Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Kích cầu và những dấu hỏi lơ lửng




SGTT - Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc trở lại, một phần nhờ chính sách tiền tệ và tài khoá linh hoạt của Chính phủ được cụ thể hoá trong gói kích thích kinh tế lên tới 8 tỉ USD. Tuy vậy, vẫn còn một số câu hỏi lơ lửng chưa có câu trả lời rõ ràng sau những con số đã công bố.
Dấu hỏi từ gói to…
Khi bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc công bố gói kích thích kinh tế lên đến 8 tỉ USD (143 ngàn tỉ đồng) tại phiên họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, nhiều nhà tài trợ quốc tế đã tỏ ra kinh ngạc sau đó. Lý do, Việt Nam có thể huy động ở đâu số tiền lớn đến như vậy trong bối cảnh thu không đủ chi, thâm hụt ngân sách tăng mạnh và vẫn vay nợ ODA?
Chuyên gia kinh tế của ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama kể, khi ông báo cáo với các đồng nghiệp phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương về con số này của Việt Nam, ông đã bị họ truy vấn rất nhiều. Khoản kích cầu tương ứng với 8,7% GDP trong năm nay đã làm Việt Nam được xếp thứ ba trong khu vực về cách chi tiêu công mạnh tay nhất. Ông Rama đã cố gắng bảo vệ con số này trước các đồng nghiệp để họ đưa nó vào bản báo cáo chính thức của WB dù không chứng minh được các chi tiết cụ thể lúc đó.
Cho đến gần đây, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại cho rằng, gói kích thích kinh tế của Việt Nam thậm chí còn lớn hơn, ở mức 145,6 ngàn tỉ đồng (8,6 tỉ USD). Cũng như WB, ADB đã không thể thống kê chi tiết các khoản chi tiêu trong gói này, vì theo một chuyên gia kinh tế của ngân hàng này, họ đã không thể tiếp cận các số liệu cụ thể. Về tổng quát, ADB cho rằng số tiền kích thích này bao gồm việc cắt giảm tạm thời 30% thuế doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ thêm tài chính cho các hộ nghèo, hỗ trợ lãi suất 4% đối với một số khoản nợ ngân hàng và thúc đẩy việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu có bao nhiêu trong tổng số tiền trên đã thực sự được đưa vào nền kinh tế, chuyên gia kinh tế của ADB Bahodir Ganiev tỏ ra do dự. Ông nói: “Các số liệu về tài khoá trong sáu tháng đầu năm cho thấy (Chính phủ) không chi tiêu nhiều lắm. Các khoản chi tiêu không nhiều và không nhanh do các khoản đầu tư vẫn đang trong quá trình giải ngân”.
Nhưng giám đốc ADB Ayumi Konishi có cách lý giải khác: “Phát tiền cho dân nghèo, giảm thuế,… tức là cộng tất cả các khoản vào thì sẽ cho ra số kích thích, kinh tế 8,6 tỉ USD. Có nghĩa là không phải Chính phủ huy động được 8,6 tỉ USD tiền mặt”.
Ông giải thích lý do Chính phủ cần (công bố) gói kích thích kinh tế lớn đến 8,7% GDP: “Gói kích thích lớn là vì Chính phủ muốn đạt được mức tăng trưởng hợp lý. Mặt khác Chính phủ hiểu rằng, hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam rất kém. Mức tăng trưởng như vậy là biện pháp tốt nhất để đảm bảo rằng không có quá nhiều người bị ảnh hưởng quá tiêu cực do suy giảm kinh tế”.
… Đến gói nhỏ
Cho đến gần đây, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những tín hiệu rõ rệt trong việc ghì cương các khoản vay liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 4% do lo ngại lạm phát gia tăng. Có vẻ như, khoản kích thích này đang hoàn thành nốt sứ mệnh của nó. Ông Konishi bình luận: “Tôi không cho rằng cơ chế này là hoàn hảo, nhưng ít nhất nó cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại được qua thời điểm xấu nhất”.
Nguồn cho gói hỗ trợ lãi suất này, theo giải trình của bộ trưởng Võ Hồng Phúc trước Quốc hội tháng 5 vừa qua, là lấy từ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ADB, tổ chức vừa thông qua khoản vay 500 triệu USD cho Việt Nam nhằm chống suy giảm kinh tế, cách giải thích này sẽ gây ra sự hiểu lầm lớn. Ông Konishi nói: “Dự trữ ngoại hối không phải là một khoản dự trữ mà Chính phủ gửi ở ngân hàng, hay một loại quỹ mà Chính phủ có thể tiêu. Nghĩa là Chính phủ không thể lấy 1 tỉ USD ra chi để hỗ trợ lãi suất. Rõ ràng đã có quá nhiều hiểu lầm”.
Ví dụ thế này, doanh nghiệp tư nhân có hàng hoá để bán ra nước ngoài lấy 1 tỉ USD. Về lý thuyết doanh nghiệp đó không thể tiêu 1 tỉ USD đó ở Việt Nam và phải mang đến ngân hàng thương mại. Đến lượt ngân hàng thương mại lại mang số tiền đó đến NHNN để đổi lấy số tiền Việt
tương đương.

Ông Konishi lý giải, như vậy 1 tỉ USD nằm ở NHNN như là dự trữ ngoại hối, nhưng lại không phải là tiền của NHNN. Ông nói, dự trữ ngoại hối là rất quan trọng, vì khi nhập khẩu hàng hoá, các doanh nghiệp phải đến ngân hàng mua ngoại tệ để nhập khẩu. Một khi dự trữ ngoại hối bằng không, thì bạn không có tiền để nhập khẩu nữa. Ông nhấn mạnh: “Vì thế, dự trữ ngoại hối chẳng liên quan gì đến tiền của Chính phủ”. Mặc dù vậy, ông thừa nhận rằng ADB vẫn tính gói hỗ trợ lãi suất trị giá 1 tỉ USD mà Chính phủ công bố vào các thống kê chính thức của tổ chức này.
Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, nhưng rõ ràng, nhu cầu về một tổng kết rõ ràng, minh bạch về gói hỗ trợ vừa qua vẫn còn đó. “Tôi phải nhấn mạnh thêm, trong việc Việt Nam vượt qua suy giảm kinh tế, có công rất lớn của người dân và doanh nghiệp, bên cạnh chính sách của Chính phủ”, ông Konishi nói.
Tư Giang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét