Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

"MỘT NỬA SỰ THẬT CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG TÌM ĐẾN SỰ THẬT"

 Tên áo thun xám là an ninh văn hóa, trên FB nick của hắn là Thao thức Sài Gòn.

Bắt đầu già, tự nhiên khám phá: "MỘT NỬA SỰ THẬT CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG TÌM ĐẾN SỰ THẬT" và...

Điều đó chỉ đúng khi ta đã biết được sự thật.

Đừng cười, đó là cách để chỉ cho người đang bị lừa con đường đến với sự thật.

Khám phá trên nảy sinh nhờ tiếp cận 2 "loại" văn nghệ sỹ của thời thổ tả.

Trong bất cứ xã hội nào, bất chấp thể chế chính trị của nó, vẫn có những người thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, và vẫn có những văn nghệ sỹ đích thực, xứng đáng được gọi là những người tiên phong tư tưởng cho xã hội.

Và như vậy, có một số thầy giáo tồi và có một số văn nghệ sỹ bại.

(Xin lỗi vì đã dám phân loại văn nghệ sỹ. Nhưng nếu không làm động tác này thì vàng thau lẫn lộn.)

Một loại dùng sự khôn ngoan láu cá của mình để có được điều kiện vật chất mà cho ra đời những đứa con "hoành tráng". Và đương nhiên, những đứa con đó ngay từ khi trứng nước đã phải phục vụ cho cái nguồn tài trợ hoặc chí ít thì cũng không "vướng mắc" gì với cái nguồn đó, nhưng tựu trung vẫn là bị ảnh hưởng chứ không đơn thuần chỉ là thiếu tự do sáng tạo. Những văn nghệ sỹ này cũng có thực tài, vì nếu không có tài thì chẳng có cái "hòanh tráng" ấy, và (đáng tiếc là) chính vì cái hoành tráng ấy mà công chúng dễ dãi đã hâm mộ cái gọi là "tác phẩm"ấy và tôn sùng con người mệnh danh là nghệ sỹ ấy.

Những văn nghệ sỹ khác, vì lòng tự trọng và nhất là vì biết rằng nghệ thuật thì không thể bị lèo lái, chỉ đạo, đã phải dùng mồ hôi nước mắt của riêng mình mà xây dựng nên tác phẩm để rồi hên xui may rủi cho nó ra đời mà không biết nó có đến được với công chúng không. Ai có sinh con ắt hiểu cái tâm trạng lo lắng sợ hư thai, sợ sanh khó, sợ con chết non chết yểu. Đương nhiên, tất cả những tác phẩm không vừa ý giới cai trị (thậm chí chỉ vì lý do vụn vặt cá nhân nào đó trong hội nhà văn), dù có vĩ đại đến mấy đi nữa thì cũng bị "ách lại", thậm chí tác giả có thể bị đi tù ngay sau khi gửi bản thảo (nhớ không chắc có phải là Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn?), nhẹ hơn thì có thể bị nắn lưng (Nguyễn Ngọc Tư, sau Cánh Đồng Bất Tận) hay nặng nhất là bị cấm viết (đoán mò, vì tự dưng không thấy viết nữa. Nhưng đây là kinh nghiệm bản thân, trong lãnh vực khác.)

Trong các bộ môn nghệ thuật đến với công chúng thì văn học là dễ sinh con nhất (con sống hay không chưa kể), chỉ cần có đủ tiền giấy mực, thêm chút nữa, là con mình có thể chào đời. Chính vì vậy, mảng văn học là mảng làm cho giới cầm quyền nhức đầu nhất. Nhức đầu cũng vì không khôn khéo thì sẽ bị phản ứng từ những người thưởng ngoạn mà đa phần là giới sách vở, tức là giới trí thức, khác với giới thưởng ngoạn dễ dãi thường chỉ tiếp cận phim ảnh hay âm nhạc. Làm điện ảnh, hay âm nhạc thì khó hơn. Cái thì khó vì chi phí sản xuất quá lớn, cái thì khó vì chi phí phát hành. Vậy đương nhiên hai ngành này phải có hỗ trợ từ nhà cầm quyền, hoặc là cá nhân tác giả phải giàu có (điều này khó xảy ra).

Có được sự phân tích như vậy rồi, khi cầm một cuốn sách, xem một cuốn phim, ta có thể chỉ ra được tính nhân văn, nghệ thuật của tác phẩm, chỉ cần thêm một điều kiện: biết về tác giả và hoàn cảnh sáng tác. Hồi bé tôi rất bực mình khi học "giảng văn" lại cứ phải học thuộc lòng tiểu sử tác giá và hoàn cảnh sáng tác. Giờ mới thấy thầy cô mình có lý, -- có lý vào thời tôi còn bé thôi, bây gờ thì phải thêm "phải biết cả cá tính của tác giả" nữa. May quá ngày nay có internet.

Chính nhờ có internet, những một nửa sự thật sẽ là con đường đến với sự thật.

Hồng Đức tiên sinh.

1 nhận xét: