Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Người ơi đừng ở… mà về! - Nguyễn Đoàn


 

Ông ấy “nổ” là mang cả gia đình mình đến sống dưới chân đập” nhưng cho đến giờ, ông ấy đã làm thế chưa hay đang cùng gia đình ở một đô thị lớn phồn hoa nào đó? Già rồi mà ai nói gì cũng tin…
- Bà ở nhà nhé, tôi có công chuyện phải đi Quảng Nam mấy ngày.
- Eo ôi, tận đấy cơ à. Tốn kém lắm mà lương hưu có là bao!
- Tốn kém cũng phải đi!

- Nhưng đường thì xa, sức thì yếu. Sống trong thời đại công nghệ thông tin này, ông nhấc máy alô là có thể gặp nhau, sao phải lặn lội đến tận nơi.
 - Dù có điện thoại liên lạc thuận tiện, vẫn phải đi!
- Nhưng đi Quảng Nam để làm gì?
- Tới đập thủy điện Sông Tranh.
- Ối trời ơi, ở đấy đang động đất, có lúc một ngày mà xảy ra mấy trận động đất liền. Thấy nguy hiểm, dân sở tại sợ, người thì tính chuyện gửi con về quê cho ông bà, người thì tính sang nhượng đất, bán nhà để chuyển nơi ở đi nơi khác cả rồi, sao ông lại đâm đầu vào?
- Nguy hiểm cũng phải đi, càng nguy hiểm lại càng phải đi, để gặp gấp ông lãnh đạo Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 là đơn vị tư vấn thiết kế thủy điện Sông Tranh 2 này.
- Sao lại phải gặp ông ấy?
- Chả là cách đây mấy tháng, khi phát hiện ra đập thủy điện này chưa xây xong đã thấm nước – điều mà có lẽ ở nước ta và trên thế giới chưa hề có, đoàn giám sát Ủy ban khoa học công nghệ Quốc hội đã khẩn trương vào thị sát. Ông Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ Quốc hội lo ngại và kiến nghị cần kiểm tra toàn diện thân đập. Giáo sư Tiến sĩ Phó chủ tịch Hội Khoa học thủy khí Việt Nam cho rằng sự cố rò rỉ nước qua đập Sông Tranh 2 là rất nguy hiểm. “Áp lực nước có thể cắt kim loại thì bê tông là không nghĩa lý gì”. Còn Giáo sư Tiến sĩ Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng bức xúc: “Đây là đập lớn, chỉ đứng sau đập Sơn La, khi vỡ đập sẽ chết không biết bao nhiêu người . . . tôi vào trong đường hầm, nhìn thấy xi măng rộp hết cả rồi”. Nhưng ông lãnh đạo Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 là đơn vị tư vấn thiết kế thủy điện Sông Tranh 2 thì cho rằng so với lực gây đổ đập thì lực thấm của nước trong thân đập hiện nay không là gì cả. Đập Sông Tranh 2 vẫn ổn định. Để khẳng định ý kiến của mình là đúng, ông ta còn hùng hồn tuyên bố: “Tôi sẵn sàng mang cả gia đình mình đến sống dưới chân đập”. Bây giờ mới mấy trận động đất, chất lượng xây dựng đập thủy điện vốn đã kém lại càng bị ảnh hưởng, vai trái của đập  bị sạt lở nặng, lõm sâu, vì vậy tôi phải vào tận nơi khuyên ông ta đừng ở đấy nữa, mau bắt chước những người dân đang sống dưới chân đập, đưa gia đình đi lánh nạn thôi. Đành rằng đập là quý, nhiều nhiều tỉ đồng xây dựng nó chứ có phải là vỏ hến đâu, nhưng người vẫn là vốn quý nhất. Có người mới có đập và còn người thì lỡ chẳng may vỡ đập này, vẫn còn tư vấn thiết kế xây tiếp những đập khác, lo cái quái gì.
- Nếu vậy thì tôi chả dám cản ông nữa, vì Đức Phật đã dạy: “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Chuyến đi này, ông vào đâu chỉ cứu một người, mà cứu cả gia đình ông ấy. Nhưng trước khi đi, ông phải tìm hiểu xem từ ngày ông ấy “nổ”: “Tôi sẵn sàng mang cả gia đình mình đến sống dưới chân đập” cho đến giờ, ông ấy đã làm thế chưa? Hi hi hi . . . Tôi chỉ lo rằng vị này nếu vẫn còn đang cùng gia đình ở một đô thị lớn phồn hoa nào đó thì việc lặn lội đi cứu người của ông không chỉ là vô tích sự mà còn bị thiên hạ chê cười già rồi mà ai nói gì cũng tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét