Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Chậm trễ là vô cảm - Chi Giao



 

Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC) bỏ lọt hàng loạt trận động đất ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, thời gian qua do mạng lưới quan trắc quốc gia vốn dĩ đã quá mỏng.
Nhưng nguyên nhân chính là phản ứng chậm đến mức khó hiểu của các cấp có trách nhiệm.
Một dự án nâng cấp 36 trạm quan trắc động đất toàn quốc phấn đấu đến năm 2012 sẽ xong. Mục tiêu đó bị lùi lại đến năm 2015. Đã thế, lại bị giảm còn 30 trạm vì thiếu kinh phí. Các cấp ra quyết định không mặn mà có thể do động đất ít xảy ra ở VN?

 
Thế nhưng, kể từ khi chính quyền Bắc Trà My tưởng lầm những tiếng nổ ầm ầm bất thường là do bọn trộm đánh mìn bắt cá hồi tháng 11-2011, người ta ghi nhận được 52 trận động đất, nhiều nhất từ trước đến nay tại vùng thủy điện Sông Tranh.
Có lẽ ít ai biết, trong số 52 trận động đất, Viện VLĐC chỉ ghi nhận được 12 trận. 40 trận còn lại được suy đoán từ máy móc của Ban Quản lý Dự án Thủy điện (QLDA) đặt ở đập Sông Tranh 2 vốn không phải để đo động đất. Nếu các máy của Ban QLDA được đặt ngay từ tháng 11-2011, số các trận động đất đo được gián tiếp còn nhiều hơn.
Không quan trắc được các trận động đất chẳng khác nào bịt mắt các nhà khoa học, đẩy họ vào tình thế đoán mò là chính. Đến thời điểm này, Viện VLĐC chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào khẳng định nguyên nhân các trận động đất hàng loạt vừa qua.
Hàng loạt kiến nghị cấp bách lắp năm trạm đo động đất trị giá có hai tỷ bạc tại vùng thủy điện Sông Tranh 2. Không hiểu sao đều rơi vào im lặng. Địa phương thì lấy lý do việc này vượt quá sức cả về năng lực lẫn tài chính của cơ sở. Chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực VN (EVN), thì lo sửa chữa đập. Theo dõi động đất dường như không phải là việc của họ? Viện VLĐC đề xuất lên Bộ Khoa học&Công nghệ thì được bảo chờ.
Hết đại gia EVN đến Bộ KH&CN với quỹ hỗ trợ phát triển KHCN đầy ắp hàng trăm tỷ đồng, tất thảy đều chậm trễ, đủng đỉnh trước một đề án nhằm cứu dân khẩn cấp với số tiền rất nhỏ. Vì sao vậy?
Chậm trễ lắp đặt các trạm đo động đất giữa lúc hàng vạn người dân đang hoang mang lo sợ, giữa lúc thiết bị đã về đến Nội Bài nhiều tháng nay, đó là sự vô trách nhiệm, vô cảm trước tính mạng người dân.
Ông Lê Trí Tập – nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Tôi không tin số liệu chủ đầu tư công bố
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chuyên gia thủy lợi, cho rằng, việc cấp bách ngay bây giờ là các nhà khoa học vào cuộc, đưa ra những số liệu làm an dân, còn những gì mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố không thật sự khách quan.


Ông Lê Trí Tập đang vẽ lại bản đồ đới đứt gãy ở Quảng Nam.
Ông Lê Trí Tập cho hay, mấy chục năm công tác ở ngành thủy lợi cũng như ở cương vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông đã biết và nghiên cứu về đới đứt gãy ở Trà My từ lâu.
“Không phải là chúng ta phát hiện mà là tài liệu của người Pháp công bố từ trước giải phóng. Có thể nói, sông Tranh 2 nằm giữa vùng giao nhau của 2 đường đứt gãy Tam Kỳ – Phước Sơn và Hương Nhượng – Tà Vi.
Cái tôi không hiểu là đã có cảnh báo động đất nhưng người ta vẫn làm một công trình rất cẩu thả, bằng chứng là rò rỉ nước ào ạt qua thân đập vào tháng 3 vừa rồi”.
Có nghĩa việc tích nước của Sông Tranh 2 khiến động đất xảy ra thường xuyên?
Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mới kết luận được, tuy nhiên, tôi thắc mắc với giả thuyết này. Nên nhớ rằng, hiện Sông Tranh 2 chưa tích nước cực đại thì lấy gì mà kích thích động đất do áp suất nước? Tôi nghiêng về giả thuyết động đất do kiến tạo cộng với một ít kích thích.
Có nghĩa là động đất kép, nếu đúng như vậy thì vô cùng nguy hiểm bởi nó có thể làm vỡ thân đập bất cứ lúc nào. Động đất do kiến tạo, có thể một dư chấn ngủ yên hàng trăm năm, nhưng chỉ đến một điểm thích hợp, nó sẽ đột ngột thức dậy.
Ở đây, sự tích nước bây giờ của Sông Tranh 2 (khoảng 200-300 triệu khối) đã đánh thức đới đứt gãy. Vì thế, không chỉ ở Sông Tranh 2 mà cả Nam Trà My, Phước Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức cũng đang bị rung lắc nhẹ.
Tôi cho rằng, các nhà khoa học khi đặt thiết bị quan trắc không nên chỉ đặt ở Sông Tranh 2 mà nên đặt khắp vùng Bắc Trà My để thu thập số liệu. Như thế mới chính xác được.
Số liệu mà EVN công bố cho thấy thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn?
Ai kiểm chứng số liệu, thông tin đó là khách quan, đúng sự thật. Tôi nghi ngờ lắm. Đến cả báo chí còn bị cấm cửa trong thời gian dài, rồi lãnh đạo tỉnh, huyện bị qua mặt, cấm mang theo máy chụp hình khi vào hầm.
Số liệu ở đây, muốn trung thực nhất thì phải mau chóng lắp đặt thiết bị quan trắc khắp vùng. Các nhà khoa học ghi lại từng giờ, từng ngày trong vùng tâm chấn.
Ngoài nguyên nhân khách quan nằm trong đới đứt gãy, còn nguyên nhân gì khiến đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ?
Giả thuyết thế này nhé, tôi mà là đương nhiệm Chủ tịch tỉnh, tôi bắt làm theo kiểu khác. Chặt chẽ hơn, chất lượng hơn và đúng quy trình. Tôi từng chỉ thẳng mặt chủ đầu tư, nói hiện tượng rò rỉ nước ở công trình là do không có lõi đồng ở giữa các khối bê tông hoặc có mà là hàng kém chất lượng.
Họ cứng họng không cãi được. Mà không chỉ Sông Tranh 2, hầu như 100% thủy điện ở Quảng Nam thiếu 3 điều cốt lõi: cống xả đáy, diện tích hồ phòng lũ và hệ thống quan trắc. Vì sao? Vì họ sợ tốn tiền, họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận.
Cảm ơn ông.
Nam Cường thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét