Đó là 4 nhân vật tâm điểm, được nhắc nhiều nhất trong tuần qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Phan Thanh Hùng.
Ông Trọng
Vẫn với phong thái giản dị, một lần nữa ông Tổng Bí thư văn chương (ông
Trọng học Tổng hợp văn) lại khiến cả nước ngỡ ngàng với lối chẻ chữ
nhét nghĩa, trích cú tầm chương, hình tượng vòng vo tam quốc quen thuộc
của mình.
Câu “một bộ phận không nhỏ
trong đảng, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể
cả một số cán bộ cao cấp thoái hóa, hư hỏng đe dọa sự tồn vong của đảng
và chế độ” hình như khởi phát từ ông, là của chính ông, sau đó chính
thức được đưa vào văn bản nghị quyết đảng. Thế nhưng khi bị cử trị truy
vấn cái bộ phận không nhỏ hư hỏng đó là bộ phận nào, chiếm bao nhiêu
phần trăm, nằm ở đâu, cụ thể những ai thì ông lớ ngớ không trả lời được.
Ông bảo “nó trừu tượng quá”.
Nhiều lần, ông nhắc đi nhấn lại mãi quyết tâm “loại trừ những cán bộ
đảng viên hư hỏng ra khỏi đội ngũ”, nhưng khi bị cử tri truy vấn sao
không kỷ luật được ai, ông lại cười: mục tiêu là “cảnh tỉnh, cảnh báo,
răn đe, ngăn chặn”, không phải cứ kỷ luật là tốt, ngược lại ông bảo: “kỷ
luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó,
thành phe phái, rối nội bộ". Ông gọi đó là tinh thần khoan dung, là
tính... nhân văn đặc thù Việt Nam!
Dân
tình cả nước được phen cười vỡ bụng khi nghe ông ví việc kỷ luật đảng
và thực hiện nghị quyết 4 với chuyện... thổi lửa nhóm lò!
Đây không phải lần đầu. Dân tình đã quá quen với cách diễn giải hình
tượng vòng vo xuẩn quanh của ông ngay từ khi mới nhậm chức, từ khi biển
Đông bắt đầu nóng như chảo lửa nhưng ông vẫn thản nhiên rằng: tình hình
biển Đông không có gì mới, nói biển Đông mà không phải là biển Đông...
Sử đảng, chưa thời nào có một vị Tổng Bí thư... trào lộng đến vậy.
Ông Dũng
Khác ngược với lối bóng gió, hình tượng vòng vo của Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng lại thể hiện là một con người rất cụ thể, rõ ràng, rành mạch, quyết
đoán và khá… ấn tượng!
Tiếp xúc cử
tri, Thủ tướng Dũng bảo ông đã cho trợ lý kiểm tra... trong từ điển và
phát hiện thấy lâu nay chúng ta chưa có một định nghĩa đầy đủ về cụm từ
“lợi ích nhóm”. Lợi ích nhóm là bọn nào? Ông nói: Lợi ích nhóm là một
nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi
ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với
lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa
số người dân.
Ông khẳng định: Chính
phủ luôn kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ “bọn” lợi ích nhóm. Ông chỉ tay
day mặt cụ thể: “Có ngân hàng, vì lợi ích mà một số cá nhân đã có hành
vi vi phạm pháp luật. Trong đó, có cả một người nguyên là Bộ trưởng. Dù
rất đau xót nhưng chúng tôi vẫn phải quyết định xử lý nghiêm”.
Trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn cách nhân văn, chỉ cảnh
tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn chứ không kỷ luật vì “kỷ luật mà không
tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe
phái, rối nội bộ", thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại rất thẳng thắn,
cương quyết: “nếu làm lợi chính đáng thì khuyến khích, nhưng phương hại
đến người khác là phải xử lý nghiêm... phải loại bỏ làm trong sạch bộ
máy”.
Giữa lúc ông Trọng lúng túng
không chỉ được đâu là bộ phận không nhỏ, thì ông Dũng lại khẳng khái:
Trong năm 2011 đã xử lý kỷ luật các hình thức đối với 13.700 đảng viên,
năm 2012 là 15.800 đảng viên- Đó nó đấy, đấy chính là bộ phận không nhỏ
đó!
Dường như càng rơi vào những nút thắt khốn khó, ông càng biết cách gỡ khôn khéo, tỏ ra quyết liệt và... ấn tượng!
Ngay cả cái cách về địa phương, tiếp xúc cử tri của ông cũng khác ông
Trọng. Trong khi ông Trọng đơn sơ, giản lược, thì ông Dũng khi nào cũng
nườm nượp, oai phong với khẩu hiệu băng rôn đỏ chói.
Ông Thanh
Tuần rồi Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lại tạo nên một hiện tượng. Báo
chí và dân tình trên mạng like ông Thanh nhiều vô kể. Ông nổi tiếng là
một người nói được làm được.
Cũng
những câu đó, rơi vào miệng người khác sẽ bị dân tình phê là “nổ” và
hứng đá tơi bời. Nhưng với ông Thanh lại đón nhận cả một rừng pháo tay.
Đơn giản, bởi những điều ông làm được, cái thương hiệu Đà Nẵng tạo dựng
được trong suốt những năm qua là điều khó ai có thể cãi chê.
Họp hội đồng nhân dân, khi bàn đến chuyện chống cướp trộm và trật tự an
ninh, nghe các vị đại biểu vung tay mãi một câu quen thuộc đến nhàm
chán “đó không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành công an mà đòi hỏi cả
hệ thống chính trị phải vào cuộc”, ông nói: “Giữ cho người dân bình yên
là trách nhiệm của chính quyền, mà công an là công cụ đắc lực của chính
quyền nên phải thể hiện đi chứ không thể chờ ai cả. Nói là toàn đảng,
toàn quân, toàn dân nhưng thực ra trách nhiệm chính vẫn là công an. Ở
Hàn Quốc, Singapore… người ta đâu có hô "toàn đảng, toàn quân, toàn dân"
mà họ vẫn làm rất tốt…”
Nói thế sao không vỗ tay được.
Bàn về trách nhiệm cá nhân, ông bảo: “Phải có người chịu trách nhiệm cá
nhân chứ không thể cuối cùng rồi hoà cả làng. Ở các nước nếu xảy ra
cướp giật nhiều như thế thì Tư lệnh cảnh sát phải từ chức. Không từ chức
không xong với các nghị sĩ đâu. Không có chuyện đổ lung tung, cứ từ họ
Nguyễn, họ Lê chuyển sang… họ Đỗ hết!" (ông dùng chữ họ Đỗ, người Quảng
phát âm thành “đổ” để chỉ sự đổ lỗi trách nhiệm lung tung).
Ông cũng là người khá tỉnh, biết người biết ta, biết soi mình, cảnh giác trước lời khen và những sự tôn vinh.
Khi nghe thuộc cấp của mình khoe “diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình
Dương (APEC) tôn vinh Đà Nẵng là 1 trong 20 thành phố sạch trên thế giới
(có hàm lượng cacbon thấp nhất)”, ông tỏ ra nghi ngờ ngay: Nghe thế
giới họ khen thế này thế kia về môi trường, tôi không biết mấy thành phố
khác còn bẩn đến cỡ nào nữa? Mình đi các nơi, thấy nhiều đô thị hấp dẫn
rứa mà răng tự nhiên mình cũng nằm vô top 20. Không biết mấy ổng chấm
kiểu chi mà tui thấy chưa sướng lắm. ASEAN cũng công nhận Đà Nẵng là
thành phố có môi trường sạch. Chắc mấy ổng không đi vào cái chỗ mà hôm
trước tôi với anh Huy (ông Trần Văn Huy, Bí thư kiêm Chủ tịch quận Thanh
Khê) lội vô ở ven sân bay. Mấy ổng tới đó chắc không chấm điểm Đà Nẵng
đâu. Úi chu cha, đô thị chi rứa mà là đô thị, ăn ở mất vệ sinh, rác rưởi
vất tùm lum.
Ông tự cười mỉa mình:
"dù muốn hay không thì họ cũng công bố rồi, mình lỡ "bị" công bố nên
phải làm cho tốt hơn, chứ làm không đạt là mang tiếng".
Điều ông Thanh nghi ngờ, cảnh giác trước lời khen và những sự tôn vinh,
đồng thời biết tự mỉa mai thành phố của mình như vậy cũng đúng thôi.
Bởi tự bản thân ông thấy nó chưa sạch đến vậy, chưa xứng đến tầm thế
giới như vậy. (Tuy nhiên chắc ông chưa biết việc này: chính xác là Đà
Nẵng chỉ được APEC chọn vào top 20 thành phố trong dự án đô thị sẽ thực hiện mô hình cacbon thấp (tức là chọn vào nhóm mô hình để thực hiện với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt một số tiêu chí đó), nhưng báo chí Việt lại dịch bậy,
đăng rao ầm ĩ rầm trời trên đủ thứ báo, trên cả website chính phủ
thành: APEC tôn vinh Đà Nẵng là 1 trong 20 thành phố sạch nhất thế giới-
có hàm lượng cacbon thấp nhất (tức là chỉ thì hiện tại rằng Đà Nẵng đã…
sạch nhất thế giới, trong khi mình chưa bắt tay vào thực hiện điều gì
cả) - Bấm đọc bài này: APEC committee chooses Da Nang as next low-carbon town)
Ông nổi tiếng (hoặc tai tiếng) về sự quyết đoán đến độc tài. Không ít
người chê. Và hình như đây cũng chính là một trong những điểm khiến ông
bị gạch tên sau nhiều lần cất nhắc. Nhưng với tôi, sự độc tài nhiều khi
là đức tính cần có của quan chức đứng đầu. Nói như tác giả Phạm Ngọc Cương
“quyền lực chỉ thông suốt trong hai trường hợp: độc tài bao trùm hoặc
dân chủ bài bản”. Một khi không, hoặc chưa có được cái “dân chủ bài bản”
thì độc tài là điều kiện cần. Dân chủ nửa mùa trong trường hợp này là
kìm hãm phát triển.
Nếu có một cuộc bỏ
phiếu thật sự dân chủ vào lúc này, tôi tin dân tình cả nước dồn phiếu
cho cái tên Nguyễn Bá Thanh nhiều nhất.
Ông Hùng
Lần đầu tiên, một huấn luyện viên bóng đá hót đến vậy, được dư luận
quan tâm bàn kháo không thua gì 3 vị chính khách trên.
Bài thư giãn vui
về chuyện từ chức của ông Hùng tôi viết không ngờ quá hót. Việc dám
nhận trách nhiệm, không chối cãi đôi co, thái độ dứt khoát, mau lẹ, thừa
nhận sai lầm và dũng cảm từ chức ra đi nhường đường cho người khác được
báo chí ngợi ca là văn hóa từ chức hiếm thấy đầy đáng trọng giữa thời khắc này, giữa lúc diễn biến và thời tiết chính trường cũng chẳng khác gì bóng đá.
Tình thế khủng hoảng và sự tuột dốc không phanh của bóng đá Việt lúc
này quá dễ để Phan Thanh Hùng đổ lỗi. Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng
không quyết đinh kỷ luật, không ép ông phải từ chức. Quyết định giữ ghế
hay ra đi do ông toàn quyền quyết định.
Nhưng:
Ông đã nhận lỗi hết về mình với vai trò người đứng đầu chèo lái (HLV
trưởng) và quyết định ra đi. Ông nói: một khi đã không tốt, không hoàn
thành nhiệm vụ thì phải ra đi, nhường chỗ cho người khác hợp lý hơn, làm
tốt hơn.
Sự biết hi sinh của ông biết đâu lại tạo cho bóng đá Việt một cơ hội chuyển xoay mới.
Lòng tự trọng và văn hóa từ chức của Phan Thanh Hùng đáng để vỗ tay.
Nói như bạn đọc “Mõ làng” trong một comment: Không biết chừng HLV Phan
Thanh Hùng sẽ khởi đầu cho một trào lưu nói không với xin lỗi và làm
lãnh đạo thì phải biết tự trọng, không làm được thì nên từ chức như đại
biểu quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu trong kỳ họp quốc hội vừa rồi.
Đừng để người ta phải lôi cổ xuống dù có nói vòng vo tam quốc hay giỏi
đến cỡ nào.
Một tuần lễ nhiều sự kiện và đầy ắp những liên tưởng thú vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét