Tác giả: Toshi Yoshihara (*)
Trần Ngọc Cư dịch, gửi đăng tại BauxitVN
Nguồn bản gốc: thediplomat.com
Việc Trung Quốc phát triển và sử dụng một lực lượng biển
(seapower) gồm có hải quân và các lực lượng phi quân sự không trực thuộc hải
quân đã trở thành nguyên nhân cho sự lo ngại – một sự kiện có thể thay đổi cán
cân lực lượng trong khu vực.
Trần Ngọc Cư dịch, gửi đăng tại BauxitVN
Nguồn bản gốc: thediplomat.com
Hình minh họa (của Bách Việt) |
Thái độ quyết đoán gần đây của Trung Quốc trong biển Nam Trung
Hoa [biển Đông Việt Nam] là màn dạo đầu cho nhiều vụ việc sắp tới. Dự án xây
dựng hải lực của Bắc Kinh và các nguồn lực khổng lồ mà Bắc Kinh nắm được trong
tay đã mở ra những viễn cảnh chiến lược mới mẻ cho giới lãnh đạo chính trị và
các vị tư lệnh quân đội Trung Quốc. Nắm được các lực lượng biển hùng hậu và đầy
đủ khả năng, Bắc Kinh có đủ điều kiện để hoạch định những chiến lược tinh vi,
vừa hữu hiệu vừa khó chống trả. Mặc dù những chiến lược này không – nói đúng ra,
chưa – báo hiệu một sự tái phối trí trật tự cơ bản trong vùng Đông Nam Á tiếp
giáp với biển, nhưng chúng có khả năng dần dần tạo thuận lợi cho các mục đích to
lớn hơn của Trung Quốc trong các vùng biển.
Hải lực toàn diện của Trung Quốc
Nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân và hàng hải Trung Quốc đang
tạo phương tiện cho Bắc Kinh theo đuổi những tham vọng của mình. Tốc độ và quy
mô của tiến trình hiện đại hóa Quân đội Gỉải phóng Nhân dân (QĐGPND) đã bác bỏ
nhiều tiên đoán của phương Tây, làm đảo ngược các kết luận lạc quan và thậm chí
trịch thượng của các đối thủ về các khả năng trên biển của Trung Quốc. Nhưng,
lực lượng biển (seapower) không phải chỉ là hải quân (the navy). Nói đúng ra, nó
là một tập hợp của nhiều thành phần gần giống nhau (continuum) có thể tạo ra
nhiều phương án để Bắc Kinh tùy nghi lựa chọn. Các chương trình và các hệ thống
phi hải quân (non-naval) và phi quân sự (non military) chiếm một phần đáng kể
trong lực lượng biển của Trung Quốc.
Các loại vũ khí tầm xa, bắn chính xác, được triển khai trên lục
địa có thể ảnh hưởng, có lẽ một cách quyết định, đến các biến cố trên biển. Tên
lửa đạn đạo chống chiến hạm – một loại tên lửa đạn đạo cơ động có thể bắn trúng
những mục tiêu di động trên biển – chỉ là một thành viên thuộc đại gia đình tên
lửa trong kho vũ khí Trung Quốc, có khả năng mở những đợt pháo kích ra biển.
Thật vậy, QĐGPND thường khoe khoang về máy bay chiến đấu , máy bay thả bom, và
các đơn vị tên lửa hành trình đóng trên bờ biển, có thể phóng những tràng tên
lửa chống chiến hạm.
Sự tăng trưởng của ngành hải giám và tuần tra biển của Trung
Quốc cũng ấn tượng không kém. Cánh dân sự trong các lực lượng biển Trung Quốc đã
tạo điều kiện để Bắc Kinh gửi các tàu phi quân sự ra đối đầu với Philippines ở
biển Đông Việt Nam và với Nhật Bản ở biển Đông Trung Hoa. Thậm chí những tàu dân
sự cũng có thể tạo thành các lực lượng dân quân biển (maritime militias) để phục
vụ các mục tiêu trên biển của Trung Quốc. Tắt một câu, Trung Quốc có đủ các
thành phần đa dạng trong lực lượng biển của mình để bảo vệ đặc quyền trên các
vùng biển.
Việc sử dụng các lực lượng quân sự và phi quân sự có tính
cách chính trị
Các lực lượng biển ngày càng hùng hậu của Bắc Kinh đã cho phép
chính quyền này sử dụng các chiến lược gồm cả việc vận dụng các phương tiện quân
sự và phi quân sự của lực lượng biển với mục tiêu chính trị là chống lại các
địch thủ nhỏ bé trên biển Đông. Các chiến lược này kết hợp khéo léo các khả năng
tác chiến với các cuộc biểu dương lực lượng có chừng mực. Chúng gia tăng lợi thế
của Trung Quốc trong các cuộc đấu tranh quân sự-chính trị trường kỳ bằng cách
làm tiêu hao ý chí của đối phương.
Trong trường hợp có khủng hoảng trên biển vào thời bình giữa
Trung Quốc với các quốc gia tương đối yếu tại Đông Nam Á, sự kết hợp đầy sáng
tạo các lực lượng QĐGPND có thể được vận dụng để bẻ gãy ý chí của các nước láng
giềng phía Nam. Hãy xét đến lợi điểm của tên lửa đạn đạo chống chiến hạm nói
trên. Nếu khả năng hoạt động của nó hữu hiệu như được rêu rao, loại tên lửa này
có thể bù đắp lại những khuyết điểm hiện nay trong các loại vũ khí trên biển của
Trung Quốc. Tầm đạn của hoả lực yểm trợ từ bờ biển bắn đến các vị trí trên toàn
biển Đông sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho hạm đội Trung Quốc, đồng thời tạo sức ép
thường xuyên lên các đối thủ dám thách thức các lợi ích của Bắc Kinh trong thời
bình.
Dưới chiếc dù che chở của tên lửa đạn đạo chống chiến hạm, thậm
chí các tàu chiến cỡ nhỏ của Trung Quốc cũng có thể trở thành vũ khí lý tưởng để
đe dọa các phe yếu hơn. Chẳng hạn, các đội tàu nhỏ được trang bị tên lửa, có khả
năng tấn chông chớp nhoáng, hoạt động trong quần đảo Trường Sa dưới sự yểm trợ
của tên lửa từ bờ biển bắn ra, có thể đẩy lùi hầu hết các hạm đội Đông Nam Á.
Thỉnh thoảng Trung Quốc lại tung ra các đội tàu nhỏ như thế để nói lên quyết tâm
của mình, buộc đối phương phải xuống nước hay đáp ứng tham vọng của Bắc Kinh.
Loại chính sách ngoại giao hạm thuyền mang đặc tính Trung Quốc này là điều ta có
thể quan niệm được trong các cuộc khủng hoảng tương lai.
Khả năng của Trung Quốc trong việc sử dụng những yếu tố phi
quân sự trong lực lượng biển của mình đã được phô trương đầy đủ tại Bãi cạn
Scarborough mùa Xuân năm nay. Cuộc đối đầu với Philippines đã đưa đến việc sử
dụng những tàu phi chiến đấu có chức năng tuần duyên đặt dưới quyền kiểm soát
của Cục Hải giám Trung Quốc, một cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ các khu đặc quyền
kinh tế của Bắc Kinh. Trong một hành động biểu dương quyết tâm chưa từng có
trước đây, các tàu Hải giám Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo
Senkaku, tiếp theo sau quyết định quốc hữu hóa các đảo tranh chấp này của Tokyo
vào tháng Chín 2012.
Việc sử dụng các phương tiện phi hải quân (non-navy assets)
trong các vụ xung đột về lãnh thổ đã phơi bày một chiến lược, vừa tinh vi vừa có
phương pháp, nhằm đảm bảo các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc. Việc
sử dụng các phương tiện phi quân sự tránh được sự leo thang xung đột, đồng thời
đảm bảo rằng các cuộc tranh chấp vẫn giữ được tính cách địa phương. Cụ thể là,
nó không cho phép Mỹ và các cường quốc bên ngoài có đủ lý lẽ để nhảy vào bênh
vực các quốc gia đang lâm trận ở trong khu vực.
Đồng thời, các tàu phi quân sự cho phép Bắc Kinh có khả năng áp
đặt một sức ép ở cấp độ thấp và liên tục lên các đối thủ có yêu sách chủ quyền
trên các đảo và lãnh hải trong biển Đông. Các cuộc tuần tra liên tục của Trung
Quốc có thể thăm dò những chỗ yếu trong khả năng hải giám của các nước ven biển,
đồng thời thử thách quyết tâm chính trị của những quốc gia này. Ngoài ra, việc
giữ cho các cuộc tranh chấp diễn ra ở mức âm ỉ, cho phép Trung Quốc nắm thế chủ
động ngoại giao trong việc làm gia tăng hoặc giảm bớt nhiệt độ căng thẳng, tùy
theo đòi hỏi của các tình huống chiến lược.
Và nếu tất cả mọi phương tiện khác đều thất bại, Bắc Kinh vẫn
còn có thể sử dụng hải quân và các loại vũ khí đặt dọc theo bờ biển để yểm trợ
cho tàu của các cơ quan dân sự. Sự kiện Trung Quốc – khác với các đối thủ yếu
kém – có sự lựa chọn leo thang tranh chấp chỉ làm tăng thêm yếu tố hăm dọa (the
intimidation factor) ở những nơi như Bãi cạn Scarborough hay quần đảo Trường Sa.
Như đã nói ở trên, nội khả năng Trung Quốc dùng hải quân để o ép cũng có thể
khiến một đối phương phải xuống nước trong một cuộc khủng hoảng. Thật vậy, cán
cân lực lượng hải quân càng nghiêng về phía Trung Quốc, thì nó càng có khả năng
trở thành một mối ám ảnh cho các thủ đô Đông Nam Á, khi các quốc gia này cân
nhắc các phương án lựa chọn của mình.
Tự bản thân, các cuộc tuần tra biển trong thời bình là không
quan trọng, nhưng khi được yểm trợ bằng hoả lực thực sự, chúng có tầm quan trọng
đáng kể. Tác động qua lại giữa các lực lượng quân sự và phi quân sự của Trung
Quốc như vậy đã gia tăng lợi thế chiến lược của Bắc Kinh.
Một chiến lược làm đối phương kiệt sức trên
biển
Những hành động o ép và dọa nạt có thể không tạo ra kết quả rõ
ràng hay quyết định như một thắng lợi trên chiến trường. Một loạt các cuộc đọ
sức quyết liệt có thể diễn ra, mà không có hồi kết thúc trước mắt hay mang lại
một thành quả rõ rệt cho Trung Quốc. Nhưng, các hiệu ứng tích lũy của một tình
trạng bế tắc liên tục có thể tạo ra sự mệt mỏi chiến lược cho đối phương, do đó
sẽ phục vụ các mục tiêu của Trung Quốc. Vì chưa phải là một cuộc chiến bằng súng
đạn, những khiêu khích của Trung Quốc là quá nhẹ không đáng cho Mỹ phải can
thiệp bằng quân sự. Bằng cách cố giữ cho các hoạt động của mình nằm dưới ngưỡng
leo thang, Trung Quốc sẽ có thêm khả năng điều động, để thử thách quyết tâm của
Mỹ đồng thời củng cố các đòi hỏi chủ quyền của mình.
Trong khi Trung quốc vừa lấn tới vừa thăm dò, thì các kỳ vọng
trong khu vực – rằng Mỹ phải làm một việc gì đó – tất yếu sẽ gia tăng, thậm chí
cả khi các quốc gia nhược tiểu đang tìm kiếm những dấu hiệu về sự lung lay quyết
tâm của Mỹ. Viễn cảnh về các cuộc đối đầu lặp đi lặp lại, mà không mấy hy vọng
được Mỹ can thiệp trực tiếp, có thể đè nặng lên các thủ đô Đông Nam Á. Nếu được
áp dụng bằng một thái độ kiên trì và có kỷ luật từ phía Trung Quốc, chiến lược
tiêu hao lực lượng này có thể bào mòn lòng tin tưởng trong khu vực [đối với Mỹ]
và hủy hoại ý chí chính trị [chống lại Trung Quốc] của các nước nhỏ.
Nhưng đường lối tiêu hao này chỉ là hình ảnh chụp vội các lực
lượng biển Trung Quốc ngày nay. Cũng có thể rằng, việc Bắc Kinh áp dụng sức ép
theo từng cấp độ cũng chỉ là một biện pháp vá víu, để Trung Quốc có đủ thời gian
tạo khả năng định đoạt các biến cố trên biển. Các xu thế gần đây cho thấy rằng
các lực lượng quân sự và phi quân sự sẽ tiếp tục lớn mạnh nhờ sự tiếp sức liên
tục bằng các loại vũ khí mới và nhân lực mới.
Ngân sách quốc phòng gia tăng liên tục trên 10% trong vòng hai
mươi năm qua, đã cho phép Trung Quốc có đủ nguồn lực để phát huy các phương án
vượt ra ngoài các phương án dành cho một tình huống đột xuất trên đảo Đài Loan –
mãi cho đến gần đây, Đài Loan là mối quan tâm lớn nhất. Các nhà phân tích đã
phát hiện được việc Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân sự tại các vùng sẽ
làm nơi xuất phát, dành cho địa bàn hành quân tại Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng có
vẻ đang đẩy mạnh hoạt động tại các công xưởng hải quân, theo phương pháp đa
trục, đồng thời đưa vào khuôn những thân tàu cho các chiến hạm đủ loại.
Tương tự như thế, các cơ quan tuần dương cũng đang tuyển mộ
thêm nhân viên đồng thời tiếp nhận các tàu hải quân đã giải nhiệm. Hơn thế nữa,
các xưởng đóng tàu Trung Quốc đang sản xuất các tàu tuần duyên hiện đại nhất như
sản xuất lạp xưởng. Nhiều chiếc có khả năng đi tuần tra lâu ngày đến tận những
vùng xa nhất ở biển Đông Trung Hoa và biển Đông Việt Nam, nhằm đảm bảo rằng Bắc
Kinh có thể duy trì sự hiện diện nổi bật tại các vùng biển mà Bắc Kinh quyết
đoán quyền tài phán chủ quyền của mình. Thật vậy, chiếc Hải Giám 84, một
trong những chiếc tàu tuần dương hiện đại nhất của Trung Quốc, đã chiếm vị trí
trung tâm tại cuộc đối đầu ở Bãi cạn Scarborough.
Chắc chắn là, Trung Quốc vẫn chưa có đầy đủ phương tiện quân sự
để biến biển Đông thành một ao nhà của mình. Một khả năng kiểm soát, dù ít dù
nhiều, có thể vĩnh viễn đẩy hải quân của các địch thủ ra khỏi những vùng biển
này, vẫn còn nằm ngoài tầm với của Trung Quốc, nếu thực sự đấy là mục tiêu của
Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thậm chí một sự tăng cường khiêm nhượng trong các
lực lượng biển của Trung Quốc cũng có thể làm nghiêng cán cân lực lượng về phía
Trung Quốc một cách rõ rệt trong các tình huống đột xuất thời bình nếu không có
sự can thiệp của Hải quân Mỹ. Một vài nước trong khu vực, chẳng hạn Việt Nam, đã
lao vào những chương trình hiện đại hóa hải quân, nhưng họ không thể nào bắt kịp
Trung Quốc. Qua một thời gian, nếu không gặp sự chống đối từ các cường quốc bên
ngoài như Mỹ, Nhật Bản, hay Úc Đại Lợi, thì ngay cả những cuộc biểu dương lực
lượng biển cỡ nhỏ của Trung Quốc, nhằm khuynh loát các hạm đội Đông Nam Á, cũng
có thể bắt đầu đưa đến sự khứng chịu bất đắc dĩ của các nước trong khu vực trước
các yêu sách đối ngoại của Bắc Kinh. Một sự đồng thuận như vậy, dù bất đắc dĩ
đến đâu, cũng sẽ giáng một đòn nghiêm trọng cho nền tảng trật tự trong khu
vực.
Những ngụ ý đối với chiến lược “tái quân bình lực lượng” Mỹ
hướng về châu Á
Bản phân tích nói trên nhấn mạnh tình trạng nan giải của nhiều
nước Đông Nam Á nếu họ phải một mình đối đầu với Trung Quốc. Thật không
có gì đáng ngạc nhiên, khi nhiều chính phủ trong khu vực đã hướng về Mỹ như một
bức tường thành chống lại những bước lấn tới của Trung Quốc. Những chính phủ này
nhìn nhận rằng thế siêu cường của Mỹ trong các vùng biển châu Á sẽ là sức mạnh
quan trọng định đoạt thắng-thua cho những tham vọng của Trung Quốc. Về phần
mình, Washington đã đưa ra những tuyên bố rất công khai về lợi ích của mình tại
các vùng biển châu Á. Chiến lược “xoay trục” hay “tái quân bình lực lượng” hướng
về châu Á đã tìm cách trấn an các nước trong khu vực rằng Mỹ sẽ không từ bỏ vai
trò ổn định tình hình mà Mỹ vẫn giữ từ lâu.
Cũng may là, hiện nay vẫn còn có đủ thì giờ để các nước tăng
cường tối đa sự đồng thuận về lợi ích chung và tổ chức một hành động đối phó hữu
hiệu. Trung Quốc phải cần ít ra một thập kỷ nữa mới xây dựng được một lực lượng
biển hùng hậu có sức đuổi Mỹ ra khỏi biển Đông trong khi tự do hà hiếp các nước
Đông Nam Á. Hiện nay, Washignton có thể theo đuổi nhiều biện pháp nhằm đảm bảo
rằng việc các nước trong khu vực chịu khuất phục trước tham vọng của Trung Quốc
không phải là một chuyện đương nhiên
Một là, Washington và đồng minh của mình phải tích cực giúp các
quốc gia Đông Nam Á tự cứu mình. Các nước trong khu vực phải có một nội lực để
đương đầu với các cuộc xâm lấn biển đảo đến từ Trung Quốc. Việc Mỹ chuyển giao
cho Philippines những tàu tuần duyên chế tạo trong thập niên 1960 là một bước
khiêm nhường đi đúng hướng. Thời điểm chuyển giao các tàu này hóa ra là một sự
trùng hợp ngẫu nhiên: chiếc tàu Philippines đầu tiên đã đáp ứng mệnh lệnh khi
còn ở ngoài khơi của Bãi cạn Scarborough là kỳ hạm (flagship) BRP Gregorio
del Pilar, vốn là chiếc Hamilton thuộc Cục Tuần duyên Mỹ trước
đây. Nhưng, những chiếc tàu cũ được chuyển giao lại này không đáp ứng đủ nhu cầu
của Manila. Việc Nhật Bản gần đây đề nghị bán cho Philippines 12 tàu tuần duyên
mới toanh là một dấu hiệu khích lệ cho thấy các cường quốc bên ngoài đang tìm
cách để chỉnh sửa cán cân lực lượng trong khu vực.
Hai là, Mỹ phải thúc đẩy sự phát triển một nỗ lực trên toàn khu
vực để theo dõi các lực lượng biển Trung Quốc. Những hệ thống vệ tinh không
người lái trên không, chẳng hạn, có thể cung cấp cho các quốc gia chung quanh
biển Đông một bức tranh chung về vùng biển này. Bằng cách vận dụng những công
nghệ như thế, một hệ thống chia sẻ thông tin có khả năng minh bạch hóa các vùng
biển châu Á, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sẽ là một tiến bộ lớn trong việc
nâng cao lòng tự tin và khả năng ngăn chặn trong khu vực. Cũng nên ghi nhận
rằng, chính quyền Tokyo lâu nay vẫn cung ứng một dịch vụ truyền tin cho toàn khu
vực bằng cách công khai tường thuật chi tiết các tàu hải quân Trung Quốc đi qua
các eo biển quốc tế và các hoạt động khác của Trung Quốc gần lãnh hải Nhật
Bản.
Ba là, Mỹ phải vạch ra các kế hoạch để quân đội Mỹ có thể triển
khai các đơn vị có trang bị vũ khí pháo kích trên biển, như các ổ tên lửa hành
trình chống tàu chiến địch được đặt trên lãnh thổ bạn hay đồng minh. Nắm được
phương án để nhanh chóng đưa thêm vào lãnh thổ các đồng minh những lực lượng
phòng thủ, liền sau khi được thông báo, sẽ trấn an được các đồng minh của Mỹ
trong thời bình, cũng như củng cố khả năng hành động có hiệu quả của Mỹ trong
các giai đoạn có khủng hoảng. Những lực lượng tăng viện của Mỹ sẽ trấn an được
tâm lý đồng thời nâng cao quyết tâm tự vệ của nước sở tại. Mỹ phải khuyến khích
các nước bạn và đồng minh phát triển và tăng cường các phương án tác chiến trên
biển của chính mình.
Sau cùng, Hải quân Mỹ phải duyệt xét lại những giả định đang
thịnh hành về khả năng của mình trong việc khống chế các vùng biển quốc tế.
Nhiều năm được thoải mái sau thời Chiến tranh lạnh đã phát sinh một tâm lý tự
tin hão huyền, khiến Hải quân Mỹ dễ coi thường việc kiểm sóat các biển. Cũng nên
nói là, lần cuối cùng Hải quân Mỹ đã lâm trận với một kẻ thù đáng nể là tại Vịnh
Leyte [Philippines] vào năm 1944. Khi Trung Quốc tiến quân ra biển, thì sẽ có
một môi trường biển nguy hiểm hơn nhiều chờ đợi ở tương lai. Đối với một quân
chủng đã lâu ngày quen thuộc với các vùng biển không tranh chấp, thái độ biết
chấp nhận những nguy hiểm xảy đến cho hạm đội của mình sẽ là một ưu tiên khẩn
thiết hơn bao giờ.
Tạo thành mạng lưới trong khu vực
Những biện pháp nói trên sẽ giúp tạo ra một thế phòng thủ được
liên kết nhau và có nhiều tầng cấu trúc, một thế phòng thủ xuất phát từ chính
các quốc gia trong khu vực. Là những quốc gia ở tuyến đầu, họ phải được tăng
cường sức mạnh để có thể phản ứng trước nhất đối với các động thái của Trung
Quốc ở trên biển. Việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia duyên hải sẽ nhấn
mạnh sự mất còn của các quyền lợi chung trong những vùng biển quốc tế, đồng thời
thúc đẩy một hành động tập thể. Một mạng lưới gồm các quốc gia biết cảnh giác
trước những mưu mô của Trung Quốc sẽ có một cơ may tốt đẹp hơn trong việc ngăn
chặn, và, nếu không làm được điều này, cũng phản ứng nhanh chóng hơn trước những
hành động của Trung Quốc. Về phần mình, Mỹ sẽ phải cung cấp một hậu thuẫn chiến
lược cho các quốc gia đối tác ở Đông Nam Á, bằng các phương tiện quân sự kín
đáo, không để lại dấu vết, nhưng có khả năng tạo được cú đấm và được coi là biểu
tượng mạnh mẽ cho sự cam kết của Mỹ đối với khu vực này.
Các nỗ lực làm gia tăng những chi phí và những rủi ro cho Trung
Quốc, vì hành vi quyết đoán của nước này trong biển Đông, sẽ làm xáo trộn bài
toán của Bắc Kinh, đồng thời khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải suy nghĩ
chín chắn trước khi hành động. Ngoài ra, khi các nước buộc Trung Quốc phải có
thái độ thận trọng tức là họ đã hãm lại được đà tiến quân ra biển của Bắc Kinh,
đồng thời làm tươi sáng viễn ảnh phục hồi thế quân bình trong khu vực và lấy lại
thế chủ động chiến lược.
Toshi Yoshihara giữ ghế Chủ toạ John A. Van Neuren trong
Chương trình nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Trường Chiến tranh Hải quân
Hoa Kỳ (the U.S. Naval War College). Bài báo này là một phiên bản được duyệt lại
từ bản điều trần của Tiến sĩ Yoshihara trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào
ngày 12 tháng Chín năm 2012. Quan điểm được trình bày ở đây là quan điểm riêng
của tác giả.
T.Y.
--------------
Bách Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét