Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Chọn nghề công an để... thoát nghèo!

13 năm gắn bó với nghề, Thiếu tá Trần Xuân Nghiệp- Đội trưởng đội I- Phòng Cảnh sát điều tra(CSĐT) tội phạm về ma túy, công an Tỉnh Thái Nguyên lý giải cho những chiến công mà mình đạt được bằng một câu ngắn gọn: "Vì nghiện". Chuyện tình ban chiều dưới chân Dương Lụi Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ? Thiếu nhạc trưởng trong nghiên cứu chủ quyền Biển Đông Anh nói, cái nghiện của người lính nó lạ lắm, nó khiến cho bàn chân luôn muốn đi, đôi mắt luôn phải mở to và cái đầu luôn phải tư duy...chỉ để đạt được một mục đích cuối cùng đó chính là truy bắt được nhiều đối tượng, bóc gỡ được nhiều đường dây buôn bán ma túy hơn nữa. Vào công an vì nghèo Điểm qua danh sách 20 gương mặt thanh niên công an tiêu biểu năm 2012, anh Trần Xuân Nghiệp được liệt vào danh sách bậc "cao niên", bởi năm nay anh đã bước sang tuổi 35. Cái tuổi chưa phải là già, nhưng cũng không còn trẻ so với những người được tuyên dương lần này. Lính hình sự, rồi chuyển qua làm ma túy "dính" mãi ở lĩnh vực này ngót ngét 10 năm có lẻ, nhưng dường như chừng ấy chưa đủ lấy đi của anh cái tính hiền lành, xuề xòa vốn có. Anh bảo, người trinh sát thường phải đóng nhiều vai, khi gánh trên mình trọng trách của một người lính, lao vào nhiệm vụ để đương đầu với kẻ thù, khi đó anh sẽ là một người đàn ông lạnh lùng, quyết đoán, nhưng khi trở về với đời thực, anh đích thị là một người chồng, người cha có nụ cười hiền "như bác nông dân mới cày xong một thửa ruộng". Anh không phải là con nhà nòi, đến với nghiệp công an không theo kiểu cha truyền con nối, chọn nghề nghiệp "vì ngày xưa nhà nghèo quá". Gia đình nông thôn, bố mẹ sinh tù tì 7 người con săm sắp nhau. Cuộc sống khốn khó dồn đuổi, các anh, chị trước phải chấp nhận việc học dở dang, nhường cho các em cơ hội được đến trường. Tuy vậy, đồng tiền còm cõi từ những mùa vụ bữa được bữa mất cũng chỉ đủ để bố mẹ gắng gượng lo cho anh đến hết phổ thông. Vào đại học là ước muốn của cậu học trò Trần Xuân Nghiệp khi đó, nhưng anh cũng hiểu rằng nếu đậu thì lại thêm một gánh nặng nữa đặt lên đôi vai đã quá gầy yếu của bố mẹ mình. Nghĩ vậy, anh chọn thi vào công an để vơi bớt gánh nặng gia đình. Tốt nghiệp vào năm 1997 anh được điều động về lại quê hương mình, thuộc biên chế của đội CSĐT công an Thành phố Thái Nguyên. Chân ướt chân ráo về đội, chàng lính trẻ Trần Xuân Nghiệp đã hăng hái tham gia cùng đồng đội khám phá ra nhiều vụ án phức tạp. Chỉ tính từ tháng 11/1997 đến tháng 3/1999 anh đã trực tiếp thụ lý giải quyết 42 vụ án. Tuy nhiên, dấu ấn của Thiếu tá Trần Xuân Nghiệp vẫn được nhắc đến nhiều kể từ khi anh được điều động về phòng ma túy, khi đơn vị này vừa mới được tách lập. Không thể nhớ hết được một cách rành rõ khoảng 90 vụ án buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và 300 vụ án và hàng chục chuyên án lớn, tuy nhiên trong đó vẫn có những chuyên án anh không thể nào quên. Điển hình trong đó phải kể đến thời điểm năm 2011, anh đã trực tiếp lập kế hoạch triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn từ Thái Nguyên vào Lâm Đồng và các bãi vàng ở tỉnh phía Nam tiêu thụ. Nhắc lại chuyên án này, Thiếu tá Trần Xuân Nghiệp kể: "Qua công tác nghiệp vụ, đơn vị đã xác định một đối tượng tên Trường đang làm ăn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhưng thường xuyên có hoạt động di chuyển về Thái Nguyên. Từ đó, việc theo dõi đối tượng được thực hiện, chân dung về một mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy lớn liên tỉnh dần được dựng lên".
Thiếu tá Trần Xuân Nghiệp
Đến ngày 23-10 trinh sát báo tin đối tượng sau khi có mặt ở Thái Nguyên vào ngày 18-10, đã tiến hành giao dịch và hiện có một số lượng ma túy lớn, chuẩn bị vận chuyển vào Nam tiêu thụ trên xe khách. Từ thông tin này, Thiếu tá Trần Xuân Nghiệp được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách một tổ công tác tiến hành theo dõi tiến tới phục bắt đối tượng. Đến 13h ngày 23-10 tổ công tác phát hiện được đối tượng Mẫn Xuân Trường đang vật chuyển ma túy trên đoạn quốc lộ 1A, với ý đồ chờ đón xe khách. Nhận thấy thời cơ đã đến, Thiếu tá Trần Xuân Nghiệp chỉ đạo các trinh sát ngay lập tức bủa bắt. Giống như rất nhiều đối tượng khác, khi thấy bại lộ Trường đã chống đối rất quyết liệt, nhưng nhanh chóng bị tổ công tác khống chế an toàn. Kiểm tra đối tượng, tổ công tác phát hiện 55.87 gam Heroin. Gần đây nhất, vào tháng 3-2012 anh đã cùng đồng đội phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ tại các tỉnh Sơn La, Cao Bằng và Thái Nguyên, bắt tên Lê Nhất Vũ, sinh năm 1980, trú tại tiểu khu 7, thị trấn Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang vận chuyển 532 gam hê rô in. Những tình huống dở khóc, dở cười Nếu như trong nghiệp vụ, Thiếu tá Trần Xuân Nghiệp được coi là một người dày dặn kinh nghiệm của nhiều lớp trinh sát, thì trong hoạt động chỉ huy, anh cũng được coi là một chỉ huy thép, bản lĩnh. Anh tâm sự, đánh án ma túy thường xuyên phải đối mặt với tội phạm nguy hiểm, thế nên nếu mình chùn tay thì anh em cũng rất dễ bị đẩy lại phía sau. Tuy nhiên, cũng có những tình huống khiến cho Thiếu tá Nghiệp phải dở khóc, dở cười vì cấp dưới của mình. Điển hình là lần anh cùng với hai trinh sát trẻ mới ra trường tiến hành theo dõi, mật phục một đối tượng tình nghi buôn bán ma túy. Thiếu tá Nghiệp đi đầu, trườn về phía trước để tiếp cận đối tượng gần hơn. Khi đã quan sát thấy đối tượng có hoạt động giao dịch, một mặt anh nhẹ nhàng tiếp cận tiếp, mặt khác anh đưa tay ra đằng sau vẫy vẫy, có ý cho hai cậu lính trẻ tiến lên để cùng bất ngờ tấn công. Tuy nhiên, khi anh vừa xông ra hạ gục một đối tượng thì quay lại thấy hai trinh sát của mình đã lùi lại một quãng. Hóa ra, do chưa có kinh nghiệm đánh án nên hai cậu lính trẻ nọ cứ tưởng cái vẫy tay của người chỉ huy là ám hiệu lùi xuống, nên cứ y thế mà rủ nhau lủi dần về phía sau. Rất may, anh Nghiệp đã kịp khống chế đối tượng kịp thời, còn hai trinh sát kia cũng nhanh chóng hỗ trợ nên không có rủi ro gì đáng tiếc. "Lúc đó vừa giận, lại vừa buồn cười với hai cậu này, nhưng xong tôi cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, căn bản là anh em chưa có kinh nghiệm"- anh Nghiệp nói.
Một tình huống khác cũng trong một đêm tối nhập nhoạng, anh cùng đồng đội mai phục một số đối tượng có biểu hiện buôn bán ma túy ở trong một ngôi làng. Đang chong mắt quan sát đối tượng thì bất chợt một cụ già tiến đến gần chỗ anh Nghiệp rồi hét lớn: Bớ làng nước ơi, trộm. Sợ lộ, nhưng cũng không dám xưng danh mình là công an, anh Nghiệp chỉ líu ríu nói: Cụ ơi, con không phải là trộm đâu. Ai ngờ, khi anh vừa đứng dậy để giải thích thì bà cụ lại tưởng anh có ý đồ gì, nên lại hét to hơn: Ối làng nước ơi, có cướp. Đến lúc này, anh chỉ còn biết bấm bụng rút quân nhanh chóng, để tránh bại lộ. Đó vẫn chưa hề gì so với tình huống "cực đại" khác mà anh gặp. Đó là khi anh thâm nhập vào đường dây của các đối tượng buôn bán ma túy lớn. Sau khoảng 2 tháng luồn lách, tạo dựng niềm tin cho các đối tượng đến lúc thuận lợi anh và tổ chuyên án quyết định cất vó, tìm cách câu lưu đối tượng đưa hàng ra khu vực an toàn để bắt giữ. Theo kế hoạch từ trước, sau khi dụ được đối tượng ra khỏi nhà với ma túy trên tay, lực lượng hỗ trợ của anh sẽ ập vào bắt khẩn cấp. Thế nhưng chẳng hiểu sao, hôm đó đối tượng không chịu đưa hàng ra ngoài. Tình huống ngoài kế hoạch, Thiếu tá Nghiệp tìm cách báo cho đồng nghiệp rút quân, còn bản thân mình lại tiếp tục quay lại hang ổ tiếp tục vai diễn. Không ngờ, lúc này đối tượng lại bất ngờ đổi ý chấp nhận giao dịch nhưng với điều kiện chỉ nhận USD, không nhận tiền Việt. Lấy lý do không có tiền tại đây để đổi, anh tìm cớ đi đổi. Đối tượng đồng ý rồi dẫn anh đi đổi tiền. Dọc đường đi, trong đầu anh đặt ra rất nhiều tình huống để liên lạc với đồng đội nhưng không hiệu quả. Phải đi một đoạn đường rất dài, anh mới gặp được người của mình cũng đang nhập vai, anh liền bảo với trinh sát này dẫn đường đến ngôi nhà bí mật để đổi tiền. "Rất may, đó cũng là một đồng đội nhanh trí, nên anh ấy đưa chúng tôi đến một ngôi nhà cao tầng...có khả năng có điện thoại bàn (vì thời điểm đó điện thoại di động chưa phổ biến) để liên lạc với đồng đội". Khi vào nhà, lấy cớ gọi điện huy động tiền, các anh đã nhanh chóng liên lạc được với đơn vị triển khai lực lượng bủa vây kịp thời. Bị phát hiện, các đối tượng trên chống đối quyết liệt, nhưng cuối cùng cũng bị bắt giữ hoàn toàn. Chỉ khi chiếc còng số 8 bập vào tay, các anh mới dám thở phào. "Có lần tôi đi đánh án cả tuần mới về, vừa đặt chân đến nhà đã thấy vợ đang ôm đứa con vừa mới được mười mấy tháng tuổi khóc rấm rức trong nhà. Hàng xóm cũng rỉ tai, nhiều đêm thấy hai mẹ con ôm nhau khóc mà tội lắm. Lúc đó, sao mà tôi thấy thương vợ con mình vô cùng. Tuy nhiên, cũng chỉ ở lại được mấy hôm, rồi vẫn phải lên đường" - anh Nghiệp tâm sự. Hồ Viết Thịnh http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/86474/chon-nghe-cong-an-de----thoat-ngheo-.html

1 nhận xét:

  1. Mấy ai vì lòng yêu nước yêu dân mà chọn ngành này!




    ------------------------------
    Cafe Starmoon: Dạy học pha chế cafe uy tín TPHCM hoặc Day hoc pha che cafe uy tin TPHCM

    Trả lờiXóa