VĂN HÓA XIN LỖI
Nhái Bén
Ảnh internet
Có lẽ Nhái tui lại bàn về cái chuyện
nhạt phèo, nói hoài nói dai nói mãi. Thế nhưng bằng cảm nhận của người
trong cuộc với tư cách của một người đứng lớp, khi đọc bài “Giáo viên
cần phải biết xin lỗi”, đăng trên báo kiến thức, Nhái xin bổ sung thêm
rằng, không chỉ có giáo viên cần phải biết nói lời xin lỗi mà tất cả
chúng ta đều phải biết nói “xin lỗi” khi cần thiết. Và trong nội dung
này Nhái không bàn tới những kẻ đạo đức giả hay những lời xin lỗi nhân
dân của các vị “to oạch” trong tổ chức Đảng và chính phủ trong thời gian
gần đây.
Trong giao tiếp, câu “xin lỗi”, “cám
ơn”, làm ơn luôn luôn là câu cửa miệng. Người Nhật là dân tộc được thế
giới ca ngợi nhiều về văn hóa, trong đó có văn hóa giao tiếp. Một cô gái
bán hàng, trước cuộc phỏng vấn, họ luôn xem tới khả năng lắng nghe và
“nhả” lời cám ơn, xin lỗi của cô ấy lúc nào. Với một gương mặt tươi tắn,
nụ cười và ánh mắt thiện cảm, cô gái sẽ được lương/thù lao cao hơn đồng
nghiệp khác. Câu “sumimasen-xin lỗi” luôn đi trước các lời thoại, luôn
là câu mở lời khi bạn muốn nhờ vả ai đó. Còn khi bạn có lỗi thực sự câu
“Gomenasai-xin thứ lỗi” sẽ phù hợp hơn. Trong tiếng Anh cũng có một ví
dụ khác, từ “Excuse me/Pardon me- xin lỗi” luôn mở đầu cho một việc xin
phép, nhờ vả; còn câu “I am sorry/please forgive me…” là câu xin tha
lỗi. Trong tiếng Tây Ban Nha, câu Pardon me là “Perdón” hay “excusez-
moi” trong tiếng Pháp. Ngoài ra, để diễn đạt thái độ hối lỗi, ngoài ngôn
ngữ còn là biểu cảm của gương mặt, chân tay (hai tay chắp vào nhau) hay
cử chỉ nghiêng người. Nói không quá lời, văn hóa xin lỗi là văn hóa
được xem như là thứ đầu tiên trong giao tiếp của nhiều nền văn hoá nhân
loại, họ nói rất tự nhiên “tôi xin lỗi” với một thái độ đầy thiện chí và
cầu thị. Và không ai có thể nặng lời hơn với một người đã biết lỗi. Xin
lỗi chẳng làm xấu đi mà chỉ làm đẹp hơn tư cách của người thốt lời.
Thế nhưng, lời xin lỗi mà bài báo trên
đề cập lại mang nội dung là “I am sorry” được phát ra khi người ta có
lỗi thực sự. Cũng lạ, đã có lỗi thực sư thì ai cũng phải nói lời xin lỗi
chứ sao chỉ dành riêng giáo viên. Cha mẹ vẫn phải xin lỗi con cái nếu
mắng oan đứa bé hay không giữ đúng lời hứa, cấp trên vẫn phải xin lỗi
nếu mình có sai sót với nhân viên,….. Đứng về phương diện cá nhân, tôi
cho rằng một bài giảng của giáo viên mà sai kiến thức thì thật là khó
chấp nhận, vì ngoài giờ đứng lớp, giáo viên có thời gian cho soạn giáo
án vẫn được tính vào công lao động để chuẩn bị bài giảng, sau đó sẽ được
phê duyệt bởi tổ trưởng hay tổ phó bộ môn chỉ trừ ở bậc đại học. Là
người đi truyền đạt lại, giáo viên chẳng những là người biết/hiểu rất
sâu mảng kiến thức mà mình đứng ở cương vị là thầy, mà còn biết tập hợp,
phân tích, cập nhật những nội dung có liên quan tới nội dung bài giảng
nữa. Trong quá trình giảng bài, chuyện viết sai, đọc sai con số, câu chữ
cũng có thể chấp nhận được nhưng chỉ là hạn hữu vì giáo viên, ngoài
việc được trang bị kiến thức chuyên môn ra, họ phải trải qua nghiệp vụ
sư phạm, phương pháp giảng dạy, tâm lý lứa tuổi, tình huống sư phạm điển
hình, trải qua một học kỳ thực tập rồi mới được công nhận (nhận bằng)
để hành nghề.
Khi còn là học sinh, Nhái thực sự cảm
thấy gần gũi, tin tưởng những thầy cô giáo khi họ nói, “xin lỗi các em,
thầy/cô đã viết sai chỗ này….các em sửa lại nhé”. Thái độ đó thể hiện sự
trung thực, biết tôn trọng học sinh và cũng là tôn trọng chính mình.
Khi bước lên bục giảng với cương vị làm thầy, bắt đầu một buổi học lúc
nào Nhái cũng hỏi, “các em có thắc mắc gì về bài giảng lần trước không?”
và kết thúc bài giảng bao giờ cũng là một lời đề nghị “nếu có bất kỳ
điều gì cần trao đổi, các em cứ mạnh dạn hỏi” và dành khoảng 5 phút
trước khi kết thúc. Khi người thầy ở một tư thế sẵn sàng “đối mặt” với
đối tác của mình, sự chuẩn bị về nội dung kiến thức, về sự chỉnh chu và
tinh thần cầu thị cũng cao hơn, làm việc có trách nhiệm hơn. Đó chính là
phương châm mà các nhà giáo dục học đang hô hào “giáo viên chỉ là người
hướng dẫn, học sinh là trung tâm” đấy các bác ạ.
Chỉ buồn cười là, tới tận thế kỷ 21 của
nhân loại, nền giáo dục Việt Nam lại bàn về cái văn hóa căn bản trong
giao tiếp ứng xử mà thế giới họ đã trở thành phản xạ có điều kiện từ lâu
lắm rồi.
Hay vì Việt Nam có quá nhiều loại câu ”xin lỗi” mà người dân đã tỏ ra nghi ngờ về cái tâm của người phát ra nó?
Tác giả Nhái Bén gửi trực tiếp cho hailuablog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét