Tạp Chí Kinh Tế RFI Ngày 121009
Tranh chấp Senkaku, Trung Quốc tẩy chay cuộc họp của IMF ở Tokyo
* Trước địa điểm diễn ra cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới,
Tokyo International Forum, Tokyo, 09/10/2012. REUTERS/Toru Hanai *
Vào
lúc toàn cảnh kinh tế thế giới khá ảm đạm, IMF hạ dự báo tăng trưởng của châu Á
và của bản thân Trung Quốc, bốn ngân hàng lớn của Bắc Kinh vắng mặt trong khóa
họp mùa Thu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới tổ chức tại Tokyo
từ ngày 9 đến 14/10/2012. Tranh chấp Nhật Trung về chủ quyền biển đảo
Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, tài chính của thế
giới?
Lần
cuối cùng Tokyo được vinh dự tổ chức cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền Tệ Quốc
Tế và Ngân Hàng Thế Giới là vào năm 1964. Khi đó cả thế giới đang ngưỡng mộ mô
hình phát triển của Nhật, ngành công nghiệp của xứ hoa anh đào đang trong giai
đoạn cất cánh. Gần nửa thế kỷ sau, cuộc họp khóa mùa thu 2012 trở lại Tokyo
trong bối cảnh Nhật Bản đang trực diện với nhiều thách thức kinh tế, với hiện
tượng dân số đang trên đà lão hóa và Tokyo – Bắc Kinh đang cơm chẳng lành, canh
chẳng ngọt vì tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa
Đông.
Vài
giời trước khi khai mạc cuộc họp thường niên vào mùa thu của IMF và WB, Tân hoa
xã thông báo Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Trung Ương, Ngân hàng Tái Thiết
và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc vắng mặt tại cuộc họp Tokyo.
Việc
nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc tẩy chay cuộc họp của IMF tại Tokyo khiến dư
luận khó hiểu khi biết rằng, Bắc Kinh luôn nỗ lực mở rộng vai trò và ảnh hưởng
trong các luồng giao dịch tài chính thế giới, giành một chỗ đứng quan trọng hơn
trong một định chế tài chính đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Đối
với IMF, Bắc Kinh vừa muốn giảm bớt ảnh hưởng của đồng đô la trong rổ tiền tệ
còn được gọi là quyền trích xuất đặc biệt (SDR hay Special Drawing Rights), vừa
muốn đơn vị tiền tệ của mình là đồng nhân dân tệ được công nhận là một ngoại tệ
dự trữ. Cho dù Trung Quốc thừa biết rằng để tham gia rổ tiền tệ của IMF thì
đồng nhân dân tệ phải được thả nổi, điều mà trước mắt Bắc Kinh chưa sẵn sàng.
Rổ
tiền tệ còn được gọi là «quyền rút vốn đặc biệt», đặt dưới sự quản lý của IMF,
hiện lên tới 310 tỷ đô la. Trong rổ riền này, đồng đô la Mỹ chiếm 41,9%. Euro
là 37,4% ; đồng yen là hơn 9% và đơn vị tiền tệ của Anh là gần 12%. Mặc dù đóng
góp nhưng đồng nhân dân tệ không được nằm trong số rổ tiền tệ của IMF.
Trong
bối cảnh các luồng trao đổi tài chính trên thế giới ngày càng gia tăng, «rổ
tiền» 310 tỷ đô la chỉ tương đương với chưa đầy 5% tổng dự trữ ngoại tệ trên thế
giới. Trong khi đó, Trung Quốc đang dư thừa ngoại tệ, kiểm soát hơn 3 000 tỷ đô
la dự trữ ngoại tệ, (dự trữ của Nhật Bản là 1 300 tỷ đô la). Vào tháng 3/2011,
tổng thống Pháp khi đó là ông Nicolas Sarkozy đang giữ chức chủ tịch luân phiên
G20 đã đề nghị để đơn vị tiền tệ Trung Quốc tham gia vào rổ tiền quốc tế với ba
mục đích cụ thể: Một là để tăng khả năng can thiệp của IMF trong trường hợp một
quốc gia thành viên cần ngoại hối. Hai là để giảm bớt trọng lượng của đồng đô
la – qua đó là của Hoa Kỳ đối với IMF. Cuối cùng, Paris muốn từng bước buộc
Trung Quốc thả nổi đồng tiền, tăng giá nhân dân tệ.
Đề
nghị nói trên của Pháp tới nay vẫn chỉ mới chỉ là tuyên bố trên giấy tờ. Thực
tế cho thấy là ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc trên các thị trường tài chính
thế giới hãy còn chưa đáng kể. Chính vì vậy mà Bắc Kinh muốn xem IMF như một
đòn bẩy để tham gia nhiều hơn vào chính sách tài chính và tiền tệ toàn cầu. Vậy
thì câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh lại để cho các tập đoàn ngân hàng lớn
Trung Quốc tẩy chay cuộc họp thường niên, quý mùa thu của IMF và Ngân Hàng Thế
Giới tại Tokyo?
Trước
khi trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ trở lại
bối cảnh cuộc họp khá đặc biệt ở thủ đô Nhật Bản lần này:
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Hàng
năm, hai định chế ấy vẫn có khóa họp định kỳ vào đầu Thu, quãng tháng 9 hay
Tháng 10, và sau hai kỳ tổ chức tại hội sở chính ở thủ đô Washington DC của Mỹ
thì lại có một lần họp ở một xứ khác. Lần trước vào năm 2009 là ở Istanbul của
xứ Turkey, lần này là tại Tokyo. Như vậy, đây là một quyết định có tính chất
quốc tế của các nước trong hai Hội đồng Thống đốc của hai tổ chức này.
- Thế
rồi, để hâm nóng dư luận trong nước, lãnh đạo Bắc Kinh đã có một quyết định
‘nửa nạc nửa mỡ’, là vẫn chính thức tham dự, nhưng cho một số ngân hàng quốc
doanh lên tiếng tẩy chay. Tôi thiển nghĩ rằng đây là chuyện ấu trĩ cho yêu cầu
tuyên truyền nội địa nhưng gây hậu quả bất lợi với dư luận quốc tế vì thật ra,
người ta sẽ không đánh giá cao phần phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Trung Quốc là ông Chu Tiểu Xuyên trong ngày cuối của phiên họp.
RFI: Từ nhiều năm nay, Trung
Quốc muốn gây ảnh hưởng vào hoạt động tài chính của thế giới và riêng trong cơ
chế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Họ gây ảnh hưởng như thế nào?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Trung
Quốc có một khối dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới tương đương với hơn ba ngàn
tỷ đô la, so với khoảng một ngàn 300 tỷ đô la của Nhật là nước đứng hạng nhì.
Họ cũng có hai tập đoàn đầu tư quốc doanh có thể đầu tư vào xứ khác mà thật ra
mới có cỡ 300 tỷ để tung hoành nên vẫn chưa đáng kể. Song song, họ còn có chính
sách viện trợ với dụng ý tranh thủ cả quyền lợi kinh tế lẫn lập trường ngoại
giao có lợi cho Bắc Kinh trong các nước đang phát triển. Nói chung, ảnh hưởng
quốc tế của Trung Quốc trên các thị trường tài chính quốc tế vẫn chưa đáng kể
và không thế so sánh với Nhật Bản chứ chưa nói gì đến Hoa Kỳ hay Âu Châu.
- Tuy
nhiên, Bắc Kinh cũng nhắm vào một cái đòn bẩy khác là xuyên qua Quỹ Tiền tệ
Quốc tế mà tác động vào hoạt động tài chính của thế giới.
- Về
thực chất, Quỹ Tiền tệ FMI hay IMF là một loại "ngân hàng cấp cứu" có
chức năng ổn định tình hình ngoại hối toàn cầu qua viện trợ tài chính và kỹ
thuật cho xứ nào bị nguy cơ khủng hoảng. Trong cơ chế này, mỗi hội viên góp một
phần vốn để từ đó có quyền trích xuất đặc biệt, hay quyền đặc trích,
"droits de tirage spéciaux", tương đương với phần hùn hay
"quota" hoặc hạn ngạch của mình để sử dụng khi hữu sự.
- Tỷ
lệ góp vốn cao thấp ấy cũng là ảnh hưởng lớn hay nhỏ của quốc gia hội viên. Hoa
Kỳ hiện dẫn đầu với quyền đặc trích tương đương với khoảng 42 tỷ đô la và qua
phần hùn thì có quyền quyết định mạnh nhất là hơn 17%. Kế tiếp là Nhật với gần
16 tỷ và sức nặng hơn 6%. Sau đó là Đức, Anh và Pháp rồi mới đến Trung Quốc,
với phần hùn cỡ chín tỷ và sức nặng trong các quyết định chỉ ở dưới 4% mà thôi.
Đó là về lượng.
- Về
phẩm thì quy định của định chế này là quyền đặc trích ấy chỉ có thể hoán chuyển
qua bốn loại ngoại tệ là đồng Mỹ kim, đồng Euro, đồng Yen Nhật và đồng Anh kim.
Dĩ nhiên là trong hệ thống đó, đô la Mỹ vẫn có ảnh hưởng nhất vì là ngoại tệ dự
trữ phổ biến nhất.
- Từ
mươi năm nay, cùng Liên bang Nga và một số quốc gia mới nổi như Ấn Độ hay
Brésil, Trung Quốc đòi giảm dần vị trí của đồng Mỹ kim trong hệ thống tiền tệ
của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Yêu cầu đó càng gia tăng từ năm 2007 đến nay do vụ
khủng hoảng tài chính toàn cầu khi Mỹ phải in bạc cấp cứu kinh tế và cũng là
khách nợ số một của Trung Quốc. Song song, Bắc Kinh cũng vận động các nước công
nhận đồng Nguyên hay Nhân dân tệ của họ là một ngoại tệ dự trữ.
- Nhưng
đòi hỏi đó hoàn toàn vô vọng vì đồng Nguyên chưa có quyền tự do giao hoán như
các loại ngoại tệ kia. Nói cho cùng thì qua nhiều ngõ ngách khác nhau trong Quỹ
Tiền tệ Quốc tế, Bắc Kinh muốn được thế giới coi như một đại gia tài chính quốc
tế mà khó thành công vì vẫn duy trì chế độ kiểm soát hối đoái, tức là tác động
vào trị giá của một đồng bạc quốc tế.
RFI: Nhưng thưa anh, ngay trong
vụ khủng hoảng vừa qua của khối Euro, dường như Bắc Kinh đã ngỏ ý châm tiền cho
Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể cấp cứu các nước lâm nạn?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: -
Trong vụ khủng hoảng của khối Euro, các nước Âu châu có một tam đầu chế là ba
cơ chế cùng phối hợp việc cứu nguy là Hội đồng Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu
châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Riêng quỹ này có thể góp từ 400 đến 500 tỷ đô la
cho việc cấp cứu tài chính.
- Khi
ấy, các nước Âu châu dại dột kêu cứu Trung Quốc châm tiền cho Quỹ IMF mà kết
quả cũng chẳng là bao. Thứ nhất, khối Euro cần số tiền lớn hơn gấp bội. Thứ
hai, Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề tài chính và ngân hàng nguy ngập không
kém. Nhưng do nhu cầu gây ảnh hưởng ngoại giao, Tháng Tư vừa qua, Tokyo và Bắc
Kinh đã thi đua châm tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế để cứu trợ Euro. Nhật Bản hứa
góp 50 tỷ, Trung Quốc thì hẹn 60 tỷ.
RFI: Nhật Bản và Trung Quốc ngấm
ngầm tranh đua từ lâu chứ không đợi đến khi mâu thuẫn Senkaku/Điếu Ngư bùng nổ
và nay mới phơi bày ra mâu thuẫn đó trong kỳ họp hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc
tế.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Từ
nhiều thập niên rồi, Nhật là chủ đầu tư và chủ nợ lớn nhất và có ảnh hưởng nhất
tại Đông Á cho tới khi xứ này lâm khủng hoảng từ năm 1990. Nhưng ảnh hưởng đó
vẫn còn cho tới khi Trung Quốc xuất hiện như một thế lực mới tại Á châu, nhất
là với Hiệp hội ASEAN của 10 Quốc gia Đông Nam Á qua hệ thống đối tác gọi là
ASEAN+3 là cộng thêm Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.
- Sau
vụ khủng hoảng tài chính 2008-2009, khi châu Á bị hiệu ứng và gặp rủi ro ách
tắc tín dụng thì Tokyo và Bắc Kinh liền giành thế mạnh khi thương thuyết về
ngân khoản và cơ chế cứu trợ trong Sáng kiến Chiang Mai. Kết quả là hai bên
châm tiền bằng nhau, là 38 tỷ tư, và cùng lập ra trung tâm nghiên cứu kinh tế
châu Á AMRO của cơ chế ASEAN+3 này, với tổng giám đốc luân phiên là người Hoa
và người Nhật. Nhưng đấy chỉ là màn triển lãm vì ngân khoản dự phòng 120 tỷ đô
la là quá nhỏ. Mà có tăng gấp đôi như vừa quyết định vào Tháng Năm vừa qua, là
240 tỷ, thì chưa đủ ứng phó với rủi ro tài chính châu Á. Ngoài ra, về chuyên
môn thì cơ chế hỗn hợp của ASEAN+3 với vai trò của Nhật Bản và Trung Quốc ở
đằng sau vẫn cần tới sự phối hợp chuyên môn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
RFI: Tức là tính đi tính lại thì
định chế tài chính này vẫn giữ vai trò chủ động. Thưa anh, liệu như vậy, mâu
thuẫn vừa qua giữa Trung Quốc với Nhật Bản nhân vụ họp của Quỹ FMI chỉ là
"trận bão trong chén nước"?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi
nghĩ là câu trả lời gồm có hai phần ngắn và dài, khôi hài và bi đát.
- Thứ
nhất, Bắc Kinh làm ra vẻ tẩy chay hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ để đạt
thành quả biểu kiến với thần dân u mê của họ ở nhà chứ phái đoàn chính thức của
Trung Quốc vẫn phải tham dự vì đây là một khóa họp quốc tế của Quỹ Tiền tệ IMF
và Ngân hàng Thế giới tổ chức cho 188 quốc gia hội viên, chứ không là một hội
nghị của Nhật Bản.
- Bà
Tổng giám đốc Christine Lagarde của IMF cảnh báo rằng vai trò của Trung Quốc và
Nhật Bản là quá quan trọng cho kinh tế toàn cầu nên hai nước không nên để bị
chi phối bởi tranh chấp song phương giữa đôi bên. Vì vậy, việc mấy ngân hàng
của Trung Quốc làm bộ không thèm tham dự chỉ là chuyện khôi hài.
- Chuyện
bi đát là nhìn trong dài hạn, ta đã từng thấy lãnh đạo Trung Quốc khơi dậy tinh
thần ái quốc và bài ngoại để khỏa lấp những khó khăn nội bộ. Vụ vận động
"Nghĩa hoàn đoàn" hay "Loạn Quyền phỉ" đời Thanh Mạt vào
cuối thế kỷ 19 là thí dụ khó quên. Vì những bất ổn bên trong, lãnh đạo Bắc Kinh
đang khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và tinh thần chống Nhật, nhưng sẽ gặp bất lợi
về kinh tế như chúng ta đã phân tích kỳ trước và bị hiểm nguy về chính trị như
người ta có thể thấy sau này. Lý do là xua dân xuống đường chống Nhật thì dễ
chứ dẹp biểu tình thì mới rắc rối! Trong khi chờ đợi, dư luận thế giới đều thấy
Trung Quốc không là một quốc gia đối tác biết điều và đáng tin để cùng với các
định chế quốc tế giải quyết thiên hạ sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét