Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Bên Bỏ Cuộc phần cuối: Tôi bước qua bên bỏ cuộc!




Nói một lần rồi thôi: Tôi bước qua bên bỏ cuộc!


Khi đi tìm bên bỏ cuộc, chợt nhận ra rằng họ, những người tôi tìm ra, đều là người tử tế. Người tử tế có nhiều và rất nhiều chứ không phải
hiếm hoi như tôi đã nghĩ. Họ là những ai? Họ làm gì? Họ chính là những người xung quanh bạn đấy thôi, chỉ có điều vì nhiều lý do bạn đã không thể nhận ra, hoặc cố tình không nhận ra vì cái định kiến của mình.

            Hòa hợp, hòa giải dân tộc phải chăng là không thể?


Chiến tranh đã để lại dấu ấn rất nặng nề trong lòng những người Việt, cho dù họ là ai, hải ngoại hay trong nước. Trong cái hành trình đi tìm một ít sự thật về Bên bỏ cuộc, thỉnh thoảng đây đó tôi lại tìm thấy những con người bé nhỏ, lẻ loi.  Nhưng họ không yếu đuối, họ rất kiên trì theo đuổi hành trình của mình, hành trình đem tới sự hòa hợp, hòa giải dân tộc cho tương lai.

Chúng ta có thể trả lời câu hỏi:
 Giả sử một lần nữa đất nước được giải phóng, chế độ cộng sản sụp đổ, lúc đó ta làm gì?
 -Trả thù những người cộng sản?
 - Làm lại những điều mà sau 1975 họ đã làm với những người của chế độ cũ?
 -Đuổi tất cả những ai đã từng làm việc cho chế độ cộng sản, cả công an, quân đội hay những công chức trong bộ máy?

Tất cả những người có tự trọng, có nhân cách đều không thể làm như thế. Chúng ta không mong mắt đền mắt, răng đền răng, mà chỉ những người chủ mưu gây ra tội ác mới phải cần trừng trị chứ không phải đám đông. Vậy thì tại sao ta không chịu hòa hợp, hòa giải dân tộc?

Cái con người nhỏ bé mà đơn độc đó (có thể có nhiều người như cô nhưng họ lại không dám nói ra) đã có lần tâm sự sau chuyến nghiên cứu ở Hà Nội và tham khảo các đồng nghiệp nữ tại đây:

“Họ cho tôi biết trống đồng Việt Nam thật sự không phải là duy nhất Việt Nam mới có. Bảo tàng Trung Quốc ở Vân Nam có rất nhiều trống đồng mang những hình tượng, hoa văn giống như các trống đồng tìm được ở Việt Nam. Tôi rất thất vọng khi tìm được thêm một số tài liệu nghiên cứu xác minh cho điều đó. Tôi dự định chuyển hướng nghiên cứu sang truyền thuyết Âu Cơ- Lạc Long Quân như một cách để phân biệt sự khác nhau giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Nhưng rồi tôi lại thấy ra sự phân chia, ly tán. Việt Nam bị đã phân chia từ khởi thủy, ngay từ trong truyền thuyết. Những phát hiện này làm tôi đau buồn vô cùng. Tôi quyết định sẽ làm cái gì đó trong các tác phẩm của tôi để hàn gắn lại quá khứ. Nếu như trong một nhà mà chúng ta còn chia cách, thì nói làm gì tới chuyện chống lại văn hóa Trung Hoa.”

Vâng, đã từ rất lâu cô họa sỹ ấy đã nhận ra rằng: họ, người Việt, đã bị chia rẻ và ly tán ngay từ khởi thủy, ngay từ chính trong truyền thuyết lập quốc của đất nước mình. Đó có là định mệnh?

Cô họa sỹ ấy chỉ là một phần rất nhỏ, cô lại ở nước ngoài. Nhưng trong nước tôi cũng tìm thấy rất nhiều người như thế, họ là ai? Nói cho đúng hơn họ thuộc về bên thắng cuộc, nhưng từ từ theo thời gian họ đã nhận ra rằng họ không thuộc về bên đó. Đơn giản vì họ là người tử tế, họ không muốn trợ ác, họ không muốn tham lam, họ đi làm cách mạng vì lý tưởng chớ không phải vì quyền lợi do đó khi phát hiện ra sự thật thì niềm tin của họ bị phai nhạt rồi biến mất. Và từ từ họ dần rời xa những thứ mà bấy lâu nay họ luôn tuân phục, họ không thể chống đối công khai nhưng họ có thể bất hợp tác, có thể bày tỏ suy nghĩ của mình. Mà điển hình như chị Kim Chi, nhà văn Thùy Linh, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và rất nhiều, rất nhiều người khác trong đó có cả những người làm việc trong bộ máy chính quyền. Ta sẽ làm gì với họ trong tương lai nếu như điều ấy xảy ra?

Rõ ràng ngày nay người dân đã dám nói nhiều hơn, một phần do sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản đỏ mới, một phần do thông tin từ internet, và trong đó có những người tiên phong như nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn. Trong bối cảnh đó, cái xã hội dân sự hiện tại mà theo ông Nguyễn Hưng Quốc:

“Nếu, từ thực tế ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia toàn trị khác ở châu Á và châu Phi, người ta đành phải thay đổi bản chất của khái niệm xã hội dân sự, từ một thiết chế đến một tiến trình và một hành động, từ tự trị đến tương đối tự trị, thậm chí, nảy sinh từ bên trong nhà nước, theo tôi, người ta cần bước thêm hai bước nữa: một, mở rộng khái niệm “thiết chế” từ thế giới thực đến thế giới ảo; và hai, chấp nhận cả các hiện tượng không được nhà nước chính thức công nhận.

Không chấp nhận điểm thứ nhất, chúng ta thành những kẻ lạc hậu trước những thay đổi triệt để và lớn lao trong truyền thông, và từ đó, trong xã hội. Không chấp nhận điểm thứ hai, chỉ nhìn vào các cơ quan được nhà nước cấp giấy phép, chúng ta sẽ không bao giờ thấy được diện mạo xã hội dân sự thực sự.”


Trên fb ngày hôm qua, tôi đã tranh cãi với 3 người trong 3 vụ việc khác nhau nhưng đều có liên quan tới chính trị xã hội. Cả 3 đều tranh luận bằng cùng một giọng điệu: cao đạo, hỗn xược và trịch thượng. Cả 3 như những con vẹt phun ra những điều giống y như nhau, không biết người ta đã huấn luyện thế nào mà họ như cái máy, do đó nó thiếu hẳn nhân tính. Tranh cãi với người lớn tuổi hơn mình mà trịch thượng, chửi thề, thậm chí chửi cả ông bà ông vãi tổ tiên người ta. Bạn có thể hòa giải, hòa hợp với những người như thế?

 Để không bị cầm tù bởi những định kiến tôi quyết định bước qua bên bỏ cuộc và cố trở thành người tử tế! Và khi tôi nói: Hòa hợp, Hòa giải Dân Tộc nó chỉ mang ý nghĩa với dân tộc VN mà thôi, chứ không là đường lối chính trị của CS. Người Việt với nhau mà còn không thể cảm thông với nhau được thì không còn gì để nói, có lẽ đó chính là định mệnh!


Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh
Bên nào thắng thì nhân dân đều bại
Nguyễn Duy

3 nhận xét:

  1. Trên fb ngày hôm qua, tôi đã tranh cãi với 3 người trong 3 vụ việc khác nhau nhưng đều có liên quan tới chính trị xã hội. Cả 3 đều tranh luận bằng cùng một giọng điệu: cao đạo, hỗn xược và trịch thượng.
    ...
    Fây bác thế nào nhỉ ? trường hợp như bác nói gặp rất nhiều, cứ như robot.

    Trả lờiXóa
  2. “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh
    Bên nào thắng thì nhân dân đều bại”

    Em không thích chiến tranh lắm ! Dù thắng hay thua đều đem lại những tổn thất rất lớn !

    Trả lờiXóa