Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

CÓ THẬT SỰ GIÁO SƯ KHÔNG CẦN THẠO NGOẠI NGỮ??????



Tác giả: Nhái Bén



Ảnh “Giáo sư nổi tiếng thuộc dạng Number one của Việt Nam- Cù Trọng Xoay”

(Ảnh từ internet, không liên quan tới bài viết)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/89153/giao-su-viet-khong-can-thao-ngoai-ngu.html 


Hôm nay, Nhái buồn nhưng đọc cái tít này, đây là điểm khác biệt của ban hành 11/09 của Bộ GD-ĐT trong việc công nhận chức danh PGS/GS thì không thể không ngán ngẩm, chán chường….
Thứ nhất: hỡi các vị tham mưu để cho ra cái ban hành trên, các vị có cào bằng cái việc PGS/GS là tên gọi “chức vụ giảng dạy” như cách gọi những người làm nghề dạy học dưới thời VNCH/Mỹ hiện nay không? Nếu đúng như thế thì không còn gì để bàn.
Nhưng Nhái đọc kỹ lại những thông tin trên thì hình như cái chức danh PGS/GS chỉ dành cho những người giảng dạy ở bậc đại học/viện nghiên cứu. 



Vậy thì rõ ràng chức danh này là “học hàm cao nhất” trong khoa học hiện nay, nó thể hiện trình độ chuyên môn cũng như đóng góp của người đó cho họ nền học thuật (phạm vi hẹp là nền học thuật nước nhà/phạm vi rộng là nền học thuật của thế giới), kèm theo đó là những “phụ cấp xứng tầm”, hạn ngạch lương/thưởng cũng như quyền hạn được thực hiện đề tài cấp nọ cấp kia. Vậy thì, nếu không cần thông thạo ngoại ngữ, các ngài không đọc các báo cáo khoa học mà thế giới họ công bố thì các ngài PGS/GS sẽ tiến hành nghiên cứu ra sao đây?


 Một người làm nghiên cứu khoa học phải biết/hiểu rõ lĩnh vực mình làm, người ta đã làm đến đâu và mình sẽ mở rộng nghiên cứu theo hướng nào. Đằng này không biết ngoại ngữ thì tiếp nhận thông tin làm sao? Hay yêu cầu mấy người tác giả bài báo đó phải có bản dịch sang tiếng Việt? Hay cứ nghĩ sao làm vậy theo kiểu tự mò như đi trong rừng? Như thế rất có thể là lập lại cái mà thế giới họ đã làm rồi, hoặc mò mẫm để tìm ra phương pháp/protocol để nghiên cứu trong khi những thông tin đó có đầy trên mạng (tất nhiên chủ yếu bằng tiếng Anh). Bởi vậy, những nghiên cứu khoa học của VN thường chỉ dùng để “báo cáo trong nhà” “tự khen nhau” chứ làm sao mà công bố báo chí thế giới vì ngoại ngữ yếu kém như thế, lại không hề có phương pháp, không biết cách làm nghiên cứu khoa học, thử hỏi tạp chí khoa học nào chấp nhận cái kết quả “tả pín lù” đó? 

Có người bảo,” tôi không giỏi ngoại ngữ nhưng tôi vẫn làm khoa học được”! Chắc chỉ có kiểu làm khoa học của VN mới tuyên bố thế thôi. 


Có người thì nói “đòi hỏi ngọai ngữ không khác gì thách đố nhà khoa học” Ô hô, chức danh PGS/GS là đỉnh cao rồi, ông phải thật giỏi, giỏi nhất trong những người giỏi cơ mà, vậy sao người khác làm được mà mình không làm được? Vậy thì xin cái ngài GSTS nào mà có cái tuyên bố đó đừng “ham” nhận mình làm GS nữa nhé, vì chỉ có bấy nhiêu “thách đố” thôi mà ngài chưa vượt qua thì những việc như đề ra ý tưởng nghiên cứu, giải quyết những vấn đề nghiên cứu, trình bày và viết báo chí chuyên ngành, ngài sẽ không thể vượt qua đâu. 


Có người bảo “tôi làm nghiên cứu về KHXH, tôi không cần ngoại ngữ” Ô hô, xin mời các đỉnh cao trí tuệ hãy sang các nước tư bản ấy, họ có nhiều…rất nhiều nghiên cứu về các ngành Xã Hội ở VN, các mảng như ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực, thậm chí các loại hình nghệ thuật như Dân Ca Quan Họ, Cải Lương cũng không thiếu. Chúng ta không còn xa lạ gì với sinh viên quốc tế tới VN để làm nghiên cứu về mảng xã hội, họ lăn xả vào thực tế, tiếp cận thực thế chứ đâu có kiểu “ngồi tự nghĩ” ra như một số vị ở nhà mình. Hỏi làm sao các ngài cứ “đẻ ” liên tục ra tiến sĩ, vì các ngài có bao giờ đọc được các nghiên cứu của họ? Cứ thế mà “tự sướng với nhau”…. 


Nhìn sang một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,….thậm chí như Lào và Campuchia thôi, họ có hệ chữ không phải Romaji nhưng Nhái Bén chưa từng gặp một vị giáo sư nào của họ yếu kém ngoại ngữ cả mặc dù có thể họ phát âm không chuẩn lắm. Họ học Anh văn còn vất vả hơn người Việt nhiều, thế mà yêu cầu phải sử dụng ngoại ngữ cho chuyên môn ở mức thành thạo là điều bắt buộc. Này các vị đỉnh cao ơi, các vị thử chỉ cho Nhái xem, có nước nào trong mấy nước đó mà GS không cần thông thạo ngoại ngữ như quy định này của VN không? 


Thứ hai: “Những người đã được bổ nhiệm GS, PGS tại các cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài, muốn được bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam thì phải có số điểm công trình khoa học quy đổi ít nhất bằng số điểm quy định đối với ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, trong đó có ít nhất 1 công trình khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín quốc tế. Việc tính quy đổi điểm các công trình khoa học của ứng viên phải được ít nhất 3 GS hoặc PGS cùng ngành chuyên môn xem xét”. 


Chẳng biết các vị ban hành cái quy định này các vị có đọc hay không để thấy một cái quy định dở hơi hết thuốc chữa. Nếu một người nào đó họ được công nhận là GS ở nước ngoài rồi thì họ đâu chỉ có 1 công trình được công bố mà thậm chí hàng trăm, hoặc ít ra cũng hàng chục những công bố trên tạp chí uy tín. Vậy cái ý này thừa. Bên cạnh đó, liệu các ngài PGS/GS của ta có đủ trình độ để mà “thẩm định chuyên môn” của họ hay không? Hay có những vị chưa đáng làm học trò của họ nữa? 


Rồi đây nữa, “số điểm công trình khoa học quy đổi ít nhất bằng số điểm quy định đối với ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS”, trong đó điểm về viết giáo trình/sách là thế nào? Thực chất tất cả những sách chuyên ngành mà các PGS/GS “viết” chỉ là những bản dịch/ tổng hợp tài liệu/giáo trình mà thôi. Đó không phải là công trình của họ. Sách khoa học ở nước ngoài thường là những kiến thức mới mà tác giả chính là người tìm ra. Vì vậy một quyển sách do nhiều người viết, còn nếu tác giả không phải là nhà phát minh (investigator) thì họ phải ghi chú rõ, phải được sự đồng ý của tác giả tìm ra kiến thức đó. Vì thế có những GS ở nước ngoài, dù công trình rất nhiều nhưng viết được sách thì thường là những người đầu ngành mà thôi, do đó GS ở nước ngoài thường thiếu hẳn cái mảng “viết sách” này. 


Còn nếu là giáo trình giảng dạy, thường nội dung sẽ do Giáo sư quyết định, giáo trình họ tự soạn và cập nhật hằng năm, không ai giống ai hết mặc dù vẫn đảm bảo một số nội dung kiến thức chính của môn học. Giáo sư hoàn toàn quyết định phương pháp giảng dạy/cách ra đề thi/thang điểm,…. Và tất nhiên nếu GS nào yếu kém sẽ có ít sinh viên đăng ký học và sẽ nhận được “phản hồi” ngay lập tức qua các lá phiếu nhận xét môn học. 


Vậy cái quy định về chuyện đổi này “nghe” có vẻ quá khôi hài.
Thôi, Nhái buồn ngủ rồi, chán lắm rồi không viết nữa đâu!!!!!

Tác giả Nhái Bén gửi trực tiếp cho hailuablog.

2 nhận xét:

  1. Có vậy không mà cũng rắc rối. Cần ngoại ngữ chi khi có sẳn Ông google? Muốn biết các chi chi thì lên các Giáo nhà mình nhờ Ông Google dịch giùm. Tầm của mình cở đó thì xài cở đó, cần chi cao xa? Chỉ tội cho những kẻ cùng mang tiếng sĩ phu, trí thức thôi

    Trả lờiXóa
  2. PGS/GS... là chức danh được đảng phong mừ. Có cần đọc và nghiên cứu những thành tựu phát triển của thế giới đâu mà cần biết ngoại ngữ chứ hử?...?

    Trả lờiXóa