Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Trả lại chân giá trị cho giáo dục


Một trong các chủ đề tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XI của Đảng là thảo luận về giáo dục đào tạo. Nhiều người quan tâm đến giáo dục đại học và việc có bằng cấp khi ra trường để đi làm việc nhưng lại quên đi , cái gốc của giáo dục lại hình thành từ những bậc học thấp nhất (mầm non, phổ thông). Sau việc sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trước đây thì dường như xu hướng nhấn mạnh hơn đến giáo dục bậc Đại học hơn là bậc học phổ thông càng rõ nét.

Dạy làm người và môn “Giáo dục công dân”

Các bậc phụ huynh học sinh đều biết hầu như các cháu chỉ được học về kiến thức chuyên môn của các môn học, nhất là các môn sẽ phục vụ cho việc thi vào đại học sau này. Các phần kỹ năng sống và cách trở thành một công dân tốt khá non nớt và thậm chí còn hạn chế hơn nhiều so với thời bao cấp xưa kia. Ở đâu đó có câu nói: ”Nhà trường không chỉ cần dạy kiến thức mà quan trọng hơn là dạy các cháu làm người”. Tuy nhiên, môn giáo dục công dân, môn học có mục tiêu chính là giúp các cháu trở thành “người công dân” tốt cho tương lai, lại là môn học bị coi thường nhất và được giảng dạy một cách hời hợt nhất. Các thày cô dạy môn này cũng cảm thấy buồn tủi vì ít được là “quan trọng” nhất. Phần trao đổi của thày cô chủ nhiệm tại các buổi họp phụ huynh cũng ít đề cập đến việc các cháu đã có những biến chuyển gì trên phương diện trở thành công dân trong tương lai. Có ai thử đặt câu hỏi tại sao hầu như không bao giờ có chuyện một thày / cô dạy môn giáo dục công dân lại là một giáo viên chủ nhiệm?
Nhà trường “nhường lại” việc dạy làm người cho gia đình: Chính bố mẹ bây giờ lại trở thành thày cô dạy giáo dục công dân cho các cháu. Bằng sự hiểu biết, quan tâm và nhất là bằng tầm gương của mình, các phụ huynh cần dạy các cháu phải trung thực, phải biết lao động và tự lo cho bản thân mình, biết rung cảm trước thiên nhiên và nghệ thuật, lòng nhân ái…Không phải phụ huynh nào cũng hiểu và có điều kiện và khả năng làm tốt công việc này.

Chương trình, sách giáo khoa, thi cử và hiện tượng “học trước”

Trên công luận đã phản ánh nhiều bất cập về chương trình, sách giáo khoa, và thi cử. Không giống như ở bất cứ nước nào và cũng không giống chính Việt Nam trước đây, trên thực tế các trường đều yêu cầu các cháu học trước. Có một thực tế là ngày khai trường hiện nay không còn cái cảm xúc bồi hồi của một ngày “tạm biệt mùa hè” và bắt đầu bước vào năm học mới khi hầu hết các trường đều tổ chức cho các cháu học từ lâu. Ở nhiều nơi trước khi vào tiểu học, các cháu đã phải biết đọc. Ở cấp nào các cháu cũng phải đi học thêm và học trước kiến thức. Thầy cô trên lớp lại dựa trên trình độ chung của các cháu học đã học trước nên đưa bài học đi quá nhanh khiến cho cháu nào không đi học trước khó mà theo được. Không thể không đặt ra câu hỏi vì lý do gì mà hình thành tập quán học trước như vậy? Trường nào cũng bắt học sinh nhập học sớm để “học trước” – vì lợi ích của học sinh hay vì lợi ích của thầy cô giáo? Tại sao thầy cô không dạy dựa trên trình độ của các cháu học từ đầu? Chương trình: có một hiện tượng cũng không giống ai là học và thi ở cấp III phổ thông mà lại đưa cả một số nội dung vốn thuộc bậc đại học vào coi như đánh đố các cháu.

Đầu tư như thế nào

Không đủ tin tưởng giao phó con em mình cho nhà trường, nhiều phụ huynh học sinh vì tương lai của con em mình đành phải tự mình dành thời gian, công sức trực tiếp hướng dẫn, dạy dỗ trong thời gian con cháu còn học phổ thông, thậm chí có người nói vui là gia đình đã chủ động thành lập một “ban giám hiệu tại gia”: Bố là hiệu trưởng, mẹ là giáo viên chủ nhiệm. Có vẻ như các cháu thiếu một người thầy đúng nghĩa trong trường quan tâm dẫn dắt các học trò thân yêu của mình, người mà sau này khi lớn lên các cháu vẫn còn nhớ đến với những tình cảm và kỷ niệm đẹp. Phần lớn các cháu đã gặp các “thợ dạy học”, chỉ lo hoàn thành tiết học của mình như “làm khoán” mà không quan tâm đến việc học trò của mình thực sự đã thực sự tiếp thu được những gì. Câu nói “lấy học trò làm trung tâm” hầu như vẫn còn là khẩu hiệu khi trên thực tế nhà trường và các giáo viên vẫn thực sự đang là “trung tâm”.
Cái giá phải trả đầu tiên là có những bà mẹ không đi làm để thường trực 24/24 không chỉ để chăm lo cho các cháu mà còn để luôn sẵn sàng ứng phó với các cơn nóng lạnh bất thường đến từ nhà trường. Tôi có người bạn, may mắn trong gia đình có người vợ đảm đang, tháo vát, biết nghề sư phạm nhưng không đi dạy, mà gần như trở thành cô giáo chủ nhiệm chuyên nghiệp của con mình. Chính người phụ nữ này có tài bắt được “sóng” từ các đòi hỏi của các thầy cô và tìm cách hoá giải các thách thức này để cố gắng đảm bảo con mình được học tập bình thường, và được sống đúng với tuổi của các cháu. Chắc không phải người mẹ nào cũng có cái tài ấy và cũng không phải gia đình nào cũng có thể “bố trí” riêng một người lớn đảm nhiệm việc này.

Dạy thêm = “Nồi cơm của nhiều thầy cô giáo”

Đây là căn bệnh trậm kha lâu nay chưa có thuốc chữa của ngành giáo dục. Hậu quả của nó không chỉ là sự tốn phí của cha mẹ học sinh mà cái dở nhất là nó đặt các cháu vào một mê cung giáo dục không thể kiểm soát nổi và vắt kiệt sức các cháu. Các cháu học thêm quá nhiều cái không cần và cũng không còn năng lượng để học nhiều cái cần. Nếu coi các cháu là sản phẩm của giáo dục thì sản phẩm đó cần được sản xuất từ một dây chuyền công nghệ khoa học với một quy trình chặt chẽ nhưng với việc học thêm không thể kiểm soát được thì làm gì còn quy trình nào nữa.
Không phải thầy cô nào cũng dạy thêm nhưng phần lớn ở các trường, các “học sinh thân yêu” đã trở thành khách mua dịch vụ trong con mắt của thày cô giáo. Nếu không chịu học thêm thầy cô thì đương nhiên trở thành “đối tượng chống đối” lợi ích căn bản của thầy cô thì khó mà mong được điểm tốt và được đối xử thân thiện. Những điểm tốt do đi học thêm trở thành mối nguy hiểm cho tư duy và nhân cách của các cháu. “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” – có lẽ câu ngạn ngữ này chỉ đúng với kiểu thầy đồ dạy trẻ ở làng chứ bây giờ ý này lại góp phần sinh ra những tiêu cực trong quan hệ giữa thày cô và gia đình.
“Xã hội hoá”: Báo chí mới đưa tin có những lớp học mới đây có “doanh thu 300 triệu” từ đóng góp đầu năm của phụ huynh cho những lớp “con nhà giàu”. Người ta đã thương mại hoá đến mức độ tổ chức những lớp học “5 sao” bên cạnh những lớp học thường mà không để ý xem liệu các lớp học “5 sao” này có giúp các cháu trở thành người tốt hơn không.
Có dịp đi vùng sâu, vùng xa, đặc biệt vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, sẽ thấy cảnh tượng những ngôi trường nứa lá xiêu vẹo, nơi các thày cô “cắm bản” phải dành dụm đồng lương của mình để mua kẹo dụ dỗ các cháu đi học, nấu cơm cho các cháu ăn, gùi nước suối về cho các cháu uống. Chế độ chính sách cho các thày cô này không khác là mấy so với các thày cô tại Hà Nội hoặc các thành phố lớn khác.
Tại sao lại bắt các cháu người dân tộc học cùng chương trình với các cháu người kinh khi năng lực ngôn ngữ và tư duy của họ chậm hơn? Sao không cho các cháu dân tộc thiểu số học 2 năm một lớp. Thà các cháu học hết lớp 4, lớp 5 một cách đàng hoàng - biết đọc thông, viết thạo còn hơn là cố lôi các cháu lên cấp 2 lấy thành tích ảo để suốt ngày ngồi nhầm lớp.

Giáo dục phổ thông các nước tiên tiến

Giáo dục phổ thông có mục tiêu rất quan trọng là tạo ra con người đủ khả năng tự lập vào lúc 18 tuổi hoặc tối đa đến 21 tuổi. Vì vậy, ngoài kiến thức lý thuyết, 50% nội dung chương trình là giúp học sinh có đủ khả năng tự lập sau này: tính độc lập, kỹ năng giao tiếp, khả năng thủ công, khả năng kiếm việc làm, hiểu biết về xã hội và chính trị, sức khỏe.
Giáo dục còn giúp người học phát hiện khả năng của mình, chọn lựa nghề nghiệp dựa theo khả năng của mình. Ngoài ra một phần quan trọng là giúp người đó ra ngoài đời có đạo đức, có đủ tính cách được xã hội chấp nhận (chia sẻ, vì cộng đồng, trung thực, cần cù chăm chỉ, tôn trọng người khac ...), để có thể được coi là công dân của xã hội.

Điều gì rút ra

Mong muốn của phụ huynh học sinh có lẽ cũng rất giản dị (nhưng không dễ trong thời buổi hiện nay) là các cháu được sống và học tập hồn nhiên, lớn lên tự nhiên đúng với lứa tuổi của mình. Giáo dục phổ thông phải là giáo dục cho mọi người. Các cháu được dạy dỗ, rèn dũa để trở thành người công dân có ích là mục tiêu chính, song song với dạy kiến thức các môn học cũng như các kỹ năng sống.
Ngành giáo dục và nhà trường thiết kế và vận hành một quy trình giáo dục phổ thông tiêu chuẩn, không có học thêm (như Phần Lan chẳng hạn). Việc học bồi dưỡng thêm chỉ dành cho những trẻ đặc biệt – rất thông minh hoặc quá kém.
Hệ thống học hành, thi cử đúng với nghĩa là giáo dục phổ thông – cơ bản và đại trà. Không phải là một sự thách đố đối với các cháu và gia đình. Các thày cô ứng xử đúng với 2 chữ “kỹ sư tâm hồn”, sống và làm việc đúng với lương tâm nhà giáo. Tình cảm thầy trò trở lại như ngày xưa, một thời tự nhiên, trong sáng.

Thay cho lời kết

Hệ điều hành: Khó tách giáo dục ra khỏi bức tranh chung của toàn xã hội. Rất khó chỉ đổ trách nhiệm riêng cho các thày cô giáo, các nhà trường, và thậm chí cả Bộ trưởng Bộ giáo dục về thực trạng yếu kém của mặt bằng giáo dục hiện nay so với các nước xung quanh và so với chính Việt Nam trước đây. Những bệnh tật trầm kha trong cơ thể xã hội đã quyết định các khuyết tật trong ngành giáo dục, cũng như trong các ngành khác. Xã hội phải lành mạnh thì giáo dục mới lành mạnh.
Chính trị hoá mọi thứ làm xơ cứng những giá trị thuộc về tâm hồn. Liệu đã có ai thống kê có bao nhiêu sự giả dối (do bị chính trị hoá) đã được mang vào các trang sách của học trò trong suốt 12 năm học phổ thông? Sự giả dối trong giáo dục cũng bắt nguồn từ đây. “Bệnh thành tích” nan giải hiện nay chẳng qua cũng là một tên gọi khác của sự giả dối. Muốn giáo dục thực sự là khoa học đào tạo con người phải bỏ tuyên truyền chính trị kiểu như hiện nay ra khỏi giáo dục. Nếu có còn, chính trị cũng phải là một môn khoa học chứ không phải là một sự tuyên truyền có tính áp đặt của những ai đó có quyền hành.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, cần phải trả lại chân giá trị cho giáo dục. Loài người đã sang thế kỷ 21, để vận hành xã hội, trong đó có giáo dục một cách tử tế không phải là điều quá mới và quá khó. Phải xây dựng lại mục tiêu giáo dục. Cũng như các lĩnh vực khác, muốn cải cách giáo dục thì trước tiên phải cải cách hệ điều hành và con người lãnh đạo.

TVT (bản gốc của tác giả)
Tô Văn Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét