Ngay trong phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, người dân vẫn không hiểu khi không ít những phát biểu nghị trường cứ như thể đang đại diện cho ai đó. Chẳng hạn như điều mà không ít cử tri Hưng Yên quan tâm “Ecopack”, đã không được nói tới tại nghị trường
Có thể là do thói quen, khi phát biểu nghị trường về Luật đất đai sáng nay, ĐBQH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Thịnh xác định thứ tự lợi ích “Nhà nước, doanh nghiệp, và người bị thu hồi” khi ông đề nghị “giá xác định giá thị trường” nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.
Thứ tự này, sau đó một lẫn nữa được ông nhắc lại khi: “Đề nghị UBND tỉnh được ban hành bảng giá, ổn định trong 5 năm để tiện việc tính thuế, phí”. Tính thuế, phí, rồi mới đến “bồi thường, hỗ trợ…”.
Nhắc lại, có thể thứ tự lợi ích này được phát biểu do thói quen, vì đó cũng là câu chữ được quy định trong luật. Nhưng chính câu chữ trong luật hay thói quen trong phát biểu của nhà chức trách, đang khiến thứ tự lợi ích này đang được áp dụng một cách chính xác trong việc thu hồi, đền bù, giải tỏa ngoài thực tế. Không khó lắm để đưa ra những ví dụ về khoản chênh lệch giữa giá bị thu hồi và giá thị trường, giữa giá đền bù cho người mất đất và giá bán của nhà đầu tư. Chênh lệch mà ĐBQH Nguyễn Thị Phúc nói là “hàng chục hàng trăm lần”.
Bà Phúc sau đó cũng lý giải ngay: “Nhà nước ban hành theo khung giá, bảng giá. Tuy nhiên khi triển khai (thứ khung giá, bảng giá này) đang tồn tại song song 2 loại giá. Theo đó, “giá Nhà nước quy định chỉ bằng 30% so với giá thị trường. Bất cập đặc biệt thể hiện rõ khi Nhà nước thu hồi”.
Nhớ hôm 10.12.2010, khi 132/133 đại biểu HDND TP Hà Nội “ấn nút thông qua khung giá đất mới năm 2011, chính Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh thừa nhận đây là biểu giá “Cách xa so với giá thực tế”. Và “Cũng như nhiều năm trước”. Không lâu sau đó, Thanh tra tài chính công bố sự thật, rằng giá thực tế cao hơn bảng giá đất của Hà Nội từ vài chục, đến 400-500%. Nhà nước mất tiền thuế, Nhân dân cảm thấy như bị tước đoạt trước sự chênh lệch trời biển giữa giá nhà nước và giá thị trường. Thế thì cái khung giá này làm lợi cho ai đó, chứ không phải cho nhà nước, cũng chẳng phải vì nhân dân.
Đât đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Đây là điều không phải bàn luận gì nữa khi đã được nghị quyết hội nghị TƯ xác định. Duy có điều, thế nào là thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý thì ngay chính các vị sẽ “ấn nút” cũng còn đang thắc mắc. Bởi như hiện nay, nói như ĐBQH Bùi Mạnh Hùng “Có thể hiểu là sở hữu chính phủ về đất đai”.
Luật đất đai sau 3-4 lần sửa vẫn đang thiếu cơ chế giám sát cụ thể của người dân. Thiếu sự giám sát sinh lạm quyền. Đây là nguyên nhân sinh ra song hành hai tình trạng: Tham nhũng của các quan chức công quyền, của các nhóm lợi ích, và khiếu tố đất đai của người mất đất. Ông Hùng đề nghị Luật sửa đổi phải làm rõ nguyên tắc NN chỉ là đại diện chủ sở hữu chứ kg phải chủ sở hữu. Chính vì thế, càng phải làm rõ cơ chế giám sát. Giám sáy ngay từ chủ trương thu hồi đất: Có đúng không! Có cần không! Có hiệu quả không! Giám sát trong từng khâu sẽ ngăn chặn việc lợi dụng đất đai không vì lợi ích chung.
Nhưng thứ cần phải giám sát nhất, chính là việc cân bằng lợi ích giữa nhóm những người dân mất đất, bao giờ cũng là nhóm yếu thế trong tất cả các dự án có thu hồi, và nhà nước, về nguyên tắc cũng của dân, và nhà đầu tư.
Sáng nay, rất nhiều các vị ĐBQH đề xuất về một nguyên tắc công bằng trong việc trưng mua, trưng dụng, trong việc đền bù, trong tái định cư mới phải “hơn cái cũ”. Điều đó phải được bắt đầu bằng việc sửa đổi thứ tự lợi ích trong luật và trong tư duy của những người thực thi chính sách.
Nhưng điều đó có vẻ không dễ, bởi ngay trong phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, người dân vẫn không hiểu khi không ít những phát biểu nghị trường, cứ như thể đang đại diện cho ai đó. Chẳng hạn như điều mà không ít cử tri Hưng Yên quan tâm “Ecopark”, đã không được nói tới tại nghị trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét