Dave DeForest
VOA
Những
hành vi bị nhiều người cho là hung hãn của Trung Quốc trong vụ tranh
chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông có thể dẫn tới chiến tranh. Đó là
nhận định của một số các nhà quan sát khi họ nhìn lại cuộc chiến tranh
cách nay hơn 30 năm giữa hai lân bang theo chủ nghĩa Cộng Sản có mối
quan hệ khắng khít, thường được mô tả là “môi hở răng lạnh”.
Vùng màu vàng trên bản đồ này là vùng Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền trên Biển Ðông.
Những
đòi hỏi chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông có nhiều tài nguyên thiên
nhiên tiếp tục gây căng thẳng cho các mối quan hệ giữa Trung Quốc và
một số các nước láng giềng của họ ở Á châu, trong đó có Việt Nam.
Những
vụ tranh chấp như vậy giữa Trung Quốc và Việt Nam đã diễn ra trong
nhiều thế kỷ. Nhưng đến cuối thập niên 1970, sự hiềm khích giữa đôi bên
đã bùng lên thành một cuộc xung đột vũ trang có nhiều chết chóc, với
cuộc chiến tranh thường được gọi là cuộc chiến tranh biên giới
Việt-Trung 1979.
Trung Quốc đã dùng yêu sách chủ
quyền đối với quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa làm một trong các
lý do để xâm lăng Việt Nam, tuy cuộc chiến tranh đó diễn ra sau một loạt
những vụ đụng độ ở biên giới hai nước và những hành động quyết liệt của
Việt Nam ở Campuchia.
Tại Campuchia lúc đó, chế
độ Khmer Đỏ tàn bạo đã phát động một chiến dịch khủng bố trên cả nước.
Chiến dịch diệt chủng này rốt cuộc đã gây tử vong cho hơn 2 triệu người.
Khmer Đỏ có được sự hậu thuẫn của Trung Quốc nhưng bị Liên Xô phản đối.
Việt Nam có được sự hỗ trợ của cả Trung Quốc lẫn Liên Xô trong cuộc
chiến tranh với Hoa Kỳ, nhưng dần dần tránh xa Trung Quốc trong những
năm giữa thập niên 1970 và nghiêng hẳn về phía Liên Xô. Việt Nam tiến
quân sang Campuchia cuối năm 1978 và nhanh chóng lật đổ chế độ Khmer Đỏ.
Ông
Lý Tiểu Binh, Khoa trưởng Phân khoa Sử Địa của Đại học miền Trung
Oaklahoma, cho biết lãnh tụ Trung Quốc lúc đó là ông Đặng Tiểu Bình đã
tức giận trước hành động của Hà Nội và quyết định “dạy cho Việt Nam một
bài học”.
Giáo sư Lý: "Vì ảnh hưởng ngày càng
tăng của Việt Nam trong khu vực, cộng với việc xâm lăng Campuchia và sự
hợp tác với Liên Xô, nên ông Đặng Tiểu Bình và Trung Quốc e rằng Việt
Nam có thể bành trướng thế lực của mình tới những khu vực khác, kể cả
Biển Nam Trung Hoa".
Trung Quốc cũng tố cáo Việt
Nam bách hại Hoa Kiều và lên tiếng chống đối việc Việt Nam chiếm đóng
những hòn đảo của quần đảo Trường Sa.
Đầu năm
1979, ông Đặng Tiểu Bình đi thăm Hoa Kỳ và bày tỏ sự bất mãn đối với
Việt Nam. Ông nói với các giới chức ở Washington rằng “những đưa trẻ
không nghe lời cần phải đánh đòn”.
Lính Trung
Quốc bắt đầu tràn qua biên giới Việt Nam hồi tháng hai năm 1979. Phía
Việt Nam gọi đây là cuộc chiến “chống bá quyền Trung Quốc” trong lúc Bắc
Kinh gọi cuộc xung đột vũ trang này là “Cuộc phản kích tự vệ chống lại
Việt Nam”.
Giáo sư Lý Tiểu Binh nói rằng Trung Quốc muốn mô tả cuộc chiến này là một cuộc chiến tự vệ.
Giáo
sư Lý: "Trung Quốc muốn biện minh cho hành động của mình. Họ muốn mọi
người tin rằng cuộc chiến tranh này có tính chất phản ứng tự vệ để đáp
lại chính sách hung hãn của Việt Nam".
Tiến sĩ
Lý Tiểu Binh cho biết ông Đặng Tiểu Bình muốn dùng cuộc chiến tranh với
Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của quân đội Trung Quốc.
Giáo
sư Lý: "Có vấn đề giữa hàng ngũ lãnh đạo mới của ông Đặng Tiểu Bình và
quân đội. Quân đội than phiền là họ không được lợi lộc gì trong các nỗ
lực cải cách. Họ nói rằng trong lúc tiến hành cải cách họ đã không nhận
được các nguồn lực để phát triển. Thậm chí họ còn cho rằng họ là nạn
nhân của phong trào cải cách".
Ông Lý Tiểu Binh
nói rằng ông Đặng Tiểu Bình đã để cho quân đội có được một cơ hội để
chứng tỏ khả năng và cho phép họ tự soạn thảo kế hoạch xâm lăng Việt
Nam.
Tuy nhiên, cuộc xâm lăng đó lại nêu bật sự
yếu kém của quân đội Trung Quốc. Họ chỉ tiến được vào lãnh thổ Việt Nam
khoảng 8 kilomet, tuy đã gây thiệt hại nặng cho một số thành phố ở biên
giới. Đà tiến của những toán quân Trung Quốc đã bị khựng lại khi gặp
phải sự kháng cự kịch liệt của phía Việt Nam, những người đã tận dụng
được các kỹ năng đánh du kích mà họ đã trui luyện trong cuộc chiến tranh
với Hoa Kỳ. Trung Quốc đã gánh chịu tổn thất nhân mạng rất lớn và phải
rút về nước sau 29 ngày.
Giáo sư Lý: "Đó là một
thảm họa nhục nhã đối với quân đội. Thương vong ở mức cao, không theo
đúng kế hoạch, thông tin liên lạc tồi tệ, tính toán sai lầm, vân vân …".
Về
mặt công khai, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng. Nhưng phía Trung
Quốc biết rõ là quân đội của họ có nhiều khiếm khuyết. Không lâu sau đó,
Bắc Kinh đã thực hiện một chương trình để hiện đại hóa quân đội của
mình.
Giáo sư Lý: "Quân đội nhận ra rằng họ đã
bị lỗi thời. Tinh thần chiến đấu binh sĩ rất thấp. Các hệ thống của Liên
Sô không hoạt động có hiệu quả. Khi đó họ còn dùng các loại khí tài của
Liên Xô. Vì vậy cho nên họ đã sẵn sàng chấp nhận đề nghị cải cách quân
đội.
Giáo sư Lý Tiểu Binh cho rằng qua cuộc
chiến năm 1979 Trung Quốc lại một lần nữa chứng tỏ với các nước láng
giềng là họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết những vụ tranh chấp
lãnh thổ.
Nhiều năm sau khi chiến tranh chấm
dứt, những vụ đụng độ ở biên giới Việt-Trung vẫn tiếp diễn và quan hệ
song phương tiếp tục bị căng thẳng. Mãi cho đến năm 1986, với bối cảnh
của sự thay đổi hàng ngũ lãnh đạo ở Bắc Kinh và Hà Nội và các phong trào
cải cách ở Nga, Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý gác qua một bên những
vụ tranh chấp để tập trung nỗ lực vào công cuộc phát triển hòa bình.
Công
cuộc phát triển đó giờ đây đã bị đe dọa bởi những hành động có tính
chất kịch liệt của Trung Quốc để chống lại điều mà họ cho là những mối
đe dọa đối với lãnh thổ của họ ở Biển Đông. Các nhà quan sát cho rằng
những hành vi gây nhiều sóng gió có thể làm cho Trung Quốc rơi vào một
cuộc xung đột với các nước láng giềng cũng có yêu sách chủ quyền ở vùng
biển rất quan trọng cho hoạt động thương mại của cả thế giới này.
D. D.
Nguồn: voatiengviet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét