Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Tiến sĩ Nguyễn Quang A với “cụ Hồ”: Hơn một điều buồn


Tháng 11 27, 2012
Phạm Hồng Sơn
Trong phỏng vấn của RFI ngày 22/11/2012 vừa qua về việc Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm các viên chức cao cấp của chính quyền, Tiến sĩ Nguyễn Quang A có bày tỏ hai quan điểm đáng ghi nhận. Thứ nhất, ông vẫn đặt một hi vọng và trông chờ sẽ có tiến bộ thực tế từ nghị quyết đó. Theo ông, khẳng định ngay bây giờ nghị quyết đó là có hay không có hiệu quả là một việc “hơi sớm.” Thứ hai, vào cuối cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã trích dẫn và có ý lấy Hồ Chí Minh ra làm tấm gương để thúc đẩy tiến bộ, ông nói: “… Tất nhiên, không có gì có thể thay thế mạnh bằng quyền của người dân, được đuổi chính phủ’, như là lời của cụ Hồ đã nói nhiều chục năm trước, trong trường hợp chính phủ không làm được việc.

Về quan điểm thứ nhất, theo tôi có thể đó là sự thể hiện chân thành và thận trọng đến từ một nhãn quan nghiêng nhiều về lí thuyết hơn là thực tế. Mặc dù quan điểm của tôi ngược hẳn, cá nhân tôi vẫn trân trọng quan điểm đó của Tiến sĩ Nguyễn Quang A và cũng chỉ mong muốn thực tế sẽ cho thấy quan điểm của tôi là sai.
Về quan điểm thứ hai kể trên của Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì tôi thấy hoàn toàn không ổn và rất đáng lo. Theo tôi, hiện nay nếu muốn đất nước có tiến bộ, có dân chủ thực sự hay thậm chí là chỉ muốn chính quyền phải cương quyết hơn với sự đe dọa, xâm lấn từ Trung Quốc thì chúng ta rất không nên lấy “cụ Hồ” ra làm tấm gương, trừ khi chúng ta không có đủ thông tin hoặc chỉ muốn có tiến bộ giả dối, nửa vời và chỉ muốn chính quyền vẫn lệ thuộc Trung Quốc. Chỉ cần xem lại một chút lịch sử chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ.
Lãnh tụ nào và chính thể nào đã đưa vòng lệ thuộc, cống triều phương Bắc trở lại Việt Nam gần 80 năm sau khi sự phụ thuộc đó đã bị hủy bỏ hoàn toàn kể từ Hiệp ước Patenôtre 1884[i]? Còn lãnh tụ nào và chính quyền nào nếu không phải là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắc những cây cầu “răng môi”, “núi liền núi sông liền sông” cho sự lệ thuộc, cống triều (kiểu mới) phương Bắc trở lại Việt Nam từ năm 1950?
Ai là người đã làm trưởng ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và sau đó cũng chính là người đã lại góp phần khai sinh ra Hiến pháp 1959 (ở miền Bắc) để đưa đất nước quyết tiến lên Chủ nghĩa Xã hội? Người nào có thể thay thế được Hồ Chí Minh ở những vai trò hệ trọng và tầm nhìn xa cho dân tộc như thế?
Ai là người đã ký sắc lệnh về biểu tình số 31 ngày 13/09/1946 để chứng tỏ với công luận quốc tế rằng chính thể lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một chính thể cũng biết tôn trọng quyền tự do bày tỏ của dân chúng, nhưng thực tế thì từ đó trở đi quyền biểu tình của người dân (đã được người Pháp cho thực hiện một phần trước đó) hoàn toàn chỉ còn được thực thi trên giấy? Nhà lãnh đạo nào có thể có sự bén nhạy ngoại giao và sự khéo léo chính trị đến thế trong việc nhấc hết đi những tự do của dân đã có trong thời thuộc Pháp, nếu không phải là Hồ Chí Minh?
Ai là người có thẩm quyền chính trị cao nhất đã để cho đất tư từ hàng ngàn năm biến hết thành đất “sở hữu toàn dân”, đã tiến hành cuộc “cách mạng long trời lở đất” ở nông thôn cách đây hơn nửa thế kỷ mà vẫn khiến lòng người hôm nay bấn loạn, hãi hùng, rồi cũng chính người ấy lại đưa tay chấm nước mắt tiếc thương nhưng vẫn giữ trọn ngai vàng cho tới lúc chết? Còn ai có thể có tài an dân và có cái tâm quyết liệt đến cùng cho quyền lực độc đoán đến thế ngoài “Bác Hồ kính yêu”?
Ai là người vừa là Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền trong lúc ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng hạ bút ký một công hàm công nhận lãnh hải Trung Quốc bao phủ cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa? Chắc chắn 54 năm chưa phải là thời gian quá lâu để mọi người quên mất người đó là Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tại miền Bắc Việt Nam), kiêm chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam và là một chí hữu, một “người thầy vĩ đại” đương thời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhưng việc chính quyền hiện nay vẫn không ngừng nghĩ ra nhiều kế sách, vẫn không tiếc tiền của (của dân) liên tục đầu tư vào việc tô vẽ, duy trì, tôn tạo sự sùng kính Hồ Chí Minh trong dân chúng như một bậc thánh, một vị Phật cứu nhân độ thế là vấn đề không có gì khó hiểu vì đó là logic tất yếu của mọi chế độ độc tài. Chúng ta cũng không nên phải quá phàn nàn hay quá đau buồn về những việc đó, vì họ là những kẻ cầm quyền thừa kế trong một chế độ phi dân chủ, họ là những người đã công khai sự quyết tâm và đòi hỏi cả dân tộc phải “sống, học tập và làm việc” theo tư tưởng, tác phong của một lãnh đạo độc tài. Họ là những người đang cố duy trì một thần tượng có thể tiếp tục gây mê hoặc, ru ngủ dân chúng trên con đường lầm lạc, độc ác chỉ có lợi cho họ.
Cái đau xót và đau buồn chính là việc những người bị trị, những người đang mất tự do, bị áp bức, những người không muốn đi theo cái ác lại vẫn quì lạy, sùng kính một con người đã đưa họ từ những xiềng xích thô kệch, rỉ sét sang những gông xiềng êm ả, tinh vi, bền chắc hơn, đã khai sinh ra một chế độ suy đồi mà họ đang ta thán, đã là một ông trùm của các thủ đoạn dân chủ giả hiệu vẫn được duy trì cho tới hôm nay, đã là một chuyên gia về các kỹ thuật mị dân lão luyện tới mức khiến cho cả một dân tộc đa phần vẫn cứ an tâm, ngáo ngác, trông đợi tự do trong gông cùm và thờ kính chính kẻ đã quàng vào họ bộ gông cùm mới.
Nhưng sự đau xót, buồn phiền đó có phần nào nguôi ngoai, và chúng ta cũng không nên trách cứ những người đó, nếu họ chỉ là những người “toan lo nghèo khó”, chưa quan tâm việc triều chính, không thể đọc được một vài ngôn ngữ Âu Mỹ hoặc không có khả năng cập nhật thông tin ngoài những gì nhà nước độc tài ban phát.
Song, Tiến sĩ Nguyễn Quang A hoàn toàn không thuộc số những người như thế. Ông không chỉ là một trí thức lớn trong xã hội hiện nay, một doanh nhân lớn thành đạt bằng thực lực mà còn làm ra và sở hữu một “tủ sách SOS2”. Ông là người đã từng góp ý, phê bình thẳng thắn với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cũng là người kĩ tính, theo tôi là đúng đắn, khi không hài lòng chữ “về” khi người khác dịch giới từ “to” (tiếng Anh) trong nhan đề The Road to Serfdom[ii] thành Đường về nô lệ. Ông là người gần đây rất quan tâm, rất ủng hộ nông dân bị cướp đất, rất nhiệt tình và sáng kiến trong việc chống “lưỡi bò” No U… Bản thân kẻ đang viết những dòng này cũng là người được ông “khai sáng” qua những dịch phẩm của ông như Hệ thống xã hội chủ nghĩa-chính trị kinh tế học phê phán, tổng quan kinh tế xã hội chủ nghĩa[iii], Lịch sử với những bài học[iv]
Đương nhiên động lực trong thể hiện ngưỡng mộ Hồ Chí Minh của ông Nguyễn Quang A không thể giống với động lực trong sự sùng kính, ngưỡng mộ, quì lạy mà những kẻ cầm quyền độc tài vẫn thường thao diễn, chào mời, rao giảng, ép buộc. Nhưng có sự ngưỡng mộ nào mà lại không góp phần làm cho thần tượng, đang ngày đêm được tôn tạo, to thêm ra, lại không làm cho sự sụp lạy, vốn đã còng lưng, thêm cúi rạp? Thế mà một người như Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại lấy Hồ Chí Minh ra làm gương soi vào đúng lúc này. Đó chẳng phải là một điều thật đáng buồn lắm sao? Nhưng tôi tuyệt không tin vì thế mà chính quyền sẽ có những hành xử văn minh hơn đối với tất cả những thiện ý mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã muốn và sẽ muốn dành cho xã hội. Thế mới là điều lo lại thêm vào điều đã rất buồn.



[i] Đây là hiệp ước kí kết giữa Pháp và triều đình nhà Nguyễn (Việt Nam) vào năm 1884, thường lấy theo tên gọi của viên công sứ người Pháp (Patenôtre). Hiệp ước này có 19 điều khoản, trong đó có điều khoản: nước Nam chấp nhận cho nước Pháp bảo hộ, có việc gì giao thiệp với ngoại quốc thì do nước Pháp chủ trì, nước Nam không phải thần phục nước nào nữa. Thực ra điều khoản vừa kể không khác mấy so với hai hiệp ước đã kí trước đó vào các năm 1874 và 1883, nhưng ở Hiệp ước Patenôtre có hai chi tiết đáng lưu ý: 1. Viên công sứ Pháp (ở Bắc Kinh), tức đại sứ, đại diện của chính quyền Pháp lúc đó, chủ động tới triều đình ở Huế để thương thảo. 2. Sau khi kí hiệp ước thì chiếc ấn của Trung Quốc phong cho các vương triều Việt Nam đã bị đem ra “thụt bễ nấu lên và hủy đi”. (Nguồn: Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, quyển II, Bộ Giáo dục Trung Tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn 1971.)
[ii] Tác phẩm của Friedrich August Hayek (1899-1992), bản dịch của Phạm Nguyên Trường (dựa theo một bản tiếng Anh rút gọn) với nhan đề Đường về nô lệ, Nxb Tri thức, 2009. Bản đầy đủ do Nguyễn Quang A dịch với nhan đề Con đường tới chế độ nông nô.
[iii] Tác giả Kornai János, Nguyễn Quang A dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002.
[iv] Tác giả Kornai János, Nguyễn Quang A dịch, Nxb Tri thức, 2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét