Tạp Chí Đảng Tau là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng The Xo Vo. Hoàn toàn mở, cho các bạn đóng góp ý kiến, và trong tất cả mọi lĩnh vực. Sẽ hoàn toàn công khai minh bạch, không có vùng cấm trong đây: Ai cũng có thể phê phán Bộ Cả Tin, nếu như các ủy viên BCT có khuyết điểm, hoặc làm sai, làm bậy! Tổng Biên Tập: Té Giếng
Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012
Trò móc túi
Khó có nơi nào trên thế giới mà các cơ quan và tập đoàn kinh tế nhà nước lại có thể ngang nhiên thực hiện những hành vi móc túi dân một cách trắng trợn như ở nước ta.
Những hành vi đó thậm chí cần phải được gọi là ăn cướp!
Ở đây xin điểm qua một vài hành vi như vậy của Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (TKV hay Vinacomin), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN).
*
Về TKV, rõ ràng hoạt động chính của nó là đào tài nguyên đem bán. Thế mà tháng 7 vừa qua, TKV đã phải tuyên bố ngừng xuất khẩu than vì lỗ! (Xem, ví dụ, bản tin Vietnamnet 27.7.2012)
Lỗ nghĩa là sao? Cố nhiên, có nghĩa là chi phí để khai thác (và sơ chế) được một lượng than nào đó còn cao hơn cả số tiền thu được khi bán lượng than đó trên thị trường thế giới.
Ở đây tất nhiên xuất hiện câu hỏi: Vì sao chi phí khai thác lại có thể cao hơn giá bán? Câu trả lời là: Vì trả lương và khấu hao phương tiện khai thác ở ta cao hơn ở các nước khác.
Như vậy có nghĩa là lương công nhân Việt Nam cao hơn ở các nước khác chăng? Và máy móc để khai thác ở ta làm bằng vàng nên đắt? Tất nhiên là không. Tiền công trả cho công nhân rõ ràng rẻ mạt ở các nước, còn máy móc thì như nhau cả.
Vậy câu trả lời cuối cùng là: tiền chui vào túi lãnh đạo tập đoàn (và có thể cả túi của những vị khác nữa!) Có lẽ vì não của các vị đó làm bằng vàng, nên hoạt động trí tuệ của các vị ấy đáng giá gấp trăm lần so với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế Âu-Mỹ?
Đào tài nguyên bán mà lỗ! Sao không để đó cho đời sau, vừa dành được phần cho con cháu, vừa khỏi lỗ?
Nên nhớ rằng than, khoáng sản hay bất kỳ một nguồn tài nguyên nào của đất nước cũng đều là tài sản chung của toàn dân. Đào tài nguyên để bán mà còn đòi bù lỗ là móc túi dân 2 lần. Tội đó không thể dung tha!
*
Về EVN, xin nói đến hai sự kiện: bán điện theo giá thị trường và kinh doanh lỗ.
Trước hết xin nhớ rằng toàn bộ tài sản mà EVN quản lý – nhà máy điện, hệ thống truyền dẫn, hệ thống điều khiển,… – đều là tài sản của toàn dân. Tất cả những thứ đó đều được tạo ra bằng tiền thuế thu từ dân, bằng tiền bán tài nguyên chung của cả nước và bằng tiền vay nợ nước ngoài mà rồi dân sẽ phải trả. Đó không phải tiền túi mà các vị lãnh đạo EVN bỏ ra, cũng không phải tiền do bố mẹ ông bà các vị ấy để lại.
Vì vậy, việc bắt người dân mua điện theo giá thị trường thế giới đã là một sự láo xược, là sự ăn cướp trắng trợn. Việc đó chỉ có thể chấp nhận được nếu EVN là tập đoàn tư nhân, và toàn bộ cơ sở vật chất mà nó quản lý là tiền lấy từ vốn của tập đoàn, do các cổ đông đóng góp. Cho nên, đừng giơ cái “giá thế giới” ra để đòi người dân phải theo và è cổ ra chịu!
Nên nhớ rằng ở nhiều nước, điện, xăng,… ở nội địa được bán với giá thấp hơn giá xuất khẩu.
Việc bắt người dân mua điện theo giá thị trường có thể so sánh với câu chuyện sau. Ông bố xây xong cái nhà, giao trích lục cho thằng con. Một thời gian sau nó nói: “Bố ơi, bây giờ cả thế giới theo cơ chế thị trường. Bố đang ở nhà của con đấy, nên bố phải trả cho con tiền thuê nhà theo giá trị trường nhé! Thị trường là hiện đại, là công bằng văn minh, bố ạ.”
Nhưng ngoài cái đống tài sản khổng lồ mà EVN được quyền nắm giữ, nó còn được giao không một thứ khác, cũng là tài nguyên và là tài sản toàn dân; đó là nguồn năng lượng thiên nhiên vô hạn: sức nước, hay dùng ngôn từ chuyên môn của Vật Lý Học, là thế năng của khối nước vô hạn phía thượng lưu của đập thủy điện, một thứ không mất tiền mua nhưng mỗi giây cho nguồn sức mạnh như hàng trăm ngàn tấn than hay dầu diesel. Như vậy, EVN được lợi kép.
Thế mà nó lại kinh doanh lỗ! (Ví dụ năm 2010 nó làm lỗ 8600 tỉ đồng.) Mà đã lỗ thì phải bù lỗ. Và như vậy, nó móc túi dân 3 lần!
*
Cuối cùng, xin nói qua về NHNN. Chỉ xin điểm qua một sự kiện. Gần đây, có tin đồn rằng có những vị bán khống hàng trăm ngàn lượng vàng cho NHNN, rồi ngay sau đó giá vàng “đột ngột” giảm, và các vị này lập tức mua khống lại đúng số vàng đó từ NHNN, xơi lãi hàng ngàn tỉ đồng. Chuyện đó nhiều người được nghe nhưng khó kiểm chứng (nếu không công khai toàn bộ sổ sách giai đoạn đó).
Nhưng cái việc sau đây thì chính xác 100%.
Trong nhiệm kỳ thống đốc của mình, có lần ngài Nguyễn Văn Giàu đã bị phóng viên VTV chất vấn về việc NHNN cử người sang Thụy Sĩ mua vàng, trong khi giá vàng bên đó đang cao hơn ở trong nước. Ngài thống đốc đã trả lời quanh co và cuối cùng thì nổi khùng, kết thúc cuộc phỏng vấn.
Vậy động cơ của việc làm phi lý đó là gì? Có hai kịch bản để trả lời. Một là lãnh đạo NHNN gồm những thằng điên. Nhưng điều này có xác suất nhỏ đến mức có thể bỏ qua. Hai là lãnh đạo NHNN chi tiền cho một số đệ tử sang châu Âu ăn chơi nhảy múa, còn vàng “đem về” cho NHNN thì thực chất là vàng của các vị ấy. Các vị ấy đã mua khống khi giá còn thấp, và lúc đó thì bán khống cho NHNN. (Tất nhiên trong giấy tờ thì tên người giao dịch không thể là Nguyễn Văn Giàu, mà là Nguyễn Đức K, hay Nguyễn Thanh P gì đó.)
Cố nhiên, trong trường hợp này thì bên được lợi không phải là NHNN, mà là những cá nhân giao dịch với NHNN. Nhưng NHNN cũng chẳng chịu thất thiệt. Bị thiệt cuối cùng vẫn là những người dân thấp cổ bé họng.
NGUYỄN TRẦN SÂM
http://daohieu.wordpress.com/2012/09/18/tro-moc-tui/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét