Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

CNXH vs CNTB – Cảm nhận ban đầu của một người Việt


Mùa thu vàng nước Nga. Ảnh: internet

Bài viết của tác giả vhlinhdesign. HM Blog xin ghép hai đoạn comment của bạn đọc có tên là vhlinhdesign viết về cảm nhận CNXH ở Liên Xô và CNTB tại Pháp. Thú thật, đọc lên tôi thấy đúng như những gì mình thấy nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện viết ra như vhlinhdesign. Đầu đề và subtitle do HM Blog đặt.
Cảm ơn sự đóng góp của VH Linh.

 

Choáng 1: Từ địa ngục bước lên thiên đường XHCN Liên Xô
Vào một ngày cuối thu năm 1982, chúng tôi lần đầu đặt chân lên đất Nga. Nắng vàng rực rỡ, vườn táo xanh um lúc lỉu những quả là quả. Chúng tôi đi qua thèm lắm, mắt trước mắt sau chỉ muốn nhảy lên với mấy trái về nhai cho đỡ cơn thèm chế ngự não bộ của những người lần đầu tiên nhận ra vẻ đẹp của Thiên đường có thể hiện diện ngay trên mặt đất.
Nhìn cái ly màu trắng bên cạnh bình nước lọc bằng thuỷ tinh cũng màu trắng, ga đệm màu trắng, tất thảy đều màu trắng, chẳng hiểu sao lòng dạ tôi lại bồn chồn.
Lúc đó tôi không hiểu vì sao lại thế. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao hình ảnh mấy cậu bạn cùng đoàn chạy ngay ra bến Metro gần nhất chỉ để trèo lên trèo xuống cầu thang điện, lại ám ảnh tôi lâu đến thế, có lẽ hơn hai mươi mấy năm rồi.
Sau này đi chu du thiên hạ, nhàm chán dần với cảm giác rùng mình, tôi chợt hiểu có lẽ đó là trạng thái sốc của những đôi mắt và bộ não ướt sũng đói nghèo và bom đạn.
Việt Nam lúc đó khổ quá, chúng tôi lại là dân nội trú, càng ngấm cái khổ hơn. Bữa cơm chẳng có gì ngoài nồi nước mắm nổi lềnh bềnh vài miếng mỡ, hành xanh vắt vẻo vài cọng, thìa ăn xong không cần rửa vẫn sạch trơn. Nửa cái bánh mỳ phổng phao vì bột nở chỉ bóp nhẹ một cái là lại chui tọt trở lại lòng bàn tay.
Vườn địa đàng lúc lỉu táo xanh, bình nước trong veo, ga trải giường trắng muốt cuối mùa thu năm 1982 là bài học đầu tiên không cần thi cũng đỗ về Thiên đường trên mặt đất của chủ nghĩa xã hội đối với chúng tôi.
Ngày 27 tháng 8 năm 1989, toàn thể sinh viên nước ngoài ở trường tôi được cho đi tham quan đột xuất. Vài ba ngày sau tôi mới biết được rằng những người Tac-ta đang ở gần chúng tôi lắm và sinh viên nước ngoài không nên nhìn thấy những cảnh đó.
Vườn táo xanh trong ký ức tôi biến thành khu chợ ồn ào bán mua với những chiếc cốc lần đầu tiên có dán giá tiền thay vì dòng chữ 5 kopec in sẵn trên đáy cốc như mọi khi.
Bình nước trong veo biến thành những thỏi đường vàng xếp hàng nửa ngày không mua được.
Ga trải giường trắng muốt biến thành những tờ truyền đơn vung vãi trên quảng trường Krasnui Prospect trước mặt tượng Lê-nin.
Thiên đường sụp đổ rồi ư? Thế giới này đi về đâu vậy?
Choáng 2: Từ Cộng sản Nga cào bằng đến Tư bản Pháp sòng phẳng
Những ngày đầu sang Pháp, tôi khốn khổ vì vốn từ vựng giắt lưng chẳng đáng là bao. Một lần, thầy giáo của tôi, vừa đi công tác Việt Nam về, được cả cơ quan tôi nồng nhiệt đón tiếp, trịnh trọng giới thiệu tôi với cả lớp vào đúng thời điểm tôi đang gà gật vì nghe mãi chẳng hiểu gì.
Lê-na, cô gái Nga cao lớn và xinh đẹp, bây giờ là giảng viên trường tôi, có cặp đùi dài nhưng to bằng ba lần vòng eo của Cecile người Pháp, huých tôi và than Trời bằng tiếng Nga:” Boze moi”.
Paris trong lá vàng. Ảnh: internet
Bản năng Bắc Kỳ chính hiệu cho tôi một nụ cười vừa phải. Cả lớp vỗ tay nồng nhiệt,  Lê-na thu dọn sách vở, bảo tôi ký vào danh sách lớp. Tất tật bằng tiếng Nga. Tôi đần mặt đứng dậy, theo chân thầy để bắt tay mà chẳng hiểu vì cái gì. Thế là hết một giờ học.
Tư bản ơi là tư bản, sao không nhìn vào mắt tôi mà nhận ra nụ cười Tonkin trong đó?
Lớp tôi thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn trưa. Những năm đó, học bổng của tôi tính bằng francs, chưa phải euros như bây giờ. Mỗi tháng 4.700 francs nhà ở kèm ăn uống. Đứa nào may mắn kiếm được nhà trong ký túc xá thì đỡ chứ chẳng may chậm chân là khốn khổ.
Tôi tiết kiệm lắm, dành dụm để mua vé về thăm nhà rồi lại sang nên không thường xuyên đi ăn cùng cả nhóm.
Maryline, gái Paris chính hiệu, bốc lửa, tóc vàng, mắt xanh, mỏ đỏ hình như không hiểu đầu tôi đang toan tính những gì nên trưa nào cũng kéo áo tôi xềnh xệch, bắt đi ăn cùng cả nhóm. Đĩa nó sạch trơn, mắt nó nhòm vào đĩa của tôi còn ngồn ngộn thứ ngũ cốc bùi bùi màu tím ngắt giống đậu đen rồi hào hứng tuyên bố chỉ có đứa nào thiểu năng mới không ăn hết món ngon thế này.
Đứng dậy, chia tiền, tôi vẫn trả đủ phần tôi. Vài ngày sau, tôi lại ăn món tráng miệng của nó, nó lại trả đủ phần nó. Khi hết tiền, tôi tìm cớ thoái thác để ra về trước cả nhóm.
Nhớ lại những mùa thu trên đất Nga, bạn bè thân thiết đi ăn cùng nhau chưa bao giờ có đứa nào thò thìa dĩa sang đĩa của tôi, dù nó còn ngồn ngộn. Ăn xong, thường chúng tôi tranh nhau trả tiền hoặc luân phiên đứa nọ bao đứa kia theo đúng tinh thần xã hội chủ nghĩa.
Maryline xinh tươi mắt xanh mỏ đỏ tóc vàng quyến rũ của tôi là bài học đầu tiên về sự sòng phẳng mà càng ngày tôi thấy càng hợp lý.
Tôi nhớ đến Liên trong tiểu thuyết “Tuyết rơi”, câu chuyện về Paris ngày nắng nóng 11 tháng 8 năm 2003, cố thử hình dung ra khuôn mắt đầy mụn, đôi mắt gườm gườm chẳng rõ lý do ngay với chính bản thân mình, những cái cấu chí chọc thủng da thịt các cụ già trong nhà dưỡng lão đầy hằn học và ác nghiệt của cô mà rùng mình.
Sao cái lớp học nhân đạo của Liên trên đất Pháp có hình hài kỳ dị đến thế? Nó có nhiều không trên đất Paris, mà tôi, một sinh viên đã từng mò mẫm ở những vùng như 93100 lại không rõ?
Hay tôi không bao giờ có cơ hội nhìn thấy những người Việt Nam như Liên, ngay cả trong những ngóc ngách khốn cùng của Paris như thế?
Bao nhiêu cô gái Việt Nam phải hy sinh để một Liên đau đớn và quái đản ép đến ngạt thở từng trang sách màu hồng trong hơi lạnh của “Tuyết rơi”, nhẹ như lông hồng mà lại làm trĩu nặng con tim người đọc một cách vô lý đến thế?
VHLINH DESIGN

http://hieuminh.org/2012/10/05/cnxh-vs-cntb-cam-nhan-cua-mot-nguoi-viet/

2 nhận xét: