Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

TRAO ĐỔI VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN TRẦN BẠT VỀ VẤN ĐỀ TỰ DO (Bài 1)




Posted by badamxoe on 22/09/2012
Trần Mạnh Hảo


 Ông Philipp Rosler Bộ trưởng bộ kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, kiêm Phó Thủ tướng Đức, trong buổi gặp gỡ sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội ngày 19-9-2012, đã nhấn mạnh vấn đề then chốt của nền kinh tế Việt Nam nằm trong hai tiếng TỰ DO : “không có tự do thì làm sao người ta có thể suy nghĩ, quyết định và hành động một cách tự chủ đầy trách nhiệm được“. Ông Rosler nhấn mạnh : “ Việt Nam cần phải để nhân dân có quyền tự do dân chủ thì mới phát triển được nền kinh tế”. Trích bài :”Bộ trưởng Rosler tại đại học Hà Nội: “Việt Nam cần nhiều cải cách dân chủ”
http://huynhngocchenh.blogspot.com/2012/09/viet-nam-can-nhieu-cai-cach-dan-chu.html
Xem ra, lúc này, TỰ DO thiết yếu với con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam như dưỡng khí. Không có tự do, dân tộc ta, đất nước ta hầu như không có gì cả. Ông Hồ Chí Minh cũng có lúc phải thốt ra : “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “ Có độc lập mà không có tự do hạnh phúc, coi như không có gì cả”…

Trong lúc quyền tự do của người dân Việt Nam đang bị nhà nước hạn chế : hiếp pháp cho tự do báo chí nhưng dân không được ra báo tư; hiến pháp cho biểu tình nhưng nếu người dân ( ông chủ) biểu tình yêu nước sẽ bị công an nhà nước ( nô bộc) đàn áp bắt bỏ tù; hiến pháp cho tự do lập hội nhưng anh Điếu Cày vừa lập CÂU LẠC BỘ NHÀ BÁO TỰ DO gồm nhiều thành viên, trong đó ba thành viên chủ chốt ( Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải) liền bị bắt và giam lâu ngày, sẽ ra tòa ngày 24-9-2012 sắp tới; hiếp pháp cho tự do tôn giáo nhưng một số nhà sư, một số cha cố, mục sư, thầy chùa của đạo Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài, Hòa Hảo và giáo dân vẫn bị đàn áp bắt bớ; hiếp pháp cho dân được tự do cư trú nhưng chính sách hộ khẩu lại ngăn cấm… thì việc nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt viết nhiều bài bàn về vấn đề TỰ DO thật đáng quý biết bao.

 

Ông Nguyễn Trần Bạt, trong thời gian vừa qua, nổi lên như một hiện tượng hiếm có trong các vấn đề lý luận từ văn hóa đến chính trị, từ triết học đến kinh tế…như một nhà nghiên cứu lý luận nổi bật nhất của Việt Nam hôm nay, với gần chục tập sách dày cộm được nhà nước cho phép xuất bản công khai. Chỉ đọc qua một số mệnh đề rút gọn được ông Nguyễn Trần Bạt in trên mép gấp bìa bốn các cuốn sách của mình, cũng thấy ông dám dũng cảm thách thức nhà đương cục cộng sản Việt Nam, đặng công phá những lô cốt tuyên giáo đầy rào gai, đầy gươm giáo búa liềm kinh khiếp, cũng đủ thấy bản lĩnh của ông ghê gớm nhường nào; và cũng thấy nhà cầm quyền đã nhân nhượng khá nhiều để cho sách ông được in và phát hành công khai trên danh nghĩa lề phải…
Khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vốn coi trí thức là cục phân (Mao Trạch Đông nhắc lại lời Lenin trong thư gửi Goocki), cấm đối lập, tức cấm các ý trái chiều, trái với ý nhà nước, nhất là cấm đối lập chính trị ( mà đối lập là linh hồn biện chứng pháp Marxism), Nguyễn Trần Bạt dám thách thức chính quyền để đưa ra định nghĩa về trí thức như sau : “ Tiêu chuẩn thứ nhất là trí thức phải cầm quyền về mặt lẽ phải, thứ hai là trí thức phải luôn luôn đối lập với nhà cầm quyền, đối lập với quá khứ, đối lập với nhau và đối lập với các yếu tố bên ngoài” ( mép gấp bìa bốn cuốn : “ Nguyễn Trần Bạt – Đối thoại với tương lai- tập 2-NXB Hội nhà văn 3-2011)
Khi nhà cầm quyền coi chính trị là thống soái, Nguyễn Trần Bạt vạch ra nền giáo dục Việt Nam sa đọa là vì nó bị chính trị hóa, như sau : “Cải cách giáo dục về bản chất là phi chính trị hóa giáo dục, trả lại cho học đường tất cả những sự yên tĩnh của nó” ( sách đã dẫn)
Trên mép gấp bìa bốn cuốn “Cải cách và sự phát triển” ( NXB Hội Nhà Văn 6-2011), Nguyễn Trần Bạt vạch ra một mệnh đề sống còn của đảng cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam là khi nền chính trị tuyệt đối nằm trong tay một đảng cầm quyền thì nhân dân thực chất không có một chút quyền lực nào : “ Nếu xã hội tiếp tục là sở hữu của các tập đoàn chính trị, thậm chí người ta xây dựng các pháp chế để hợp pháp hóa vai trò làm chủ xã hội về mặt chính trị của các tập đoàn chính trị thì tức là không có nhân dân trong đó, tức là không có dân chủ”…
Chúng ta có thể tìm thấy trong ngót chục cuốn sách của Nguyễn Trần Bạt những mệnh đề chính trị xã hội ngược với các giáo điều cộng sản đang tồn tại trên mặt lý thuyết ở nước ta hôm nay. Có thể nói, lần đầu tiên, ở Việt Nam sau năm 1975 đến nay, có một tác giả viết sách thực thi vai trò trí thức phản biện xã hội, dám đụng đến các vấn đề cốt lõi của chế độ độc đảng, độc quyền, lại hi hữu được nhà cầm quyền cho xuất bản rộng rãi- đó là tác giả Nguyễn Trần Bạt. Ông là người học được tinh thần đối lập của Marx để viết ra nhiều cuốn sách như một nhà nghiên cứu, một lý luận gia đối lập, nơi chính quyền tuyệt đối cấm đối lập. Đó chính là thành công lớn của Nguyễn Trần Bạt. Ông đã, đang và sẽ được lịch sử vinh danh vì dám dũng cảm nói lên tiếng nói chân thực của người trí thức trước các vấn đề chưa có lối thoát của xã hội, góp phần khai mở dân trí. Chúng tôi đánh giá rất cao công trạng này của ông.
Tất nhiên, trong quá trình viết ra những cuốn sách dày cộm đầy những sự nhạy cảm có phần nguy hiểm như thế, tác giả Nguyễn Trần Bạt có khi phải vòng vo Tam Quốc, có khi vừa viết vừa run nên có chỗ phải thỏa hiệp, cải lương, lại có khi mập mờ đa ngữ nghĩa nên còn một số vấn đề chưa rốt ráo, hoặc chưa chính xác, chưa được khoa học cho lắm, cần phải thảo luận lại. Trước hết, đó là vấn đề TỰ DO.
Vấn đề này Nguyễn Trần Bạt nhắc đến trong hầu hết các tác phẩm lý luận của mình. Trong bài này ( chia làm hai kỳ), chúng tôi chỉ xin bàn với ông Nguyễn Trần Bạt về khái niệm Tự do, về các vấn đề liên quan đến tự do trong xã hội Việt Nam hôm nay nơi cuốn sách “ Nguyễn Trần Bạt – Cải cách và sự phát triển” ( NXB Hội Nhà Văn 6-2011), và cuốn “ Nguyễn Trần Bạt – cội nguồn cảm hứng” ( NXB Hội nhà văn 6-2011)
Trong cuốn “ Cội nguồn cảm hứng”, ở trang 118, Nguyễn Trần Bạt viết : “Con người không được nhân danh bất kỳ điều gì để chuyển toàn quyền tự do cá nhân của mình, vì chuyển nhượng toàn bộ các quyền tự do cá nhân chính là nô lệ. Trong xã hội hiện đại, có một số dân tộc nhượng bán toàn bộ quyền tự do cá nhân cho Chúa, đó chính là nô lệ tinh thần”…
Ở mệnh đề này, Nguyễn Trần Bạt dựa vào quan điểm khá sai lầm của Marx : “ Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” để lập luận, để nô lệ hóa những người có niềm tin tôn giáo vào Chúa. Hóa ra, những người tin Chúa không bao giờ có tự do sao ? Đây là vấn đề lớn trong khái niệm TỰ DO nên chúng tôi thấy cần bàn rốt ráo với ông Nguyễn Trần Bạt.
Cần phải nhớ rằng, Chúa Jesus vừa là nhân vật huyền thoại vừa là nhân vật lịch sử có thật. Ngài đến thế giới để giải phóng con người, mang tự do đến cho người bị áp bức, cụ thể là để giải phóng nô lệ trong một đế quốc La Mã chiếm hữu nô lệ. Đạo của Người thuở ban đầu hầu như đa phần dân nô lệ đi theo.
Đây là lời Chúa Giêsu rao giảng sự thật và tự do : “Nếu Người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8, 36)
Thánh Phaolô nói về yếu tính tự do của Đức Giêsu: “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.” (1Cor 9, 19).
Còn có thể trích ra trong Kinh Thánh rất nhiều cân bàn về tự do :
“Anh em đã được kêu gọi để hưởng tự do, vậy chớ dùng tự do mà làm tôi xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu mến mà phục vụ nhau.” (Ga 5, 13)
“Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do.” (Gc 2, 12).

“Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do.” (2Cor, 3, 17).

Khái niệm tự do, vấn đề tự do, mối quan hệ tự do giữa cá nhân và xã hội đã được các nhà khai sáng Pháp và Âu Mỹ thế kỷ Ánh sáng ( thế kỷ 18) đặt ra rối ráo nhất, căn bản nhất bằng những khế ước xã hội quy định quyền tự do là quyền thiêng liêng nhất của con người. Trừ nhà triết học vĩ đại Voltaire bỏ Chúa, còn tất cả các nhà khai sáng dưới đây dù chống giáo hội nhưng họ vẫn là những người tìm thấy tự do trong Chúa : George Berkeley, Thomas Paine, Jean-Jacques Rousseau, David Hume, Montesquieu, Volff, Immanuel Kant, Benjamin Franklin, Denis Diderot, D’Alembert, Adam Smith, Thomas Jefferson ( người viết “bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ)…
Vậy theo ông Nguyễn Trần Bạt, chẳng lẽ các nhà khai sáng ra các giá trị tự do đích thực trên đều là bọn nô lệ tinh thần vì họ đã “nhượng bán quyền tự do cá nhân cho Chúa” ư ?
Trong bản “tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ” năm 1776 và bản “tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền” 1789 của Cách mạng Pháp, là hai bản tuyên ngôn đặt vấn đề căn bản của con người là tự do đều tuyên xưng Chúa ( Tạo hóa, Đấng tối cao) chẳng lẽ lại là những văn bản của người nô lệ “ bán nhượng quyền tự do cá nhân cho Chúa” theo quan niệm khá sai lầm của Nguyễn Trần Bạt trên hay sao ? :
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.( trích bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 1776)
http://vi.wikisource.org/wiki/Tuy%C3%AAn_ng%C3%B4n_%C4%90%E1%BB%99c_l%E1%BA%ADp_Hoa_K%E1%BB%B3
“Và như thế, Quốc Hội công nhận và tuyên bố, trong sự hiện diện và dưới sự che chở của Đấng Tối Cao, những quyền sau đây của con người và của công dân:
Các điều khoản

1. Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Sự phân biệt xã hội chỉ được phép thành lập trên cơ sở nó đem lại lợi ích chung cho cả cộng đồng.”(trích tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền cách mạng Pháp 1789)…

http://danluan.org/tin-tuc/20091211/ban-tuyen-ngon-nhan-quyen-va-dan-quyen-cua-cach-mang-phap-1789
Ngày nay, các vị nguyên thủ quốc gia Âu Mỹ ( kể cả Nga) khi nhậm chức đều để tay lên cuốn Kinh Thánh thề trung thành với Chúa và hiến pháp tự do dân chủ của mỗi nước.
Nguyễn Trần Bạt tự mâu thuẫn với mệnh đề trang 118 của ông, rằng người tin Chúa hiến trọn tâm hồn và thể xác cho Ngài không có tự do, chỉ là những nô lệ tinh thần; trang 123, ông viết ngược lại rằng người tin Chúa, biết đối thoại với Chúa ( thần thánh) cũng là người tự do : “Bất kể sự thỏa thuận nào cũng thể hiện quyền tự do của con người. Khi con người đối thoại với nhau, với nhà cầm quyền, thậm chí với thần thánh chính là lúc con người thể hiện tự do của mình”…
Với những nước văn minh theo chế độ đa nguyên tự do dân chủ, tôn giáo là vấn đề tâm linh thiêng liêng nhất của con người. Với họ, tôn giáo và tự do không hề đối lập; ngược lại từ trong khái niệm thần học Thượng Đế, tự do đã được khai mở và phát huy những giá trị đẹp nhất nơi con người.
Những triết gia tiền Ki-tô giáo thời cổ Hi Lạp đã coi tự do tinh thần giúp con người đạt tới cõi thần linh. Platon và Aristote cho rằng :“Đời sống cao nhất của con người là suy tưởng vì ở đó con người được sống cuộc đời thần thánh, nơi đó tự do và nhận thức hợp thành một …đời sống tự do thực sự của con người đã tạo nên hình ảnh của trí năng cũng như tư duy về cái tốt lành”
Immanuel Kant, một tín đồ sòng đạo từng coi Thượng Đế chính là cái tuyệt đối của triết học, là khởi nguồn tư duy tự do đầy mặc khải, cũng xác định: “Một con người sinh hoạt theo lý trí sẽ nhất thiết sống tự do, không còn bị chi phối bởi cảm giác và nhục dục”
Thánh Saint Augustine , nhà triết học, thần học Kinh viện lớn nhất từng nói rằng: “Ý chí Thượng đế là căn bản tự do”
Hegel, người mang cái tuyệt đối Thượng Đế từ trời cao xuống trần gian đã nói về tự do như chìa khóa mở vào cái tất yếu, cái mà hình như chỉ có Chúa mới nhìn ra được, rằng : “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”, rằng : “Bản tính của tinh thần là tự do”. Khái niệm tinh thần Hegel dùng ở đây chính là tinh thần Thiên Chúa giáo vậy…
( Còn tiếp)
Sài Gòn ngày 21-9-2012
Trần Mạnh Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét