Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI 18 ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC: Quân sự hóa Ban Chấp hành Trung ương mới?

Dư luận và giới quan sát rất quan tâm đến Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 18) sẽ diễn ra vào trung hoặc hạ tuần tháng 10/2012.
Nhận định này được đưa ra ngay sau tuyên bố hôm 14/8 của Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Vương Kinh Thanh: 2.270 đại biểu vừa được lựa chọn tham dự Đại hội 18 đều là những người ưu tú trong tổng số hơn 82 triệu đảng viên và Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội 18 sẽ thẩm tra tư cách của họ. Trước đó (13/8), Tân Hoa xã đưa tin, 2.270 đại biểu đã được chọn để tham dự Đại hội 18, tăng 57 người so với 2.213 đại biểu tại Đại hội trước. 2.270 đại biểu kể trên được bầu với tuổi trung bình là 52, trong đó gần 60% ở độ tuổi dưới 55.
Quân đội tăng ảnh hưởng
Dư luận rất quan tâm tới tỷ lệ hơn 10% số đại biểu tham dự Đại hội 18 đến từ lực lượng vũ trang bởi trong số 2.270 đại biểu, có 251 đại biểu quân đội và 49 đại biểu công an, cảnh sát vũ trang. Cách đây không lâu (8/8), tờ New York Times từng đưa tin, ban lãnh đạo dân sự đang lo ngại trước sự gia tăng ảnh hưởng và sự “xâm lấn” trong lĩnh vực chính trị của giới quân sự. Nhận định này được đưa ra sau khi một số tướng lĩnh và đô đốc hải quân nhiều lần kêu gọi chính phủ đẩy mạnh các hoạt động xác lập chủ quyền phi pháp tại Biển Đông. Bên cạnh đó là sự phản ứng trước việc Bắc Kinh đã và đang tiến hành một chiến dịch chống lại tình trạng “vượt kiểm soát và tham nhũng” trong giới quân đội. Theo sách trắng quốc phòng mới xuất bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng lưu ý tới sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của giới quân đội trong các quyết sách của Bắc Kinh. Được biết, trong tháng 7, Quân ủy Trung ương đã bổ nhiệm một loạt vị trí cao cấp tại các quân khu, binh chủng và đây là đợt thuyên chuyển lớn nhất trong nhiều năm qua nhằm tăng cường sự kiểm soát của Trung ương đối với quân đội. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đợt thuyên chuyển và thăng chức trong tháng 7 cho thấy, Trung ương muốn gia tăng kiểm soát nội bộ bằng cách dựa vào quân đội.



Ông Hồ Cẩm Đào (bên trái) và ông Tập Cận Bình tại một hội nghị Trung ương


Tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo Trung Quốc đưa tin, ít nhất 14 sĩ quan cấp cao đã được thăng chức hoặc điều chỉnh vị trí trong tháng 7. Trong số này đáng chú ý có ông Phòng Kiện Quốc, được cử làm Chính ủy Không quân Quân khu Lan Châu, kiểm soát vùng Tây Bắc gồm Tân Cương. Tiếp đến là cựu Chính ủy Hạm đội Bắc Hải (NSF) Vương Đặng Bình được cử làm Chính ủy Hạm đội Nam Hải (SSF) bởi ông từng tuyên bố khá hiếu chiến tại kỳ họp Chính hiệp và Quốc hội (tháng 3/2012): Hải quân không thể và tuyệt đối không cho phép lãnh thổ hao mòn, huống hồ mất đi và chúng tôi có quyết tâm, khả năng và các giải pháp! Theo thống kê, Hải quân Trung Quốc hiện vẫn chưa có tàu sân bay hiện đại, mới có 1 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 48 tàu ngầm thông thường. Ngoài trang thiết bị, để có thể trở thành siêu cường hải quân, Trung Quốc cần một khoảng không gian rộng lớn tại Biển Đông và đường lưỡi bò được coi là cầu nối để thực hiện tham vọng này.
Chủ tịch Mao Trạch Đông từng tuyên bố “Súng đạn đẻ ra chính quyền”. Giới phân tích cho rằng, những người có tên trong số 12 thành viên của Quân ủy Trung ương (trong đó có Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch) đều là lãnh đạo tương lai của quân đội. Bởi trong số 12 thành viên Quân ủy Trung ương có tới 10 người là quân nhân chuyên nghiệp và đều đeo hàm Thượng tướng. Tuy chỉ có 2 là “ngoại đạo”, nhưng vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương thuộc về Tổng bí thư, Chủ tịch nước, còn Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương sẽ thuộc về “nhân vật thứ hai”. 2 ghế Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương khác sẽ thuộc về “người xứng đáng”. Nếu chiểu theo quy định về tuổi tác thì trong 10 thành viên của Quân ủy Trung ương hiện nay chỉ còn Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Chủ nhiệm Tổng bộ Trang bị (63 tuổi) và Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, Tư lệnh Không quân (62 tuổi) là chắc chắn ở lại và nhiều khả năng sẽ trở thành tân Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Thượng tướng Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân (sinh tháng 8/1945) nếu chưa nghỉ hưu có thể sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Nếu Thượng tướng Ngô Thắng Lợi phải nghỉ hưu thì người giữ chức vụ này sẽ là Thượng tướng Chương Tấm Sinh, Phó tổng tham mưu trưởng thường trực.
Giới truyền thông phương Tây cho rằng, ngân sách quân sự thường niên của Trung Quốc tăng mạnh, từ 19 tỉ bảng Anh năm 2000 lên 76 tỉ bảng Anh năm 2010 và đây là dấu hiệu quân đội đang tăng cường ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Theo thống kê, từ năm 1990 đến nay, mỗi năm ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gần như đều tăng trưởng trên 2 con số. Tháng 3, ông Hồ Cẩm Ðào từng nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các lực lượng vũ trang là “bảo đảm ổn định chính quyền, hệ thống chính trị và trật tự xã hội nhằm bảo vệ quyền lực của đảng”. Theo thống kê, tốc độ tăng ngân sách quốc phòng trong 23 năm qua của Trung Quốc đều ở mức hai con số, do đó giới chuyên gia thuộc Công ty Phân tích quốc phòng IHS Jane cho rằng, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể trong 3 năm tới, đạt 120 tỉ USD năm 2012 và 238 tỉ USD vào năm 2015.
Mối quan tâm đặc biệt của Trung Quốc đối với ASEAN tại thời điểm hiện nay khiến dư luận cho rằng, Bắc Kinh đã hạ quyết tâm thực hiện chiến lược độc bá Biển Đông. Mối quan tâm của Bắc Kinh được thể hiện qua chuyến thăm Indonesia, Brunei và Malaysia (từ 9 đến 13/8) của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, cử bà Dương Tú Bình làm Đại sứ – Trưởng phái đoàn Đại diện Thường trực Trung Quốc tại ASEAN, tác động để Campuchia không ra thông cáo chung AMM45. Mới đây (5/8), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh tái khẳng định quan điểm “không quốc tế hóa vấn đề liên quan tới tranh chấp Biển Đông” bởi theo bà “Biển Đông không phải là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc, mà là vấn đề giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực ASEAN”. Giới chuyên môn cảnh báo, Bắc Kinh sẽ tác động khi ASEAN họp hội nghị thượng đỉnh để đàm phán Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm đúng 10 năm ký DOC tại Campuchia.
Đại hội 18 – cuộc cải tổ lớn nhất trong lịch sử
Nhiều người dự đoán, Đại hội 18 sẽ được khai mạc vào thời điểm trung hoặc hạ tuần tháng 10 bởi cách đây gần 5 năm (15/10/2007), Đại hội 17 chính thức khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh với sự tham dự của 2.213 đại biểu đại diện cho hơn 73 triệu đảng viên. Đại hội 18 sẽ chứng kiến một đợt cải tổ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc bởi có tới 7/9 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ nghỉ (theo quy định tuổi), cùng 17/25 Ủy viên Bộ Chính trị và khoảng 200 trong tổng số 350 Ủy viên Trung ương dự kiến sẽ ra đi. Hiện có 2 luồng thông tin khác nhau về số lượng và nhân sự trong thường vụ Bộ Chính trị – có người nói giảm từ 9 xuống 7 thành viên, nhưng cũng có tin cho rằng, sẽ mở rộng lên 11 thành viên. Trong số 9 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, chỉ có 2 người chắc chắn ở lại là Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường và họ là hạt nhân lãnh đạo của thê đội 5. Năm 2009, tạp chí Time từng chọn Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới.
Vấn đề nhân sự tại Đại hội 18 đặc biệt quan trọng bởi những người được chọn sẽ là hạt nhân lãnh đạo Trung Quốc từ nay tới năm 2020 – giai đoạn hoàn tất “công đoạn thứ 2” trong 3 hiện đại hóa mà Đặng Tiểu Bình đề ra. Do đó, đây là việc lựa chọn nhân sự cho cả Đại hội 18 và Đại hội 19. 2012 không những được coi là năm bản lề đối với Trung Quốc – khởi đầu giai đoạn thay đổi liên tục, mà còn là một năm có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với quốc gia hơn 1,34 tỉ người, bởi là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), là năm thứ 34 thực hiện chính sách cải cách mở cửa (1978-2012), năm thứ 21 thực hiện chiến lược tăng tốc kinh tế, năm thứ 20 chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Do đó việc chuẩn bị người kế nhiệm tiếp tục thực hiện những thành công mà ban lãnh đạo hiện nay (thê đội 4) do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào làm hạt nhân có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.



Những gương mặt của thê đội 6

9 Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Đại hội 17 gồm các ông: Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc, Ôn Gia Bảo, Giả Khánh Lâm, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lý Trường Xuân, Hạ Quốc Cường và Chu Vĩnh Khang. Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, có 3 nhân vật chắc chắn sẽ có mặt tại thường vụ Bộ chính trị Đại hội 18 là Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều.
Tiếp đến là Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn, Phó thủ tướng Trương Đức Giang và Bí thư Quảng Ðông Uông Dương. 3 nhân vật có thể sẽ được cân nhắc là ông Lệnh Kế Hoạch, ông Hồ Xuân Hoa và ông Mạnh Kiến Trụ. Ngoài ra, dư luận còn đề cập tới bà Lưu Diên Ðông, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Phó chủ tịch Chính hiệp, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Lưu Vân Sơn, Ðại tướng Từ Tài Hậu, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Giới phân tích nói rằng, cuộc chạy đua vào ban lãnh đạo Trung Quốc (Ủy viên Bộ Chính trị) là một quá trình bí mật với những rà soát, thương lượng và xây dựng liên minh, khác hẳn với cuộc chạy đua công khai vào Nhà Trắng đang diễn ra tại Mỹ.
Dư luận cũng quan tâm tới tin nói rằng, ngày 6/8, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng kéo dài một tháng đã diễn ra tại Bắc Đới Hà. Sự xuất hiện của cựu Tổng bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, năm nay 85 tuổi, mặc dù có vấn đề về sức khỏe nhưng vẫn có mặt tại hội nghị. Sự xuất hiện của ông Giang Trạch Dân tại Bắc Đới Hà được coi là nhằm hậu thuẫn cho những người thân cận được thăng chức tại Đại hội 18. Ít nhất có 2 nhân vật được cho là nhận được sự tiến cử của ông Giang Trạch Dân. Đó là Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Phó thủ tướng kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trương Đức Giang. Chỉ riêng cuối tháng 7, ông Giang Trạch Dân được giới truyền thông nhắc tên 3 lần trong một tuần. Cũng trong ngày 6/8, tờ Nhân dân nhật báo cũng đăng bài viết ca ngợi cựu Thủ tướng Lý Bằng, năm nay 83 tuổi. Giống như ông Giang Trạch Dân, ông Lý Bằng muốn thê đội 5 với ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường hiểu rằng: các “Thái thượng hoàng” vẫn còn ảnh hưởng. Tờ Sankei của Nhật Bản cho rằng, cuộc đấu giành quyền chủ đạo giữa phái Hồ Cẩm Đào với phái Giang Trạch Dân liên kết với Phó chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là tiêu điểm được chú ý nhất tại Đại hội 18.
Tuy chỉ là tiểu tiết, nhưng việc “ngã ngựa” của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành phố Trùng Khánh Bạc Hy Lai trước Đại hội 18 cũng được dư luận quan tâm bởi trong thời gian diễn ra Đại hội 17, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành phố Thượng Hải Trần Lương Vũ đã bị khai trừ khỏi đảng và bị xét xử với mức án 18 năm tù. Dư luận cũng đề cập tới hạt nhân lãnh đạo của thê đội 6. Theo hãng Reuters, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã tìm được nhân vật có thể giúp gìn giữ và phát huy ảnh hưởng và di sản của mình sau khi nghỉ hưu, đó là Bí thư Khu tự trị Nội Mông Hồ Xuân Hoa. Mặc dù không có quan hệ huyết thống hay họ hàng, nhưng Bí thư Khu tự trị Nội Mông Hồ Xuân Hoa đang nhận được sự ủng hộ ngầm của ông Hồ Cẩm Đào. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đánh giá rất cao ông Hồ Xuân Hoa và nếu may mắn, Bí thư Khu tự trị Nội Mông sẽ trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trẻ nhất khi mới 49 tuổi.
Ngoài Hồ Xuân Hoa – Bí thư Khu tự trị Nội Mông, dư luận cũng đề cập tới lãnh đạo 5 tỉnh, thành (Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, Liêu Ninh, Cát Lâm) sẽ được “thăng quan tiến chức” tại Đại hội 18. Đó là Trương Cao Lệ, Trương Khánh Lê, Viên Thuần Thanh, Vương Mân, Tôn Chính Tài. Trong số này, Bí thư Hà Bắc, Sơn Tây được xem là đồng minh chính trị của ông Hồ Cẩm Đào bởi có xuất phát điểm và từng kinh qua phần lớn sự nghiệp từ Đoàn Thanh niên. Giới bình luận cho rằng, đội ngũ lãnh đạo từ nay tới năm 2030 đã hiện hình và họ đều trẻ, ít nguồn gốc ý thức hệ, được đào tạo bài bản. Trong số 31 bí thư tỉnh ủy, 7 người thuộc “phái Đoàn Thanh niên” – cơ sở quyền lực của ông Hồ Cẩm Đào. Trong số 402 thành viên ban thường vụ các cấp ủy, 100 người có bằng tiến sĩ (32 người có bằng tiến sĩ kinh tế), có 148 người, tức 37%, thuộc “phái Đoàn Thanh niên” và điều này cho thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã củng cố vững chắc cơ sở quyền lực của mình. Về tuổi tác, chỉ có 8 trong số 402 người thuộc thập niên 40 của thế kỷ trước, 277 người thuộc thập niên 50, 117 người thuộc thập niên 60.
Đại hội 18 cũng được đánh giá là quan trọng bởi sẽ đề ra những quyết sách mới cho tương lai, nhất là khi chính sách cải tổ và phát triển kinh tế của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mang tính quyết định. Đại hội 18 cũng đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong đời sống xã hội của quốc gia hơn 1,34 tỉ người, bởi theo số liệu điều tra của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố hôm 14/8, nhân khẩu thường trú tại các khu vực thành thị lần đầu tiên vượt qua số nhân khẩu ở nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc kết thúc thời kỳ lấy mô hình thôn xóm làm chủ thể của xã hội, bắt đầu tiến vào thời kỳ đô thị mới lấy thành phố làm chủ thể xã hội.
Theo nhận định của các chuyên gia, quá trình đô thị hóa của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục trong ít nhất là 20 hoặc 30 năm nữa. Giới bình luận cho rằng, đối với người dân, mối quan tâm của họ chủ yếu tập trung vào tiền tệ, giá cả leo thang, bảo hiểm xã hội, việc làm, quyền bảo vệ dân chủ và lợi ích tài sản, thị trường bất động sản, chênh lệch thu nhập giàu – nghèo, vấn đề Đài Loan, tình trạng tham nhũng và an ninh xã hội. Theo thống kê, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm 2006 đã vượt qua con số 21.000 tỉ NDT (hơn 2.800 tỉ USD, đứng thứ tư thế giới), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.760 tỉ USD (đứng thứ 3 thế giới). Do đó, những vấn đề đặt ra đối với thê đội 5 là nặng nề, nhất là khi Trung Quốc đã trở thành cường quốc thứ 2 thế giới về kinh tế. Bên cạnh đó là những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt như khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, sức ép việc làm gia tăng, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, khu vực ngày một lớn, môi trường sinh thái bị phá hoại, phát triển xã hội tụt hậu so với phát triển kinh tế… Thúc đẩy phát triển khu vực miền Tây cũng là một trong những chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bởi liên quan tới những tỉnh và khu tự trị nghèo như Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Tân Cương, Nội Mông, Quảng Tây.
Hồng Thất Công – Tuấn Quỳnh
@PetroTimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét