng vừa qua chưa đạt kết quả là do chưa có sự quyết tâm cao, chưa có giải pháp tốt, chưa có bản lĩnh vững vàng… chứ không có nguyên nhân từ người dân “đồng tình, tiếp tay”.
Gần đây, trong xã hội xuất hiện cái mà dân gian gọi mỉa mai là “Hội chứng tám chữ vàng”. Đó là “Tranh công – Chối tội – Đổ lỗi – Thanh minh”.
Đoạn trích trên trong bản báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2012 vừa qua chính là hành động “đổ lỗi” cho dân. Và nói như đồng nghiệp bên Vietnamnet là “đổ tiếng xấu cho dân là hành động dại dột”.
Vâng, dại dột và hơn thế!
Có phải không các bạn?
Theo Dân Trí
hé hè hè... ko đổ cho dân thì biết đổ cho ai
Trả lờiXóachuyện tiêu cực ở nước mình có nói đến tám đời, viết sớ dài bằng cả chiều dài đất nước thì cũng chẳng thể hết được.