“Cái họa quả trứng” không biết có tránh được không nhưng cô giáo Hậu, giờ có thể gọi cô là người đàn bà đi kiện tên Hậu đã nhận lại những con số 0 tròn như những quả trứng
“Có nơi, chính quyền đền bù 35.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, trong khi người dân phải đóng thuế đăng ký sổ đỏ là 55.000 đồng/m2. Vậy là tiền thuế còn cao hơn giá trị đền bù đất”. Đây là ý kiến phát biểu của ông Bert Maerten, Trưởng Đại diện tổ chức Oxfam tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa kết thúc chiều 10.11.
Không ngẫu nhiên, ¼ thời gian Hội nghị được dành để các nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam nói về việc sửa đổi luật đất đai. Không ngẫu nhiên, Luật Đất đai được đề cập đến dưới giác độ công khai, minh bạch, và công bằng trong việc thu hồi, đền bù đất và hỗ trợ tái định cư. Cũng không ngẫu nhiên, con số 35.000 đồng được nói tới như một cái giá của sự bất công.
Nhưng chỉ vài giờ sau đó, có một con số khác, tệ hơn rất nhiều, đã được đưa ra khi Thanh Niên chạy hàng tít lớn: Một mét vuông đất bằng một quả… trứng gà. Và là trứng gà công nghiệp. Bài báo kể về hoàn cảnh gia đình cô giáo Trần Thị Hậu, một công dân ở Đà Nẵng đã bị chính quyền bồi thường 3.000 đồng cho mỗi m2 khi thu hồi đất cho dự án Sân golf Bà Nà.
Và đương nhiên, cô giáo hậu trở thành dân kiện. Không kiện sao được khi đó là những mét đất thấm mồ hôi được khai phá, hoặc tạo lập, hoặc phải mua lại từ những năm 90 của thế kỷ trước, trước khi Luật đất đai 1993 ban hành. Không kiện sao được khi số tiền bồi thường 3.000 đồng, bằng một quả trứng, hay cốc trà đá. Với “số tiền quả trứng” đó, hoặc người ta là thần phật để gạt nước mắt, nuốt ực vào lòng nỗi phẫn uất hoặc là phải đâm đơn đi kiện, trước khi trở thành một Đoàn Văn Vươn. Cô giáo Hậu, cũng như tất cả những người dân mất đất khác không phải là thần phật, và thế là cô đi kiện.
Cái họa đến ngay sau đó, cô Hậu bị Trường tiểu học Hòa Ninh kỷ luật buộc thôi dạy, thôi làm chủ nhiệm lớp với lý do duy nhất là “khiếu kiện kéo dài”. Trả lời Thanh Niên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang Lê Văn Phước nói trắng phớ: Lý do cô Hậu bị “mất dạy” là vì “làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục”. Theo ông Phước, với tư cách là một giáo viên, một đảng viên lẽ ra cô Hậu phải chấp hành chủ trương, đường lối, đằng này cô khiếu kiện UBND huyện hoài. “Tôi yêu cầu nhà trường không bố trí cho cô dạy một thời gian, để dư luận lắng dịu”.
“Cái họa quả trứng” không biết có tránh được không nhưng cô giáo Hậu, giờ có thể gọi cô là người đàn bà đi kiện tên Hậu đã nhận lại những con số 0 tròn như những quả trứng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng khẳng định việc Đà Nẵng thành công trong đền bù giải tỏa là bởi “đừng để ai bị giải tỏa đền bù mà có cuộc sống khó khăn hơn trước”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng kêu gọi đồng bào không sợ bị trù úm “Vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào? Người ta có thể trú úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”.
Thưa Bí thư, với bất cứ xuất xứ nào, một m2 đất không thể đền bù với giá bằng một quả trứng.
Thưa Chủ tịch nước, cô giáo Hậu, đảng viên Hậu mới chỉ thực hiện quyền khiếu tố, được ghi trong luật, thì ngay lập tức đã trở thành “mất dạy”, đã nhận lại con số 0 to tướng.
Chúng ta thật khó có một lẽ công bằng chung chung nào đó khi từng công dân vẫn phải vật lộn để đòi hỏi sự công bằng riêng, hoặc có khi, vật lộn chỉ để tránh những “Cái họa quả trứng”
http://daotuanddk.wordpress.com/2012/12/12/cai-hoa-qua-trung/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét