Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, 9 tháng
qua đã có 178 đoàn đông người đi khiếu kiện, chủ yếu là khiếu nại về đất
đai, giải phóng mặt bằng. Nổi cộm như vụ việc của 100 công dân phường
Dương Nội, 70 người phường Kiến Hưng, 40 người phường Yên Nghĩa (Hà
Đông), 150 tiểu thương chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), đoàn 200 người dân xã
Tiên Dương (Đông Anh), bệnh binh 5 xã ở huyện Quốc Oai, 160 người dân
phố Tân Mai (thị xã Xuân Mai)…
Ngoài ra, còn
có một số trường hợp khiếu kiện có tổ chức, lợi dụng quyền tố cáo để
kích động, xúi giục, lôi kéo tập trung đông người.
Đánh giá của UBND thành phố cho thấy, công
tác chỉ đạo và giải quyết khiếu nại của chính quyền ở một số nơi còn
thiếu quyết liệt, ngại va chạm, né tránh, sợ liên đới trách nhiệm. Trong
khi đó, công tác quản lý đất đai của địa phương còn lỏng lẻo, để xảy ra
vi phạm nhưng không giải quyết kịp thời, để tồn đọng…
Bà con tiểu thương chợ Nghĩa Tân phản đối chính sách xây chợ mới.
Tại hội nghị giao ban quận, huyện về công
tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai
sáng 27/9, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao công tác giải quyết đơn
thư của bộ phận tiếp dân của thành phố, bởi trong 9 tháng đã tiếp
15.000 lượt người, xử lý 21.500 đơn thư, tăng 89% so với năm 2011.
Ông Thảo cho rằng, trong khi lượng đơn thư
vẫn tăng mạnh thì cần thực hiện nhiều giải pháp, quan tâm đến các kiến
nghị của người dân để có chính sách hỗ trợ tốt nhất mà không nên áp dụng
các quy định cứng nhắc. Ông cũng yêu cầu các ngành rà soát các chính
sách thu hồi đất đảm bảo đời sống của người dân khi bị thu hồi đất được
bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; đơn giản các thủ tục hành chính…
“Việc làm của bà con là bày tỏ nguyện vọng
của mình, nhưng mặc áo màu Quốc kỳ, mang theo khẩu hiệu đòi đất đã làm
xấu hình ảnh thủ đô, ảnh hưởng đến ngoại giao”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn
Thế Thảo bày tỏ và đề nghị, khi có khiếu nại đông người, lãnh đạo các
quận, huyện phải trực tiếp đối thoại với người dân, giải quyết các kiến
nghị của dân để giải quyết dứt điểm các khiếu nại khi mới phát sinh.
Còn Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
cho biết, buổi sáng ông mở cửa đã thấy người dân đứng chờ đưa đơn, 19h
trở về nhà cũng có người chờ đưa đơn, chưa kể ở cơ quan cũng thường nhận
đơn khiếu nại. Thời điểm này, thành phố có khoảng 200 người thường
xuyên đi khiếu kiện.
Ông Bí thư ví von: “Giải phóng mặt bằng
như một món ăn trên bàn tiệc, chẳng ai muốn ăn món này song vẫn cần phải
ăn”. Do vậy, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ bắt buộc, không
làm thì không thể thực hiện các dự án. Đô thị hóa nhanh càng nảy sinh
khiếu kiện nhiều, như điển hình ở quận Hà Đông.
Theo Bí thư Nghị, các khiếu nại đúng chính
sách chiếm khoảng 20%, có 20% nửa đúng nửa sai, do vậy người phụ trách
giải quyết khiếu nại cần phải tìm hiểu thông tin nhiều chiều để trả lời
người dân được chính xác và giải quyết tốt vụ việc.
“Tôi cho rằng cần dừng phương án xây chợ
Nghĩa Tân, đề nghị Sở Thương mại đánh giá lại những cái được và chưa
được khi chuyển đổi chợ truyền thống sang trung tâm thương mại”, ông
Nghị yêu cầu và cho rằng, hãy đặt vào vị trí người dân. Khi thu hồi đất
cần hỗ trợ tốt nhất về hạ tầng công cộng, về nhà ở cho dân.
“Người giải quyết đơn thư phải có tinh
thần giải quyết dứt điểm vụ việc chứ không nói là tôi làm đúng thẩm
quyền, đúng thủ tục. Kể cả người dân khiếu kiện sai thì phải giải thích
rõ cái sai đó”, Bí thư Phạm Quang Nghị chỉ rõ.
Ông cũng yêu cầu, công tác khiếu nại tố
cáo phải gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng và cải cách hành
chính; phối hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra công vụ đối với các cơ
quan quản lý nhà nước.
Đoàn Loan
( Vnexpress )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét