Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Việt Nam ký




Dường như chẳng có nơi nào phong phú như Việt Nam – mảnh đất có dáng dấp ngoằn ngoèo hình chữ “S” chạy dọc theo biển. Nhưng cũng chưa nơi nào lại có quá nhiều điều đáng lo sợ cho sự tồn tại của con người đến vậy. Mọi thứ đều lũng đoạn, biến chất, dã man và tàn bạo đến rợn người. Niềm tin vào sự tươi đẹp gần như tắt ngấm, có chăng còn sót lại sự lạc quan le lói trong ánh sáng của con đom đóm nhỏ nào đó lạc lõng giữa không trung. Những hoài niệm về quá khứ là những nỗi niềm đáng sợ nhất. Hạnh phúc thật hiếm hoi, và bất hạnh thì cứ kéo nhau ập đến. Tương lai là sự phù phiếm không dễ thấy cả trong những giấc mơ.


Từ Mỹ trở về với đầy ắp niềm háo hức của một người phải rời bỏ quê hương từ lúc 15 tuổi và giờ đây đã có thêm 40 năm chất chồng những nhớ mong và chờ đợi, tôi đã không ngừng ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến nhiều nỗi xót xa của những mảnh đời xứ Việt. Mặc dù đây là lần thứ 3 hồi hương, nhưng tâm trạng trong tôi vẫn vậy. Tôi không thể giải thích được tại sao nhưng có lẽ vì chưa đi hết đất nước mình nên tôi càng tò mò để được biết nhiều hơn về quang cảnh và tâm cảnh.
Hơn 86 triệu người Việt Nam, sống trong cơ cực, đàn áp. Dù hai chuyến về trước đây đã ít nhiều trả lời được những thắc mắc và cả những lo sợ của tôi, nhưng không vì thế mà tôi chùn bước.
Nhớ lại câu chuyện từ một chuyến thăm đảo Phú Quốc trong lần đầu tiên cùng với Vân, một chị bạn. Khi bình minh vừa ló dạng thì tôi đã dậy để có thể ngắm cảnh sắc tuyệt vời nơi đây. Bờ biển mơ màng và dang cánh tay bao dung ôm trọn những ngọn sóng nhỏ li ti trôi từng đợt rồi lịm dần trên nền cát mịn. Bờ vai như chùn lại bởi cơn gió mạnh.
Tôi rất tự hào về vẻ đẹp của quê hương mình, cái vẻ đẹp mà mẹ thường nhắc nhở và diễn tả với bao niềm hoài niệm tiếc nuối. Mẹ đã dẫn cậu tôi đi qua không biết bao nhiêu xóm làng rừng núi trong quảng đời truân chuyên lúc trẻ, và mẹ đã cùng cha sinh sống tại nhiều vùng đất khác nhau – kể cả trên đảo Hoàng Sa mà mẹ tấm tắc là đảo thần tiên – sau nầy khi đã nên duyên nợ với cha. Chính những lời ngợi khen của mẹ: “Việt Nam mình đẹp lắm con ơi, đẹp lắm!” khi mẹ phải sống xa quê những năm cuối đời đã thôi thúc tôi phải đi nhiều nơi để nhìn ngắm quê hương.
Tôi lại rơm rớm nước mắt vì nhớ mẹ. Tôi chỉ có một thời gian ngắn cho chuyến đi này nên có gì đó khiến tôi khó chịu khi thấy ai đó vội vã. Còn chị thì dường như không quan tâm đến điều tôi đang suy nghĩ nên càng giục tôi đi nhanh lên.
Nơi ăn uống cách chỗ tôi đứng ngắm cảnh chừng vài chục mét. Khi chúng tôi chọn một chiếc bàn đôi rồi gọi món trứng ốp la và bánh mì thì nhiều người ngồi đó cũng đang đợi món mà chúng tôi vừa gọi. Ở đây có khoảng hơn một nửa là người nước ngoài, đa số đi theo tours. Còn người Việt thì hầu như đi cùng với gia đình. Trong lúc mọi người vẫn đang sốt ruột ngóng về phía bếp thì tôi đã hoàn thành trọn vẹn phần quan sát của mình.
Lúc hai phần ăn được mang ra, tôi cảm ơn cậu nhân viên và xé một mẫu nhỏ bánh mì đưa lên miệng. Bỗng nghe tiếng la to của một vài người: “ Mọi người cẩn thận, con chó này bị điên đấy.” Rồi những người xung quanh lo sợ đứng lên với tư thế phòng thủ. Mọi người tái mặt vì chú chó cứ từ từ tiến dần về phía chúng tôi.
Tôi cũng hơi lo nhưng thấy chú chó có vẻ không làm hại ai nên vẫn ngồi im quan sát. Nó không chần chừ đến cạnh rồi kê mõm đặt lên đùi tôi. Tôi để yên và sau vài giây nó ngước đầu lên nhìn tôi cứ như là đã thân quen từ trước. Mọi người xung quanh đã trật tự hơn. Khi thoáng thấy gương mặt chị bạn tỏ ra khó chịu vì mùi hôi bốc ra từ cơ thể đen đúa và bẩn thỉu của chú chó thì tôi đã thầm hiểu mình sẽ phải làm điều mà chị không mong muốn.
Tôi dùng tay vuốt vuốt trên đầu nó rồi vừa ăn vừa đút cho nó ăn từng miếng bánh mì kẹp với trứng. Nó đói nên ăn rất nhanh. Tôi gọi cậu nhân viên làm thêm cho chú chó hai quả trứng nữa và cho nó ăn đến hết. Sau đó tôi lấy khăn đổ thêm một tý nước lau lên người nó. Nó nhìn tôi như muốn nói cảm ơn rồi quay mình bước đi trước khi kịp nghe những lời khó chịu của chị bạn.
Mọi người xung quanh thì vẫn quan sát và xì xào cho đến lúc nó đi xa dần, bước chân của nó rất từ tốn. Tôi nhìn theo cho đến khi nó khuất hẳn. Mọi người không ai nói gì. Lúc này, tôi cảm thấy trong lòng nặng trĩu và khung cảnh như một bức tranh đã vô tình khép hờ gắn với kỷ niệm mà tôi khó có thể quên – kỷ niệm về chú chó mực lang thang đói khát. “Và, đây đó trên mảnh đất này còn bao nhiêu chủ và chó sống cuộc đời như vậy?” Tôi lẩm nhẩm câu hỏi này trong dạ. Còn chị bạn lại buông thõng một câu thành thật:
- Con chó đen đó ở xứ này đến việc giết nó để lấy thịt còn được, thế mà cô lại chăm sóc nó cứ như người ấy!
Tôi chỉ cười, không dám nói gì để binh vực điều mình vừa làm, rồi lại tự thấy mình kém vui khi lo ngại tình bạn sứt mẻ…
Chúng tôi về Nha Trang ngày hôm sau, không khí ở thành phố biển này dễ chịu không thua gì khi ở Phú Quốc. Tôi cứ khen mãi và nghe chị nói:
-Việt Nam đâu chẳng đẹp, chỗ nào chẳng có biển, ở đó mà khen cả ngày.
Tôi thắc mắc:
-Những tỉnh ở Tây Bắc làm gì có biển?
Giọng chị vẫn có chút lạnh lùng:
-Thì có núi rừng, có ao hồ, có đất đai màu mỡ, những cái đó cô phải biết chứ.
Tôi tự trấn an:
-Em có nghe vài người nói trong sách giáo khoa dành cho cấp 1 có dạy là ‘nước ta rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu’, lẽ ra nước mình phải giàu nhất thế giới mới đúng.
Chị hăng hái bao biện:
-Trải qua bao cuộc chiến tranh, thế này là giàu lắm rồi.
Tôi lại chợt nhớ về một nhạc sỹ nổi tiếng ở Hà Nội nhưng nghèo rớt mồng tơi mà tôi từng gặp trong lần thứ hai về thăm quê dù trước đó đã nghe về ông qua lời kể của một người bạn, rằng ông không những từ chối tất cả những việc sáng tác cho chính phủ này mà còn chửi vào mặt chúng một cách thẳng thắn. Ông đã phổ nhạc những bài thơ bị cấm. Những bài thơ nói về nỗi xót xa cho những cảnh đời ngang trái bởi bao nỗi bất công trong xã hội khiến những ai có tâm đều phải phẫn nộ.
Có một lần trong một buổi gặp gỡ được nghe ông kể rằng:
-Nhà xuất bản có tên Giấy Vụn do người hùng nào đó đã in thơ nhạc thành sách để mọi người chuyền tay nhau đọc mà không thông qua kiểm duyệt của chính phủ. Cái gì mà nhà nước càng cấm thì thiên hạ lại càng thích nhưng hạn chế ở chỗ là mỗi một cá nhân lại không dám bày tỏ cái thích ấy trước đám đông, cũng không dám phản đối những bất công vì nhiều lý do. Họ sợ ảnh hưởng đến gia đình, sợ phải đi tù, sợ bị tra tấn, sợ không ai đứng về phía mình, sợ sự đàn áp, sợ đói khát và sợ nhiều thứ kinh khủng khác sẽ đến với họ.
Tôi đã rất hài lòng về cuộc gặp gỡ người nhạc sỹ lớn tuổi này – một nhạc sỹ tài ba sống giữa hai thế kỷ 20 và 21. Ông là một con người thoải mái trong tư tưởng. Ông sớm biết thế nào là đau khổ trong tình yêu và mất khá nhiều thời gian về điều đó nhưng cũng không quá muộn màng trong sự giẫy giụa để phản đối điều ác, chống sự bất công. Trải qua cuộc chiến tranh để đổi lấy sự đau khổ trong cách thống trị thì còn đau hơn cái chết. Sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ chăm sóc hai đứa con với người vợ thứ nhì ở nước Bỉ, ông đã trở về với mục đích sắt đá: “Phải đấu tranh cho dân tộc này, đất nước này”. Những câu như: “Đất nước này là một con điếm rẻ tiền, ai sờ vào cũng được” hoặc “Một lũ chó lên làm người” khiến ông cứ phải đấu tranh cho đến cùng. Một cô nhà báo đã đôi lần góp ý với ông nhạc sỹ, rằng: “ Anh đừng xúc phạm những người làm điếm, gái điếm kiếm đồng tiền bằng sức lao động chân chính ấy chứ, còn lũ tệ hơn sâu bọ kia sao có thể mang ra so sánh với họ. Bè lũ bán nước còn tởm lợm hơn nhiều khi ăn thịt chính những đồng đội mình, chúng khốn nạn khi bán đứng dân tộc mình và chúng đáng bị chém 1000 lần vì đã gây quá nhiều tội ác. Chúng đã và luôn sẵn sàng áp bức, bóc lột, chà đạp lên tất cả. Công lý mà chúng nói, chính là sự bất công ở trên đất nước này. Chúng không còn là con người nữa, cũng không thể coi chúng là chó, sâu bọ, hay những loài cầm thú hoặc bất kỳ loại động vật gớm ghiếc nào tồn tại trên trái đất. Cũng không thể quy cho chúng là ma cà rồng hoặc ác quỷ mà là một loài mới chưa có ngôn từ nào phù hợp để đặt tên cho chúng ”.
Cứ mỗi lần nghe xong những bản nhạc mà ông tâm đắc thì ông nhạc sỹ luôn có những lời hùng dũng như: “ Cút, cút hết những đứa hèn nhát ra khỏi nhà tao, một lũ ăn hại, tuổi trẻ của chúng mày là rác, là những thứ vứt đi, là một lũ không có lòng tự trọng, một lũ ngu…”.
Một cô thạc sỹ bạn rất thân của ông nhạc sỹ lên tiếng:
-Lại bới móc em rồi, em lãnh lương hàng tháng là nhờ ơn đảng, những 5 triệu chứ có ít đâu. Phải yêu đảng chứ.
Ông im lặng vì biết cô nằm trong tốp “tiến thoái lưỡng nan”, họ biết rõ đảng không ra gì nhưng với họ, sự lựa chọn an toàn nhất là “gió chiều nào ta xoay chiều nấy”. Loại này hiện nay chiếm đa số trong xã hội. Khi nào có phong trào thật vững mạnh và lan rộng thì họ mới hưởng ứng. Nhưng nếu bị dập tắt thì họ lại quay về viết kiểm điểm để sửa lỗi, chấp nhận kỷ luật để được an toàn. Vì vậy, về mặt nào đó thì họ thiếu sự dũng cảm và nhiều thứ cần thiết cho việc ủng hộ công lý và phản ứng quyết liệt trước những bất công. Họ như một cây tầm gửi. Khó mong thay đổi được gì ở họ vì họ vẫn luôn lo sợ cho sự an nguy của bản thân. Những lúc ông nhạc sỹ tỏ ra buồn bã trong im lặng hay chậm chạp cầm cái ống điếu thuốc lào rít một hơi – trông ông thật tội nghiệp.
Ông bị khá nhiều bệnh, thỉnh thoảng còn lăn ra bất tỉnh nhưng ông nói không thể bỏ cái ống điếu vì đó là niềm vui duy nhất của ông. Nhiều lần tưởng ông không qua khỏi vì nặng quá, bạn ông đã phải nói dối ông về viên thuốc để ông chịu uống. Đó là viên thuốc đặc trị của Trung Quốc nhưng buộc phải nói là của Việt Nam ông mới chịu uống.
Đang trong mớ suy nghĩ hỗn độn đó, tôi bỗng nhớ đến bà cụ nhặt vỏ dừa dọc bờ sông Cái. Con sông hiền hòa len lỏi qua khu trung tâm của thành phố biển Nha Trang. Tôi nói với chị là muốn đến đó xem bà cụ thế nào. Chiều hôm đó tôi đến chỗ mà cách đây hai năm đã gặp bà cụ. Quang cảnh ở đoạn sông này thanh vắng, những quán nước tạm bợ cách nhau vài chục mét. Ngôi nhà lụp xụp của bà cụ vẫn nằm phía xa xa – nơi cuối con đường giáp với đoạn cong cong của con sông. Tôi dõi mắt về nơi ngôi nhà ấy – nó vẫn đứng nghiêng nghiêng bên dòng sông với bộ dạng thê thảm buồn. Tôi nhìn xung quanh để tìm bà nhưng không thấy. Tôi đi thẳng về phía ngôi nhà và sựng lại khi thấy bà cụ ngồi tựa lưng vào gốc cây dừa thở dốc với chiếc bao tải đầy ắp vỏ dừa bên cạnh. Tôi chậm bước lúc đến gần bà, còn bà thì ngước lên nhìn tôi.
Tôi chậm rãi:
-Bác còn nhớ tôi không?
Bà nói trong hơi thở đứt quãng:
-Làm sao tôi quên cô được!
Tôi thực sự xúc động và thoáng xấu hổ bởi lần gặp bà trước đây, trong khi tôi và chị bạn thảnh thơi ngồi uống nước dừa thì bà đang khổ nhọc nhặt những vỏ dừa nằm rải rác trên bờ sông. Bà kéo tôi về với thực tại bằng giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp
-Cô vẫn không thay đổi lắm so với hai năm trước.
Mắt tôi lúc này đã cay cay. Tôi móc trong túi ra, có hai tờ 5 đô và một tờ 20 đô rồi gom lại đưa cho bà:
-Bác cầm lấy nhé.
Bà mỉm cười rồi bà cũng sờ tay vào lưng quần móc ra chiếc túi vải rồi lần mò gỡ cái kim băng để lấy ra một tờ tiền 5 đô duy nhất được gấp làm bốn lần, bà giơ ra trước mặt tôi: “ Lần trước cô cho, tôi vẫn để dành đây. Còn số tiền này cô cất đi, tôi không nhận nữa đâu. Cảm ơn cô”. Bà vừa nói vừa đẩy tay tôi. Tôi phải năn nỉ mãi bà mới cầm số tiền đó.
Nước mắt tôi chảy vì thương bà cụ một thân một mình lại cần mẫn lao động kiếm từng đồng để sinh nhai mà không hề than vãn cho dù cuộc sống rất cơ cực, mà lại cần kiệm đến nỗi không dám tiêu tiền mà người khác cho. Ở đời, đôi khi con người ta cứ viện lý do này nọ để che giấu hoặc né tránh cảm xúc của bản thân, có người còn cho đó là sự khéo léo cần thiết. Tôi học mãi cái tố chất ấy nhưng càng cố thì tôi càng không làm được. Có đôi lần tôi tình cờ nghe người ta quy chụp cho những ai chất chứa đầy những xúc cảm là loại người giả tạo. Mới đầu, tôi cũng lo sợ về những nhận định ấy vì sợ người ta không hiểu đúng về mình, nhưng dần dần tôi hiểu rằng không phải vậy. Chỉ có việc làm mới có thể chứng minh một cách rõ ràng nhất về bản tính của con người – tôi tin vào điều đó và cố gắng sống với những cảm xúc thật chứ không băn khoăn về những thủ thuật hòng làm cho mọi thứ trở nên hoàn hảo như một số người đã áp dụng thành công vẫn thường nói. Tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn phần nào.
Đến Sài Gòn vào tờ mờ sáng hôm sau. Tiếng còi tàu ré lên trong không gian tĩnh lặng của thành phố vốn nổi tiếng nhộn nhịp. Tôi ngắm những ngôi nhà san sát nhau qua ô cửa của chuyến tàu đêm. Những hạt sương khuya vẫn đọng trên những chiếc lá non, những ánh đèn lưa thưa của vài ngôi nhà vẽ thêm những sắc vàng lẫn trong màn sương mỏng.
Ra khỏi ga Hòa Hưng, chúng tôi không về khách sạn ngay mà ghé quán ăn đêm của khu chợ Tân Định. Bọn trẻ bán kẹo sưng-gum ở đây không nhiều như ở Hà Nội, chúng cũng có nhiều chiêu bán hàng nhưng có vẻ hiền lành hơn ở thủ đô. Lần này tôi vẫn mua cho một cậu hộp kẹo mặc dù không được sự đồng tình của chị bạn. Có lẽ cái thói quen ấy khiến tôi trở nên ương bướng trong đôi mắt của chị vì chị đã nhiều lần nói với tôi là lũ trẻ này bị lợi dụng sức lao động. Chúng chẳng được gì sau khi năn nỉ khách để bán được hàng với giá cao vì bị bọn đầu nậu sẽ lấy hết.
Một số nước trên thế giới cũng có những trường hợp tương tự như Việt Nam mà minh chứng là sự thành công của bộ phim “Triệu phú ổ chuột” với chín giải Oscar năm 2009. Tôi thầm nghĩ nếu Việt Nam được chính phủ duyệt cho đề tài này thì nội dung sẽ phong phú gấp nhiều lần so với Ấn Độ. Vì ngoài lũ trẻ ra thì tỉ lệ người già, người tàn tật làm việc này cũng không nhỏ. Nhưng rồi tôi lại chạnh lòng khi ý nguyện từ lâu của mình và một người bạn là mở một trường học miễn phí cho các em nghèo, mồ côi, lang thang chưa được thực hiện vì chúng tôi không đủ tài chính để làm điều đó. Và đây cũng là nỗi bứt rứt đang dằn xé tôi hàng ngày…
Sài Gòn náo nhiệt và vội vã, từng dòng xe ngược xuôi hối hả. Không khí của một thành phố bị ảnh hưởng bởi nhiều luồng văn hoá từ các nước phương Tây cũng khác so với thủ đô Hà Nội hoặc các tỉnh. Chìu lòng tôi, chị bạn đã chọn một phòng trà nổi tiếng nhất để nghe nhạc Việt. Khi chúng tôi đến thì lượng khách hầu như đã chiếm gần kín gian phòng nên chúng tôi không có cơ hội lựa chọn một chỗ ngồi tốt.
hừng 20 phút sau thì bỗng có một nhóm trai gái trẻ tuổi bước vào. Họ có khoảng chục người, ăn mặc lịch sự. Bộ dạng tự tin và phóng đãng của họ làm tôi tò mò và chăm chú quan sát trong khi những người khách còn lại thì rất bình thản. Tôi đoán chắc sự việc kiểu như vậy thường xuyên xảy ra nhưng tôi ngạc nhiên vì thái độ của những người phụ trách dành cho nhóm thanh niên nầy. Bốn nhân viên ra nói gì đó với những người đang ngồi ở bàn đẹp nhất và các bàn bên cạnh để rồi trong vài giây họ đi chuyển sang chỗ khác và nhường chỗ cho những người trẻ mới đến. Sự hối hả phục vụ của các nhân viên này cũng khác. Họ nhanh chóng trải khăn bàn mới, mang ra những chai rượu ngoại đắt tiền, những đồ ăn nhẹ và họ cúi đầu rót rượu, cung phụng các khách hàng đến muộn nhất như thể đang hầu hạ những nhà quý tộc ngỗ ngược.
Sau khi có được một vị trí sang trọng nhất thì những chàng trai cô gái tỏ ra sành điệu này uống rượu tùm tụp như là những tay anh chị nghiện rượu. Tuy ngồi ngay chính diện sân khấu nhưng họ lại lổn nhổm, lộn xộn và hình như những quý tộc trẻ này không đến đây với mục đích nghe nhạc mà chỉ là để khoe mẽ cái cung cách thiếu văn hoá của mình. Tôi chưa kịp hỏi gì thì chị bạn đã nhanh nhảu: Toàn bọn con ông cháu cha ấy mà, bố mẹ chúng ăn hối lộ nên chúng tha hồ mà đốt tiền và kênh kiệu”.
Tôi không thấy tò mò nữa nhưng câu nói của chị làm tôi thấy lo lắng cho một thế hệ trẻ – họ sẽ làm gì cho đất nước này hay sẽ tiếp tục sống giống như bố mẹ mình. Có lẽ sẽ vô cùng khó khăn để thay đổi những suy nghĩ và hành vi của những người như vậy. Còn những lớp trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 10 thì sao? Chúng sẽ được nuôi dạy như thế nào nếu rơi vào những gia đình như vậy.
Chị bạn thở dài rồi nói xen vào trong dòng suy nghĩ đang chạy lung tung trong đầu tôi:
-Ôi, đời này lo cho thân mình còn mệt chán, hơi đâu mà nghĩ ngợi nhiều chi em. Năm ngoái đứa cháu ngoại của chị nè, từ lớp chồi lên lớp lá mà còn chạy 2 ngàn đô để vào trường đúng tuyến. Chị cũng chửi con gái chị rồi nhưng nó bảo tất cả đều làm vây, nếu mình không làm thì con mình sẽ bị bỏ rơi. Nó chắt chiu góp nhặt những đồng tiền bằng sức lao động chân chính để rồi đi đút lót một cách ngu ngốc, nhưng chị bảo mãi mà nó không nghe. Còn họ thì ăn một cách trắng trợn và sành điệu nữa, chỉ nhận đô la chứ không thèm tiền Việt đâu nhé.
Chị bạn lại thở dài. Lần đầu tiên cảm nhận ở chị sự lo lắng nhưng tôi cũng không biết phải khuyên nhủ chị như thế nào, chỉ biết buông một tiếng thở dài. Lòng bỗng xót xa cho những trẻ em nghèo, với tình hình như thế này thì chúng làm sao có cơ hội đi học như các bạn cùng lứa. Hầu như những phúc lợi xã hội không tồn tại hoặc nếu có thì cũng là giả tạo, dối trá về hình thức, còn bên trong thì ma mãnh hòng chuộc lợi cho những kẻ tham tham, độc ác và ngu muội. Tôi đã thấu hiểu một vài chuyện và càng lúc tôi càng thấy lòng nặng trĩu vì bất lực trước những mơ ước được mang đến điều tốt đẹp cho cuộc đời này, dẫu mơ ước đó đã và vẫn ấp ủ trong lòng tôi ngay cả những lúc tưởng chừng như không thể chia sẻ nổi.
Dòng suy tư cứ chảy mãi, vừa bực tức, vừa thương, vừa giận, vừa cố gắng để lạc quan lại, vừa yếu mềm trước những thực tại đau lòng. Tôi bỗng như trách móc một điều gì đó không rõ ràng, hình như tôi trách ông trời không quan tâm đến những con người đáng thương kia.
Tôi vẫn đứng ngơ ngơ trong khi trời đổ cơn mưa rào. Sài Gòn là vậy, khi cơn mưa rào ập đến thì ít ai kịp mặc áo mưa. Chúng tôi đợi mãi mới có chiếc taxi để trở về khách sạn mà lòng vẫn ngập đắng những nỗi buồn không thể tả.
Những thói quen cũ vẫn được áp dụng đều đặn – đi dạo buổi sáng sớm là sở trường của tôi. Bước xuống phố với sự thanh thản hơn mọi ngày, được ngắm kỹ càng những con đường, những người dân lao động vỉa hè. Tôi đang định thưởng cho mình một bức ảnh tự chụp từ điện thoại di động thì nghe tiếng kêu rú ầm ĩ từ phía sau. Một đoàn xe nối đuôi nhau chạy dài và tiếng người nói oang oang trong loa: “Đề nghị tất cả dạt ra hai bên để nhường đường cho đoàn xe đại biểu.” Tôi quay lại quan sát, khi chiếc cuối cùng của đoàn xe lướt qua tôi thì một cô bé chừng ngoài 20 đi xe máy từ trong ngõ ra, đầu xe của cô cách đầu xe của đoàn đại biểu chừng 2 mét với tư thế vuông góc. Theo sự nhận định của tôi là cô ấy không hề có lỗi gì nhưng 4 chiếc xe mô tô của đội cảnh sát bảo vệ đi phía sau phóng tới bắt cô bé và quy cho cô tội cản trở đoàn đại biểu. Cô cũng đã nhẹ nhàng năn nỉ và nói là do vội vào viện để chăm mẹ ốm nên đi hơi nhanh nhưng các nhân viên mang đồng phục vẫn không chịu tha cho cô. Khi thấy cô tiếp tục năn nỉ thì một trong số đó có đề nghị tha cho cô nhưng anh trưởng nhóm cảnh sát vẫn quyết định thu hồi xe và lập biên bản. Sau đó cô tiếp tục năn nỉ lần nữa vì lý do mẹ cô đang ốm nằm viện đợi cô mang thức ăn vào thì anh đội trưởng lớn tiếng xúc phạm cô với những lời lẽ không mây tế nhị: “Mày nói nhiều quá, đầu óc mày có vấn đề hay sao mà tao nói mày không hiểu tiếng Việt à? ” Cô bé lúc này không chịu nổi nữa nên đã lớn tiếng đáp lại: “Tôi đã tốt nghiệp đại học hẳn hoi, anh ăn nói cho cẩn thận.”
Một cơn mưa rào lại ào xuống, tôi muốn mình thật ướt dưới mưa xem cảm giác của những người không có áo mưa để mặc sẽ như thế nào. Nhưng cơn mưa rào đã sớm tạnh, mưa chưa kịp ướt áo.
oOo
Sau hôm dầm sương mưa đó, tôi ốm nằm bẹp ở khách sạn. Chị bạn khuyên tôi chỉ nên uống thuốc cảm xuyên hương được đựng trong hộp nhựa chứ không nên mua loại có vỉ vì thuốc tây hiện đang bán trên thị trường hầu như không an toàn vì không rõ nguồn gốc. Thấy tôi không nói gì nên chị giải thích thêm là bệnh viện ở khắp cả nước đâu đâu cũng quá tải, lại còn toàn những bệnh nặng. Bác sỹ thì ít và không giỏi, lại còn thêm hàng loạt thầy lang không hề có chuyên môn cơ bản. Những ai có chút lương tâm và thạo nghề cũng hầu như “cuốn theo chiều gió” hết rồi.
Như có phép thần, tôi sớm khỏi bệnh. Tôi xuống phố dạo vài vòng. Người dân của đất Sài Gòn cũ không còn thuần túy như ngày xưa.  Nếu có nhiều người tốt đến đây lập nghiệp thì cũng không ít kẻ xấu đến đây để lừa đảo, cướp giật.
Tôi đi trong tiếng ồn ào mà thấy tâm mình điềm nhiên theo dòng suy nghĩ miên man. Điện thoại của tôi reo đến hồi chuông cuối tôi mới kịp phát hiện. Tiếng nói chị bạn hối hả lẫn trong tiếng ì ầm của xe cộ: “Em đang ở đâu? Về nhanh chứ có chuyện gì xảy ra thì chị không chịu trách nhiệm đâu nghe. Ở đây toàn cướp giật cả ban ngày đó”. Giọng của chị run lên vì lo lắng, tôi bất giác bật cười, sung sướng vì có người thật lòng nghĩ đến mình.
Hà Nội những ngày cuối cùng có ý nghĩa nhất trong chuyến đi này. Tôi được chị đưa đến quán trà của cô cựu sinh viên nghèo vượt khó. Tốt nghiệp thạc sĩ khoa Ngữ văn của Đại học Quốc gia Hà Nội, giờ phải đi bán trà đá vỉa hè vì không xin được việc. Số sinh viên ra trường và thất nghiệp ngày một đông. Nghe cô bé tâm sự về gia cảnh nghèo khó của ba mẹ ở quê cùng với niềm hy vọng con mình ra trường sẽ gây dựng sự nghiệp lớn khiến cô không dám nói thật về công việc hiện tại của mình. Rồi những người bạn của cô với nhiều ngành nghề khác nhau cũng tạm gác chuyện nghề nghiệp sang một bên để bán trà đá kiếm sống qua ngày. Ngồi uống trà lúc đó có cậu sinh viên khác cởi mở: “Chị là còn may mắn hơn em, em đang mơ có một quán trà như chị mà chắc gì đã có vốn để làm”. Mặc dù cô bé thạc sĩ trà đá chỉ đầu tư có 8 trăm ngàn đồng để mở quán nhưng không phải ai cũng may mắn làm được, nào là địa điểm rồi còn lót tay cho công an phường một ít tiền để được yên. Song chuyện cô thạc sĩ bán trà vẫn chỉ là một chuyện nhỏ so với những bi kịch lớn của xã hội hiện tại. Mà bi kịch lớn hay nhỏ thì cũng phải có nguồn gốc của nó. Nếu câu hỏi đặt ra quá khó để trả lời thì chiến tranh và hậu quả của nó để lại lại được viện dẫn ra để gánh hết trách nhiệm. Khi gặp những người già neo đơn hay có hoàn cảnh đặc biệt thì càng thấy chua chát cho cảnh đời khốn khổ. Còn việc đổ lỗi cho những yếu tố nào đó luôn là thói quen của các cấp lãnh đạo trong chế độ cộng sản này.
Trời đã xế tà, ánh mặt trời của một ngày yếu ớt chiếu lên những thanh sắt đan xen lẫn nhau vắt vẻo qua hai bên bờ sông Hồng. Long Biên, cây cầu hơn trăm tuổi vẫn lì lợm với dáng vẻ cao ngạo cho dù bom đạn đã từng trải dày trên bề mặt hòng huỷ diệt kết cấu vững chải của nó. Tôi đứng trên cầu quan sát một bà cụ ngoài 80 mải miết nhặt rác. Khi hỏi gia cảnh thì bà bảo phải lao động để kiếm tiền nuôi đứa con hơn 40 tuổi bị nghiện sau khi bị mất đất, mất nhà và phải chui lủi sống đời tạm bợ. Bà nói đã nhiều lần định tự tử nhưng không thành, vậy nên đành phải chấp nhận số phận mà trời đất đã ban cho bà. Vì bây giờ bà có chết cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ánh mắt mờ đục của bà dõi xa tít nơi chân trời nào đó như cố dằn lại bao nỗi xót xa. Bằng hàng ngàn lý do không chút thuyết phục, những người cầm quyền có thể nói năng tuỳ thích và làm những việc ác độc lên đến tột đỉnh. Có bao nhiêu người điên, người vô gia cư, người thất nghiệp, người bị cướp hết gia sản, người tài bị hại, người dân bị đối xử bất công như vậy? Những người phải chịu đủ thứ mất mát và thiệt thòi ấy chính là những nhân chứng sống cho thấy kết quả của nền chuyên chế độc tài cộng sản.
Tôi thẩn thờ trở về khách sạn trong phố cổ với nỗi ám ảnh của những cảnh đời trái ngang. Nhờ cái điện thoại hết pin nên không bị chị bạn réo gọi. Tôi nghĩ mãi không biết mình có nên ở lại lâu hơn không khi trong thâm tâm tôi bỗng lo sợ, không phải vì hèn nhát mà vì sự bất lực khi chỉ biết đứng nhìn những con người khốn khổ và tội nghiệp ấy.
oOo
Hà Nội về đêm khoác vẻ đẹp mềm mại và ma mị. Hồ Gươm là nơi linh thiêng theo góc nhìn của sử sách, thế mà giờ đây phủ đầy những hàng quán buôn bán cà phê, kem. Thậm chí còn là nơi lê la của các quán trà đá ngồi bệt. Nét thoáng đãng không còn nữa vì hễ ai có tiền là có thể chọn những chỗ đẹp nhất để dựng quán mà chính quyền là nơi cấp phép kinh doanh. Trật tự xã hội bị đảo lộn khi liêm minh chánh trực không còn là nền tảng mà thay vào đó là sự mua chuộc của đồng tiền. Rác vung vãi khắp đường to phố nhỏ. Nhà máy xí nghiệp thì dựng khắp nơi mà không có hệ thống xử lý nước thải ra môi trường. Không khí, nguồn nước trở nên ô nhiễm trầm trọng.
Đâu đâu cũng hối lộ, đút lót, nên văn hóa giáo dục cũng suy đồi, đạo đức cũng xuống cấp theo. Tất cả các ngành nghề đều thiếu tính chuyên môn, đến nghề mang thiên chức cao quí như bác sỹ mà cũng mang tiền ra mua bằng cấp và chạy chọt để được hoạt động trong các bệnh viện lớn hầu làm ăn một cách hợp pháp, để kiếm tiền nhanh và dễ, mà không cần quan tâm đến sinh mạng con người. Khi tôi đi ngang qua một bệnh viện thì thấy bệnh nhân và người nhà ngồi la liệt ở ngoài đường, ai may mắn hơn thì ngồi ở hành lang và may hơn nữa thì nằm 2,3 người một giường trong phòng điều trị. Tuy vậy, vẫn không định nghĩa được thế nào là may mắn. Nếu gặp phải một bác sỹ kém về chuyên môn và hoen rỉ lương tâm để cấu thành cái ác. Họ chỉ biết lấy tiền rồi biến người bệnh thành con chuột bạch cho họ thí nghiệm, coi mạng người như cỏ rác, thế rồi những bệnh nhân lại tiền mất tật mang.
Còn những thế hệ 9x, 10x thì ham chơi hơn ham học. Thật khó mà tin được nếu như không thấy tận mắt nghe tận tai cách các em 10x “thoại” với nhau bằng những ngôn từ riêng, nếu không được giải thích thì không thể hiểu nổi. Nhà thờ lớn Hà Nội là nơi tụ tập đông đảo khách tây, ta lẫn lộn. Ngôi trường cấp 2, cấp 3 nằm cạnh đó là địa điểm lý tưởng cho các em vui chơi sau giờ giải lao mà không bị phụ huynh réo gọi. Khi tôi dừng lại chụp vài kiểu ảnh thì nghe tiếng chuông tan trường reo to, đám học sinh ùa ra từ chiếc cổng sắt rồi rẽ ra tứ phía. Tiếng cười nói xôn xao át cả không gian trang trọng và vẻ đẹp cổ toát ra từ nhà thờ. Một nhóm học sinh nữ đi về phía tôi đứng, và nói những lời thô tục vì đang ức chế một cô bạn nào đó trong lớp. Sau những lời chửi bới tục tĩu là một loạt “tâm sự” như: “ Hôm nay tao có găm cả con dao trong người mà chưa có cơ hội chém con chó đó. Ngày mai chúng mày cứ theo kế hoạch mà làm nhé…”. Tôi chỉ mới nghe một đoạn ngắn mà nổi hết da gà. Các cô bé này khoảng 14 tuổi đổ lại thôi mà ăn nói như giang hồ thứ thiệt. Còn chưa kể đến những từ ngữ tục tĩu khác liên hồi phát ra từ những cặp môi được trát một lớp son đậm. Những tà áo dài trắng của thời học trò đạp xe tha thướt trên đường như ngày xưa không còn thấy nữa. Tôi nhìn quanh một lượt để kiểm chứng những nghi ngại của mình và rồi bất giác lắc đầu và bước đi như người bị mộng du.
oOo
Sáng sớm của cuối thu se se lạnh, tôi khoác chiếc khăn lụa lang thang dọc Hồ Gươm và cố hít bầu không khí chưa ươm nhiều bụi, miên man nghĩ đến chuyến đi ngày mai. Tôi quyết định đi với đứa cháu nên gọi chị bạn để lấy số tiền mà chị giữ giùm để thực hiện chuyến “ phượt ” cho những ngày tiếp theo. ( phượt là từ mà lớp trẻ Việt Nam đặt tên cho những chuyến đi du lịch “bụi”, ít tiền.)
Sa Pa – vẻ đẹp hiền hoà và mềm mại. Những kiến trúc của Pháp trong thị trấn mang dáng vẻ cổ kính. Khi ngắm chúng ở những góc lạ càng tăng sự bí ẩn và dường như thấy được điều kỳ diệu nấp sâu bên trong. Những ngôi làng từ trên cao, những dáng người nhấp nhô trong nắng sớm lẫn vào làn sương mờ ảo như một bức tranh thơ mộng. Nơi đây thu hút nhiều khách du lịch nhưng dường như những phong tục của người dân tộc đã mất đi phần nào của vẻ đẹp nguyên bản. Tôi không lên đúng ngày của chợ Tình nhưng nghe người dân sống lâu năm trên đó lắc đầu bảo: “ Bây giờ còn đâu chợ Tình nữa. Họ đến đây buôn bán là chính, kể cả tình cảm cũng mang ra bán…”. Không như những lần trước, khi nghe ai đó ta thán về nước mình thì tôi giãy nẩy lên. Tuy chưa chứng kiến quá nhiều nhưng trong lòng tôi đã tập được cách âm thầm chấp nhận sự thật bằng một câu lạt lẽo: “Thế à!” . Chặng cuối của cuộc hành trình đi Tây Bắc là trở về Hà Nội và ghé thăm thuỷ điện Hoà Bình. Tôi tình cờ quen một cô giáo trên chuyến xe đêm. Nghe cô ấy tâm sự về nỗi khổ khi phải xa chồng nhưng không có cách nào khác nên đành chấp nhận vài năm để chồng có sự nghiệp. Khi tôi hỏi tại sao thì cô dốc hết tâm can. Chồng cô là thợ điện và được nhà nước đưa lên đây công tác hai năm, giờ mới được có sáu tháng. Hai vợ chồng có nhà ở thành phố Hoà Bình, cô đi dạy tại một trường cấp một, cách thành phố 80 km. Vì không có đủ tiền chạy để có việc làm ở gần nhà nên đành phải đi xa. Cuối tuần cô mới được về nhà. Cô có một cậu con trai năm tuổi, nó ở với bà ngoại từ nhỏ vì cả ba mẹ đều không thể chăm sóc thường xuyên được.
Tôi tò mò:
-Vậy cô không phải dúi phong bì khi xin việc ở đó?
Cô cười:
-Có chứ, em cũng phải mất 25 triệu đấy chị ạ!
Tôi chợt rùng mình vì số tiền quá lớn so với thu nhập chưa tới 3 triệu một tháng lương.
Tôi hỏi thêm:
-Vậy ở thành phố thì bao nhiêu?
Cô nhỏ nhẹ:
-70 triệu. Nếu cách nhà em 15 km thì là 35 triệu nhưng lúc đó hai vợ chồng em vay mãi vẫn không đủ nên đành phải chọn nơi xa. Em là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở Hoà Bình nên họ đã ưu tiên cho em rồi đấy chị ạ.”
Cô như tự an ủi:
-Nhìn lên thì không bằng ai nhưng nhìn xuống thì vẫn còn nhiều người không bằng mình.
Rồi cô dõi mắt nhìn xa xăm như nhớ đến điều gì đó không vui. Lúc này, bầu trời đêm đã nhường cho không khí tinh khiết của bình minh cùng làn sương dày đặc cuộn vào nhau, chúng chỉ bị chia rẽ khi ánh đèn của chiếc xe khách rọi qua rồi chúng lại cuốn vào nhau ngay sau đó. Xe cứ chạy đều. Khi ánh sáng bắt đầu xâm chiếm không trung thì những ngọn núi dần nhô ra như đang chạy ngược chiều một cách chậm chạp, thời gian như trôi trong tích tắc. Còn những vách đá cheo leo như muốn nhào đến vồ lấy chiếc xe khách đang uốn lượn thoăn thoắt trên con đường ngoằn ngoèo. Tâm trạng của cô cũng biến chuyển, và tôi như bị cuốn theo tâm trạng ấy. Thấy tôi im lặng nên cô cố dìm cảm xúc lại, quay sang hỏi tôi:
-Chị được đi nhiều chắc thích lắm nhỉ? Hồi học đại học ở Hà Nội, em chỉ mới đi đến Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây – nhà cô bạn thân cùng lớp ở trong ngôi làng gần đường Lâm, đây là địa điểm rất nổi tiếng về vẻ đẹp cổ của nông thôn Bắc bộ.
Tôi vội hỏi:
-Thế bây giờ còn không?
Cô cảm nhận được sự lo lắng của tôi qua câu hỏi nên liền trả lời sau nụ cười nhẹ:
-Còn chị ạ. Nhưng ở đó giờ thuộc địa phận của Hà Nội 2 rồi. Chính phủ đã xoá tỉnh Hà Tây để thay vào đó cái tên ấy. Cô bạn thân nhất của em đã buồn mất ba ngày về sự thay đổi này đấy chị ạ.
Tôi cười vì điều cô vừa nói thật dễ thương. Cô tiếp tục kể cho tôi về sự trôi nổi của người bạn thân tên Hà:
-Sau khi ra trường, cả hai đều không thể xin việc tại Hà Nội. Em quyết định về lại Hoà Bình, còn Hà thì vẫn đang lưỡng lự không biết nên về hay ở. Tuy chỉ cách nhà 40 km nhưng với bản tính tự lập, Hà không ngại vất vả. Tốt nghiệp loại ưu, với cá tính thẳng thắn chân thành, tự tin và lạc quan, nên Hà vẫn nuôi hy vọng tìm được việc làm ở thủ đô. Hồi đó là năm 1999, Hà lang thang ra một cánh đồng gần khu nghĩa địa vào một buổi chiều, chợt nghe loa phường phát ra những tiếng lanh lãnh của một thanh niên kêu gọi sinh viên đã tốt nghiệp tình nguyện công tác trên vùng sâu vùng xa ít nhất hai năm để lập thành tích, sau này sẽ được ưu tiên cho công việc khi trở lại thủ đô. Hà hăng hái tham gia ngay.
Họ phân công cho Hà lên một vùng giáp biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn. Hồi đó nghèo nên hầu như không ai dùng điện thoại di động. Gọi điện thoại bàn thì tốn kém. Ba tháng đầu Hà viết thư về cho em kêu đói vì họ phát cho mỗi tháng chỉ 5 kg gạo, ngoài ra thường là không có gì, thỉnh thoảng thêm được tý mắm muối. Sau đó Hà liên tục kêu cứu vì nếu không thì Hà sẽ chết đói vì phải chia số gạo cho những bà cụ trong bản. Hàng ngày Hà phải đi gần 100 km để làm rẫy, phát rừng và tuyên truyền cho người dân rằng “Lao động là vinh quang, lao động để cống hiến cho đất nước này là cần thiết và đúng đắn.” Sau vài trận ốm vì đói, rét và lao động quá sức, Hà viết thư nói muốn về nhà nhưng nếu làm vậy thì công sức của những tháng qua sẽ công cốc nên Hà cố gắng gượng để tiếp tục sống.
-Sau thất bại thảm hại của việc kỳ vọng vào tờ giấy chứng nhận ấy, Hà đã vào Nam lập nghiệp. Tuy vẫn nghèo nhưng cô bạn thân nhất của em đã có một gia đình nhỏ ở Bình Dương và sống hạnh phúc. Em hứa là sẽ vào thăm Hà nhưng hơn 10 năm nay em vẫn chưa làm được.
Một giọt nước nhỏ nơi khoé mắt cô từ từ lăn xuống. Tôi cũng không kiềm đươc giọt nước nơi khoé mắt mình. Hà chạm nhẹ vào tay tôi: —-Em mời chị về nhà em chơi, em thấy chị rất dễ gần. Em biết chị rất bất ngờ về những gì em vừa kể nhưng đó là sự thật chị ạ. Dù đã từng chán nản nhưng em cũng đã vượt qua và cố gắng lạc quan để tạo cho gia đình em một cuộc sống riêng, chị sẽ thấy được mô hình tự cung tự cấp rau quả và gia cầm trên mảnh đất 50 mét vuông của gia đình em.
Tôi tò mò:
-Em bận đi dạy xa thì thời gian đâu mà chăm sóc cho khu vườn?
Cô cười xoè:
-Nhà em tổng cộng chỉ có 50 mét vuông thôi, đó là tài sản của bố mẹ chồng để lại. Em xây 20 mét nhà ở cấp 4, còn 30 mét để trống em trồng rau và nuôi gà. Chị biết không, mới đầu hai vợ chồng em nghĩ sẽ xây thêm phòng cho con có chỗ chơi nhưng khi phát hiện các loại thực phẩm trên thị trường bị nhiễm độc một phần do hàng Trung Quốc nhập sang, phần khác do dân mình tham tiền và tiếc của nên đã dùng thuốc bảo quản của Trung Quốc tẩm ướp để được rất lâu nên em đã quyết định làm mô hình này, tuy nhỏ lẻ nhưng cũng đủ ăn cho cả nhà. Cũng nhờ ông bà ngoại chăm sóc giúp nên mọi thứ ổn chị ạ.
Tôi hỏi:
-Thế có nhiều người làm như em không?
Cô lắc đầu:
-Hầu như rất ít chị ạ. Có vẻ như nhiều người chưa thấy sợ, em cũng không hiểu tại sao họ lại coi thường sức khoẻ đến vậy. Có lần em đi ngang qua chợ, thấy một người đàn ông chở những nải chuối chín trông rất ngon nên cũng hấp dẫn em, em thử hỏi: “Chuối này bác có tẩm thuốc cho nhanh chín không?
Ông ta trả lời:
-Không, chuối chín cây 100 phần trăm đấy.
Em cầm lên xem đi xem lại với vẻ nghi ngờ thì một bác đi mua hàng bảo:
-Thời buổi này mà kỹ thế thì chỉ có chết đói thôi, chẳng có gì là không thể xảy ra, ăn cũng chết mà không ăn cũng chết, đằng nào chả chết.
Em đã đáp trả:
-Bác nói vậy là sai rồi, nếu người bán hàng có kiến thức và có lương tâm thì những người như bác đâu thể chết oan được, nếu nhà nước kiểm soát được các loại hàng trôi nổi, hàng độc hại, ngăn cấm không cho ra thị trường thì người dân đâu chịu cảnh khốn khổ như thế này. Nếu bác vẫn dùng những loại ấy, có thể bác vẫn không chết mà sống chung với các loại bênh tật hiểm nghèo, lúc đó bác sẽ thấy còn đau đớn hơn cả cái chết.
Rôi tôi như dốc hết lòng dạ mình:
-Chị nghĩ mình rất may mắn trong chuyến đi lần này vì được gặp em và nghe nhiều câu chuyện mà chị không bao giờ có thể hình dung được. Mặc dù chị đã tận mắt chứng kiến nhiều sự thật đau lòng nhưng chị cũng không thể tưởng tượng được sự thật khủng khiếp đang tồn tại một cách ngang nhiên trong đời sống này. Có nhiều người định cư ở nước ngoài như chị cũng đã từng về nước nhiều lần nhưng lại không có cơ duyên để đi đến nhiều nơi xa xôi như thế nên những hiểu biết của họ cũng chỉ dừng lại ở sự sung sướng và hưởng thụ ở những khách sạn 5 sao tại các thành phố lớn. Nhưng điều chị lo lắng hơn là họ sẽ không tin hoặc phủ nhận về những sự thật đau lòng này cho dù chị có kể cho họ nghe bao nhiều lần đi chăng nữa. Vì họ nghĩ rằng họ đã từng về Việt Nam và chẳng có lý do nào khiến họ phải tin điều mà họ chưa tận mắt nhìn thấy hoặc nghe ai đó kể với đủ độ tin cậy.
 Tôi chợt thở dài rồi dõi mắt nhìn về phía con đường trước mặt – nó như bị ngắn lại bởi những đoạn uốn cong rồi gấp khúc hiểm hóc.
Xong cô xin lỗi tôi vì đã nói toàn chuyện không nên nói, rồi cô thao thao kể về vẻ đẹp của ngôi làng, nào là nhà cổ, sân vườn, những chậu cây cảnh, rồi các loài hoa. Đặc biệt là cổng làng nằm trên trục của con đường Lâm là một cây đa to, thân của nó tách đôi ra để một khoảng trống ở giữa cho dân chúng đi lại, vẻ đẹp của những thân cây nhiều lá trên cao, chúng xoè những sợi gân xanh như thách thức những tia sáng chói lọi của mặt trời. Những nhánh cây vươn mình ra tứ phía tạo thành một quần thể vững chắc che chở cho phần thân vốn đã vững vàng từ bao đời nay. Tuy vẫn động lòng trước vẻ đẹp thanh khiết của “nàng giếng” vẫn ngày ngày cung cấp nước sạch cho người làng, nhưng tư thế ấy của “bác đa” vẫn không nao núng sau mỗi mùa giông bão. Đặc biệt hơn, hai bên đường đều là những ao sen – loài hoa tượng trưng cho sự trong trắng và thuần khiết, chúng tô thêm sắc hồng trong nắng chiều bỡ ngỡ nhưng vẫn mang một nỗi buồn thăm thẳm.
Nghe cô kể đến đó, tôi chợt nhớ đến bài học thuộc lòng ngày nhỏ về loài hoa này:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Có bùn, có sen – sự kết hợp tuyệt vời tạo ra những bông hoa đẹp và không ngớt những lời ngợi khen từ bao đời, nhưng bùn lại bị mang ra để so sánh một cách thiếu tế nhị. Thế mà mỗi khi đọc lên bài thơ ấy, có nhiều người quên đi công lao của “bùn”, chỉ nhìn thấy vẻ đẹp tinh khiết của sen thôi. Con người cũng vậy, đấu tranh nhau để sống, dẫm đạp lên nhau để đoạt lợi, phỉ báng nhau để giành lấy thanh cao. Mới nghe tưởng như không thể tồn tại loại người như vậy, nhưng chính loại người đó mới sống ngang nhiên huy hoàng trong xã hội hiện đại tại Việt Nam.
Hành trình dường như ngắn lại và chúng tôi đã không thấy mệt cho dù chốc chốc xe lại nẩy lên vì con đường quá xấu do nhiều ổ gà lớn. Tuy tôi vẫn chưa đi hết nhiều nơi nổi tiếng như đường Lâm nhưng câu chuyện của cô đã làm tôi thực sự cảm động, và cảm giác của tôi lúc này như vừa đến đường Lâm để cảm nhận tất cả những hương vị của cuộc sống nơi đó. Chia tay Thương, cô giáo, một người bạn chân thành, một tấm lòng đầy nhân ái, khiến tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng và thanh thản hơn.
Sau những gì tôi được nghe, được thấy ở các vùng khác thì những việc ở thủ đô không còn lạ lẫm nữa. Tuy nhiên, việc các cô gái bán thân để kiếm tiền ở tỉnh Hoà Bình – mảnh đất tưởng chừng như không có nhiều tụ điểm ăn chơi nhưng lại khá thu hút khách chơi – lại làm tôi bận lòng. Họ được đào tạo bài bản và phục vụ chuyên nghiệp nên hầu như làm vừa lòng tất cả khách hàng. Tôi nhớ có lần vào Hà Tĩnh, đoạn giáp với quốc lộ 1A là địa danh với những cái tên mỹ miều: phố vẫy, thánh địa sung sướng, nơi khoái lạc. Khi tôi thắc mắc thì bác tài xế cười khoái chí: “Cô chuẩn bị tinh thần ăn đặc sản chưa?” Mọi người cười ồ. Hoá ra món đặc sản ở đây là những cô gái đứng vẫy ở ngay mặt đường quốc lộ. Nghĩ cũng lạ, chính phủ không thừa nhận cho nhà thổ hoạt động công khai nhưng nơi đây các cô lại hơ hớ ra ngoài đường. Phải chăng đây là cách thu hút sự tò mò ở những con người thích hưởng khoái lạc nhưng lại coi thường những người hành nghề, cho họ là những cô gái trơ trẽn, bất chấp lên tất cả, mang thân làm trò tiêu khiển và đánh mất đi lòng tự trọng. Ai dám bảo là gái điếm không có lòng tự trọng? Nghề gì cũng đáng trân trọng nếu làm việc có nghiệp vụ và có trách nhiệm với khách hàng. Tôi có chút chạnh lòng khi nghĩ đến những cô gái trẻ hành nghề quá sớm khi không thực sự ý thức được tại sao mình lại chọn nghề đó mà không phải nghề khác. Hoặc nếu bắt buộc chọn lựa rồi thì phải hiểu nghề mà mình làm để không quá hoang mang hay chịu đựng trước những ngược đãi của khách làng chơi. Tuy số tiền cho mỗi lần “vẫy” thành công chừng 60 đến 100 ngàn đồng, nhưng địa danh mang tên “vẫy gọi” ấy vẫn tồn tại hơn hai mươi năm nay. Sau ngày chiến tranh chấm dứt thì đã có những cô gái kiên trì hành nghề và có lẽ suốt cuộc đời họ sẽ mãi chung thủy với cái nghề ấy. Với họ, xét cho cùng thì đằng nào cũng mang công sức ra để kiếm tiền, chắc gì nghề khác đã khá hơn. Và không phải ai cũng có đất đai hay những phương tiện sản xuất khác để mong đổi nghề. Ít nhứt họ còn có tấm thân làm vốn riêng. Vì ngoài đó ra, có những thứ tưởng là rõ ràng thuộc về mình mà vẫn bị mất như thường. Vụ tự thiêu trước uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng mà chính mắt bạn tôi đã chứng kiến và kể lại về việc của một người bị chính quyền cướp nhà một cách trắng trợn năm 2006 nầy, đã khiến bao người mất đất lo sợ hơn vì chính quyền vẫn cứ ung dung cướp đi tài sản nhân dân theo kiểu quy hoạch hoặc giải toả để rồi bồi thường quá ít so với giá trị tài sản của người bị mất. Rồi còn bao nhiêu sự bất công khác trút lên đầu những người dân thấp cổ bé họng, nghèo đói, ít học, hèn nhát, nhu nhược, lo sợ, đầy đau khổ và tội nghiệp kia? Liệu sau bao nhiêu năm nữa họ mới dám đứng lên chống lại cái ác, cái bất công để giành lấy quyền làm người, quyền làm chủ đất đai của mình? Liệu họ có cùng chung sức chung lòng để theo đảng và đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược nếu chiến tranh xảy ra? Liệu họ sẽ làm gì khi đất nước biến chuyển theo chiều hướng xấu? Một trăm cái “giá như” cứ tuôn ra từ đầu óc đầy ắp sự khổ đau cho dân tộc mình, và tôi bỗng thấy mình hèn nhát trong mớ suy nghĩ từ những cái “giá như” đó, trong khi thực trạng tại thời điểm hiện tại còn khốn đốn hơn nhiều. Trẻ con không còn là những mầm non xanh tươi của đất nước nữa mà là những mầm bệnh do thiếu chất dinh dưỡng, do ăn phải những rau trái sản xuất ra từ môi trường ô nhiễm, những loại thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh hoặc được tẩm ướp chất độc hại, gây ra nhiều chứng bệnh mới và quái ác đến nỗi có thể huỷ diệt nhanh gọn sự sống ngay trước mắt. Thanh niên, người lớn thì la cà, bê tha khắp các quán xá ăn uống nhậu nhẹt quên cả thời gian đến khi không còn nhấc được cơ thể của chính họ ra khỏi những nơi quái gỡ nhất ấy thì may ra họ mới thừa nhận đã dốt nát và ngu muội với chính mình. Ươn hèn bệ rạc như vậy, lấy ai đủ tỉnh táo để thấy được nguy cơ, và đủ sức đủ tài để chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Còn bao nhiêu điều khủng khiếp khác phơi bày hay ẩn nấp đâu đó mà tôi chưa nghe, chưa thấy hoặc chưa được sẻ chia? Chẳng có thế lực nào có thể vùng lên để thay đổi vận mệnh. Nếu muốn dân tộc trường tồn thì phải đấu tranh, mà đấu tranh thì tránh đâu khỏi thịt tan máu chảy. Một loạt suy nghĩ ngổn ngang trong đầu óc rối bời của tôi. Tôi phải tự trấn tĩnh bằng sự tin tưởng tuyệt đối vào tâm linh để đem an bình đến cho lòng mình và mong mỏi sự cứu rỗi cho tâm hồn sa đọa đồi trụy của mỗi con người. Vì chỉ có như vậy mới mong mọi việc công bằng theo cách tốt đẹp nhất – cách mà những ai mong cho thế giới này hoà bình và Việt Nam giảm thiểu những bi kịch của một nền chuyên chế.

Mỹ Trí Tử
Nguồn: Tác giả gửi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét