Thưa Chủ tịch: đừng nói nữa, hãy hành động!
Trách
nhiệm tập thể là thứ vô trách nhiệm. Chẳng lẽ để tình hình đất nước,
kinh tế như thế, tình hình nội tại đảng như thế mà không có một ai phải
chịu trách nhiệm? Đừng nói nữa, hãy hành động đi!
“Tham nhũng đang là một vấn nạn nghiêm trọng. Ban đầu là một
bộ phận, sau đó là một bộ phận không nhỏ, và giờ thì có đồng chí còn nói
là cả một tập đoàn… Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất
ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước
này sẽ thế nào? Người ta có thể trú úm một người, một nhóm người nhưng
không thể trù úm cả dân tộc này!”. (nguồn: Dân Trí)
Lại thêm những câu nói nức lòng từ Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Dường như cứ mỗi lần tiếp xúc cử tri, ông đều để lại những phát ngôn ấn
tượng để đời.
Nhưng điều mong chờ ở người dân lúc này không phải là những
lời nói hay. Dân giờ cũng chẳng còn ai chỉ tin vào lời nói của các vị.
Tuyên truyền sáo rỗng giờ vứt sọt rác, đừng mong có cơ hội chui lọt tai
dân. Chính Chủ tịch cũng… căn dặn dân điều đó: “điều dân và đảng đang
đòi hỏi chính là hành động”.
Thế nhưng ông và đảng đã hành động gì?
Ông khẳng định là trong đảng, trong bộ máy công quyền không
chỉ có một con sâu mà đang có “cả một bầy sâu ăn hết phần của dân”,
nhưng kết quả hội nghị 6 vừa xong đảng đã tìm diệt được con sâu nào? Tại
sao cả “một bộ phận không nhỏ thoái hóa hư hỏng, đe dọa đến sự tồn vong
của đảng và chế độ”, nhưng sau đợt kiểm điểm rồi vẫn không loại bỏ được
ai khỏi đội ngũ? Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người
bị BCT yêu cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là
“một đồng chí ủy viên BCT” như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu
cướp của Trung Quốc mà phải gọi là “tàu lạ” vậy? Đến mức khi giải trình
với cử tri, Chủ tịch nước vẫn không dám nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng mà phải gọi là “đồng chí X”.
Đây là sự tế nhị, là nguyên tắc bảo vệ "tình đồng chí" trong đảng, hay là sự thỏa hiệp, là thái độ hèn hạ, bất lực?
Thế thì làm sao còn dám kêu gọi người dân đừng sợ hãi, đừng sợ trù úm để cùng đảng chống tham nhũng?
Muốn trị quốc phải trị đảng (Giang Trạch Dân). Trị đảng không
xong thì mong sao trị quốc? Hay nói như tiến sĩ Phạm Ngọc Cương: “không
lau nổi cả mặt nói gì tới tắm rửa kỳ cọ, phục thuốc chữa bệnh, đảng sẽ
trả giá đắt cho sinh mệnh chính trị của mình”.
Một năm trước, khi nghe Chủ tịch nước hùng hồn chỉ trích “một
bầy sâu”, tôi hồ hởi chờ đợi, tin tưởng. Chắc nhiều người cùng tâm
trạng đó. Nhưng đến giờ, qua hàng loạt những phát biểu nức lòng từ ông,
còn được mấy ai tin tưởng kỳ vọng?
Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Thủ tướng và nhiều vị khác nên
đọc thêm các thông tin trên mạng (ngoài các ý kiến đại diện được gạn lọc
có ý đồ của thông tin chính thống) để biết thêm dân chúng nhìn xét mình
như thế nào, tâm trạng dân chúng sau những dư hậu của hội nghị 6 ra
sao? Cho dù vượt qua cuộc bỏ phiếu nhưng uy tín và thanh danh Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng ở mức nào trong mắt dân? Cho dù có những câu để đời như
“một bầy sâu” của Chủ tịch nước, hay những phát ngôn thẳng thắn của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến mức trước đó vài năm chỉ những “thằng phản
động” mới dám mở mồm như “đảng viên nhan nhản cộng sản mấy người?”, hoặc
“một bộ phận không nhỏ đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ”… nhưng uy
tín, sự tin cậy trong hành động của Tổng Bí thư, của Chủ tịch nước, của
tập thể BCT và trung ương đảng để lại trong dân ở mức nào?
Không tìm ra sâu nào, không tìm thấy nhóm lợi ích nào, không
phát hiện ra “bộ phận không nhỏ” nào- thế hóa ra cả Tổng Bí thư và Chủ
tịch nước can “tội” vu khống, xuyên tạc, nói xấu đảng sao? Cái “tội” mà
công an luôn chụp lên đầu tôi trong các cuộc làm việc tra vấn vừa rồi.
Tôi viết vậy đã ăn nhằm gì. Nếu kết tội thế là xuyên tạc, nói xấu, là
phản động, thì há chẳng phải Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đang xuyên
tạc, nói xấu đảng và phản động hơn tôi sao?
Việc của đảng lúc này không phải là kêu gọi người dân đừng sợ
trù úm, mà là hành động của đảng thế nào để bảo vệ người dân không bị
trù úm, không bị truy bức.
Hãy hành động, đừng kêu gọi nữa. Lời nói hay chẳng để làm gì- Hãy làm đi!
Tôi không nghi ngờ sự thành tâm, gan ruột trong những phát
biểu của ông Trọng ông Sang. Tôi tin các ông thật lòng. Nhưng cái tâm và
sự thật thà qua những lối rao giảng về “lòng tốt” không đủ để trị quốc.
Ông Trọng ông Sang không phải là mẫu người có tầm khuynh loát, vai trò
cá nhân đủ sức bẻ xoay vận cuộc.
Nhưng không phải là không có ai. Lịch sử Việt nhiều vương
triều đã phải (dám) nhường ngôi để cứu nước. Đại hội 9 đã dám loại bỏ
cấp cố vấn, một cấp hệ chức danh không được ghi trong điều lệ đảng nhưng
ngự trị suốt nhiều khóa như một nấc bậc Thái thượng hoàng trên cả bộ tứ
nguyên thủ để cởi trói, nhường quyền cho một thế hệ lãnh đạo mới.
Hội nghị 6 vừa qua đáng phải có ai đó ra đi. Thủ tướng đã
vượt qua cuộc bỏ phiếu đòi kỷ luật từ BCT. Thế còn Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước và 175 trung ương ủy viên, chẳng lẽ lại không có một ai phải chịu
trách nhiệm, phải từ chức, phải ra đi sau cuộc lau chùi tắm rửa vĩ đại?
Ngòi nổ dư luận sẽ được tháo, lòng dân sẽ lại về gần đảng hơn, đảng sẽ
lại… sạch hơn khi Thủ tướng, hoặc một ai đó (Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch
nước chẳng hạn, cho dù hai ông không hề bị yêu cầu kỷ luật như Thủ
tướng) dám chấp nhận hi sinh rút lui, không chỉ vì sai phạm mà còn bởi
nhìn ra sự bất lực. Bất kể ai, chỉ cần một người dám hi sinh, tôi tin
tình thế sẽ rẽ sang một hướng rất khác. Trách nhiệm tập thể là thứ vô
trách nhiệm. Chẳng lẽ để tình hình đất nước, kinh tế như thế, tình hình
nội tại đảng như thế mà không có một ai phải chịu trách nhiệm?
Ta luôn quen thói kêu gọi quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng
đã khi nào giật mình hỏi ngược ở ý thức lãnh tụ? Tại sao không thấy một
ai dám hi sinh chút lợi ích quyền lực của mình, của gia đình vợ con… để
mở đường cho những cú hích chuyển thay?
Ai đó sợ hãi, thỏa hiệp hoặc bất lực thì hãy lánh sang một bên nhường cho người khác, đội ngũ khác.
Thưa Chủ tịch, thưa Tổng Bí thư, thưa BCT, thưa 175 trung ương ủy viên: đừng nói nữa, hãy hành động đi!
Chính xác. Chúng tôi không cần ở anh Đại, anh ba, anh tư, anh năm... nào đó nói hứa. Chúng tôi cần xem xét hành động tích cực từ các anh. Bác Hồ đã nói: "Làm lãnh đạo mà chỉ nói xuông thì không khác gì bãi cứt trâu..."
Trả lờiXóa