Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

THẾ HỆ BỘ TRƯỞNG ĐANG " LẬT KÈO " DÂN ?

Thực hiện hai nhiệm cụ chiến lược: thi đẹp và thi hát!

Ngày mới nhậm chức, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã làm nức lòng người dân về những lời nói quyết liệt gần như tuyên chiến với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Mình hâm mộ ổng đến mức viết một bài trên blog này ca ngợi hết lời, đại ý, chỉ cần hành động như ổng nói thì ổng đã có sau lưng hàng triệu triệu người VN ủng hộ.
Hôm nay mở blog ra, ngần ngại mãi, không biết có nên xóa entry đó đi không. Không xóa, mọi người đọc lại chắc mình xấu hổ lắm; xóa thì hóa ra mình là thằng...lật kèo ông Huệ? Thôi thì để vậy đi. Lý do để lại có vẻ hơi AQ khi tự ngụy biện, đâu phải mình mình đâu, báo chí ta cũng ca ngợi rào rào; thậm chí có tờ báo còn cất công về làng ổng làm phóng sự về tuổi thơ của anh Huệ, âm hưởng như thể ổng là cứu tinh của chúng ta!
Nhưng Vương gia đã...lật kèo với người tiêu dùng. Mới đây nhất, ổng còn cam kết từ nay đến cuối năm giá xăng dầu không tăng. Nói xong thì trong vòng 20 ngày, giá xăng tăng 2 lần. Hôm nay trả lời trên TT, ổng vẫn thản nhiên khẳng định, ổng hành động đúng!
Không chỉ tôi lật kèo ông Huệ (từ ca ngợi sang phàn nàn), ông Huệ lật kèo người tiêu dùng mà báo chí cũng...lật kèo bạn đọc. Vào thời điểm ông Huệ "tuyên chiến" làm rõ chuyện kinh doanh xăng dầu của 13 doanh nghiệp NN, báo chí ta xông vào, đấu tranh cho bằng được chuyện "thả" giá xăng cho thị trường, để doanh nghiệp tự quyết...Tôi mới đọc lại những bài đó, có dẫn lời một ông tổng của doanh nghiệp, kêu có thể giảm giá xăng nhưng vì giá phụ thuộc vào Bộ Tài chính nên không thể tự ý giám được. Bây giờ thả cho doanh nghiệp rồi, họ lại lật kéo, tăng giá liên miên, báo chí lại la làng, "không thể để doanh nghiệp định giá xăng dầu".
*
Giá xăng tăng khiến người dân khốn đốn, chỉ tính riêng chuyện các hãng taxi điều chỉnh lại đồng hồ cũng đã tốn bạc tỉ, 20 ngày điều chỉnh 2 lần thì khốn nạn cho họ qua. Nhưng mà, họ còn chưa khốn nạn bằng khách hàng, vì phí đó do khách hàng è lưng ra gánh.
Các doanh nghiệp lao đao lận đận, một số điêu tàn, số khác phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động...Sản xuất kinh doanh có cảm giác như ngưng trệ toàn thân. Người lao động không có việc làm thì gửi gắm hy vọng vào vé số, số đề và các game show truyền hình...Cả nước từ trẻ đến già ào ào lao vào các cuộc thi gót-ta-lần, ai- đồ, dờ- voi, sao mai, các loại hoa khôi, hoa hậu, tiếng hát truyền hình, tiếng hát mãi xanh, việt nam nét-top-mo-đò...với hy vọng đổi đời. Có cảm giác cả nước đang tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: thi đẹp và thi hát!
*
Sáng nay hay tin, tờ Đất Việt đã bỏ ra 6 số/tuần để làm...1 số/tuần. Tờ báo hung hăng với tham vọng được xếp ngôi trong làng báo cuối cùng cũng ăn cầm hơi mà sống (chỉ vì sỉ diện mà không để dẹp tiệm mà thôi). Đây không phải là vấn đề của Đất Việt mà nó báo hiệu một "trào lưu" mới: Khi doanh nghiệp khốn đốn, miếng bánh quảng cáo teo lại, một số tờ báo không thể mãi lắt lay, không bắt cũng phải....tự chết!
_________________
Đăng bỡi: Tranhung09
-------------------------
Xăng bị đóng loại thuế như rượu!
 
Trong lúc kinh tế khó khăn thì quá nhiều loại thuế, phí tiếp tục đẩy giá xăng lên cao, trong đó vô lý nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Không thể chấp nhận được khi xăng cũng bị coi là “hàng xa xỉ” như rượu, thuốc lá...
Quá nhiều khoản thuế, phí vô lý khiến giá xăng đội lên quá cao. Ảnh: Diệp Đức Minh
Quá nhiều khoản thuế, phí vô lý khiến giá xăng đội lên quá cao. Ảnh: Diệp Đức Minh.

Ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng về nguyên tắc, giá bán lẻ xăng dầu được tính dựa trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên nhà nước - doanh nghiệp (DN) - người tiêu dùng. Tuy vậy, thực tế hiện nay là DN không bao giờ chịu lỗ, nhà nước thì luôn thu đủ các thuế, phí đã định. Cho nên mỗi khi có biến động giá dầu thế giới thì mọi thiệt thòi đều đẩy về phía người tiêu dùng.
Hàng thiết yếu bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
 Bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thu trên các mặt hàng không khuyến khích sử dụng, hàng xa xỉ như rượu bia, thuốc lá... Trong khi đó, xăng là loại nhiên liệu thiết yếu nhất phục vụ cho nhu cầu lưu thông, sản xuất, được sử dụng đại trà và quan trọng nhất mọi sự biến động giá xăng đều tác động dây chuyền đến giá vận tải, giá cả hàng hóa  
Ông Lương Hoàng Trung
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM
Trong bối cảnh giá xăng dầu không ngừng “leo thang” như hiện nay, theo ông Trung, cần có sự chia sẻ từ phía nhà nước bằng cách cân nhắc lại các loại thuế, phí đánh vào mặt hàng thiết yếu này. Hiện nay, mỗi lít xăng dầu phải “cõng” 12% thuế nhập khẩu, 10% thuế VAT, 1.000 đồng phí xăng dầu (còn gọi là phí giao thông), 1.000 đồng trích trả nợ tiền bù giá ngân sách, 200 đồng trích quỹ bình ổn. Đặc biệt với mặt hàng xăng còn bị đánh thêm 10% thuế TTĐB. Như vậy, trung bình mỗi lít xăng đang phải gánh đến 6.500 đồng tiền thuế, phí, tương đương gần 40% giá bán.
“Đây là một gánh nặng thực sự đối với người tiêu dùng, DN vận tải. Trong đó, một mặt hàng thiết yếu như xăng lại bị đánh thuế TTĐB là rất vô lý. Bởi bản chất của thuế TTĐB là thu trên các mặt hàng không khuyến khích sử dụng, hàng xa xỉ như rượu bia, thuốc lá... Trong khi đó, xăng là loại nhiên liệu thiết yếu nhất phục vụ cho nhu cầu lưu thông, sản xuất, được sử dụng đại trà và quan trọng nhất mọi sự biến động giá xăng đều tác động dây chuyền đến giá vận tải, giá cả hàng hóa. Thế mà lại thu thuế TTĐB với xăng và đánh đồng mặt hàng thiết yếu này với thuốc lá, rượu Tây... là không hợp lý và không đúng bản chất của loại thuế này. Do đó, cần nhìn nhận lại về mặt hàng xăng dầu và vai trò của nó trong đời sống xã hội cũng như sản xuất kinh tế để áp những loại thuế, phí một cách hợp lý. Nếu bỏ thuế TTĐB cũng là một cách để kéo giảm giá xăng hiện nay”, ông Trung nói.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhận định việc thu thuế TTĐB đồng nghĩa với việc nhà nước hạn chế tiêu thụ xăng, một mặt hàng thiết yếu trong lưu thông, là không hợp lý.
Có thể sớm xin ý kiến Quốc hội
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, rất cần thiết phải bỏ thuế TTĐB trong xăng. Nhưng do thuế TTĐB đã được quy định trong luật, muốn sửa luật phải chờ Quốc hội trong khi thuế nhập khẩu nằm trong tầm tay điều tiết của Bộ Tài chính, có thể giảm ngay và giảm sâu để giảm sức ép tăng giá xăng.
TS Lưu Bích Hồ cho rằng có thể sớm xin ý kiến Quốc hội để xem xét giảm, thậm chí bãi bỏ thuế TTĐB trong giá xăng. “Có cảm giác cơ quan quản lý chỉ tính toán kinh tế đơn thuần, mà không tính tới lợi ích chung để ổn định giá xăng dầu hơn, nếu tăng lên mãi sẽ rất phức tạp cho an sinh xã hội”, ông Hồ nhìn nhận.
Chuyên gia về giao thông Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức) đề nghị bên cạnh việc cân nhắc bỏ thuế TTĐB trong xăng, cần xem lại khoản trích cho quỹ bình ổn giá xăng dầu được thu từ nhiều năm nay. Về bản chất, quỹ bình ổn là khoản tiền tính vào giá bán xăng dầu và người tiêu dùng phải chịu, hay nói cách khác, người tiêu dùng phải ứng trước một khoản tiền để các DN đầu mối nhập khẩu xăng, dầu lập quỹ. Khi giá thế giới giảm, thuế nhập khẩu trong nước không tăng, DN có lãi thì phải trích vào quỹ bình ổn giá một khoản tiền theo quy định của Bộ Tài chính. Ngược lại, khi DN lỗ thì sẽ trích từ quỹ để bù lỗ. Song, thực tế những năm qua quỹ này gần như không có tác dụng gì trong việc điều tiết giá cả và thị trường xăng dầu.
Ngoài ra, theo ông Đồng, nếu so sánh với thế giới, xăng VN còn rất “đắt” ở phần chi phí và lợi nhuận cho DN xăng dầu. “Xăng ở các nước tiên tiến chất lượng tốt hơn gấp nhiều lần, đạt tiêu chuẩn Euro 5 - 6, trong khi xăng ở VN chỉ đạt Euro 2. Chi phí nhân công, thiết bị chuyên chở của các nước cũng đắt đỏ hơn VN (giá một chiếc xe bồn vận chuyển đạt tiêu chuẩn ở các nước châu Âu lên đến 1 triệu USD, lương của một nhân viên bán xăng cũng 3.000 - 4.000 USD/tháng). Ở VN, chất lượng thấp hơn nhưng giá xăng dầu vẫn đắt đỏ tương đương với các nước tiên tiến, như vậy vấn đề nằm ở chi phí và lợi nhuận của các DN kinh doanh xăng dầu hiện nay. Nói cách khác là bộ máy DN hoạt động kém hiệu quả và lợi nhuận DN còn mập mờ. Cần nói thêm, các hãng kinh doanh xăng dầu trên thế giới không bao giờ thua lỗ, thậm chí một hãng xăng dầu lớn của Mỹ còn có thể đạt lợi nhuận 34 tỉ USD/quý”, ông Đồng phân tích.
Sửa Nghị định 84, giám sát chặt DN xăng dầu
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, sự rối loạn, thiếu minh bạch của thị trường xăng dầu đang đặt ra yêu cầu phải sớm sửa đổi Nghị định 84. Ông Long phân tích, Nghị định 84 sửa đổi phải minh bạch được 3 yếu tố lớn: ai định giá, giá cơ sở và lỗ lãi kinh doanh của DN đầu mối.
Về yếu tố “ai định giá”, quy định điều chỉnh theo 3 bước (0 - 7%) cho DN tự định giá, dù biên độ rất nhỏ nhưng vẫn là sai so với luật Giá, chưa kể DN chỉ cần lách quy định này, 10 ngày điều chỉnh 1 lần dưới 7% cũng đủ làm người tiêu dùng chóng mặt. Trên nguyên tắc, với các sản phẩm mang tính độc quyền như xăng, nhà nước vẫn phải định giá. Việc duy trì cơ chế nửa vời, lưỡng tính (cho DN tự định giá, nhưng vẫn phải xin ý kiến của nhà nước) dễ gây tiêu cực, điều phối không nhịp nhàng, mà hệ lụy phát sinh là tình trạng găm hàng vừa qua.
Đặc biệt, phải xem xét các yếu tố cấu thành giá cơ sở đã hợp lý chưa. "Đáng sợ nhất là có sự móc nối giữa cơ quan chức năng và DN độc quyền", ông Long nói.
Trong 9 yếu tố cấu thành giá cơ sở, thuế nhập khẩu có thể điều hành linh hoạt, nhịp nhàng theo thị trường. Việc điều hành cứng nhắc theo barem thuế hiện nay, đang gây nhiều khó khăn, bất cập cho DN, người dân và nền kinh tế. Ở những thời điểm khó khăn, nhà nước phải cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Mặt khác, giá nhập khẩu của DN đang rất mập mờ. “Giá nhập khẩu được tính 30 ngày bình quân theo giá Platt’s Singapore, nhưng căn cứ tính giá này đã chuẩn chưa, khi DN đang nhập từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ riêng Singapore?”, ông Long nêu vấn đề. Theo chuyên gia này, giá nhập khẩu cần căn cứ dựa trên giá nhập khẩu thực tế của DN (việc kiểm soát có thể dựa trên số liệu từ hải quan).
Một chuyên gia khác cho rằng, cần quy định lại mức thù lao của đại lý, tránh tình cảnh chạy đua hoa hồng, dẫn tới đẩy chi phí giá thành của DN lên cao hơn nhiều so với quy định, gây khó khăn cho giám sát với lỗ, lãi thực của DN. Đồng thời, phải quy định rõ định mức hao hụt, không thể để DN tự xây dựng, ban hành và thực hiện, có nguy cơ đẩy định mức hao hụt lên cao, nâng chi phí kinh doanh.
Theo Thanh Niên
--------------------------------------------------------------------------------------

Nhìn lại 3 ngôi sao sáng của “thế hệ Bộ trưởng mới”

Motgocnhinkhac:

nvb Với những phát ngôn mạnh bạo cùng hành động quyết liệt, không né tránh, ngay từ khi mới nhậm chức, Vương Đình Huệ, Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình nổi lên như những ngôi sao sáng, khiến dư luận kỳ vọng nhiều về “một luồng gió mới”, một nhiệm kỳ chính phủ mới trẻ trung, năng động, nhiều khác biệt. Đến BBC cũng kỳ vọng khi gọi những “hiện tượng” Vương Đình Huệ, Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình là “một thế hệ Bộ trưởng mới”. Một năm qua, 3 ngôi sao sáng của “thế hệ Bộ trưởng mới” bây giờ ra sao?

          1. Vương Đình Huệ
          “Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước... Không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân... doanh nghiệp đừng có dọa cơ quan quản lý nhà nước, nếu cần tôi sẽ lập doanh nghiệp khác..."
          Tuyên bố nức lòng được ông Vương Đình Huệ tung ra ngay khi vừa ngồi ghế Bộ trưởng Tài chính.
          Gần một năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vẫn y nguyên, thậm chí còn có xu hướng lũng đoạn hơn. Câu chuyện xăng dầu vẫn lùng nhùng, giá cả lên xuống nhập nhằng. Mỗi khi doanh nghiệp kêu lỗ thì tình trạng găm hàng, ngừng bán lập tức xảy ra trên diện rộng. Ngay cả việc minh bạch lỗ lãi, giá nhập khẩu hàng của các doanh nghiệp đầu mối... cũng vẫn tù mù như ma trận.
          Chẳng thấy doanh nghiệp nào bị giải tán, cũng chẳng có doanh nghiệp khác nào được thành lập như cam kết hùng hồn của Bộ trưởng Vương.
          Thực tế khác xa với những tuyên bố của Vương Đình Huệ. Hay nói thẳng ra là ông bất lực. Để chống lũng đoạn các mặt hàng chiến lược, cho dù mới chỉ  “thử” với xăng dầu, có vẻ như Bộ trưởng Vương đã bị “tẩm xăng đốt cháy” đúng như lo ngại của nhà báo Huy Đức trước đây.
          2. Đinh La Thăng
          “Tôi là người máu lửa, đã làm phải ra làm, nếu không là nghỉ... Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận, phải được toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tiến hay lùi thì mới làm được. Chứ lại cứ ra vào để xin phép thủ trưởng ở nhà có cho em bắn không, sau bảo không được thì chậm mất, lỡ cơ hội".
          Trong lớp Bộ trưởng mới, Đinh La Thăng nổi lên như một ngôi sao sáng, một “hiện tượng” gây sốc với những hành động quyết liệt và phát ngôn táo bạo (nhiều khi liều lĩnh, ẩu tả).
          Phải thừa nhận ông là con người nhiệt huyết. Nhưng sự nhiệt huyết trong khí chất của một gã Bí thư đoàn, cộng với tư duy làm tiền của một “thằng” giám đốc doanh nghiệp trong ông đã biến Đinh La Thăng thành một con rối trên chính trường. Từ một nhân vật được kỳ vọng nhiều, ông thành vị Bộ trưởng bị dân chửi nhiều nhất. Lịch sử chưa thấy Bộ trưởng nào lại bị dân chửi thậm tệ đến thế. Các chủ trương, quyết sách từ ông luôn tạo nên những làn sóng giận dữ và chửi bới thậm tệ. Đến mức dư luận có lúc phải đặt câu hỏi: hay bộ trưởng Thăng có vấn đề về... thần kinh?
          Theo kết quả thăm dò trên website Trương Duy Nhất- Một góc nhìn khác, có đến 95% ý kiến của hơn 1 vạn bạn đọc phản đối những chủ trương trái khoáy của Đinh La Thăng và 90% ý kiến đòi bãi nhiệm ông.
          3. Nguyễn Văn Bình
          “Là một đại diện cho thế hệ lãnh đạo mới của chính phủ, cùng với Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng hay Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình gây ấn tượng với dư luận ở những quyết định nhanh chóng, quyết liệt và hiệu quả ngay sau khi nắm quyền”
          Với nhận định ấn tượng trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình được bạn đọc VnExpress bình chọn là nhân vật của năm 2011”.
          Ông Bình được đánh giá cao bởi những nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khởi đầu bằng việc “dẹp loạn” vượt trần lãi suất và định hướng hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng.
          Kết quả một năm tái cấu trúc của ông Bình đến đâu?
          Sự kiện bầu Kiên đã cho thấy dường như cả một hệ thống ngân hàng như một lâu đài cát. Chiến dịch tái cấu trúc của ông Bình đã hở sườn. Chỉ một “cú sút bầu Kiên” đã làm rúng động cả hệ thống ngân hàng. Lần đầu tiên, Thủ tướng chính phủ phải lên tiếng yêu cầu ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật được cho là “nhằm thâu tóm và gây mất ổn định trong hoạt động ngân hàng”.
          Từ một “nhân vật của năm” nhiều kỳ vọng, ông Bình trở thành vị Thống đốc để tại ảnh hưởng tồi tệ nhất trong lịch sử.
          Dựa trên kết quả kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quản lý lãi suất, tạp chí Global Finance vừa xếp Thống đốc Nguyễn Văn Bình của Việt Nam là 1 trong 10 vị Thống đốc kém cỏi và tồi tệ nhất thế giới.
          Chỉ với 3 ngôi sao sáng của “thế hệ Bộ trưởng mới” như thế, đủ nói lên chất lượng chính phủ thế nào.
          - Bấm đọc lại bài: Chất lượng chính phủ: quá tệ!
--------------------------------------------------------- 

10 thống đốc ngân hàng trung ương kém nhất năm 2012

30-8-2012 (VF) – Tạp chí Global Finance dựa trên kết quả kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quản lý lãi suất của các ngân hàng trung ương đã đưa ra danh sách 10 thống đốc NHTW có màn trình diễn tồi nhất năm 2012 (BI, 27-8).

Mercedes Marcó del Pont, Argentina

  • Xếp hạng 2012: D
  • Xếp hạng 2011: D
  • Lạm phát cơ bản: 9,8%
  • Thất nghiệp: 7,5%
  • Lãi suất cơ bản: 14,125%

Pedro Delgado, Ecuador

  • Xếp hạng 2012: D
  • Xếp hạng 2011: NA
  • Lạm phát cơ bản: 5,09%
  • Thất nghiệp: 5,19%
  • Lãi suất cơ bản: 0,2%

Masaaki Shirakawa, Japan

  • Xếp hạng 2012: C-
  • Xếp hạng 2011: C
  • Lạm phát cơ bản: 0,2%
  • Thất nghiệp: 4,4%
  • Lãi suất cơ bản: 0,1%

Duvvuri Subbarao, India

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: B
  • Lạm phát cơ bản: 7,0%
  • Thất nghiệp: 3,8%
  • Lãi suất cơ bản: 8%

Andras Simor, Hungary

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: C
  • Lạm phát cơ bản: 3,49%
  • Thất nghiệp: 11%
  • Lãi suất cơ bản: 7%

Kim Choongsoo, South Korea

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: C
  • Lạm phát cơ bản: 1,36%
  • Thất nghiệp: 3,1%
  • Lãi suất cơ bản: 3%

Nadezhda Ermakova, Belarus

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: N/A
  • Lạm phát cơ bản: 10,5%
  • Thất nghiệp: 1%
  • Lãi suất cơ bản: 12%

Gill Marcus, South Africa

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: C
  • Lạm phát cơ bản: 4,42%
  • Thất nghiệp: 24,9%
  • Lãi suất cơ bản: 5%

Nguyen Van Binh, Vietnam

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: N/A
  • Lạm phát cơ bản: 5%
  • Thất nghiệp: 2,29%
  • Lãi suất cơ bản: 9%

Riad Salameh, Lebanon

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: A
  • Lạm phát cơ bản: 6%
  • Thất nghiệp: 9,7%
  • Lãi suất cơ bản: 10%

*  GF đánh giá dựa trên thông tin của Bloomberg và Citi là những nguồn nắm sát thị trường và có giao dịch thường xuyên với cộng đồng kinh doanh, dân cư toàn cầu. Họ cũng hiểu rõ sự vận hành của các NHTW phải thế nào mới được gọi là đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ quốc kế-dân sinh.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét