Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Thất Nghiệp và Thống Kê



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 121008
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Vì Sao Doanh Nghiệp Chưa Tuyển Thêm Nhân Công?

 * Tổng Thống Hoa Kỳ Vã Mồ Hôi - Và Sợ Thất Nghiệp * 


Dư âm của cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống vào tối Thứ Tư mùng ba vừa dứt, thống kê của Bộ Lao động về nhân dụng Tháng Chín lại gây tranh luận khác vào sáng Thứ Sáu: tỷ lệ thất nghiệp hạ từ 8,1% xuống 7,8%, thấp nhất kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức vào Tháng Giêng năm 2009.

Tranh luận nổi lên vì một bên cho là tình hình đã khả quan hơn với mức thất nghiệp giảm thấp, trong khi bên kia thì hoài nghi vì kinh tế mới chỉ tạo thêm có 114 ngàn việc làm, thay vì 250 ngàn như yêu cầu: ly nước còn vơi một nửa!

Một nhân vật nổi tiếng hoài nghi chính quyền Dân Chủ của ông Obama còn cho là bộ Lao động cố tình xào nấu thống kê để tô hồng sự thể trước khi dân chúng đi bầu vào tháng tới. Dĩ nhiên, lập luận của ông Jacques Welch, cựu Chủ tịch Tổng giám đốc tổ hợp GE, là khó vững vì công chức văn phòng thống kê về lao động của bộ không thể làm được việc đó.

Nhưng vì sao mà cùng một cơ quan lại đưa ra hai con số có nội dung trái ngược để người ta cãi lộn về chuyện ly nước đầy vơi?

Như đã trình bày đúng một tháng trước trên cột báo này ("Quả Trứng Và Con Gà - Chuyện Thất Nghiệp: Trứng Lép Sinh Gà Còi"), vấn đề nằm trong kỹ thuật khảo sát và tất cả chỉ là dự báo sơ khởi, còn được điều chỉnh sau này. Thứ nhất, cuộc khảo sát một dân số mẫu ở ngọn (khoảng sáu vạn gia đình) để xem là những ai có việc làm thì cho biết là có thêm 873 ngàn việc trong Tháng Chín nên đưa ra bức tranh màu hồng về mức thất nghiệp. Cuộc khảo sát ở gốc là 116 ngàn cơ sở kinh doanh và công quyền lại cho thấy một hình ảnh tiêu điều hơn, chỉ thêm có 114 ngàn việc, và mất 16 ngàn trong ngành chế biến sau khi đã mất 22 ngàn việc trong Tháng Tám, v.v....

Thuần về kỹ thuật thống kê, cuộc khảo sát các hộ gia đình có kết quả thất thường, với độ lệch rất cao nên ít giá trị dự báo bằng cuộc khảo sát các cơ sở tuyển dụng. Đâm ra chúng ta có hiện tượng kinh tế rất sát với chiều hướng chung là số việc làm chưa tăng, và hiện tượng chính trị om xòm là mức thất nghiệp có giảm. Trong thực tế, giới nghiên cứu kinh tế chú ý đến tỷ lệ khiếm dụng – muốn kiếm việc toàn thời mà chưa ra – gọi là U-6: nó không giảm, vẫn ở mức quá cao là 14,7%.

Tình hình thật ra vẫn chưa sáng sủa. Bài này xin đi xa hơn, với câu hỏi vì sao các doanh nghiệp vẫn ngần ngại tuyển dụng?


***


Theo cơ quan nghiên cứu có thẩm quyền định nghĩa về mức tăng trưởng kinh tế là NBER, Hoa Kỳ bị nạn suy trầm từ Tháng 12 năm 2007. Suy trầm hay "recession" là khi đà tăng trưởng giảm trong hai quý liên tiếp. Nạn suy trầm kéo dài 18 tháng và chính thức chấm dứt vào Tháng Bảy năm 2009, sáu tháng sau khi Chính quyền Barack Obama nhậm chức.

Khi ấy, vào mùa Thu 2009, Phó Tổng thống Joe Biden sớm dọa dư luận về sức hồi phục của nền kinh tế nhờ phép lạ của chính quyền mới với hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế và cải tạo xã hội. Khổ thay, kinh tế ra khỏi suy trầm mà vẫn èo uột trong ba năm liền, thì đấy là lỗi của người tiền nhiệm George W. Bush! Nói phét rồi đổ lỗi là biệt tài của các chính khách.

Ai cả tin thì ráng chịu. Nhưng đoàn lữ hành vẫn phải đi tới để tìm hiểu vì sao thất nghiệp chưa giảm, doanh nghiệp chẳng tuyển người, lại còn muốn sa thải nhiều hơn?

Thực tế ngày nay là mức tin tưởng của giới tiêu thụ vào nền kinh tế có gia tăng và thị trường gia cư đã ngoi từ đáy vực. Các doanh nghiệp cũng thấy tình hình khả quan hơn. Trong thành phần 500 công ty của chỉ số chứng khoán tiêu biểu là Standard & Poor's 500, số doanh nghiệp ngoài ngân hàng và tiện ích (điện nước) đã đạt một kết quả kỷ lục: ngồi trên tấm nệm hiện kim vĩ đại là hơn một ngàn tỷ đô la.

Tức là các doanh nghiệp có sẵn tiền đầu tư, để tuyển lại người bị sa thải hoặc thâu nhận thêm người mới và sản xuất cho một thị trường bắt đầu khởi sắc. Vậy mà họ đầy ra ý là ỳ ra đấy, còn tính thải người và giảm bớt phí tổn. Khi doanh nghiệp nói đến "kiểm soát phí tổn", hay "cost control", hoặc nâng cao năng suất thì ta nên biết là họ sẽ giảm nhân công và thất nghiệp sẽ tăng.

Có hai lý do giải thích hiện tượng này.

Trước nhất, dòng hiện him, lưu kim hay tiền mặt (cash flow) không là tiền lời. Mức lời của doanh nghiệp đo lường từ số thương vụ (lượng hàng bán ra) là một sự sút giảm, mỗi món hàng chỉ lời chút đỉnh hoặc còn lỗ nên doanh lợi chưa khả quan. Vì vậy, các đơn vị sản xuất đều lui về thế thủ, ghim tiền mặt và thải thêm người. Doanh nghiệp càng lớn thì càng thải mạnh. Đấy là tin kém vui từ các công ty như Staples, Hewlett-Packard hay Bank of America. Trong lãnh vực đầu tư tài chánh và ngân hàng, số người bị sa thải sẽ còn tăng hơn nữa.

Nhân đây, xin nói thêm rằng tình hình một doanh nghiệp thuộc loại "tiên báo" là FedEx có thể cho thấy điều ấy.

Công ty này thuộc loại "chuyển lực", là sợi dây kéo sự chuyển động kinh tế khi chuyên chở mọi thứ phẩm vật trên thị trường, từ tài liệu kế toán tài chánh đến hàng hóa, dụng cụ điện tử, máy móc, v.v... FedEx vừa thông báo kế hoạch "giảm chi" vì dự đoán sự sa sút của doanh lợi trong mấy tháng tới.

Hôm Thứ Hai, thị trường chứng khoán xác nhận chuyện đó khi dự báo khoản lời của doanh nghiệp còn giảm mạnh trong quý bốn, tới mức u ám của năm 2009.

Tình hình ấy tác động vào sức tiêu thụ của các hộ gia đình trong một nền kinh tế mà tiêu thụ là đầu máy có sức kéo là 70% tổng sản lượng. Khi ấy ta mới chú ý đến một hiện tượng khác: doanh nghiệp có khả năng tuyển dụng cao nhất không là các đại tổ hợp mà là tiểu doanh thương mới ra đời trong vòng năm ba năm trở lại.

Khi ấy, ta đụng vào loại lý do thứ nhì, thuộc về môi trường kinh doanh.

Trên thị trường, doanh gia có thể xoay trở trước mọi chướng ngại để kiếm lời. Nếu thấy có lời thì họ mở thêm cơ sở làm ăn và tuyển người. Nhưng không ai dám lấy quyết định kinh doanh trong một môi trường bất trắc, khi mà luật lệ thay đổi và rủi ro gia tăng mà chẳng ai đoán nổi. Đó là hoàn cảnh ngày nay của doanh trường Hoa Kỳ.

Trong mấy năm qua, chính trường đổ lỗi cho sự hoang dại của thị trường và liên tục đặt ra luật lệ mới và sắc thuế mới, được ngụy trang thành những đóng góp cho tình liên đới xã hội. Hệ thống luật lệ nhiêu khê phức tạp và hay thay đổi trở thành một ma trận có thể phục kích các tiểu doanh thương trong từng bước đầu tư và sản xuất. Và chính trường là một mê cung với những khẩu hiệu kết án doanh gia là tham lam, doanh nghiệp là vô cảm, làm giàu là cái tội!

Nhiều công trình nghiên cứu của Đại học Harvard hay các ngân hàng dự trữ địa phương đều nói đến môi trường kinh doanh bất trắc tại Hoa Kỳ là lý do khiến doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh sút kém. Một cuộc khảo sát khác về mức tự do kinh tế cho thấy năm qua nước Mỹ bị tụt hậu so với các nền kinh tế công nghiệp khác.

Rốt cuộc thì chúng ta đang gặp một nghịch lý. Trong một năm tranh cử, các đại tổ hợp đều châm tiền ủng hộ chính trường với khẩu hiệu "thân hữu với doanh nghiệp" – pro business – và chiếm thế mạnh trên doanh trường, một biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa tư bản thân tộc. Trong khi ấy, các tiểu doanh thương thấp cổ bé miệng, có 100 nhân công trở xuống, lại bị chính trường vây bủa bằng hệ thống luật lệ kiểm soát và những ẩn phí bất ngờ trong những đạo luật ngàn trang. Họ không dám tuyển thêm người.

Vấn đề không nằm ở thị trường mà trong chính trường đầy nhiễu âm và hứa hẹn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét