Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Công khai sẽ làm sập đổ cả hệ thống ngân hàng


Thừa nhận của một quan chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đúng là chuyện chỉ có ở Việt Nam! Hehe... vậy là từ xưa tới nay hệ thống ngân hàng Việt Nam luôn hoạt động bí mật (hay trong bóng tối?).

“Đối với hoạt động thanh kiểm tra thì có yêu cầu công khai các kết luận. Hiện nay các kết luận thanh tra sẽ công khai từng phần. Vì (nếu) có những kết luận thanh tra công khai ra sẽ làm sập đổ cả hệ thống luôn. Đó là những vấn đề hết sức nhạy cảm, phải xem xét và làm thận trọng. Thậm chí những vấn đề liên quan đến yếu tố hình sự thì phải chờ cơ quan công an tiến hành những thủ tục tố tụng, NHNN không thể tự ý đưa những vấn đề đó”. Đó là chia sẻ của ông Trương Ngọc Anh – Chánh văn phòng Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với báo giới tại một hội nghị đối thoại về chính sách diễn ra ngày 16/10 đăng trên trang infonet của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam (xem chi tiết ở đây).



 Đưa cái hình này lên đề phòng trang này có thể bị rút xuống


Ông Trương Ngọc Anh cũng tiết lộ thêm: “NHNN đang xây dựng đề án về công khai minh bạch thông tin. Vụ Thanh tra Tổ chức tín dụng trong nước là đơn vị được giao thực hiện đề án này. Dự thảo đã được trình Thống đốc để báo cáo lên Thủ tướng”.
Như vậy là rõ rồi, đề án về công khai minh bạch thông tin trong hệ thống ngân hàng đang được xây dựng có nghĩa là từ trước tới nay việc công khai minh bạch thông tin trong hệ thống này là hết sức mù mờ. Cũng có nghĩa là người dân Việt Nam đang thực sự "đánh bạc" với các chủ ngân hàng trong tư thế bị "bịt mắt, bịt tai và đôi khi bị bịt cả miệng". Trong khi phần lớn các chủ ngân hàng Việt Nam ngày nay thì lại không coi trọng chữ tín, xem ngân hàng và hệ thống này chẳng khác gì sòng bạc được điều khiển bởi các "bồ già".
Tháng trước, ngày 28/9, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa thông báo hạ bậc tín nhiệm chung của Việt Nam và tám ngân hàng thương mại trong nước (xem chi tiết ở đây).
Trái phiếu bằng đồng ngoại tệ và cả nội tệ của Việt Nam bị hạ bậc từ B1 xuống B2. Điều này đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải đối mặt với chi phí vay mượn cao hơn nếu muốn bán trái phiếu mới. Trần xếp hạng tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam cũng bị Moody’s hạ một bậc từ B2 xuống B3. Tám ngân hàng thương mại trong đó có ACB, BIDV, MB, SHB, Sacombank, Techcombank, Vietinbank và VIB đều bị hạ một bậc trong xếp hạng khả năng tín dụng độc lập từ E+ xuống E.
Trong bản thông cáo, Moody's cho rằng cần có một kế hoạch cải cách để cải thiện hồ sơ tín nhiệm của ngành ngân hàng, đồng thời hạ mức rủi ro bất thường cho chính phủ. Moody's cũng yêu cầu minh bạch và quản lý chặt chẽ hơn đối với quản lý tài chính cũng như vĩ mô, đồng thời xây dựng một lý lịch ổn định vĩ mô dài hơn để đảm bảo độ cạnh tranh cũng như phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét