Lê Diễn Đức
Trong các ngày lễ ở Mỹ tôi thích nhất "Thanksgiving", tức Lễ Tạ
Ơn, bởi vì nó là một trong ít những ngày lễ thế tục, ấm áp tình gia
đình, cho tất cả mọi người, không phụ thuộc vào đức tin, tín ngưỡng, màu
da.
Thanksgiving ở Mỹ rơi vào ngày thứ Năm lần thứ tư của tháng 11, chứ
không phải là ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 như nhiều người lầm
lẫn (ví dụ trong tháng 11 năm 2012, có đến 5 ngày thứ Năm).
Ở Canada, thu hoạch mùa màng sớm hơn nên ngày lễ Thanksgiving được tổ chức vào ngày thứ Hai lần thứ hai của tháng 10.
Ở Ba Lan từ năm 2008 mới có ngày Lễ Tạ Ơn (tiếng Ba Lan: "Dzień Dziękczynienia"), cử hành vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 6.
Ngày Lễ Tạ Ơn của Ba Lan do Đức Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô
Warsaw Kazimierz Nycz đề xướng, xuất phát từ ý tưởng tiếp nối Quốc hội
Bốn Năm lịch sử của Cộng Hoà Ba Lan vào năm 1792, nhắc nhở dân tộc Ba
Lan biết ơn Thiên Chúa và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã trở
về quê hương trong chuyến hành hương đầu tiên vào đầu tháng 6/1979, được
xem là chuyến công du quan trọng nhất của Ngài, mang đến cho dân Ba Lan
sức mạnh vượt qua sợ hãi, đứng lên tranh đấu xoá bỏ chế độ cộng sản.
Tuy nhiên, ngày lễ Tạ ơn ở Ba Lan là lễ Công giáo nên không khí
chung không phổ biến như Thanksgiving ở Mỹ và những người không theo đạo
Công giáo ít ai biết tới.
Đối với nhiều người Mỹ, lễ Thanksgiving là thời điểm để con người
tỏ lòng biết ơn và cảm tạ những gì Trời-Đất đã ban cho đời sống, cả về
vật chất lẫn tinh thần, bên một bữa ăn tối thịnh soạn trong không khí
sum họp thân ái của gia đình và bạn bè.
Nguồn gốc Thanksgiving
Không có sự đồng thuận về ngày và địa điểm của lễ Thanksgiving đầu
tiên tại Mỹ, nhưng có tư liệu cho thấy hình thức lễ Thanksgiving diễn ra
vào ngày 8/9/1565 tại khu vực mà ngày nay gọi là Saint Augustine, đuợc
xem là thành phố của người Âu châu cổ nhất trên lục địa Mỹ, thuộc
Florida. Điều này trái ngược với các nhà khoa học có truyền thống xác
định lễ Thanksgiving đầu tiên được tổ chức tại Plymouth Colony, bang
Massachusetts, nằm ở Đông Bắc Mỹ, vào năm 1621.
Vào khoảng thế kỷ 16-17 những thành viên của dòng Thanh giáo bị
hoàng đế Anh quốc bỏ tù vì không chịu cải đạo để theo tôn giáo của triều
đình. Sau khi giam cầm họ một thời gian, Hoàng đế hỏi lại lần nữa,
nhưng họ vẫn quyết từ chối. Lúc đó, Hoàng đế phán quyết rằng, nếu không
theo điều kiện của ông thì họ không bị giam giữ tiếp tục nhưng phải rời
khỏi Anh quốc.
Thoạt đầu những người ly khai di chuyển tới Hà Lan, nơi họ được
hưởng sự khoan dung tôn giáo hơn, nhưng cuối cùng họ thất vọng về cách
sống ở đây, xem nó như là xứ sở vô thần. Vì thế, họ muốn tìm kiếm một
cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi khác. Họ đàm phán với một công ty tài chính
thương mại London về một cuộc hành hương đến đất Mỹ.
Những người hành hương vượt Đại Tây Dương qua Mỹ bằng con thuyền có
tên là Mayflower và đặt chân tới Plymouth Rock, thuộc Massachusetts,
vào ngày 11/12/1620, đúng vào lúc mùa đông khắc nghiệt. Sau mùa Đông
này, 46 người trong tổng số 102 cùng đi trên thuyền Mayflower, đã chết.
Nhưng may mắn thay, họ đã được thổ dân Da Đỏ tốt bụng giúp đỡ lương
thực, hạt giống, và chỉ dẫn cho cách trồng hoa màu, săn bắt thú... Họ
giao tiếp với thổ dân thông qua Squanto, một người Da Đỏ biết tiếng Anh
nhờ có những tiếp xúc trước đó với lữ khách người Anh. Ngay trong năm
1621 những người hành hương đã gặt hái một vụ thu hoạch tốt. Vì thế họ
quyết định mở tiệc ăn mừng với 91 người Da Đỏ của bộ lạc Wampanoag, đứng
đầu là tộc trưởng Massasoit, những người đã cứu họ sống sót trong năm
lập nghiệp đầu tiên khó khăn, gian khổ. Bữa tiệc ăn mừng này trùng hợp
với ngày lễ thứ năm trong 6 lần của lễ tạ ơn của bộ tộc Wampanoag kéo
dài ba tuần từ 21 tháng 10 đến ngày 11 tháng 11 năm 1621.
Thanksgiving đầu tiên - Tranh sơn dầu của Jean Louis Gerome Ferris
Từ đó về sau, hằng năm những người hành hương và con cháu giữ tập
quán tổ chức lễ tiệc tạ ơn để cám ơn những gì tốt đẹp đã đến với cuộc
sống của họ.
Năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln công bố Thanksgiving là ngày
lễ quốc gia, lấy thời điểm nói trên làm mốc chọn ngày cho lễ
Thanksgiving.
Thanksgiving - ý nghĩa cho tất cả
Mặc dù không phải là ngày lễ tôn giáo, các giáo xứ Công giáo ở Mỹ
kỷ niệm Thanksgiving theo những cách thức khác nhau. Nhiều nhà thờ trên
khắp nước Mỹ làm lễ tạ ơn sự ân sủng của Thiên Chúa. Chính quyền địa
phương, các tổ chức từ thiện, nhà thờ và các nhóm tình nguyện thường tổ
chức trong ngày lễ bữa ăn tối miễn phí cho những người nghèo, vô gia cư,
hoặc sống cô đơn.
Với đa số người Mỹ, Thanksgiving đồng nghĩa với bốn ngày nghỉ của
"long weekend", là cơ hội dành tình cảm cho gia đình, tương tự như những
ngày Tết ở Việt Nam. Đây là một trong những khoảng thời gian có nhiều
người Mỹ đi lại nhất trong năm, gây ùn tắc giao thông trên các xa lộ,
còn các sân bay trở nên bận rộn nhất. Người ta ước tính hàng năm vào dịp
này có hàng chục triệu người Mỹ di chuyển trên xe bốn bánh và khoảng
một chục triệu khác đi bằng máy bay, cho mục đích thăm nhà và người
thân.
Không giống như các ngày lễ Halloween, Fourth of July (Ngày Độc
lập) và Labor Day (Ngày Lao động) diễn ra trong không khí sôi động ngoài
trời, lễ Thanksgiving được tổ chức tại nhà, trong khuôn khổ gia đình và
bạn hữu gần gũi nhất.
Giống như không thể thiếu bánh chưng trong ngày Tết của người Việt,
hay món cá chép nấu đông của người Ba Lan trong bữa ăn tối mừng Chúa
giáng sinh, món ăn bắt buộc của người Mỹ trong ngày Lễ Thanksgiving là
gà tây nhồi nướng (deep fried turkey) ăn với khoai tây, cùng với các món
làm từ bí ngô, rau quả theo mùa và của địa phương. Thực đơn có thể có
thêm thịt nguội, đậu nướng, các món tráng miệng phổ biến như bánh táo,
bánh bí ngô (pumpkin pie) ăn kèm với kem.
Theo tập quán của người bản xứ, Người Việt sống ở Mỹ mừng
Thanksgiving cũng ăn gà tây nướng, nhưng thường bổ sung "sáng tạo" những
món ăn Á châu theo ý thích của từng nhà.
Ngày Lễ Thanksgiving là ngày mà ai cũng thoả sức đánh chén, sau đó cả chân và tay đều lười biếng cử động vì... no nê!
Trong dịp Lễ Thanksgiving, người Mỹ có cơ hội xem cuộc tuần hành
lớn nhất tại Mỹ "Macy's Thanksgiving Parade" tại thành phố New York,
diễn ra trên các đường phố của khu Manhattan, với chương trình thả bóng
bay, thu hút hàng triệu cư dân New York xem trực tiếp và hàng chục triệu
khán giả trước màn hình nhỏ.
"Macy's Thanksgiving Parade", New York 11/2009 - foto: Reuters
Những người hâm mộ thể thao và đặc biệt là bóng đá Mỹ (bóng bầu
dục), được xem những trận đấu hấp dẫn của các đội chuyên nghiệp nổi
tiếng. Những trận đấu này thường có số người theo dõi nhiều nhất trong
mùa giải của "National Football League". Sau một bữa ăn tối phủ phê,
người xem bóng đá la hét cổ vũ cho đội ưa chuộng, tiêu bớt năng lượng đã
nạp quá nhiều.
Vào dịp Thanksgiving, trong khi con người vui mừng đón lễ thì hàng
chục triệu chú gà tây kém may mắn, kết thúc số phận của mình bằng món ăn
chính trên bàn tiệc trong ngày lễ.
Người ta ước tính trước lễ Thanksgiving khoảng 45 triệu chú gà tây
bị khai tử. Người Mỹ hào phóng chi cho bữa ăn tối trong ngày lễ khoảng
600 triệu USD. Từ nhiều năm nay, trong dịp lễ thường có chiến dịch "Farm
Sanctuary" kêu gọi mọi người ăn chay, cứu động vật.
Hàng năm, theo truyền thống, Tổng thống Mỹ sẽ ân xá cho hai chú gà
tây, hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo là phóng sinh, cứu chúng thoát khỏi
cái chết với ý nghĩa biểu tượng, nhưng đồng thời cũng là biểu tượng của
Hoà bình và Tự do.
Truyền thống ân xá gà tây do Harry Truman, Tổng thống Mỹ thứ 33
(1945-1953) đặt ra từ hơn 60 năm nay. Nghi lễ này được tổ chức tại Toà
Bạch Cung, với sự tham dự của càc thành viên trong gia đình tổng thống
và nhiều khách mời.
Năm 2009, chù gà tây thứ 62 có tên là Courage nặng hơn 20 pound
(gần 10 kg) được Tổng thống Barack Obama ân xá. Hôm đó Tổng thống nói
đùa rằng: - "Tôi rất vui để thông báo rằng, nhờ sự can ngăn của hai con
gái Malia và Sasha, mà Courage đã không phải chịu số phận khủng khiếp,
nhưng ngon lành, bởi vì tôi đã lên kế hoạch để ăn tên khốn này".
Tại buổi lễ Tổng thống Obama nói rằng, ông rất biết ơn Thiên Chúa
và số phận. - "Mỗi ngày tôi biết ơn về niềm tin mà người Mỹ đặt trong
tôi. Tôi khiêm nhường thực hiện nhiệm vụ của mình. Với tôi, thật là một
vinh dự lớn lao khi được làm Tổng chỉ huy của quân đội tuyệt vời nhất
trên thế giới" - Obama nói.
Chú gà tây Courage ngay trong ngày được đưa tới Disneyland, tham dự lễ tuần hành và sống trọn phần còn lại của cuộc đời ở đó.
Trong buổi ân xá gà tây vào dịp Thanksgiving năm 2011, đề cập đến
những năm tháng đầy tranh chấp giữa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, Tổng thống
Obama lại nói đùa: - "Đây là một quyết định mà tôi không cần tới sự
đồng ý của Quốc hội".
Sau đó, Tổng thống Obama và gia đình đã đi đến một ngân hàng thực
phẩm của Washington DC, tham gia phân phát các bưu kiện thực phẩm cho
người nghèo.
Hai chú gà Tây được Tổng thống Obama ân xá trong năm 2011 được đưa
đến sống tuổi già trong ngôi biệt thự cũ của Tổng thống Mỹ đầu tiên
George Washington ở Virginia.
Năm nay, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai, không biết Tổng thống
Barack Obama sẽ nói gì, nhưng chắc sẽ có những thông điệp ý nghĩa gửi
tới dân chúng Mỹ, nhất là sau chiến thắng của cuộc chạy đua cam go, gay
gắt với đối thủ Cộng Hoà Mitt Romney và tốn kém nhất trong lịch sử bầu
cử của Mỹ từ xưa đến nay. Nhưng không biết ai sẽ thay ông ân xá gà tây
khi ông đang bận công du ở Đông Nam Á.
Tôi thích ngày Lễ Thanksgiving vì cái không khí đầm ấm, ít ồn ào,
hơn là Lễ Chuá Giáng Sinh sôi động, bận rộn với tràn ngập những lời chúc
mừng gửi đi và hồi đáp, tốn khá nhiều thời gian cho quà cáp, khu mua
bán nào cũng người là người, thường xuyên phải xếp hàng dài trả tiền...
Nói thế, nhưng trong dịp Lễ Thanksgiving có một ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) cũng rất náo động và ấn tượng.
Ngược lại với Việt Nam hàng hoá thuờng bị nâng giá cao trong những
ngày Tết, thì ở Mỹ, vào dịp Thanksgiving các đại siêu thị đua nhau quảng
cáo trên truyền hình, báo, đài phát thanh cho đủ loại sản phẩm hạ giá
đặc biệt, nhiều mặt hàng thấp hơn giá sản xuất. Một số cửa hàng mở cửa
từ 4 giờ sáng. Thanh niên, sinh viên í ới hò hẹn nhau đi xếp hàng từ lúc
tờ mờ sáng, thậm chí dựng lều bạt ngủ qua đêm trước các cửa hàng, với
hy vọng sẽ là người đầu tiên mua được món hàng mong muốn với giá hời
không có cơ hội thứ hai và số lượng hạn chế. Trước giờ mở cửa, nhất là
trước các cửa hàng máy móc điện tử và thiết bị gia dụng, những người
kiên nhẫn xếp hàng dài ngoẵng. Liên đoàn Thương mại Mỹ ước tính có hơn
100 triệu người Mỹ đi sắm đồ trong ngày "Black Friday" và bỏ ra hàng
chục tỷ đôla (ví dụ năm 2007 là 20 tỷ, mặc dù kinh tế lúc đó đã bắt đầu
suy thoái).
Thanksgiving còn được xem là khởi đầu của mùa nghỉ (Holiday Season)
bởi vì tiếp sau nó là lễ Chúa Giáng Sinh (Christmas Day) và kết thúc
vào ngày đầu năm mới (New Year).
Tôi rất thích giai đoạn từ lễ Thanksgiving tới mùa Chúa Giáng Sinh,
kéo dài gần một tháng. Cả nước Mỹ có bầu không khí vui nhộn khác hẳn,
nhà ở và các cửa hàng được trang trí đa dạng, đẹp mắt. Ở bang Georgia,
từ sau Thanksgiving vào các buổi tối cuối tuần có thể thấy dòng xe hơi
chạy chầm chậm nối đuôi nhau nhiều cây số từ khắp nơi đổ về làng "Lake
Lanier Islands" để thưởng ngoạn nghệ thuật trang trí trong mùa Chúa
Giáng Sinh. Dọc hai bên đường đi, cây cối, bãi cỏ, mặt hồ của làng "Lake
Lanier Islands" được trang trí rực rỡ bằng đủ các loại đèn màu nhấp
nháy, kết nối nhau trong muôn hình muôn dạng, cho ta cảm giác như lọt
vào thế giới kỳ ảo của ánh sáng.
Lời kết
Uống nước nhớ nguồn. Thanksgiving, cũng là dịp để người Việt sống ở Mỹ ngoài cảm tạ ơn sinh thành của tiền nhân, "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", còn là dịp tỏ lòng biết ơn Trời-Đất, số phận và nước Mỹ.
Không khác bao nhiêu những người hành hương Anh quốc đặt chân tới
bờ đông nước Mỹ vào năm 1620, sau 1975, rời bỏ đất nước, trốn chạy khỏi
sự phân biệt đối xử hà khắc và vô nhân đạo của chế độ cộng sản, để lại
phía sau hàng trăm ngàn đồng hương bỏ mạng trên biển cả, những người
Việt may mắn đã đến được bến bờ nước Mỹ tự do, đa số khởi nghiệp từ hai
bàn tay trắng, bắt đầu từ những việc làm phổ thông cực nhọc. Cám ơn nuớc
Mỹ đã bảo bọc và che chở chúng ta, đã tạo cho chúng ta, đặc biệt cho
thế hệ con cháu, những cơ hội thăng tiến tuyệt vời!
Con người sống tử tế luôn luôn phải ý thức đền ơn, đáp nghĩa. Như
Johann Wolfgang Goethe từng nói: "Sự vô ơn tồi tệ hơn cả trộm cắp".
Ngày 18/11/2012 - Mùa Thanksgiving
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét