Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Cuộc cách mạng giáo dục đang diễn ra




(tiếp theo bài Hai con đường lớn dẫn tới tương lai của giáo dục )

 

Trước tiên là những nhà cách mạng. Salman Khan, Sebastian Thrun, Andrew Ng, Anant Agarwal. Họ có những đặc điểm chung: được đào tạo và / hoặc giảng dạy, nghiên cứu tại những trường đại học hiện được coi là ưu tú nhứt thế giới như Harvard , Stanford.  Họ đều là di dân ở Mỹ: cha của Khan là người Bangladesh, Thrun là người Đức, Ng gốc Á châu sanh tại Anh, và Agarwal sanh trưởng ở Ấn Độ. Họ đã đi qua cánh cửa hẹp của những học viện “ưu tú” chỉ dành cho một thiểu số “ưu tú”,  và thấy rằng còn một đa số ưu tú đứng bên ngoài cánh cửa đang khao khát tri thức. Lãnh vực chuyên môn của họ  liên quan đến khoa học máy tính, nên họ nhìn thấy khả năng của kỷ thuật thay đổi được thế giới, và muốn vận dụng chúng để làm cuộc cách mạng giáo dục.
(Sal Khan)

Sebastian Thrun từng làm việc trong phòng thí nghiệm tối mật của công ty Google để thực hiện những ý tưởng “điên rồ” của mình, như xe hơi tự lái hay mắt kiếng Google (đeo mắt kiếng này có thể nhìn thấy trang Web và sử dụng tra cứu Google.) Ông đã đem tri thức và niềm đam mê khoa học máy tính, rô bô, trí tuệ nhân tạo truyền giảng cho sinh viên trường Stanford, nơi ông là giáo sư “ngôi sao”, thu hút 200 sinh viên chen vào các lớp ông dạy. Nhưng khi ông biết Salman Khan dạy được hàng triệu học sinh qua Internet, Thurn không thể thỏa mãn với con số 200 sinh viên một khóa nữa. Ông bắt đầu đưa lớp học lên mạng. (Không phải đơn giản như quay phim bài giảng rồi bỏ lên một trang web như nhiều “nguồn” học liệu mở vẫn làm nhiều năm qua để cho ai muốn xem thì xem)
(Sebastian Thrun)

Thrun thiết kế một lớp học với bài giảng soạn theo kinh nghiệm của Khan, có bài kiểm tra, bài thi, có tương tác thầy trò, có nhóm thảo luận, y như lớp học ở trường Stanford, thậm chí cấp cả chứng chỉ và giới thiệu việc làm cho  người hoàn tất khóa học. Ông gởi một thông báo lên diễn đàn hội AI (Trí tuệ nhân tạo) và 160.000 người từ mọi quốc gia trên thế giới (trừ Bắc Triều Tiên) ghi danh theo học cùng với 200 sinh viên Stanford (30 sinh viên học trong lớp, 170 học trên mạng). Sau hai tháng 23.000 học viên hoàn tất khóa học đạt yêu cầu (theo chuẩn của Thrun) Trong số đó, sinh viên Stanford giỏi nhứt đứng hạng 411, còn 410 người đứng đầu lớp là học viên trên mạng. Thrun sướng ngất ngây nhưng Stanford không hài lòng: làm sao biết được nhân thân hay kiểm tra được căn cước học viên trên mạng? Cơ bản là học viên trên mạng chẳng đóng đồng bạc nào cả. Và khi mà cả trăm ngàn người có thể học miễn phí thì mắc gì sinh viên Stanford phải đóng bốn năm chục ngàn đô học phí? Thrun làm kiểu này thì coi như kết thúc nền giáo dục đại học.

Nhưng Thrun nghĩ khác. Không phải kết thúc mà là bắt đầu. Ông nghĩ đó mới là là bắt đầu của đại học. Bắt đầu của đại học cho mọi người. Ông từ bỏ biên chế ở trường Stanford, lập ra học viện Udacity vào tháng Giêng 2012 ( http://www.udacity.com/ )

Bản thân Thrun cũng học được nhiều điều từ khóa học của mình. Thí dụ, 160.000 học viên trên khắp thế giới không phải đểu có trình độ tiếng Anh đủ hiểu hết bài giảng của ông. Giải pháp:  những học viên cùng ngôn ngữ tập hợp thành nhóm học tập (bằng Facebook) giúp đỡ nhau hoặc tìm người thông dịch.  Chuyện nhỏ.  Chuyện lớn là phương pháp giảng dạy trong đại học chánh thống mà ông có kinh nghiệm và thành công cả chục năm không thích hợp với lớp học trên mạng.

Theo phương pháp chánh thống hay truyền thống thì lớp học 20-30 sinh viên là vừa đủ để có giao tiếp thầy trò, với cả trăm ngàn học viên làm sao thầy “quản” chúng? Giải pháp: thầy không cần “quản”, mà thầy thiết kết chương trình cho máy  tiếp nhận các phản ứng, thắc mắc, câu hỏi của người học, sàng lọc, gom những vấn đề tương tự thành nhóm, những nhóm vấn đề thường gặp nổi lên hàng đầu để mọi người đều thấy, thảo luận và tìm giải đáp. Thực tế trong lớp học trên mạng thầy trò và bạn học tương tác với nhau nhiều hơn trong lớp chánh thống cả ngàn lần mà không gây ồn ào mất trật tự gì cả. Trong nhiều trường hợp, thầy chưa kịp trả lời thắc mắc của trò này thì trò khác đã giải đáp rồi. 
(Andrew Ng)

Thrun phải thiết kế lại chương trình học, cấu trúc từng bài, và phương pháp giảng theo phương pháp của Khan. Mỗi bài giảng chỉ trên dưới 10 phút, công cụ chỉ là cây viết mà trong lúc giảng giải cặn kẽ thầy ghi chú và vẽ minh họa trên một mặt phẳng như mẫu giấy hay tấm bảng. Học viên cảm giác như thầy ngồi cạnh bên “dạy kèm” cho riêng mình, chứ không phải ngồi nghe thuyết trình trong một đại giảng đường. Học viên có thể “chỉ” vào bất kỳ điểm nào đó trên bảng để nêu thắc mắc hay trả lời trực tiếp. Từng học viên có thể dừng bài giảng ở bất cứ chỗ nào, nghe xem lại bất kỳ đoạn nào trong bài, hoặc cho qua tuốt. Nhưng bài kiểm tra thì khác. Mỗi bài học có nhiều bài kiểm tra, học viên làm sai thì chương trình cho làm lại (không có cách nào “skip” cả) cho đến khi nào làm đúng. Không chấm điểm A, B, C hay 8,9,10. Nguyên tắc là đạt hay không đạt, như Khan nói: Học cỡi xe đạp thì chỉ có té xe và chạy được, chứ không có “kém / trung bình / khá” gì cả.

Đó chỉ là một vài thí dụ về phương pháp dạy học tương lai: phi chính qui, phản chính thống. Học viên ngồi một mình với cái máy tính cách xa thầy 10.000 dặm nhưng có hàng (chục, trăm) ngàn bạn học mà vẫn được thầy “kèm cặp” sát sườn. Phương pháp vẫn đang được phát triển và sự sáng tạo của những bộ óc như của Thrun và đồng nghiệp luôn gây ngạc nhiên thú vị. Nhưng không phải ai cũng dạy trên mạng thành công. Có một lớp toán có hơn 20.000 người ghi danh nhưng cuối cùng bị hủy. Vì sau mấy tuần lễ chuẩn bị với  45 giờ “quay phim” giáo sư giảng dạy, ban thẩm định chương trình cho là không đạt yêu cầu, phải hủy để khỏi phí thì giờ của học viên.
(Anant Agarwal)

Nhen nhúm  từ Khan Academy, bùng lên với Udacity, cuộc cách mạng giáo dục phát triển ngoạn mục với  sự ra đời hoành tráng vào ngày 18/4/2012 của Coursera ( https://www.coursera.org/ ) nhanh chóng thu hút gần 2 triệu học viên vào hàng trăm lớp học do các giáo sư danh tiếng của 33 trường đại học hàng đầu ở Mỹ, Anh, Úc đảm trách. Đến mùa thu 2012 thì viện MIT và đại học Harvard hợp tác cho ra đời edX ( https://www.edx.org/ ) và lập tức được đại học California ở Berkely và viện Kỷ thuật Texas tham gia.

Khan Academy, Udacity và Coursera đều do cá nhân sáng lập. Nhưng edX là con đẻ của các học viện ưu tú chánh thống . Cuộc các mạng giáo dục đang rầm rộ tiến ra đại lộ với biểu ngữ: Một nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho mọi người ở mọi nơi và hoàn toàn miễn phí (hiện nay).

 (còn tiếp)
Lý Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét