24-11-2012
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật
(Hoạ phúc có nguồn, phải đâu một buổi)
Nguyễn Trãi
Mấy hôm nay cả báo “lề phải” lẫn “lề trái” xôn xao chuyện nhà cầm quyền
Trung Quốc Cộng sản (Trung Cộng) đưa bản đồ có đường lưỡi bò vào hộ
chiếu. Không ít người hiến kế cho Chính phủ ta giải pháp để “hoá giải”
hành động thâm độc này.
Tôi thì nghĩ hơi khác. Tôi đặt ra giả thiết đây có thể chỉ là động tác
của con mèo vờn con chuột mà thôi. Trước khi ăn thịt, con mèo thường vờn
con chuột, động tác thật giả lẫn lộn. Biết đâu nó tung chưởng này chỉ
để làm ta cuống lên (vì rõ ràng nếu để hộ chiếu in hình lưỡi bò của
người Tàu ra vào Việt Nam thì cả 90 triệu người Việt Nam chỉ còn cách
đeo mặt mo, chứ chưa nói đến sự nguy hiểm về chủ quyền), còn mục tiêu
thực sự nó biết đâu lại nhằm vào việc khác? Chính phủ ta cuống lên, và
thế là muốn Trung Cộng bỏ cái hình lưỡi bò này, biết đâu lại phải đánh
đổi một cái gì đấy nguy hiểm hơn về sau? Cho nên muốn có giải pháp triệt
để thì phải duyệt lại tất cả mối quan hệ với Trung Cộng từ khi “bình
thường hoá” (1991), đặc biệt là từ 2009 đến nay, chứ không phải đối phó
từng việc, để ngày càng lạc vào trận đồ bát quái, không biết đâu mà lần.
Bản đồ Trung Quốc có vẽ cái lưỡi bò trên
Biển Đông do chính phủ Trung Hoa Dân quốc (của Tưởng Giới Thạch) công bố
lần đầu năm 1947, trong suốt một thời gian dài (1947 – 2009) không mấy
ai biết. Nhưng ngày 7-5-2009, chính phủ Trung Quốc cộng sản (Trung
Cộng) đã chính thức trình bản đồ này lên Liên hợp quốc để đòi chủ quyền.
Theo đường lưỡi bò đó, khoảng 80% diện tích Biển Đông thuộc về Trung
Quốc, 4 nước (Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei) chia nhau phần còn
lại, trung bình mỗi nước được 5% Biển Đông! Đường lưỡi bò bao trùm quần
đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Như vậy, để đòi chủ quyền Hoàng
Sa, Trường Sa thì không thể tách rời việc đòi xoá bỏ đường lưỡi bò này.
Và với Việt Nam, không chỉ là mất hai quần đảo, không chỉ là mất một
vùng biển giàu tài nguyên mà còn bị bịt mất đường ra thế giới.
Sau khi Trung Cộng đệ trình, 4 nước liên quan, trong đó có Việt Nam, lên
tiếng bác bỏ. Tuy nhiên trong suốt năm 2009 và 2010, dư luận Việt Nam
vẫn không mấy quan tâm. Cuối tháng 10-2009, tôi có dịp đi Trung Quốc,
ngồi trên máy bay của hãng hàng không Southern China, tôi thấy trước mỗi
ghế đều có những cuốn tạp chí, tờ rơi quảng cáo, trong đó bao giờ cũng
có vài ba bản đồ vẽ hình lưỡi bò. Nhìn mà căm phẫn, nhưng cả đoàn Việt
Nam của tôi hơn hai chục người chả ai bận tâm hết. Tôi hỏi một đồng
nghiệp ngành sử có chuyên môn sâu về biên giới, lãnh thổ, anh ấy bảo,
đại ý: cái đường ấy không có giá trị gì, không ai công nhận cả. Lúc ấy
tôi không tin hoàn toàn nhưng cũng có phần tin, phần vì báo “lề trái”
lúc ấy chưa phát triển, chả có người nào phân tích cho mình thấy mối
nguy hiểm của nó, còn báo “lề phải” thì giấu nhẹm tất cả các chuyện về
Biển Đông liên quan đến Trung Quốc. Cần nói thêm rằng năm 2009 có mấy sự
kiện đáng nhớ: 1. Ngày 4-9, ông Đào Duy Quát, lúc ấy làm Tổng biên tập
báo điện tử Đảng CSVN, không biết vô tình hay hữu ý, đăng tin Trung Quốc
tập trận trên vùng biển Hoàng Sa, tin đó chép nguyên từ báo Hoàn Cầu
của Trung Quốc nhưng không dẫn nguồn, cho nên bài báo nói đúng giọng
Trung Quốc, tức là ca ngợi cuộc tập trận này. May mà dư luận kịp phát
hiện và sau đó bài báo được gỡ xuống. 2. Báo Du lịch số Xuân Kỷ sửu đăng
2 bài về Hoàng Sa (bài thơHận Nam Quan của Hoàng Cầm viết từ trước 1945 và bài Tản mạn cho đảo xa của
Trung Bảo, con trai Phó tổng biên tập Nguyễn Trung Dân), cả hai bài lúc
đó bị coi là “nhạy cảm”, tác giả và lãnh đạo toà báo bị quy “sai phạm
nghiêm trọng”. Phó tổng biên tập Nguyễn Trung Dân bị cách chức, bị thu
thẻ nhà báo và toà báo bị đình bản 3 tháng (thực tế còn dài hơn nhiều).
3. Vụ bắt giữ và trấn lột ngư dân Việt Nam lớn chưa từng thấy: cuối
tháng 9-2009, 17 tàu thuyền với hơn 200 ngư dân vào tránh bão tại Hoàng
Sa bị Trung Quốc đánh đập, tịch thu phương tiện, tuy nhiên báo chí im
lặng cho đến khi họ thoát chết trở về mới công bố và sự phản đối sau đó
cũng chỉ ở cấp… Hội Nghề cá.
Nghĩa là năm 2009 thảm lắm. Sang năm 2010, sự khủng bố trên Biển Đông
của Trung Cộng tiếp tục gia tăng. Nhưng báo chí ta lúc này cũng được
phép đưa tin về các vụ trấn lột, cướp bóc này. Tuy nhiên nhiều vụ đâm
chìm tàu ngư dân thì thủ phạm chỉ được nói là “tàu lạ”, mặc dù dân ta ai
cũng biết “tàu lạ” là ai. Vào khoảng giữa năm 2010, vào lúc Quốc hội
đang họp, tình hình biển Đông khá căng thẳng, một số đại biểu Quốc hội
đề nghị đưa vấn đề ra thảo luận nhưng ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch
Quốc hội lúc đó, gạt đi với lý do “tình hình Biển Đông không có gì mới”.
Nghĩa là năm 2010 thái độ Chính phủ ta có khá hơn 2009 nhưng vẫn lừng
chừng, không cản được các hành động gây hấn của Trung Cộng. Từ 2011 đến
nay, tình hình trở nên nghiêm trọng, điển hình là mùa hè năm 2011 Trung
Cộng 2 lần xông thẳng vào vùng biển của ta cắt cáp tàu thăm dò dầu khí
và hè năm 2012 thì rao bán 9 lô dầu khí trên Biển Đông của Việt Nam và
đưa sau đó hàng nghìn tàu đánh cá tràn ra Biển Đông, trong đó có vùng
biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Không nỡ ngồi nhìn cảnh mất nước đã đến quá gần, và trước mắt là cả dân
tộc với gần 90 triệu người bị xúc phạm danh dự, hàng nghìn người ở Hà
Nội và Sài Gòn đã xuống đường biểu tình. Chính phủ có tiến bộ hơn hồi
12-2007 một chút là ban đầu chỉ tìm cách hạn chế, rồi đàn áp nhẹ, và
cuối cùng mới đàn áp triệt để, bằng cả bắt bớ, bỏ tù, lẫn dùng truyền
thông để xuyên tạc, vu cáo.
Nghĩa là 2011 và 2012 tinh thần chung của cả dân lẫn Chính phủ Việt Nam
có khá hơn 2010, nhưng bàn tay của Trung Cộng cũng tàn bạo hơn, nguy
hiểm hơn.
Điểm qua tình hình trên để thấy rằng:
1. Trong khoảng từ 2010 đến nay, để đối phó với Trung Cộng, thái độ của
Chính phủ cũng có chuyển biến, nhưng các hành vi phản ứng ấy không tương
xứng với sự gia tăng các hành động xâm lược của Trung Cộng, do đó không
có tác dụng ngăn cản hoặc tác dụng không đáng kể. Cho nên phần được
luôn thuộc về Trung Cộng. Có người đã nhận xét, Trung Cộng gặm dần nước
ta theo kiểu “ba bước tiến, hai bước lùi”, cứ mỗi lần gây hấn họ lại
tiến thêm được một bước trên bước đường thôn tính hoàn toàn nước ta.
2. Sự phản ứng của ta luôn luôn là muộn màng. Ví dụ, trên lĩnh vực
truyền thông, bốn năm trước là cấm tuyệt đối, rồi dần dần được đưa tin
dè dặt, và từ mấy tháng gần đây, các báo chính thống còn được thoải mái
đăng bài nói về các chứng cứ lịch sử và pháp lý chủ quyền của ta đối với
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là việc đáng hoan nghênh nhưng
đáng lẽ phải làm từ lâu, làm thường xuyên, công bố cho cả thế giới biết,
chứ đến bây giờ mới làm và chỉ ta biết với ta là quá muộn và quá ít[1].
Tuy nhiên hành động biểu tình chống Trung Cộng xâm lược vẫn bị xiết
chặt. Cứ theo đó có thể suy ra rằng: đến lúc nào đó, khi tình hình nguy
ngập (như Trung Cộng mang quân sang đánh), dẫu Chính phủ không đàn áp
thì biểu tình lúc đó không còn tác dụng nữa.
3. Những sự đối phó của Chính phủ với Trung Cộng thường tách rời ý chí
của nhân dân. Ví dụ khi Chính phủ ra tuyên bố phản đối một hành động xâm
phạm của Trung Cộng, nhưng ngay sau đó người dân biểu tình hay có bất
cứ hành động nào để ủng hộ chủ trương đó của Chính phủ thì Chính phủ lại
thẳng tay đàn áp! Như vậy hai sức mạnh tự triệt tiêu lẫn nhau. Sự quái
gở đó khiến Trung Cộng chẳng những không sợ mà còn được cười thầm trong
bụng, được đà lấn tới và khoét sâu thêm căn bệnh. Điều quan trọng hơn,
qua cách hành xử này, nhân dân không thể không đặt vấn đề: Chính phủ có
thật lòng chống xâm lược hay chỉ chống lấy lệ? Theo quan sát của tôi,
Trung Cộng càng ngang ngược xâm phạm chủ quyền Việt Nam, thì Chính phủ
với nhân dân càng xa nhau, điều này trái hẳn với truyền thống Việt Nam:
mỗi khi có ngoại xâm thì sự cố kết nhân dân với nhà nước càng cao.
4. Mỗi khi có hành động gây hấn của Trung Cộng, Chính phủ ít nhất cũng
có một động tác nào đó để phản đối nhưng kèm theo đó, vẫn thường nêu một
lập trường mang tính kiên định là “tiếp tục quan hệ hợp tác, hữu nghị”
với nhà nước Trung Cộng. Điều này có lẽ chỉ có quan hệ Việt – Trung
(ngày nay) mới có kiểu quan hệ như thế. Như thế thì “một giây một buộc
ai giằng cho ra”? Chỉ riêng việc để hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường
Việt Nam đã đủ giết chết nền sản xuất của Việt Nam. Chỉ riêng hàng hoá,
thực phẩm đầy chất độc của Trung Quốc đã đủ đầu độc dân tộc Việt Nam,
khiến dân tộc này tiêu vong dần. Chỉ riêng để Trung Cộng chiếm lĩnh
những vị trí chiến lược, để người Trung Quốc tự do ra vào Việt Nam thì
chính quyền Trung Cộng đã đủ xiết cổ Việt Nam, nếu Việt Nam trái ý. Cái
gốc vấn đề này do đâu? Câu nói của ông Đinh Kim Phúc mới
đây rất đáng để tất cả (chính phủ và nhân dân) suy nghĩ: “Một khi Trung
Quốc xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi, và một khi Việt Nam xem tình hữu
nghị Việt – Trung là lợi ích cốt lõi thì Việt Nam sẽ mất tất cả”.
Bây giờ đã đến lúc phải xác định rõ: Trung Cộng là bạn hay là thù? Nếu
là bạn thì bạn ở mức nào? Xưa nay chưa có cá nhân/ quốc gia nào cố chơi
với một cá nhân/ quốc gia kia bằng mọi giá, dù bị “thằng bạn” chơi xấu
bất cứ cách nào.
Giải quyết cái gốc của đường lưỡi bò cũng như mọi trò xỏ lá của Trung
Cộng là xác định lại mối quan hệ với Trung Cộng. Và cùng với nó là thay
đổi cách hành xử với nhân dân, vì chỉ khi có nhân dân làm hậu thuẫn thì
Chính phủ mới đủ can đảm và đủ sức mạnh đương đầu với giặc ngoại xâm.
[1] Thực
ra Chính phủ ta đã làm rất mạnh mẽ giai đoạn 1979 – 1988, tức là sau
cuộc xâm lược biên giới của Trung Quốc cho đến khi chúng cướp chiếm đảo
Gạc-ma thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên sau đó lại bị khoá kín, cho
đến năm 2009, ai nói ra vẫn bị tội, thành ra một bộ phận dân ta không hề
biết. Đến nỗi mà năm ngoái, một sỹ quan công an khi thẩm vấn người biểu
tình bị bắt còn hỏi “Gạc-ma là cái gì?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét