Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Ma Chiến Hữu và sự xâm lăng về văn hóa


Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đã giành giải Nobel Văn chương 2012

Theo BBC thì nhà thơ  Trần Mạnh Hảo của Việt Nam cho rằng Mạc Ngôn được giải Nobel 2012 “là xứng đáng” nhưng ông Hảo “cũng tỏ ý tiếc vì tiểu thuyết Ma chiến hữu của nhà văn Trung Quốc này viết về cuộc chiến tranh Trung-Việt 1979.”
Ma Chiến Hữu đã được dịch sang tiếng Việt và được NXB Văn Học  xuất bản năm 2008. Việc này đã gây xôn dư luận trong cộng đồng mạng và vào thời điểm đó đã có rất nhiều bài  chỉ trích việc xuất bản tác phẩm này ở Việt Nam, đặc biệt là phê phán những lời đề dẫn của một NXB của Việt Nam mà lại có ý thiên vị cho cách nhìn của người Trung Quốc đối với cuộc chiến Việt – Trung, trong khi những người viết trong nước lại bị cấm đoán không được đề cập đến chủ đề nhạy cảm này.
Nhân sự kiện này, chủ blog tôi xin đăng lại một bài viết của mình đã đăng trên BBC  vào thời điểm đó về cuốn Ma Chiến Hữu:

Ma Chiến Hữu và sự xâm lăng về văn hóa
(Bài trên BBC)
 


“Ma Chiến Hữu” chỉ là một hiện tượng riêng lẻ trong tình trạng xuất bản và lưu hành tràn lan và vô nguyên tắc các ấn phẩm TQ trong thời gian qua.
Trao đổi văn hóa tương xứng 2 chiều sẽ làm tăng sự hiểu biết giữa các dân tộc. Nhưng sự thâm nhập văn hóa 1 chiều, cho dù không có yếu tố chính trị hay độc hại, cũng vẫn là sự xâm lăng văn hóa. Ta có thể nhận thấy, không chỉ riêng tác phẩm này của Mạc Ngôn, việc xuất bản và truyền bá các ấn phẩm, phim ảnh TQ tràn lan trong nhiều năm trở lại đây về các vấn đề lịch sử, văn hóa , trong khi thiếu vắng những tác phẩm và phim ảnh Việt Nam về những vấn đề tương tự đã dẫn đến người ta thuộc sử Tàu hơn sử Việt, dần dần sẽ làm cho người VN, nhất là thế hệ trẻ, nhìn nhận các vấn đề theo quan điểm của người Trung Quốc.
Lỗi này có thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:
1) Các nhà văn của chúng ta bỏ trống “trận địa”, không có các tác phẩm văn học nghệ thuật tương xứng.
2) Chúng ta có các tác phẩm tương xứng nhưng Nhà nước không cho lưu hành.
3) Cả hai nguyên nhân trên.
Theo tôi cả Nhà nước và các nhà văn của chúng ta đều cần phải kiểm điểm lại xem lỗi do đâu.
Trở lại cuốn” Ma Chiến Hữu”, mặc dù về lý thuyết, nhiều người đã nói không sai khi cho rằng nên đọc và cảm nhận nó như 1 tác phẩm văn học, “để biết những người lính TQ nghĩ gì về cuộc chiến cũng là điều thú vị…” v.v…, nhưng tôi vẫn cho rằng tại thời điểm này, tốt hơn là chưa nên lưu hành 1 cuốn sách như vậy ở VN khi chúng ta chưa có những tác phẩm tương xứng để người TQ biết những suy nghĩ của nhân dân VN và những người lính VN về cuộc chiến.
Ngay cả giới trí thức, những người đọc rộng hiểu sâu còn có những cảm nhận khác nhau về cuốn sách thì ai dám chắc đa số những người trẻ tuổi, những người sinh ra và lớn lên hàng chục năm sau cuộc chiến, đã đủ tỉnh táo để chỉ tìm thấy sự “thú vị” trong việc “xem quan điểm của người TQ thế nào…”, hay là họ sẽ dần dần suy nghĩ, đánh giá các sự kiện theo cách nghĩ của người TQ. Có thể nói, phần lớn họ chưa hội đủ những hành trang cần thiết để có thể “cảm” được cuốn sách theo hướng thuần túy nghệ thuật cao siêu như nhiều nhà thông thái đã chỉ giáo.
Đừng nói “Ma Chiến Hữu” chỉ là 1 tác phẩm văn học mà dễ dãi trong việc lưu hành. Đừng nói là sự kiểm duyệt chỉ có ở các chế độ độc tài. Đừng nói là người dịch chỉ biết đó là tác phẩm văn học thì dịch.Tư cách là người Việt Nam cần phải cao hơn tư cách của 1 dịch giả trong khi tiếp cận những vấn đề có thể đụng chạm đến lòng tự hào dân tộc.
Chưa kịp chuẩn bị để có được 1 sự giao lưu văn hóa 2 chiều đầy đủ thì việc hạn chế xuất bản, hạn chế lưu hành những ấn phẩm văn hóa nhất định từ nước ngoài là cần thiết. Đó là trách nhiệm của bất kỳ nhà nước nào. Đối với trường hợp của “Ma Chiến Hữu”, lẽ ra điều này càng cần phải được xem xét cẩn trọng hơn khi chủ đề về cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà nó đề cập tới vẫn còn được nhà nước coi là “nhạy cảm” để hạn chế các nhà văn, nhà báo trong nước nói đến trên các kênh chính thống.
Nhưng sự “chuẩn bị” của chúng ta cũng không thể quá chậm trễ. Trong việc này có trách nhiệm của các nhà văn và của cả các “nhà quản lý văn hóa”, để sao cho trong một thời gian không quá lâu, các nhà văn Việt Nam cũng có những tác phẩm nổi tiếng như của Mạc Ngôn và chính sách “quản lý văn hóa” của chúng ta cũng phải đủ thông thoáng, ít nhất cũng giống như TQ, để những tác phẩm đó có thể được lưu hành không chỉ ở VN mà cả ở TQ trong một thời gian không xa.

http://hahien.wordpress.com/2012/10/12/ma-chien-huu-va-su-xam-lang-ve-van-hoa/

1 nhận xét: