Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

VẪN CHƯA CÓ GÓI KÍCH CẦU THỨ HAI???


Thành phố Hồ Chí Minh

Cần có thêm gói kích cầu tiếp theo

SGTT - Cần thiết phải có gói kích thích kinh tế tiếp theo kèm theo những thay đổi linh hoạt, phù hợp hơn với tình hình mới.

Ngày 17.9, phiên thảo luận lấy ý kiến từ hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, đại diện các doanh nghiệp, các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã diễn ra dưới sự chủ trì của chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân và chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thuý. Cuộc họp đã thống nhất ý kiến của các đại biểu: cần thiết có gói kích thích kinh tế tiếp theo kèm theo những thay đổi linh hoạt, phù hợp hơn với tình hình mới.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, kể từ có kích cầu (từ tháng 2.2009), giá trị sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng dần và tám tháng đầu năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 5,5% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ từ tháng 3.2009 đến nay tăng trưởng bình quân 18%/tháng so cùng kỳ; trong sáu tháng đầu năm 2009 thành phố cũng đã giải quyết được việc làm mới cho 17.260 lao động…

Ônh Hồ Hữu Hạnh, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, đến đầu tháng 9.2009, tổng dư nợ cho vay cấp bù lãi suất trên địa bàn thành phố đạt 79.689 tỉ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ hỗ trợ lãi suất (HTLS) cả nước và chiếm 15,99% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chiếm 45,6% dư nợ cho vay HTLS, ngành thương nghiệp, sửa chữa… chiếm 30,9% dư nợ cho vay HTLS. Đặc biệt, thông qua gói kích cầu trên, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đã vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, qua kết quả khảo sát thực tế gần 200 doanh nghiệp có dư nợ cho vay HTLS lớn, hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh khác nhau cũng cho thấy một kết quả khả quan: có 69% doanh nghiệp cho rằng chính sách HTLS đã góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Điển hình như công ty Vissan, sau sáu tháng tham gia chương trình kích cầu, với số tiền vay 160 tỉ đã giúp giảm giá thành sản xuất.

Trước những thành công này, nhiều đại biểu kiến nghị nên có gói kích cầu tiếp theo sau khi gói kích cầu bù lãi suất 4% năm cho doanh nghiệp kết thúc vào 31.12 tới.

Ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng, nên tiếp tục thực hiện gói kích thích kinh tế thứ hai theo hướng thu hẹp phạm vi và đối tượng được HTLS. Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho rằng: gói kích thích thứ hai nên triển khai trong thời gian tối đa sáu tháng với lãi suất không quá 2%/năm; thu hẹp đối tượng để tránh lợi dụng HTLS, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực xuất nhập khẩu và thâm dụng lao động như may mặc, da giày, thuỷ sản. Phó chủ tịch thường trực hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Phạm Ngọc Hưng kiến nghị triển khai gói kích thích thứ hai đến hết năm 2010; chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng hoá tiêu dùng cho ngày tết và doanh nghiệp đông công nhân lao động. “Chính phủ nên tiếp tục gói cho vay kích cầu đợt hai để các doanh nghiệp tiếp tục chương trình đưa hàng về nông thôn”, ông Bùi Duy Đức, tổng giám đốc công ty Vissan kiến nghị.

Tùng Quang





Nhìn lại gói một, hướng đến gói hai

SGTT - Chính phủ có vẻ đang thiên về một gói kích thích kinh tế thứ hai cho Việt Nam với quy mô nhỏ hơn trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đang chứng kiến những dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, các phản biện chính sách đang gia tăng đòi hỏi về một tổng kết và sự minh bạch của gói kích cầu thứ nhất đang triển khai, trước khi có gói hai.

Đây là những ý chính trong một cuộc hội thảo do uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức trong hai ngày 7 – 8.9 tại Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Những ý kiến này, theo phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sẽ giúp Quốc hội có cái nhìn sâu sắc hơn về chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ trong kỳ họp vào trung tuần tháng 10 tới.

Góc nhìn của nhà làm chính sách

Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến nói: “Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả gói kích thích hiện tại, và nghiên cứu một gói kích thích thứ hai để nền kinh tế phát triển lành mạnh”. Ông giải thích: “Một chương trình kích thích kinh tế nếu có cho năm 2010 chắc chắn sẽ phải đưa ra những giải pháp thực thi khác, không lặp lại chương trình như vừa qua”. Ông Tiến tiết lộ điều này sau khi nhắc lại việc thống đốc NHNN đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại giảm dần và chấm dứt hỗ trợ lãi suất 4% vào cuối năm.

Ông Tiến là một trong những người kiên quyết bảo vệ tính hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất 4%. Trong tổng số hơn 400 ngàn tỉ đồng cho vay đến thời điểm này (trong tổng số 630 ngàn tỉ đồng dự kiến liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 17 ngàn tỉ đến cuối năm nay), có 15,6% được phân bổ cho khu vực nhà nước, 17,4% cho hợp tác xã và hộ gia đình, và số lớn còn lại 67% là cho các doanh nghiệp tư nhân.

Ông lạc quan nói: “Tuy chỉ có 17,4% khu vực kinh tế hộ và cá thể vay được, nhưng thực chất là đã có hàng chục triệu hộ gia đình nhận được khoản hỗ trợ này. Như vậy chúng ta đã thấy tác dụng tích cực của gói kích cầu, giúp cho hàng chục triệu hộ gia đình có thể vượt qua được khó khăn”.

Ông cho biết NHNN đã lập các đoàn kiểm tra thực hiện chính sách kích cầu từ tháng 4. “Đến nay, các hệ thống ngân hàng đều vào cuộc kiểm tra xem từng hồ sơ, trường hợp nào đúng, trường hợp nào đúng mà lại không được vay,… thì đã thấy doanh nghiệp tiếp cận được”.

Trong một nỗ lực làm nhẹ bớt các quan ngại về chuyện đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản, ông khẳng định cho vay bất động sản chiếm chưa đến 10% và kinh doanh chứng khoán chưa đến 0,6% tổng dư nợ. Ông nói: “Tôi xin nói chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng vốn sai”.

Với tư cách là chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm đồng tình có gói hỗ trợ lãi suất thứ hai: “Gói kích thích (bù lãi suất) giai đoạn một đã giúp doanh nghiệp trụ lại và tạo chuyển biến rồi. Tôi khẳng định, (Chính phủ) nên tiếp tục cho giai đoạn hai”.

Góc nhìn phản biện

Tuy vậy, những số liệu ông Tiến đưa ra trong chương trình hỗ trợ lãi suất không thoả mãn các chuyên gia kinh tế. Viện phó viện Nghiên cứu phát triển Phạm Chi Lan nói: “Khó nhất là không có đủ thông tin để đánh giá về chương trình hỗ trợ lãi suất. NHNN nên yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo rõ danh sách các doanh nghiệp vay để xem bao nhiêu tiền đã đi vào nền kinh tế thực”.

Bà khuyến nghị rằng, Chính phủ nên giữ vững những cam kết đã đưa ra với cộng đồng doanh nghiệp. “Đầu tháng 4, Chính phủ đã nói rõ về thời gian của gói hỗ trợ lãi suất 4%. Bây giờ mà kéo dài, hay chịu lobby để kéo dài thì không ổn”.

“Nếu không dùng hết 17 ngàn tỉ đồng, thì đúng thời hạn (31.12 tới) Chính phủ cũng nên dừng lại… chứ hỗ trợ lãi suất kéo dài thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp hay nhóm lợi ích lợi dụng”, bà Lan nói.

Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên trích báo cáo của NHNN, rằng Chính phủ mới chỉ chuyển vỏn vẹn 1 ngàn tỉ đồng trong tổng số 17 ngàn tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Đây là việc quá chậm trễ, vì số tiền thanh toán thực trong tương quan với dư nợ 400 ngàn tỉ đồng phải lên tới 16 ngàn tỉ đồng. “NHNN phải thanh toán ngay, đừng để ngân hàng thương mại thiếu vốn, thiếu thanh khoản vì họ đã bắt đầu cuộc đua lãi suất”, ông Thiên nói.

Nhìn lại toàn cục gói kích thích kinh tế trị giá tới 143 ngàn tỉ đồng (8 tỉ USD) mà Chính phủ đã công bố đầu năm nay, ông Thiên cho rằng thực tế Chính phủ mới chỉ chi ra rất ít tiền thực. Ông nhận xét, Chính phủ mới chi cho người nghèo ăn tết 1.700 tỉ đồng, chi hỗ trợ 4% lãi suất 1.000 tỉ đồng và miễn giảm thuế các loại 10 ngàn tỉ đồng, tức là chỉ có 13 ngàn tỉ đồng từ khi công bố gói kích cầu đến nay. Bên cạnh đó, trái phiếu chính phủ có thật bao gồm 8 ngàn tỉ đồng chuyển nguồn từ năm 2008 và 5,4 ngàn tỉ đồng (14% kế hoạch) phát hành từ đầu năm đến nay?

Theo ông Thiên, nhiều khoản của gói kích cầu 8 tỉ USD đã bị tính trùng vì vẫn tiêu bình thường trong các năm trước.

Trong khi đó, ông Kiêm cho rằng, hàng loạt các chính sách lớn như hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất, mua thiết bị, công nhân thất nghiệp, doanh nghiệp tái cơ cấu,… mới chỉ dừng ở trên giấy.

Ông Thiên nói, bất chấp chuyện tiền bơm ra ít, nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục rõ rệt với tình hình thất nghiệp, đời sống nhân dân, và hụt thu ngân sách đều không quá nghiêm trọng. “Thế nghĩa là việc công bố gói kích cầu 8 tỉ USD đã giúp tạo lòng tin rất lớn”.

Tư Giang


nguồn: http://www.sgtt.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét