Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Ý kiến sai lệch về thủy điện Sông Tranh 2



Nước mắt Thủy điện sông Tranh

Tác giả: NHƯ NGUYỆT, một bạn đọc của Hiệu Minh Blog.
Không có gì may mắn hơn khi những người làm xây dựng công trình thủy công lại có nền là đá hoa cương (xin nhắc lại là đã loại trừ tầng đá phong hóa mạnh, phong hóa vừa rồi, nếu trong hồ sơ thiết kế không có quy định này thì người thiết kế phải chịu trách nhiệm).

LTS Tuần VN. Ngay sau khi các báo đăng tải bài viết về các nguyên nhân gây mất ổn định của đập thủy điện Sông Tranh 2, mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết phản biện về cùng chủ đề.
Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam chúng tôi xin đăng tải bài viết dưới đây. Và hy vọng nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia làm sáng tỏ thêm vấn đề còn đang tranh cãi này.

Nhầm lẫn hay lập lờ đánh lừa dư luận?
Trong những bài báo viết về thủy điện Sông Tranh 2, có một số bài báo trên thông tin đại chúng đã đánh giá sai nguyên nhân gây mất ổn định của đập ST 2. Tiêu biểu là bài “Không động đất vẫn có nguy cơ trôi đập” của PGS-TS Phan Văn Quýnh – ĐH Quốc Gia Hà Nội đăng trên báo Tuổi trẻ, ngày 5/10; bài “Địa điểm xây ST 2 là sai lầm” trên báo Thanh niên.
Nội dung các ý kiến này cho rằng đập ST2 có nguy cơ bị phá hoại là dựa vào sự quan tâm chưa kĩ về địa chất, về kĩ thuật công trình thủy công.
Ông Phan Văn Quýnh có nói:….đá granite rất cứng, nhưng tiếp xúc với nước sẽ tạo thành cao lanh, mà cao lanh thì trắng mềm… Hay ở đoạn tiếp theo ông còn nói: ….Bởi nếu xây đập trên nền granite, không cần động đất vẫn có khả năng trôi đập. Bây giờ, vào thủy điện ST 2 đã thấy hai vai núi giữ hai bờ đập thủy điện bắt đầu có hiện tượng sạt do đá granite ở vai bắt đầu tiếp xúc với nước vỡ vụn ra… (hết trích).
Cách nói này được hiểu hai khả năng: Hoặc là nền đập ST 2 hiện tại thực chất không phải là đá gốc granite (hoa cương), hoặc là cái từ granite  mà ông Phan Văn Quýnh gán cho ở trên là granite đã bị phong hóa từ mạnh đến vừa. Hai lớp này không cho phép tồn tại dưới công trình đập bêtông.
Cần biết rằng, ở góc độ địa chất công trình, đá tự nhiên bao giờ cũng tồn tại các lớp phong hóa mạnh (ở trên mặt), phong hóa vừa, tiếp theo là lớp đá gốc. Thử hỏi cái loại đá granite mà ông Quýnh mô tả: Gặp nước thành cao lanh hay vỡ vụn ra, thì người dân dùng để lát nền nhà, lát cầu thang, xây lâu đài, làm tượng người, tượng thú sao được?
Phải nói rằng, đá hoa cương tầng gốc làm nền móng xây dựng công trình thủy công cực kỳ bền vững trước sự xâm thực của nước, hoàn toàn khác với loại đá mà khi gặp nước bị bở vụn ra như ông Quýnh đề cập ở trên. Đấy chính là sự nhầm lẫn của ông Quýnh. Hay là sự lập lờ đánh lừa dư luận.
Không nên đổ lỗi một cách chung chung
Nếu mọi người muốn đánh giá đập ST2 có ổn định hay không, xin hãy kiểm tra xem nhà tư vấn thiết kế đã đưa giải pháp xử lí tầng đá phong hóa mạnh, phong hóa vừa, kết cấu tiếp giáp giữa nền đá với thân như thế nào. Đã có biện pháp xử lí nền triệt để hay chưa mà thôi, chứ không nên đổ lỗi nền đá granite một cách chung chung.
Theo bản vẽ kĩ thuật thiết kế đập, nhà thầu tư vấn đã đặt đập bêtông trên lớp đá granite có kí hiệu IIA (nhưng rất tiếc không có ghi chú là tầng đá phong mạnh, yếu hay đá gốc ). Toàn bộ mặt tiếp giáp đáy đập với nền đã được xử lí bằng khoan phụt ximăng để nâng cao cường độ và tăng lực ma sát chống trượt cho đập.
Tầng đá IIA này chắc chắn không phải là đá mà ông Quýnh nêu ở trên: Gặp nước thành cao lanh mềm được, vì từ trước tới nay ở đây luôn ngập trong nước, hoặc có phải là “….nền móng granite yếu” mà GS Cao Đình Triều ám chỉ hay không?
Theo kết quả kiểm tra ép nước thí nghiệm thấm ghi trên đồ án, lượng mất nước đơn vị của nền ngay dưới chân đập chỉ mức q= 2 Lu – 3 Lu (hay q= 0,02 đến K=0,03 lít/phút) thì người viết tin rằng đập đang nằm trên đá gốc liền khối hoặc phong hóa yếu.
Khi mà đập đã được đặt trên đá gốc và có giải pháp công trình triệt để, thì dù nền bất kể là đá granite, đá bazan hay đá trầm tích bột kết mềm yếu hơn vẫn là an toàn, không phải như ông TS Nguyễn Trường Tiền nói: Xây dựng đập thủy điện ST2 trên nền đá granite là một sai lầm.
Đá granite hoàn toàn không có lỗi gây ra mất ổn định đập ST2. Cái lỗi nếu có, là ta sử dụng tầng đá nào làm nền công trình, cách xử lý các khiếm khuyết của tầng đó ra sao để phục vụ mục tiêu là ổn định đập.
Không có gì may mắn hơn khi những người làm xây dựng công trình thủy công lại có nền là đá hoa cương (xin nhắc lại là đã loại trừ tầng đá phong hóa mạnh, phong hóa vừa rồi, nếu trong hồ sơ thiết kế không có quy định này thì người thiết kế phải chịu trách nhiệm).
Đá hoa cương hình thành bởi núi lửa phun trào (phún xuất), hội tụ đầy đủ tính ưu việt nhất cho yêu cầu ổn định công trình đập: Cường độ thuộc loại cao nhất (sức chịu nén đạt 900 kg/cm2 – 2000kg/cm2), ít xuất hiện các khe nứt, bị phong hoá rất chậm hay có thể nói là hầu như không bị phong hóa.
Đá này làm cốt liệu bêtông, làm đá xây lát nền công trình sang trọng, nhà dân dụng, làm tượng trang trí… Chỉ cần nói riêng trường hợp muốn xây dựng đập cao, tiết kiệm vật liệu dạng như đập vòm (vòm trọng lực hay vòm vỏ mỏng) có lẽ người ta cũng chỉ dám xây dựng ở nơi mà nền là đá granite mà thôi. Thế thì tại sao ông Phan Văn Quýnh đổ lỗi cho nền đá granite là nguyên nhân mất ổn định đập?
Về giải pháp kết cấu đập, ông Quýnh có nói: Bởi tại sao khe nhiệt lại rộng ra, gây rò nước? Tôi cho rằng chính nền đập bằng đá granite đã bị tác động, biến dạng dãn ra, tức là nền đập có vấn đề (hết trích).
Trước tiên, cũng khẳng định thế này: Chưa có ai kết luận khe nhiệt đập ST 2 bị dãn ra cả. Khe nhiệt nằm giữa hai blok bê tông riêng biệt, không có nhiệm vụ (hay không được) dính kết với nhau, luôn bị co dãn vì nhiệt, chứ không bị dãn ra do chuyển vị nền.
Chính vì thế, các nhà tư vấn mới phải thiết kế khớp nối chống thấm. Nền đập ST2 chưa có vấn đề như ông Quýnh nói, bởi nền đập hiện hoàn toàn khô ráo, không có hiện tượng thấm nước, chưa phát sinh vết nứt, số liệu lún không đều.
Nhà tư vấn đã thiết kế an toàn chưa?
Ông Phan Văn Quýnh lại có nói: Đập bê tông có thể rất chắc, nhưng nguy cơ hai vai đập sạt thì thân đập không còn điểm tỳ, có thể trôi…(hết trích). Điểm tỳ ở đây, theo thuật ngữ kĩ thuật, có thể hiểu là toàn bộ áp lực nước truyền vào hai vai đập, thông qua thân đập bê tông như đối với dạng đập vòm.
Liệu Thủy điện có an toàn?
Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Chúng tôi cho rằng ông Quýnh không hiểu bản chất giải pháp kết cấu và sơ đồ tính toán ổn định đập ST2 là loại đập trọng lực. Đã là dạng đập trọng lực, nhà tư vấn phải tạo cho nó đủ điều kiện bằng chính trọng lượng bản thân.
Đập phải hoàn toàn ổn định (chống trượt, chống lật…) trước mọi tác động của ngoại lực,đạt hệ số ổn định theo quy phạm hiện hành. Bài toán tính ổn định đập trọng lực như ST2 là bài toán phẳng: Người ta chọn một đoạn đập giả định, dài 1 m theo dọc đập và cho tất cả ngoại lực như áp lực nước hồ, áp lực nước thấm, áp lực bùn cát, áp lực sóng,lực động đất, lực ma sát thân đập với nền….  tác động vào.
Từ đó xác định mặt cắt ngang đập tối ưu, chính vì vậy, không có nghĩa là đập cứ phải tỳ sang hai vai như tác giá nói. Ở đập ST2, vai và thân đập chỉ tiếp giáp với nhau, bộ phận nào làm chức năng riêng của bộ phận đó (phải có thiết kế xử lí tiếp giáp cụ thể).
Về ảnh hưởng của động đất đến ổn định đập: Chắc chắn nhà tư vấn thiết kế đã phải tính đến lực động đất trong quá trình xác định quy mô đập. Lực phát sinh do động đất tác động lên đập phải được tính toán dựa vào cấp động đất. Cấp này được quy định trong quy phạm Việt Nam hiện hành.
Không thể phát biểu rằng, khu vực này có xuất hiện động đất, có đứt gãy là không xây dựng đập thủy điện. Vấn đề chính là ta phải truy cứu nhà tư vấn thiết kế đã tính toán an toàn đập như quy định quy phạm hiện hành chưa.
Cấp động đất áp dụng trong tính toán là cấp mấy, so với thực tế khả năng có sai khác nhiều hay không. Và nếu khác thì dự kiến biện pháp xử lí thế nào? Nếu theo kết luận của nhóm phản biện độc lập của GS Cao Đình Triều, động đất khu vực ST 2, mức 6 độ richter thì chưa vượt qúa tiêu chẩn cấp động đất tính toán mà quy phạm Việt Nam quy định.
Động đất thường xảy ra trên đất nước Nhật Bản, vùng núi cao Trung Quốc như thế nào thì ai cũng biết, chả nhẽ họ đã không xây dựng các cộng trình đập thủy lợi, thủy điện hay sao?
Thực ra, nhìn vào hồ sơ thiết kế đập, có giải pháp nhà tư vấn thiết kế đưa ra chưa được hoàn hảo (chưa hoàn hảo chứ không phải sai lầm).
Ví dụ: Mặt tiếp xúc đập và nền là mặt phẳng ngang sẽ bất lợi về ổn định trượt, tuy rằng họ đã có giải pháp khắc phục là khoan phụt xi măng xử lí mặt tiếp giáp. Tốt hơn là nếu họ bổ sung thêm vào các hố khoan phụt đó các thanh thép neo, hoặc tạo mặt đáy hố móng là đường zich zăc  thì  đập sẽ ổn định hơn nhiều.
Cũng nên xem xét lại toàn diện về ổn định đập, nếu cần thiết, có thể bố trí thêm được ít nhất 3 – 4 hàng thép neo, thi công từ vị trí hành lang kiểm tra dưới cùng, tại mặt cắt đập cho là nguy hiểm nhất, để đảm bảo cho đập.
Tác giả: Như Nguyệt.
Xem bài đăng trên Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét