Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Bên hợp nhất, bên thâu tóm


Ban lãnh đạo Sacombank ra mắt tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng 5 vừa qua có nhiều thay đổi so với năm trước. Ảnh: Tuệ Doanh.





                  Bên hợp nhất, bên thâu tóm

Thành Nam
Thứ Năm,  6/9/2012



(TBKTSG) - Kể từ khi tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, không khó để nhận ra trong dư luận xã hội có hai khái niệm rõ ràng về mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng. Sự sáp nhập ba ngân hàng SCB - Đệ Nhất - Việt Nam Tín Nghĩa; Habubank - SHB; và sắp tới nếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận là Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí PVF - Phương Tây được xếp vào dạng hợp nhất. Riêng những diễn biến ở Sacombank được xếp vào dạng thâu tóm.
Vai trò nhà đầu tư cá nhân
Những trường hợp hợp nhất đã và đang chứng tỏ nỗ lực của NHNN trong tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, không để bất cứ một ngân hàng nào đổ vỡ. Các tổ chức nói trên đều “đến với nhau” trên cơ sở tự nguyện, sau khi đã làm rõ các khoản nợ nần và cách thức giải quyết. Kết quả là sự ra đời của những ngân hàng có quy mô vốn, tổng tài sản, lượng khách hàng lớn hơn. Về tổng quan, điều đó mang lại lợi ích không chỉ cho các bên mà còn cho cả hệ thống ngân hàng.
Sự khác nhau cơ bản giữa Sacombank và ba trường hợp hợp nhất nằm ở chỗ: thứ nhất, việc thâu tóm Sacombank vắng bóng sự tự nguyện và không tạo ra một ngân hàng lớn hơn. Trước sáp nhập, bảy tổ chức mới tham gia đều nhỏ hơn Sacombank, nhưng quy mô của họ trở nên ngang bằng Sacombank sau hợp nhất.
Thứ hai, có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và một số cá nhân liên quan đến nhau, đồng thời đóng vai trò chính trong việc tạo ra các bước ngoặt thâu tóm Sacombank, trong khi các trường hợp kia chỉ có sự hiện diện của nhà đầu tư tổ chức.
Thứ ba, một phần tiền thâu tóm Sacombank không phải tiền tươi thóc thật. Có cá nhân hiện sở hữu 4,93% cổ phần ngân hàng này mà tuổi đời mới ngoài 20, chưa có quá trình kinh doanh thành công của một doanh nhân, làm sao có được số tiền lớn đến thế để tham gia nếu không thừa kế từ gia đình hoặc vay mượn?
Tác động lên thị trường tiền tệ
Một ngân hàng nếu bị lũng đoạn ở vai trò cung cấp tiền cho các đối tượng đi thâu tóm, hoặc trực tiếp tham gia thâu tóm có thể gây bất ổn đến thị trường.
Về bản chất, thâu tóm ngân hàng không phải là hành động tiêu cực. Nhà đầu tư có tiền, và tiền có nguồn gốc rõ ràng, họ có quyền mua bán cổ phần ngân hàng theo quy định, nhất là ngân hàng đó niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài vốn tự có, họ có thể vay thêm ngân hàng một tỷ lệ thích hợp để đầu tư thông qua cầm cố cổ phiếu. Chỉ cần việc vay mượn đó công khai, minh bạch và người cho vay tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên thâu tóm sẽ trở nên có hại cho thị trường tiền tệ và tác động tới sự ổn định của ngân hàng một khi nó sử dụng nguồn tiền ảo. Thực chất đó là những khoản tín dụng tín chấp, đầy rủi ro mà khi được giải ngân, tiền thường đi vòng vèo qua nhiều cửa, nhiều tài khoản, trước khi “tập kết” đến địa chỉ cần thiết.
Hệ thống ngân hàng có quan hệ mật thiết và phản ứng trước mỗi biến động theo kiểu dây chuyền đôminô. Một ngân hàng nếu bị lũng đoạn ở vai trò cung cấp tiền cho các đối tượng đi thâu tóm, hoặc trực tiếp tham gia thâu tóm có thể gây bất ổn đến thị trường.
Những tồn tại có thể khắc phục thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp lý, nhưng quan trọng vẫn là giám sát và xử lý nghiêm sai phạm. Thâu tóm bằng tiền ảo nếu không được uốn nắn cho đúng luật một cách kịp thời, thì có thể để lại những tiền lệ, con đường mòn nguy hiểm cho những động thái tương tự lặp lại.

 http://www.baomoi.com/Home/TaiChinh/www.thesaigontimes.vn/Ben-hop-nhat-ben-thau-tom/9266520.epi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét