Thoắt cái, chân kịp đổi tư thế, lại đã thấy "Sói biển" mặc quần đùi, áo bảo hộ lao động, đầu trần chân đất thoăn thoắt leo lên tàu lấy đồ, xong nằm bò dưới đáy tàu, gõ cành cạch cạo hà bám vỏ, kính lặn che mắt như thể đang mắm môi mắm lợi, bắt Hải sâm - Vú nàng ngoài Hoàng Sa.
Lạ!. Ít có thời điểm nào các "Giám đốc Doanh nghiệp" lại vất vả, bon chen và "thay hình đổi dạng" như cái thời điểm kinh tế khó khăn này.
Hôm rồi xem tivi thấy chuyện mấy anh Giám đốc Đầu tư Nhà đất - Bất động sản, ngày ngồi laptop văn phòng với "sơ mi, áo trắng, cổ cồn", tối đã hóa thân áo phông quần ngắn dép lê loẹt quẹt, bưng bê ốc luộc - mực nướng phục vụ các Thượng đế ngồi vỉa hè...
Họ còn phải vậy, nữa là cái ông Giám đốc Cty mới mở loe toe - kiêm Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, vừa "ra ràng" được vài tháng?..
Nhắc đến chuyện Giám đốc - Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, lại phải nhắc đến cái tên rất oách: "Công ty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn", trụ sở chính đóng ngay tại huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi và dĩ nhiên ai đến thăm nhà Lưu bây giờ, không thể không tò mò bởi xuyên qua ruộng hành tỏi, bước vào sân, sẽ đập ngay vào mắt tấm bảng nền trắng, chữ xanh đến mấy màu, toàn những màu biển và hy vọng.
Vào ngồi trong nhà, ngước mắt lên gác xép là thấy ngay phòng làm việc, với đủ máy tính nối mạng, máy in, điện thoại - fax và nhất là mấy tấm bản đồ to đùng, toàn đánh dấu ngư trường - vị trí đánh bắt cờ xanh dấu đỏ, vươn mãi tít Hoàng Sa - Trường Sa, khẩn trương - hối hả...
Để ra đời được Cty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn, vốn pháp định lên đến gần 10 tỷ đồng, công đầu phải kể đến 5 thành viên khác trong Hội đồng Quản trị, toàn dân sinh ra lớn lên từ biển, đều trên dưới 40 tuổi và đều đã - đang làm những công việc liên quan đến sông biển, thủy sản như: Đóng tàu, bộ đội Hải quân xuất ngũ, buôn bán xuất nhập khẩu Thủy sản... cũng như "duyện phận" gặp Lưu, chơi với nhau và cùng gật gù với ý tưởng: "Phải có cuộc sống đỡ vất vả, cơ cực hơn, ngay từ biển và từ những ngư dân như Mai Phụng Lưu!"...
Từ ý tưởng đến hành động, tưởng dài hóa ra lại rất ngắn, bởi ai cũng săn sắn tay vào việc.
Vài tháng sau, đúng giữa 8/2012, Lưu tất tưởi từ tuyến đầu Biển Đông, dong tàu về cập bãi Đồ Sơn gửi nhờ rồi bó cái đôi chân dài thượt, to như cột buồm, sứt sẹo những vết lặn ngoài Hoàng Sa, thâm tím vết đánh của lũ Hải giám Trung Quốc, ngồi tàu xe cả ngày đêm cùng 5 anh em sáng lập, về TP.Quảng Ngãi làm thủ tục lập Cty.
Thoắt cái vài ngày, Cty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn ra đời.
Hôm nhận Đăng ký Kinh doanh, Lưu cứ sờ sẫm cái tờ giấy in Quốc uy đỏ chon chót, nắc nỏm: "To hơn cả... Sổ đỏ!" khiến ai cũng cười bò, thương thương là!..
Lúc trao Giấy Đăng ký Kinh doanh cho Cty (mà Mai Phụng Lưu được cử làm Giám đốc), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Thích cứ lắc lắc tay động viên: "Cố gắng nhé!. Vì biển đảo quê mình cả đấy!. Lần đầu tiên tỉnh có mô hình Cty Cổ phần Thủy sản thế này!" và gọi điện ngay sang Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Sở NN&PTNT của tỉnh, yêu cầu hướng dẫn Mai Phụng Lưu đăng ký tham gia Chương trình đóng mới tàu đánh cá xa bờ - hậu cần nghề cá, được Chính phủ ưu đãi, nghe đâu ở tít thì tương lai, với bao thứ chờ đợi - ràng buộc...
Được quan tâm và nhất là thấy rõ tương lai phía trước, Lưu càng sướng.
Chả thế mà ngay sau đó, đã gần trưa, mọi người thống nhất sáng hôm sau ra Lý Sơn sớm theo tàu cánh ngầm thường nhật, nhưng Lưu vẫn đưa ra ý kiến: "Xuống cảng Sa Kỳ, đi nhờ thuyền cá ra đảo, sớm tý nào hay tý ấy!" và cười rất... bình thường: "Dần dà, mọi người trong Cty phải tham gia đi biển, rèn luyện sóng gió cho biết thế nào là đánh bắt chứ!".
Dĩ nhiên, dù có kinh qua công việc liên quan đến biển đảo - cá mú cả đấy, nhưng được ngồi cùng nhau trên tàu cá, cảm nhận vị biển miền Trung và nhất là tiền đồn Lý Sơn, cửa ngõ ra với ngư trường Hoàng Sa, ai cũng thích và rầm rầm phóng xe xuống gửi cảng Sa Kỳ, bốc cả biển hiệu Cty, máy móc Văn phòng và cả toàn bộ "Hội đồng sáng lập", lênh đênh vài tiếng đồng hồ tàu gỗ, ra tận đảo, đúng chất... Thủy sản xịn.
Ra đến Lý Sơn, hùng hục chở biển hiệu - thiết bị văn phòng về nhà Lưu, chỉ vợ Lưu tên Lan là đứng ngồi không yên.
Gặng hỏi mãi, mới nhận được câu nhấm nhẳng: "Lão ấy đi biển chuyến nào, trả hết tiền mua chịu dầu - đá chuyến ấy, mang về vài đồng là may, lấy đâu ra tiền mà mần... Giám đốc!".
Lại phải giải thích cặn kẽ, rằng thì là tiền nong do anh em đóng góp, vay mượn, Lưu chỉ đóng góp bằng hiện vật tàu và việc làm Giám đốc, là bầu lên để thêm kêu gọi bà con Lý Sơn, ngư dân cùng chung sức làm ăn, dễ dàng mua bán sản phẩm đánh bắt... vợ Lưu mới chịu và te tái đi... làm mồi nhậu.
Mà lo lắng cũng phải. Do ngành nghề kinh doanh chính của Cty là Khai thác thủy sản biển, Khai thác thủy sản nội địa, đánh bắt xa bờ, Nuôi trồng thủy sản biển, Nuôi trồng thủy nội địa, Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản, Chế biến và đóng hộp thuỷ sản, Chế biến và bảo quản thuỷ sản đông lạnh, Du lịch - dịch vụ lưu trú ngắn ngày, Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, Đóng tàu và cấu kiện nổi... nên việc đầu tiên, quan trọng của Cty là đóng 1 con tàu sắt trọng tải lớn, vừa làm nhiệm vụ hậu cần nghề cá, vừa đánh bắt xa bờ.
Hiện con tàu này đang được triển khai đóng mới tại TP. Hải Phòng, với những thông số đạt "chuẩn hơn cả chuẩn" làm nhiệm vụ hậu cần nghề cá ngoài biển xa, đơn cử như: Chiều dài gần 50 m, Chiều rộng gần 8 m, Chiều cao hơn 4 m, Mớm nước hơn 3 m, Máy chính: 420CV x 2, Máy phát điện: 75 kw x 2, Tốc độ trung bình của tầu: 12 - 13 hải lý/h, Khoang hầm hàng: 400 m3, Nước ngọt chuyên chở: 50 m3, Nhiên liệu: 70 m3, Thuỷ thủ đoàn: 20 người, Tầm hoạt động: 3.000 hải lý... Đặc biệt con tàu có thể hoạt động cả tháng trời trên biển và chịu đựng được sóng cấp 6-7.
Như thế thì nhiều tiền, nhiều bạc lắm. Mà mấy anh em sáng lập, cũng chỉ cầm cố - vay mượn được đến chừng ấy, để làm vốn pháp định và thuê kho bãi, mua xe cộ, đảm bảo hoạt động của khung cứng Cty...
Chứ để đẩy nhanh tiến độ đóng mới tàu hậu cần nghề cá, giúp cho ngư dân thuận lợi mua bán thủy sản - yên tâm đánh bắt ở ngư trường xa, thì dường như, vẫn còn cần nhiều sự giúp đỡ, của chính hệ thống Ngân hàng.
Mình xuống Hải Phòng, mấy ngày cứ loanh quanh tìm cách nào đó gỡ chuyện vốn vay cho cái Cty mới ra ràng của Thuyền trưởng - Giám đốc Mai Phụng Lưu và những anh em bộ đội xuất ngũ, giáo viên Hàng hải, quản lý Thủy sản... mà cứ thấy rối, chả khác nào canh hẹ.
Buồn xo với Lưu, ngồi nhô vai bên mép nước, Lưu kể: Có đi biển mới thấy ức khi nhìn tụi Trung Quốc đánh bắt cá rất chính quy, có tàu mẹ làm hậu cần (cung cấp nước - dầu - đá - cứu thương - ăn uống - sinh hoặt - lai dắt cho tàu nhỏ và thu mua, chế biến bảo quản sản phẩm dài ngày trên biển), cho hàng vài chục tàu chuyên đánh bắt khác yên tâm hoạt động cả tháng trên biển.
Chả bù cho tàu mình bé bằng cái mắt muỗi, kiếm được mẻ cá là hộc tốc chạy vào bờ, bán cho "đầu nậu" thu mua theo hình thức trả nợ tiền dầu, đá, lãi mua thuê tàu, cầm được về nhà mỗi người triệu bạc là may...
Với những tàu gặp vận đen, lang thang hết ngư trường này đến góc biển khác, tàu rỗng vẫn hoàn rỗng, đến lúc cạn dầu - hết nước, lại lủi thủi về bờ, nợ chồng nợ, đồng lần nặng sụm vai...
Chả nói đâu xa, ngay ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, bao tàu của ngư dân ta, cứ bắt được con cá nào là lại cẩn thận lựa ra theo loại, trọng lượng và đợi đến ngày mang vào Hải Phòng, Quảng Ninh bán cho thương lái Trung Quốc, dẫu có ỉ ôi chê bôi, nhưng vẫn còn hơn là không ai hỏi đến và sau đó chúng lại mang bán cho các nhà hàng hải sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, với giá trên trời, gấp hàng chục lần so với giá mua tại bến, cho thực khách nhâm nhi...
Chả thế mà khi biết tin Cty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn do Mai Phụng Lưu làm Giám đốc đứng chân hoạt động ở ngay Lý Sơn, với chiếc tàu vỏ sắt hậu cần nghề cá đang được triển khai đóng mới, ngư dân không chỉ ở Lý Sơn, ở Quảng Ngãi, ở miền Trung mà còn ở các ngư trường quen thuộc với Lưu 30 năm qua (Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Thái Lan, Vịnh Bắc Bộ...) í ới qua iCom, điện thoại hỏi han - chúc mừng và cuối chuyện, ai cũng xin "đặt gạch" 1 suất làm thành viên cung cấp hàng thủy sản cho Cty, đồng thời với việc được Cty cung cấp hậu cần trên biển...
Bạn nghề tin tưởng vào Mai Phụng Lưu cũng đúng thôi. Bởi đến giờ, Lưu là một trong số ít những thuyền trưởng tàu cá rành rẽ hơn cả lòng bàn tay từng lạch san hô, sải nước không chỉ ở Hoàng Sa, Trường Sa mà còn cả những ngư trường khác. Bao năm rồi, Lưu không biết đến khái niệm "nhẹ thuyền" khi kết thúc chuyến đi biển, về đến bến..
Mình cũng tẩn mẩn: "Không tin tưởng sao được, khi ngày càng ít những thuyền trưởng như Mai Phụng Lưu dám dong tàu ra khơi xa, dập dờn - canh me bằng mọi cách với quân hung hãn, để khai thác thủy sản và... thuộc từng đường đi lối về, trên biển cả mênh mông!"...
Ấy vậy mà ước mơ giúp bạn chài làm giàu từ biển, đỡ vất vả từ biển của Lưu cũng khó mà thực hiện được.
Thuyền trưởng - Giám đốc Mai Phụng Lưu cũng như hàng vạn ngư dân khác, vẫn thường xuyên nghe - xem ty tỷ những thứ VTV, VOV... với những từ ngữ đều đặn, quen thuộc liên quan đến "bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển".
Thế nhưng chắc chắn, họ chẳng tin khái niệm đó là thật, khi họ mang hồ sơ, dự án liên quan đến viêc "phát triển kinh tế biển", đến gặp các thể loại Ngân hàng và đều nhận được câu trả lời dập khuôn: "Chưa triển khai nên chưa thể biết được hiệu quả; độ rủi ro cao quá; chưa có hướng dẫn của trên về việc này"...
Chủ trương - Chính sách thường thì nằm trên giấy. Nhưng với người dân thì dù nằm trên giấy, nó cũng là tiếng nói của Đảng - Nhà nước và người ta rất tin.
Lòng tin ở đây, không chỉ đơn thuần là việc mang thân mình ra nơi đầu sóng ngọn gió, làm cột mốc sống mà còn ở việc họ tự nhân bản lòng tin vào tương lai "lắm cá, nhiều cơm", khi chung tay nghĩ cách tự làm giàu, tự đoàn kết tìm đường thoát nghèo...
Đến niềm tin này mà cũng bị rơi rớt mất, thì chẳng còn gì cả.
Và lúc ấy, chắc chắn Giám đốc Mai Phụng Lưu lại đành ngậm ngùi trả lại giấy tờ - dấu má, trở lại nguyên bản ngày xưa: Thuyền trưởng lái tàu, cởi trần - quần cộc, thấp thỏm nấp sau chân sóng Hoàng Sa, chờ tàu Trung Quốc nghỉ canh để lao vào bắt vội vài con cá, lặn mấy nải hải sâm, đúng cách làm ăn của con "Sói biển" đi hoang thửa nào?..
Tự dưng, mình thấy rất lo cho cái mô hình Công ty của Mai Phụng Lưu và bè bạn quá.
Cứ kỳ vọng con tàu vỏ sắt hậu cần nghề cá này xong, thi thoảng kéo anh em nặng lòng với biển đảo - ngư dân, tham gia 1 chuyến đi biển cùng Lưu (giống như đi tour), để cảm nhận về cuộc sống ngư dân, biển trời giàu đẹp và cả những miền đất xa xôi, không phải dễ ai cũng đến được là Hoàng Sa - Trường Sa - DK1 và bao nhiêu hòn đảo lớn nhỏ, nằm phía ngoài bải vệ hình chữ S yêu thương!.. Vậy mà bây giờ, giấc mơ có khi thành dĩ vãng?
Lại tần ngần: Ai có cách gì, giúp cho "Sói biển", giúp cho Cty ngư dân nhà mình với, nhỉ?..
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CTY CP THỦY SẢN LÝ SƠN DO MAI PHỤNG LƯU LÀM GIÁM ĐỐC
Mang biển hiệu Cty từ đất liền ra đảo |
Khui lon bia cúng ông bà - thổ công - thần biển cùng cạn, mong sự phù hộ độ trì, làm ăn thuận lợi |
Chụp chung với các Thành viên Hội đồng sáng lập Cty nào |
Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Mai Phụng Lưu tại Trụ sở Cty, ở Lý Sơn |
Một số tàu đánh bắt trong Cty đang bảo dưỡng, chuẩn bị đi biển |
Tàu đánh bắt tham gia Cty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn |
Đăng bỡi: Tranhung09
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét