Posted by Dr. Nikonian
on 25/10/2012
Đích đến sẽ là tối hậu với dân đường xa mỗi khi ngao du ở một siêu đô thị sầm sập tiếng metro, inh ỏi tiếng xe bus, xe hơi như mắc cửi. Giữa cái đám đông tam khoang tứ đốm trong một biển người xa lạ đó, lòng ta bỗng hoang mang quá đỗi. Ta ngó ngang ngó dọc, ta dở bản đồ, ta bấu lấy cuốn Lonely Planet để không bị lạc đường, không bị mất hút trong cái biển người mênh mông đó. Vì lạc đường là hết, ta sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn đêm xuống trên tháp Effeil, hay ngẩng đầu chụp tượng Nữ thần Tự do in bóng trên trời xanh New York. Hay sẽ chẳng dịp nào nữa để nhìn bóng nắng hiu hắt đổ xuống mộ Chopin trong một chiều thu Paris nắng vàng như mật…
Đi bụi nơi xứ người thì đích đến là chung cuộc. Đường đi hay khung cảnh chẳng thân quen là chuyện tầm phào, vì không nhiều lắm những điều mà ta có thể hiểu và yêu mến.
Vậy mà đã có một lần tôi bỏ cuộc, sau nửa ngày leo núi ròng rã trong thung lũng Zion. Hẻm núi hùng vĩ này là niềm mơ ước của bao tay nhiếp ảnh, liều cả sinh mạng chỉ để chụp ánh nắng đứng ngọ ban trưa chiếu thẳng qua khe núi, chỉ một lần duy nhất trong ngày. Như nó vẫn thế trong rất nhiều thiên niên kỷ trước.
Trở ngại cuối cùng sau 25 dặm đường núi cheo leo là một dốc núi trơn trợt, nước chảy xiết và trơn tuột. Nhìn các bạn Mỹ vũ trang đến tận răng với đồ người nhái chống lạnh, ủng cao su, dây đeo bảo hộ…, tôi biết mình không nên tiếp tục chỉ với bộ đồ jeans và cái bal lô nặng trịch sau lưng, nếu không muốn đem máy ảnh về bán ve chai, và… nếu còn muốn toàn mạng để trở ra.
Thế là ngậm ngùi quay về, hối hả ngược đường trước khi mặt trời lặn xuống qua hẻm núi, khi nhiệt độ rơi xuống âm 14 độ trong đêm.
Tấm ảnh chụp hẻm núi Zion năm ấy là của H, bạn cùng đi gan dạ, người đã đặt chân vào hẻm núi Zion không dưới một lần. Và cũng để ghi dấu sự “thất bại mỹ mãn” của tôi trong chuyến ngao du ấy. Đường đi phải chịu thua đích đến, biết sao bây giờ?
Nhưng ở quê mình thì khác, khác lắm!
Vì có lạ lùng gì đâu, những địa danh du lịch của xứ mình. Đã đi, đã đến và…đã chán với ngần ấy nơi chốn. Đó là chưa kể, mỗi lần quay lại là thấy mất đi một chút thuần hậu, hay sự thiên lương cứ méo mó đến mức phải lắc đầu ảo não.
Ngao du ở xứ mình thì phải quên đi đích đến, lấy cái sự thú vị là đường đi, càng vô định càng tốt để lấy sự nhàn nhã, không gì thúc bách làm vui. Và cả lắm điều bất ngờ nữa.
Này, bạn có bất ngờ không? Khi chợ cá Phú Quốc bừng tỉnh sau một ngày. Ánh sáng, màu sắc, thanh âm, và cả mùi nước mắm đậm đặc kia quả sinh động quá chừng, không bút mực nào tả xiết. Chỉ cần ngồi thu lu một góc, nhìn bà con mình xuôi ngược qua cầu phà, nhìn ngư dân vá lưới, nhìn gánh xôi, xe rau, gánh cá… kĩu kịt trước mắt. Lòng ngấm ngầm cảm động khi nghĩ đến sự cần lao và những giọt mồ hôi nhọc nhằn và lương thiện của dân mình, như những gì đang diễn ra trước mắt.
Cũng bất ngờ không kém, bức tranh điền dã đẹp đẽ với rất nhiều màu sắc đó, như bị hắt vào một thau sơn nhoe nhoét, là tiếng loa phường thô lỗ, hỗn hào xé ngang và đâm thẳng vào tai. Nó ông ổng cực kỳ vô duyên khi rổn rảng bản tin sáng bằng một giọng cục cằn: “Cần làm gì để đối phó với những tin xấu về chứng khoán?” (?).
Loa phường ở chợ cá Dương Đông là một sự bất ngờ khó chịu. Nhưng ngạc nhiên chưa, nơi không có loa phường lại chính là khu hành chính thị trấn, nơi tập trung các cơ quan đầu não. Ở đó, ta tìm được một góc vắng, một cây bàng lưu niên đang đổ bóng và chỉ có tiếng sóng biển ầm ì. Có lẽ, những người thiết đặt hệ thống loa phường trên đảo Phú Quốc là người hiểu rõ hơn ai hết về sự yên tĩnh là một đặc ân. Đặc ân đó, rõ ràng không dành cho những người đang đổ mồ hôi bạc cả vai áo để mưu sinh và hoàn toàn mù tịt về chứng khoán hay các loại “diễn tiến hòa bình”.
Bất ngờ đó- dù sao cũng là một bất ngờ – khoan khoái và dễ chịu.
Nhưng lang thang ở Phú Quốc mà đi tìm sự tĩnh lặng là dại. Như mọi địa điểm du lịch khác, người ta có thể nghe thấy nơi đây vô số thanh âm, ngữ điệu của mọi vùng miền đất nước. Tỷ như chị đàn bà to béo, xăm chân mày rất đậm ở bàn bên cạnh trong một quán ven đường. Chắc bức xúc về công việc đầu tư chi đó, chị oang oang phone về nhà cho cả quán cùng nghe. Mà cuộc điện thoại ấy, dù không muốn nghe trộm, đủ làm cho người trong quán tủm tỉm cười vì chen rất nhiều thán từ “đm, đ,…” Khá vui tai! Và làm sao không khỏi bật cười khi nghe được một câu nguyên văn thế này: “Yên tâm nhé, dân đây hiền lắm, đ. như xứ mình đâu”. Đúng thế, “xứ mình” quả không hiền chút nào, thưa bà chị kiêm nhà đầu tư vào Phú Quốc!
Ý chừng, để chứng tỏ “dân đây hiền lắm”, chị chủ quán phốp pháp, đen nhẻm với đồ bộ hoa hoè sặc sỡ chợt xoay qua một gã trung niên đầu bạc đang bế con núp mưa ở bàn bên cạnh: “mưa gió dịa mà cha con đi uống cafe cực khổ vậy cà. Đưa em đây, chị bồng cho CƯNG ăn sáng!”
Ôi chao, phải chăng đây là “dịch vụ khách hàng” cực sang, cực trọng nhất mà tôi đã thấy qua bao năm rong ruổi. Có thể nó vụng về, và chẳng thể nào chuyên nghiệp bằng những nụ cười được huấn luyện tới đẳng cấp năm sao. Nhưng nó chứa đầy chữ TÌNH, giản dị, trọn vẹn và viết hoa. Đi đâu để thấy lòng cảm động quá chừng với chữ tình mộc mạc như vậy, ngoài đi trên đất nước nhọc nhằn và nghèo khó của mình?
Vậy đó, nhiều khi ngồi ngẫm nghĩ, tự thấy mình như một con cá đã đi, đã thấy, đã nếm bao nhiêu hương vị ở những vũng nước rất trong. Nơi đó, cuộc sống sung sướng, ổn định, thanh bình. Nơi đó, những con-cá-nước-trong đang tận hưởng những niềm vui vật chất và tinh thần mà chưa chắc cả trăm năm sau, người dân tôi mới được nếm trải. Nhưng cũng nơi chốn đó, lại làm cho một con cá xa nhà nhớ về một vũng nước, tuy chẳng mấy gì trong trẻo, nhưng lại làm lòng ta khắc khoải và thương nhớ vô hạn.
Vì vũng nước đục ấy, ta gọi là quê hương!
Và vũng nước ấy, càng ngày càng đục, thưa các bạn!
http://www.drnikonian.com/2012/10/duong-di-hay-dich-den/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét